Chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước quy tụ tại Hội nghị Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam lần thứ 23
Hội nghị Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam lần thứ 23 do Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức, đón nhận các báo cáo viên, chủ tọa đoàn là các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thần kinh học tại Việt Nam cũng như quốc tế và hơn 400 đại biểu trên toàn quốc về tham dự.
Các trung tâm phẫu thuật thần kinh Việt Nam cần phát triển toàn diện từ chuyên môn đến trang thiết bị
Năm 2024, hội nghị tổ chức trong 2 ngày 6/12 và 7/12/2024, nội dung bàn luận tập trung vào chủ đề “Đột phá trong lĩnh vực Khoa học Thần kinh” với sự tham gia báo cáo của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, nghiên cứu, điều dưỡng của các bệnh viện lớn, hiệp hội, trung tâm nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế, tạo nên một diễn đàn khoa học đa chiều và đầy ý nghĩa.
Chuyên gia quốc tế hội ngộ tại hội nghị lần thứ 23 có thể kể đến GS.TS.BS Kato Yoko - Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh châu Á, Chủ tịch Hội quốc tế về Phẫu thuật thần kinh xâm lấn tối thiểu; ĐD YEE Yit Cheng - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Thần kinh Châu Á; PGS.TS.BS Yang Meng Yin - Tổng thư kí Hội Phẫu thuật thần kinh Đài loan; TS;BS Fennell Vernad Sharif - Viện Khoa học Thần kinh Oschner (Hoa Kỳ)… cùng số lượng lớn báo cáo viên từ các quốc gia như: Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Indonesia.
Chuyên gia trong nước đến từ các bệnh viện lớn trên cả nước như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh…
PGS.TS.BS Nguyễn Minh Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM chia sẻ, hội nghị năm nay có một số báo cáo định hướng, thông tin về một số trang thiết bị để phục vụ cho việc điều trị trong tương lai. Trách nhiệm của các đơn vị sau khi tham gia hội thảo cần định hướng sự phát triển của đơn vị, nguồn lực để từ đó đầu tư phát triển toàn diện.
Vị chuyên gia thông tin thêm, hiện nay tại Việt Nam, các trung tâm y tế lớn đã bắt đầu tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại như: ứng dụng robot trong phẫu thuật, ứng dụng hệ thống định vị dẫn đường trong phẫu thuật, lập bản đồ trước mổ… Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở những trung tâm lớn. Chuyên gia kỳ vọng trong tương lai, ứng dụng kỹ thuật sẽ phát triển một cách toàn diện, các trung tâm y tế khác nhìn thấy sự phát triển kỹ thuật tại các trung tâm lớn sẽ thay đổi suy nghĩ, từ đó những nhà quản lý y tế có thể đầu tư, mục tiêu lớn nhất là mang đến hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Theo Phó giáo sư, hàng năm hội nghị đều mang đến những nội dung mới liên quan đến cả hệ thống y tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sử dụng robot vào phần mềm phẫu thuật, đó là những điểm rất mới, và hiện nay Việt Nam cũng đã tiệm cận dần với thế giới.
Không dừng lại ở các tiến bộ kỹ thuật, hội nghị còn là nơi để các chuyên gia trao đổi về những ứng dụng tiên tiến trong các lĩnh vực phẫu thuật thần kinh ít xâm lấn, phẫu thuật nền sọ… Sự tích hợp công nghệ vào phòng mổ thông minh được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa ngành phẫu thuật, mang lại hiệu quả tối ưu và giảm thiểu rủi ro.
Gần 200 bài báo cáo, với 1/3 số lượng là báo cáo nước ngoài
Nội dung nội nghị năm nay với gần 200 bài báo cáo, chia thành 27 phiên, trình bày tại 9 hội trường trong 2 ngày. Nội dung tập trung vào những tiến bộ mới về kỹ thuật phẫu thuật thần kinh, các trang thiết bị hiện đại…
Chương trình Tiền hội nghị tổ chức vào ngày 6/12/2024 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM với 33 bài báo cáo chia thành 6 phiên, diễn ra tại 4 hội trường. Trong đó có 1 phiên thực hành mô phỏng do chuyên gia Hoa Kỳ thực hiện, 2 phiên với 15 bài báo cáo từ các chuyên gia nước ngoài. Chương trình còn diễn ra 2 ca mổ thị phạm do các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thực hiện, và 1 phiên hội thảo vệ tinh.
Hội nghị chính tổ chức vào ngày 7/12 ở TPHCM, với tổng số 150 bài báo cáo đến từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, chia thành 21 phiên tại 5 hội trường. Trong đó, số lượng báo cáo nước ngoài lên đến hơn 50 bài.
Chương trình có 1 phiên toàn thể với 5 bài báo cáo: 2 chủ đề đến từ chuyên gia Việt Nam là phẫu thuật nội soi điều trị đau dây V và co giật nửa mặt, và Sử dụng hệ thống O-arm và navigation trong phẫu thuật xâm lấn tối thiểu cột sống thắt lưng; cùng 3 bài báo cáo của các chuyên gia quốc tế.
Hội nghị dành riêng ra 2 phiên điều dưỡng, với 16 bài báo cáo, kết hợp cùng hội thảo của Hội Điều dưỡng Phẫu thuật thần kinh Châu Á, nhấn mạnh vai trò quan trọng của người điều dưỡng trong thực hành phẫu thuật thần kinh. Đây là cơ hội quý báu để điều dưỡng Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và tăng cường hợp tác với các đồng nghiệp quốc tế trong lĩnh vực điều dưỡng.
Song song đó, hội nghị còn tổ chức 3 phiên hội thảo vệ tinh với 4 bài báo cáo hấp dẫn từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Cũng trong chuỗi sự kiện lần này, vào tối ngày 6/12, Lễ ký kết hợp tác giữa Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam và Hội Phẫu thuật thần kinh Châu Á được diễn ra. Đây là bước tiến lớn trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo, giáo dục, hỗ trợ chuyên môn và trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia trong khu vực. Thỏa thuận này không chỉ mở ra cơ hội phát triển chuyên môn mà còn khẳng định vị thế của ngành phẫu thuật thần kinh Việt Nam trên trường quốc tế.
Với nội dung phong phú và chất lượng cao, Hội nghị Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam lần thứ 23 không chỉ là nơi hội tụ của các chuyên gia y khoa hàng đầu mà còn là bệ phóng đưa ngành phẫu thuật thần kinh Việt Nam vươn xa. Sự kiện cũng đánh dấu vai trò của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong việc tổ chức, cập nhật những bước tiến mới của ngành y khoa nói chung và phẫu thuật thần kinh nói riêng, mang lại hy vọng và cơ hội điều trị tốt hơn cho hàng ngàn người bệnh.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình