Ciprofloxacin - “Chàng dũng sĩ” lắm tài, nhiều tật
Ciprofloxacin là kháng sinh được dùng khá rộng rãi và có hiệu quả cao trong điều trị, tuy nhiên, có nhiều tác dụng phụ khá nguy hiểm.
Nhiều “tài”
Ciprofloxacin là fluoroquinolon (thuộc nhóm quinolon thế hệ 2) có phổ kháng khuẩn rất rộng. Ciprofloxacin có tác dụng tốt với các vi khuẩn kháng lại kháng sinh thuộc các nhóm khác (aminoglycosid, cephalosporin, tetracyclin, penicillin...) và được coi là một trong những thuốc có tác dụng mạnh nhất trong nhóm fluoroquinolon.
Vì thế, thuốc được chỉ định cho các nhiễm khuẩn nặng mà các thuốc kháng sinh thông thường không tác dụng, để tránh phát triển các vi khuẩn kháng cipofloxacin gây bệnh đường hô hấp, viêm đường tiết niệu trên và dưới, sinh dục (viêm cổ tử cung do lậu, viêm tuyến tiền liệt mạn), viêm xương - tủy; viêm ruột vi khuẩn nặng; nhiễm khuẩn nặng mắc trong bệnh viện (nhiễm khuẩn huyết, người bị suy giảm miễn dịch). Dự phòng bệnh não mô cầu và nhiễm khuẩn ở người suy giảm miễn dịch.
Thuốc dung nạp đường uống hay tiêm như nhau, nhưng đường uống dùng điều trị thuận lợi hơn. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng cộng hưởng với các nhóm kháng sinh khác (như betalactam, aminozid) nên khi phối hợp thường cho kết quả điều trị cao (điển hình là phối hợp với azocillin).
Ciprofloxacin ức chế enzym gryrase gây cản trở thông tin nhiễm sắc
thể (một vật liệu di truyền cần thiết cho chuyển hóa) làm cho vi khuẩn
giảm sinh sản một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, các nhóm kháng sinh
khác (như betalactam, aminozid), không ức chế enzym gryrase rất dễ bị vi
khuẩn kháng.
Vì thế, ciprofloxacin (và các fluoroquinolon khác) được xem là “vũ khí chiến lược” dành cho các trường hợp vi khuẩn không đáp ứng với các kháng sinh khác.
Và không ít “tật”
Ciprofloxacin làm thương tổn sự phát triển sụn và khớp chịu lực của
động vật non nên có thể gây hại cho sự phát triển xương khớp của thai
nhi và trẻ em tuổi trưởng thành. Ngoài ra, ciprofloxacin gây đau cơ,
viêm dây thần kinh, đặc biệt là các dây chằng, nghiêm trọng nhất là làm
đứt gót chân Achill.
Hay gặp ở người già vì dây chằng vốn bị suy yếu.
Thuốc ảnh hưởng không tốt đến thần kinh gây nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ,
kích động, run rẩy. Hiếm gặp hơn là gây co giật, lo âu, trầm cảm, ác
mộng, ảo giác hoặc xuất hiện trạng thái tâm thần.
Người có tiền sử bệnh tâm thần dễ gặp các hiện tượng này. Ciprofloxacin gây một số phản ứng quá mẫn nghiêm trọng: phù mặt, phù thanh quản, khó thở đe dọa tính mạng. Người có cơ địa dị ứng dễ bị tai biến này.
Ciprofloxacin liên kết với vi khuẩn ngay tại dạ dày
Cũng như các kháng sinh phổ rộng khác, việc lạm dùng
liều cao làm cho ciprofloxacin tiêu diệt hết các vi khuẩn có lợi, gây
mất cân bằng sinh thái vi khuẩn trong cơ thể.
Trong thực tế, sau khi
dùng một liều mạnh ciprofloxacin điều trị khỏi nhiễm khuẩn hô hấp, trẻ
có thể bị tiêu chảy do rối loạn vi khuẩn đường ruột.
Trong vài năm gần đây, ngoài việc xác nhận những độc tính này, các nhà y học còn thấy ciprofloxacin gây hại cho gan và thận.
Những lưu ý khi dùng ciprofloxacin
Ciprofloxacin được dùng rộng rãi trong nhiều năm nay. Nếu việc ức chế
enzym gyrase làm cho ciprofloxacin có phổ kháng khuẩn rộng thì việc
dùng tràn lan cũng làm xuất hiện các cơ chế kháng thuốc mới.
Hiện có
nhiều trường hợp vi khuẩn kháng lại ciprofloxacin vì vậy các nhà chuyên
môn khuyên bệnh nhân phải thay ciplofloxacin bằng các fluoroquinolon mới
hơn (như gatifloxacin). Các vi khuẩn gây bệnh đường ruột như
Salmonella, Shigella, Yersina và Vibrio cholerae thường nhạy cảm cao.
Tuy nhiên, với việc sử dụng ngày càng nhiều và lạm dụng thuốc, đã làm
gia tăng đáng kể tỷ lệ kháng thuốc của Salmonella. Các vi khuẩn gây bệnh
đường hô hấp như Haemophilus và Legionella thường nhạy cảm, Mycoplasma
và Chlamydia chỉ nhạy cảm vừa phải với thuốc.
Các vi khuẩn đang tăng
kháng ciprofloxacin gồm có Staphylococcus aureus kháng với tỉ lệ 20,6%,
Escherichia coli kháng với tỉ lệ 27,8% và S. pneumoniae kháng với tỉ lệ
30%.
Vì vậy, việc sử dụng ciprofloxacin cần phải thận trọng, có chỉ định đúng vì tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề ngày càng phổ biến hơn, làm hạn chế hiệu quả điều trị.
Cần thận trọng khi dùng ciprofloxacin đối với người có tiền sử động
kinh hay rối loạn hệ thần kinh trung ương, người bị suy chức năng gan
hay chức năng thận, người bị bệnh nhược cơ.
Dùng ciprofloxacin dài ngày có thể làm các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc phát triển quá mức. Nhất thiết phải theo dõi người bệnh và làm kháng sinh đồ thường xuyên để có biện pháp điều trị thích hợp theo kháng sinh đồ. Ciprofloxacin có thể làm cho các xét nghiệm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis bị âm tính.
Ciprofloxacin cũng gây hoa mắt chóng mặt, đầu óc quay cuồng, ảnh
hưởng đến việc điều khiển xe cộ hay vận hành máy móc.
Tác dụng phụ khác dễ gặp khi dùng ciprofloxacin là: cơn co giật, lú lẫn, rối loạn tâm thần, hoang tưởng, mất ngủ, trầm cảm, loạn cảm ngoại vi, rối loạn thị giác kể cả ảo giác, rối loạn thính giác, ù tai, rối loạn vị giác và khứu giác, tăng áp lực nội sọ.
Cần hạn chế dùng ciprofloxacin cho trẻ nhỏ và trẻ đang lớn (trên thực nghiệm, thuốc có gây thoái hóa sụn ở các khớp chịu trọng lực).
Ở nước ta, việc dùng ciprofloxacin quá rộng rãi, nguy hiểm nhất là người dùng không tuân thủ quy chế kê đơn, tự ý mua dùng cho trẻ em và người già. Đây là điều đáng cảnh báo.
Theo DS Tiến Anh - Sức khỏe và Đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình