Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia giải đáp mọi thắc mắc về bệnh parkinson và hội chứng parkinson

Nguyên nhân gây ra bệnh parkinson là gì? Bệnh parkinson diễn tiến qua mấy giai đoạn? Parkinson có gây ra đột quỵ?... Tất cả sẽ được giải đáp bởi TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội Thần kinh tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115.

1. Tất cả các nguyên nhân làm tổn thương não đều gây ra hội chứng parkinson

Thưa BS, parkinson là gì? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Parkinson là hội chứng gây ra các tình trạng người bệnh bị run, co cứng, chậm chạp khi đi lại, sau đó bệnh nhân bị mất thăng bằng về tư thế và không thể đi lại được nữa.

Parkinson do các nguyên nhân gây ra được gọi là hội chứng parkinson, còn bệnh parkinson là nói đến tình trạng các triệu chứng gây ra bệnh parkinson mà không có nguyên nhân.

Đến nay vẫn chưa tìm ra các nguyên nhân chính xác gây bệnh parkinson, mà chỉ thấy các yếu tố gây bệnh như yếu tố di truyền, biến đổi gen, ngộ độc thuốc, thay đổi về môi trường…

Hội chứng parkinson có các triệu chứng giống bệnh parkinson nhưng có các nguyên nhân cụ thể do các bệnh lý như bệnh mạch máu não, nhồi máu não, đặc biệt là các bệnh mạch máu nhỏ, hoặc các tình trạng tổn thương tế bào não do viêm não, u não, chấn thương sọ não… Tóm lại tất cả các nguyên nhân gây tổn thương tế bào não đều có thể gây ra hội chứng parkinson.

Bên cạnh đó, trong bệnh và hội chứng parkinson có tình trạng tổn thương tế bào ở chất đen, vì vậy nồng độ chất dẫn truyền thần kinh dopamine giảm sút trong bệnh lý parkinson, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn vận động, run ở bệnh nhân.

2. Diễn tiến 5 giai đoạn của parkinson

Bệnh parkinson tiến triển qua mấy giai đoạn? Triệu chứng của từng giai đoạn sẽ ra sao, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Bệnh parkinson và hội chứng parkinson sẽ diễn tiến qua các giai đoạn như sau:

Giai đoạn một, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy bị run từ từ ở một phần chi trên cơ thể, có thể xuất hiện đầu tiên ở ngón cái và ngón tay trỏ, giống bệnh nhân đang vê thuốc hoặc đếm tiền.

Giai đoạn hai có thể run cả bàn tay tiến triển đến run chân, môi, miệng, sau đó run qua cả hai bên.

Giai đoạn ba, ngoài triệu chứng run bệnh nhân sẽ có các rối loạn về thăng bằng, đi đứng không vững như người bình thường, nhưng vẫn còn đi lại được.

Giai đoạn bốn người bệnh có triệu chứng run, mất thăng bằng và bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến khả năng đi đứng nhưng họ vẫn có thể đi lại nhờ vào sự trợ giúp của người nhà hoặc sự vận động tích cực.

Tuy nhiên đến giai đoạn cuối, triệu chứng run xuất hiện rất nhiều, bệnh nhân mất thăng bằng, cứng cơ và bị bất động, không còn khả năng đi lại và nằm một chỗ. Đó là các giai đoạn của parkinson.

3. Parkinson thường xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi trở lên

Những nhóm người nào thường mắc phỉa căn bệnh parkinson, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Bệnh parkinson thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng từ trên 60 tuổi, nhưng đến nay ngày càng phát hiện những bệnh nhân trẻ tuổi dưới 40 cũng có thể mắc bệnh parkinson.

Yếu tố môi trường, nhiễm độc có thể gây ra bệnh parkinson, nhưng nhóm dưới 40 tuổi chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại các triệu chứng thường xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi trở lên. 

4. Đi khám ngay khi thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh parkinson

Dấu hiệu nào của bệnh parkinson cảnh báo bệnh nhân cần đi khám ngay? Khi đến các cơ sở y tế bệnh nhân cần thực hiện chẩn đoán bằng những phương pháp nào? Các dấu hiệu, triệu chứng của parkinson có dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Tất cả các triệu chứng của bệnh parkinson trong giai đoạn đầu rất kín đáo.

Giai đoạn đầu có triệu chứng run, vấn đề này có thể xuất hiện ở bệnh lý khác không phải parkinson. Ví dụ run có thể gặp trong bệnh lý tuyến giáp, bệnh về nội tiết, bệnh về tim mạch, tâm lý

Triệu chứng thứ hai là chậm chạp, đi lại khó khăn.

Thứ ba là vẻ mặt thay đổi, bệnh nhân không còn cảm xúc khi nghe một câu chuyện nào đó hoặc tính tình bệnh nhân bắt đầu thay đổi, các thay đổi về tính cách, suy nghĩ của bệnh nhân chậm chạp hơn, không còn lanh lẹ như thời gian trước đó.

Tất cả các triệu chứng này có thể nằm ở giai đoạn sớm của bệnh nhân.

Một số người bệnh cảm thấy mệt mỏi, rối loạn dáng đi, rối loạn giấc ngủ cũng có thể là triệu chứng khởi đầu cho bệnh parkinson. Khi xuất hiện các triệu chứng này bệnh nhân nên đi khám bệnh, không nên nghĩ đó là các rối loạn về tuổi già và cảnh giác đây là các triệu chứng của bệnh lý parkinson, vì vậy người bệnh nên đi khám bệnh sớm nhất.

5. Ba phương pháp điều trị parkinson hiện nay

Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị bệnh parkinson, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Bệnh lý parkinson do tổn thương các tế bào ở chất đen bị tổn thương và làm giảm chất dẫn truyền thần kinh dopamine.

Việc điều trị điều trị không dùng thuốc là thay đổi lối sống, thể dục thể thao, thay đổi khả năng vận động.

Thứ hai là dùng thuốc, bệnh nhân có thể bổ sung lượng dopamine.

Cuối dùng là phẫu thuật, có thể áp dụng trong việc điều trị bệnh nhân pakinson.

>> Mời xem thêm: Phẫu thuật kích thích não sâu hiệu quả và an toàn với parkinson giai đoạn muộn

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội Thần kinh tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115

6. Tất cả các phương pháp không thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh parkinson

Những nhóm bệnh nhân nào sẽ có chỉ định phẫu thuật khi mắc bệnh lý pakinson, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Trong bệnh lý parkinson phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc và tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân. Những bệnh nhân dùng thuốc đến giai đoạn không còn đáp ứng hoặc đáp ứng rất ít, rất kém, lúc đó mới cần xem xét đến phương pháp điều trị bằng phẫu thuật.

Đối với điều trị bằng phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch các vùng trong não như đồi thị, cầu nhạt hoặc dùng phương pháp kích thích não sâu, cấy ghép mô. Tất cả các phương pháp này đến hiện tại chỉ mang lại hiệu quả một phần, không hoàn toàn chấm dứt được bệnh lý parkinson.

7. Tổn thương mạch máu não là nguy cơ gây bệnh parkinson

Người bệnh parkinson liệu có nguy cơ bị đột quỵ không, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Tổn thương các mạch máu nhỏ hoặc xuất huyết não trong đột quỵ não là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh parkinson.

Parkinson không phải nguyên nhân gây đột quỵ não, tất cả các nghiên cứu thấy rằng những bệnh nhân bị tổn thương mạch máu não là nguy cơ gây ra bệnh lý parkinson.

8. Táo bón, khô miệng, là tác dụng phụ do thuốc kháng cholinergic điều trị parkinson

Khi dùng thuốc điều trị parkinson bệnh nhân thường bị táo bón, khô miệng, làm sao để khắc phục tình trạng này, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Trong việc điều trị bằng phương pháp dùng thuốc cho bệnh nhân parkinson có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón, khô miệng, đây là một số tác dụng phụ khi dùng loại thuốc kháng cholinergic. Vì vậy khi bệnh nhân gặp các tác dụng phụ đó nên cân nhắc dùng các thuốc này cho bệnh nhân với liều phù hợp để cân bằng giữa điều trị triệu chứng và các tác dụng phụ của thuốc gây ra, do đó cần xem xét từng người.

Khi sử dụng thuốc có thể tác động lên làm giảm triệu chứng của parkinson nhưng có thể gây ra tác dụng phụ là kho miệng và táo bón, do đó bệnh nhân cần uống thuốc đầy đủ, ăn các chất thức ăn như rau quả, các chất dễ tiêu, tránh tình trạng táo bón cho bệnh nhân.

9. Hướng dẫn chế dộ dinh dưỡng cho người bệnh parkinson

Nhờ BS tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân parkinson?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Giai đoạn đầu bệnh nhân còn ăn uống dễ nên có thể tự ăn uống bình thường, tuy nhiên đến giai đoạn sau sẽ rất khó khăn về vấn đề này, do đó người chăm sóc bệnh nhân parkinson nên lựa chọn thức ăn dễ tiêu, dễ nuốt cho người bệnh.

Bên cạnh đó, trong thành phần chất dinh dưỡng cần chú ý đầy đủ các vitamin, đặc biệt khi bệnh nhân dùng các vitamin nên bổ sung vitamin D. Khi điều trị thuốc parkinson, không nên dùng phối hợp chung với vitamin B6 vì điều đó làm giảm tác dụng thuốc điều trị parkinson.

10. Làm gì để tránh tránh trầm cảm và suy giảm trí nhớ ở bệnh nhân parkinson?

Để giúp bệnh nhân tránh trầm cảm và suy giảm trí nhớ có những giải pháp nào để can thiệp, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Bệnh parkinson ở những người trong giai đoạn đầu chưa thấy được sự tàn phế của bệnh gây ra, tuy nhiên đến giai đoạn trễ bệnh nhân thấy run nhiều, không viết và làm việc được, tiếp đến là chậm chạp trong các hoạt động, suy nghĩ, sau đó là bất động, cứng đờ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân và từ đó dẫn đến bệnh nhân rơi vào trầm cảm, lo lắng quá mức.

Để khắc phục được vấn đề đó, cần giải thích cho bệnh nhân hiểu về tiến triển của bệnh parkinson, từ đó bệnh nhân an tâm điều trị. Thứ hai là dùng một số loại thuốc chống trầm cảm cho bệnh nhân.

11. Người chăm sóc bệnh nhân parkinson nên chú ý gì về sinh hoạt, ăn uống của người bệnh

Về góc độ ở của người nhà, người nhà cần chăm sóc cho bệnh nhân parkinson như thế nào? Một số điều cần lưu ý trong sinh hoạt thường ngày như thuốc, dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyn nặng, thưa BS?

TS.BS Đinh Vinh Quang trả lời: Trong giai đoạn đầu của người bệnh parkinson có thể tự chăm sóc bản thân. Nhưng đến giai đoạn trễ, giai đoạn 3, giai đoạn 4, giai đoạn 5, khi đó người nhà có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh parkinson, cần dùng những loại thức ăn dễ tiêu cho bệnh nhân.

Thứ hai là khi cho ăn uống như vậy bệnh nhân đã chậm chạp, khó nuốt, do đó cần tránh ăn uống thức ăn dễ gây ra nuốt sặc.

Trong vận động cố gắng giúp bệnh nhân tập thể dục thường xuyên, khi tập nên chú ý cho bệnh nhân đi chậm, bước đi dài hơn bình thường vì tướng đi và dáng đi của bệnh nhân parkinson giống như chân bị dính dưới nền nhà, đi rất chậm, bước đi rất ngắn, do đó cần tập cho bệnh nhân đi chậm, bước dài ra.

Tiếp theo là tập hô hấp cho người bệnh, tránh để bệnh nhân viêm phổi, nhiễm trùng phổi bằng cách hướng dẫn bệnh nhân hít thở sâu. Cho bệnh nhân ăn đầy đủ dưỡng chất đặc biệt là vitamin D.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X