Hotline 24/7
08983-08983

Có phải phẫu thuật khiến ung thư di căn nhanh hơn, khó điều trị hơn?

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. Có nhiều cách để điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phẫu thuật có thể khiến ung thư nhanh tiến triển. Liệu đây có phải là quan niệm đúng? ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu - Bệnh viện TP Thủ Đức đã giải đáp trong bài viết sau đây.

1. Bệnh nhân ung thư ở giai đoạn nào thì nên phẫu thuật?

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp để điều trị ung thư, trong đó phẫu thuật vẫn là một phương pháp kinh điển. Vậy thưa BS, bệnh nhân ở giai đoạn nào của ung thư có thể thực hiện phương pháp này ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Có thể nói, phẫu thuật là một phương pháp lâu đời và vẫn đóng vai trò chính trong điều trị nhiều loại ung thư khác nhau.

Phẫu thuật có thể thực hiện trong mọi giai đoạn của bệnh ung thư, tùy vào từng mục đích khác nhau. Chẳng hạn với bệnh nhân ung thư da, ung thư vú hay ung thư ruột giai đoạn sớm, mục đích của phẫu thuật là cắt khối u ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

Đối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn trễ, phẫu thuật giúp giải quyết triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Ví dụ, bệnh nhân ung thư thanh quản gây khó thở, phẫu thuật sẽ giúp khai thông đường thở và tạo điều kiện cho các phương pháp điều trị tiếp theo.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - người thầy thuốc tâm huyết với bệnh nhân ung thư thường xuyên nhận lời tư vấn của AloBacsi vì muốn được truyền tải thêm nhiều kiến thức đúng về bệnh lý nguy hiểm hàng đầu hiện nay

2. Trước khi mổ khối u, bác sĩ sẽ thăm khám như thế nào?

Thưa BS, các BS sẽ đánh giá khối u ra sao trước khi quyết định mổ ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Khối u thường không nằm tại một chỗ mà có thể di căn đến nhiều cơ quan khác. Vì vậy, trước khi mổ, các BS phải thăm khám trực tiếp, đánh giá tình trạng di căn của khối u và nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra.

Việc thăm khám cũng là dịp để BS trò chuyện, an ủi, động viên, giải đáp những thắc mắc cho bệnh nhân. Hơn nữa, các BS sẽ dựa vào phương tiện chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp cắt lớp điện toán, chụp cộng hưởng từ, PET/CT) để đánh giá mức độ lan rộng của khối u. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần xét nghiệm để biết được bản chất của khối u, tình trạng bệnh có nhất thiết phải mổ hay chỉ cần điều trị bằng thuốc… Với những dữ kiện đó, BS sẽ quyết định nên mổ rộng đến mức độ nào, có cần thiết phải cắt cơ quan mà bị khối u xâm lấn, tiên lượng tình huống có thể xảy ra trong phẫu thuật,… chuẩn bị chu đáo nhất cho cuộc phẫu thuật.

3. Sự khác nhau giữa ung thư ác tính và ung thư lành tính?

Thưa BS, một khối u ác tính và lành tính khác nhau ở điểm nào? Liệu rằng có phải ung thư chỉ cần mổ là đã đủ không ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Khối u lành tính là khối u chỉ nằm tại một vị trí và không di căn qua hoặc xâm lấn qua cơ quan khác. Ngược lại, khối u ác tính thường có khuynh hướng di căn. Vì vậy, cuộc mổ khối u ác tính lúc nào cũng khó, đòi hỏi độ rộng nhiều hơn so với khối u lành tính.

Hiện nay, người ta thường điều trị ung thư bằng phương pháp đa mô thức, tức có thể dùng một hoặc phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau trên cùng một bệnh nhân. Ví dụ, BS có thể mổ phối hợp với thuốc đặc trị (thuốc uống hoặc thuốc truyền), phối hợp xạ trị hay dùng các phương pháp nhắm trúng đích.

Có thể thấy, mổ là phương pháp chính nhưng không phải là duy nhất. Tùy theo từng giai đoạn và loại khối u mà BS chuyên khoa sẽ quyết định phối hợp một hoặc nhiều phương pháp với nhau để có thể đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.

4. Tái phát ung thư do quá trình phẫu thuật bị sót?

Thưa BS, có một số trường hợp sau phẫu thuật khối u lại tái phát. Vậy đây có phải là do lần trước phẫu thuật bị sót không ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Khối u ung thư thường có khuynh hướng lan ra xung quanh. Vì vậy, phẫu thuật ung thư lúc nào cũng phải rộng hơn so với mổ khối u lành tính (có thể phẫu thuật khối u trong 1 lần và nhanh chóng). Với những khối u ác tính, tế bào ung thư có thể còn sót lại xung quanh khối u. Trong một số trường hợp, ung thư có thể đã lưu hành trong máu bệnh nhân trước đó rồi bám vào một vị trí và phát triển trở lại.

