Hotline 24/7
08983-08983

Có cần thiết mua máy đo SpO2 cầm tay để đo độ bão hoà oxy máu trong dịch COVID-19?

Trong đại dịch COVID-19, có nhiều người bàn đến việc mua máy đo SPO2 cầm tay hay điện thoại, đồng hồ thông minh để đo độ bão hoà oxy máu để biết khi nào nên đến bệnh viện, điều này có cần thiết không?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Máy đo độ bão hoà oxy máu SpO2 khá đơn giản và dễ sử dụng. Các sản phẩm được kiểm định đạt chuẩn ISO 80601-2-61:2017 thường cho kết quả chính xác và tin cậy được. Tuy nhiên, đo bão hoà oxy máu bằng điện thoại hoặc đồng hồ thông minh được cho là không đáng tin cậy như vậy. Chi phí cho một máy đo bão hoà oxy thường dao động trong khoảng 500-2 triệu đồng.

Để cho kết quả đo bão hoà oxy chính xác, dụng cụ cần sử dụng ở đầu chi ấm của bệnh nhân có huyết áp bình thường, để trong khoảng 1 phút để các chỉ số ổn định rồi mới đọc kết quả. Sử dụng ở bệnh nhân tụt huyết áp, giảm thể tích tuần hoàn, shock tim, thiếu máu, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh lý haemoglobin hoặc có mức oxy máu quá thấp (dưới 90%) có thể cho kết quả thiếu chính xác.

Chỉ số độ bão hoà oxy máu ở người bình thường lúc nghỉ vào khoảng 94-98% nếu không có bệnh phổi mạn. Chỉ số dưới 92% có thể xem như tình trạng bệnh nặng trong nhiễm SARS-CoV-2, cần nhập viện ngay. Sự sụt giảm độ bão hoà oxy từ 3% trở lên khi gắng sức được xem là bất thường và cần được thăm khám đánh giá thêm.

Nhiều gia đình hiện nay đã tự trang bị máy bão hoà oxy để theo dõi tại nhà dù không có bất kỳ triệu chứng hay bệnh lý nào. Tại một số quốc gia, nếu bệnh nhân có máy đo bão hoà oxy tại nhà thường được bác sĩ hướng dẫn sử dụng, khuyến khích tự theo dõi và báo kết quả qua các phương tiện kết nối online.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, máy đo bão hoà oxy máu có thể cân nhắc tự sử dụng trên bệnh nhân mắc COVID-19 được theo dõi tại nhà và có nguy cơ diễn tiến nặng.

Ngoài chỉ định này, các trường hợp khác tự trang bị máy đo bão hoà oxy có thể làm gia tăng lo âu, nhất là khi chất lượng máy không đảm bảo hoặc người dân chưa biết sử dụng đúng cách rất dễ cho ra những chỉ số gây “hoang mang”. Nếu cảm thấy việc theo dõi oxy tại nhà gây lo lắng nhiều hơn cho bản thân và người người nhà thì nên tránh dùng.

Tóm lại, máy đo độ bão hoà oxy tại nhà không giúp cứu sống nhiều người hơn, việc chăm sóc y tế đúng cách và đúng lúc mới thật sự quan trọng. Bên cạnh oxy, nhiều thông số khác cũng cần thiết để đánh giá độ nặng của bệnh, do đó, dù được trang bị máy tại nhà thì người bệnh vẫn nên liên lạc và thông báo tình trạng bệnh cho bác sĩ thường xuyên.

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam:

Nếu có điều kiện mua thì cũng tốt. Nhưng thực tế điều này không cần thiết, bởi nếu SpO2 giảm được 92% thì cũng không chịu được tại nhà. Với COVID-19 việc tụt oxy diễn biến có thể rất nhanh, vì thế dù chỉ cảm thấy hơi khó khó thở một chút là phải đến cơ sở y tế ngay, không thể đợi ở nhà đến khi hôn mê rồi mới vào bệnh viện.

Với bối cảnh COVID-19 đang lây lan ở rất nhiều địa phương thì việc quan trọng là chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác. Xác định được F0 là rất quan trọng. Nhưng khi truy vết ra F1 thì bản thân những người này phải cách ly và được y tế theo dõi sát sao, không phải đợi ở nhà chờ khi SpO2 giảm rồi mới biết.

Theo tôi, SpO2 có 2 mặt, một là sẽ tạo cho chúng ta tâm lý chủ quan không đến bệnh viện sớm, hai là không phối hợp với y tế để khai báo giúp sớm tìm ra F1, F2. Khi xác định được bạn là F mấy, từ đó cán bộ y tế sẽ dựa theo đúng phác đồ để điều trị, như vậy việc điều trị và phòng chống sẽ được tốt hơn chứ không phải cậy nhờ vào những loại máy này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X