Vì vậy, mặc dù sau khi mổ vẫn có một tỷ lệ nhỏ ung thư tái phát nhưng nếu chúng ta đánh giá kỹ, thực hiện phẫu thuật đúng mức và phối hợp tốt với phương pháp điều trị khác (dùng thuốc đặc trị, tia phóng xạ…) thì có thể giảm thiểu khả năng tái phát của bệnh nhân đến mức thấp nhất.

5. Mổ mở hay mổ nội soi, ung thư dễ tái phát hơn?

Thưa BS, liệu rằng việc tái phát này có phải là do chúng ta lựa chọn mổ mở hay là mổ nội soi không ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Thật ra mổ mở hay mổ nội đều có mục đích chung là lấy toàn bộ tế bào ung thư ra khỏi cơ thể. Tùy vào từng tình huống mà BS sẽ chỉ định nên mổ mở hay mổ nội soi bởi mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng.

Ví dụ, nếu khối u lớn, độ phức tạp cao, đòi hỏi cần nhiều người thao tác, BS sẽ chỉ định mổ mở. Ngược lại, đối với những khối u nhỏ, phẫu thuật nội soi cho phép BS quan sát rõ hơn, có thể thao tác trong những không gian hẹp.

Vì vậy, BS sẽ lựa chọn hình thức mổ nào tốt nhất cho người bệnh. Điều này còn tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh (loại khối u và vị trí khối u) cũng như phương tiện về mặt kỹ thuật của từng bệnh viện.

6. Phẫu thuật khiến ung thư tiến triển nhanh?

Thưa BS, nhiều người cho rằng phẫu thuật chính là nguyên nhân khiến ung thư tiến triển nhanh hơn. Nhờ BS lý giải về vấn đề này ạ.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Đây là suy nghĩ của nhiều bệnh nhân, họ thường thấy lo lắng và sợ mổ, cho rằng “đụng dao đụng kéo” thì khối u sẽ lan ra nhanh hơn.

Chúng ta cần biết rằng, với tế bào ung thư ác tính, nếu không điều trị, theo thời gian chắc chắn khối u sẽ lan ra, đây là diễn tiến tự nhiên của ung thư. Vì vậy, nếu không mổ thì không có nghĩa tế bào ung thư sẽ “yên vị”.

Hiện nay, những phương tiện kỹ thuật hiện đại như chụp cắt lớp điện toán, chụp cộng hưởng từ, có thể đánh giá được mức độ lan rộng của khối u nhưng không phải trường hợp nào cũng cho ra kết quả chính xác. Bởi có những trường hợp kết quả cho thấy khối u nhỏ, nhưng khi mổ thì BS mới phát hiện khối u đã di căn đến nhiều cơ quan khác. Đó là những trường hợp đi quá dự tính của BS. Theo đó, việc ung thư tái phát là do bản chất của bệnh chứ không phải do quá trình mổ.

Ngoài ra, người ta cũng thấy rằng, một số trường hợp sau mổ có sự gia tăng tế bào ung thư trong máu thoáng qua. Nhưng điều này dường như không liên quan đến việc bệnh diễn tiến nặng hơn. Bởi những BS chuyên khoa thực hiện cuộc mổ đều được đào tạo tốt, đảm bảo về mặt kỹ thuật, cô lập khối u để giảm thiểu khả năng sót khối u.

Ở một số bệnh nhân giai đoạn cuối, ví dụ như bệnh nhân có khối u ruột gây tắc ruột và suy kiệt nặng. Trong tình huống này, BS chỉ có thể mổ cấp cứu để giúp bệnh nhân đi vệ sinh lại bình thường. Nếu không mổ, khối u có thể bị vỡ trong bụng, khiến tình trạng ngày càng nguy hiểm hơn. Tình huống này là do bệnh nền, tức là bệnh gốc khối u cơ bản đã nặng. Do đó, trong những tình huống cấp cứu, cuộc mổ chỉ có thể giải quyết biến chứng do bệnh gây ra nên có thể đẩy bệnh nhân vào tình trạng suy kiệt sau mổ. Tuy nhiên, đây là tình huống bất đắc dĩ không ai mong muốn.

Nói tóm lại, mổ vẫn là một trong những phương pháp điều trị chính. Đối với ung thư da, ung thư vú, ung thư ruột,… được phát hiện sớm, phẫu thuật đúng lúc và triệt để có thể giúp chữa khỏi cho bệnh nhân.

7. Tế bào ung thư có lan rộng ra theo đường sinh thiết?

Thưa BS, bạn đọc của AloBacsi thắc mắc rằng liệu có phải tế bào ung thư sẽ đi ra theo đường kim sinh thiết hay không ạ? Nhờ BS lý giải vấn đề này ạ.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Sinh thiết là lấy một phần nhỏ từ khối u ra xét nghiệm để xác định chính xác khối u đó là khối u gì. Sinh thiết khối u là là một động tác bắt buộc trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.

Chẳng hạn với ung thư vú, có rất nhiều loại khác nhau. Theo đó, mỗi loại khối u sẽ hợp những loại thuốc khác nhau, hay một số loại ung thư chỉ cần dùng thuốc mà không cần mổ.

Do vậy, sinh thiết là một trong những xét nghiệm bắt buộc để biết được bản chất khối u. Từ đó, BS có thể dựa vào dữ kiện để lên kế hoạch điều trị, tính toán phương pháp tốt nhất (mổ, dùng thuốc, xạ trị) cho bệnh nhân. Sinh thiết là một phương pháp khá nhẹ nhàng và chính xác, được nhiều nơi áp dụng. Mặc dù vẫn có khả năng tế bào lan ra theo đường kim sinh thiết nhưng đa số những trường hợp này bệnh nhân đã có khối u di căn. Bên cạnh đó, tình huống này thường rất hiếm và các bệnh nhân thực hiện phương pháp sinh thiết bằng kim đều an toàn.

Trong điều trị bệnh nhân ung thư, sinh thiết là phương pháp quan trọng và giúp ích rất nhiều. Đương nhiên phương pháp nào cũng sẽ có tỷ lệ rủi ro nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả mà nó mang lại là tốt hơn hẳn so với rủi ro có thể xảy ra. Do đó, chúng ta không nên quá lo lắng khi điều trị.

8. Người nhà cần làm gì trước và sau khi bệnh nhân ung thư phẫu thuật?

Thưa BS, có thể thấy, ở số phát sóng lần trước BS đã chia sẻ, tâm lý đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị. Vậy với một bệnh nhân ung thư được chỉ định phẫu thuật thì người nhà nên an ủi, cũng như là xoa dịu tâm lý cho họ như thế nào và cần chuẩn bị gì trước và sau khi phẫu thuật ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Về phía gia đình và bản thân bệnh nhân, nên trao đổi trực tiếp với BS để hiểu được mục đích của cuộc mổ. BS điều trị cũng nên giải thích rõ cho bệnh nhân lý do vì sao bệnh nhân cần mổ và phẫu thuật sẽ giúp giải quyết được mức độ nào cho bệnh nhân. Khi đã hiểu được mục đích, người bệnh sẽ tuân thủ tốt hơn.

Đồng thời, người bệnh nên cố gắng tạo tâm lý thoải mái, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để vết mổ lành tốt hơn. Trong quá trình mổ, nếu có bất cứ điều gì khó chịu, bệnh nhân nên báo trực tiếp cho BS biết để có thể phát hiện và xử lý kịp thời.

9. Người bệnh ung thư uống thuốc nam thay vì "đụng chạm dao kéo", liệu có khả thi?

Thưa BS, có nhiều người bệnh thường sợ mổ và uống thuốc nam. Nhờ BS có thể gửi một vài lời khuyên với những bệnh nhân ung thư có chỉ định phẫu thuật ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Trên thực tế, BS đã gặp rất nhiều bệnh nhân sợ mổ. Mổ là một trong những phương pháp điều trị chính. Nếu BS chuyên khoa đã quyết định mổ thì bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp để hiểu rõ hơn về mục đích của phẫu thuật. Đồng thời, người nhà cũng nên động viên bệnh nhân.

Thay vì quá lo lắng, bệnh nhân nên chấp thuận điều trị vì chỉ phẫu thuật mới đem lại cơ hội hết bệnh. Nhiều bệnh nhân cũng thắc mắc rằng “nếu trì hoãn mổ đến 1, 2 năm thì có được không?”. Thật ra BS cũng không thể đánh giá được tình hình bởi bệnh ung thư là bệnh tiến triển theo thời gian. Đương nhiên, trong điều trị, có thể có những người đáp ứng tốt và không tốt. Nhưng nếu chúng ta chịu khó điều trị thì cơ hội thành công vẫn cao hơn.

Nếu bệnh nhân muốn uống thuốc nam thì vẫn có thể uống phối hợp trong quá trình điều trị khi có chỉ định của BS.

Trân trọng cảm ơn ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu - Bệnh viện TP Thủ Đức đã nhận lời mời của AloBacsi tham dự chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X