Hotline 24/7
08983-08983

Phẫu thuật kích thích não sâu hiệu quả và an toàn với Parkinson giai đoạn muộn

Trong Chương trình sinh hoạt Cộng đồng người bệnh Parkinson với chủ đề “Kỹ thuật kích thích não sâu”, TS.BS Trần Ngọc Tài - Phó Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng đơn vị rối loạn vận động - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh: “Phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson có hiệu quả và an toàn đối với bệnh nhân ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể gây ra rủi ro với tỷ lệ bệnh nhân gặp các biến chứng nặng cao hơn so với việc điều trị bằng thuốc”.

Chương trình được trực tiếp qua nền tảng Zoom do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức chiều 29/3/2024, thu hút gần 100 người tham dự là bệnh nhân từ Group cộng đồng người bệnh Parkinson.

Khoảng 90.000 người Việt Nam mắc bệnh Parkinson

TS.BS Trần Ngọc Tài cho biết, Parkinson là bệnh lý tiến triển và có thể xem như các bệnh nan y khác, bệnh chỉ được điều trị giảm triệu chứng, không thể chữa khỏi. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 90.000 người mắc bệnh Parkinson, trong đó tại TPHCM có khoảng 8.000 - 9.000 người mắc căn bệnh này. Vì vậy, số lượng bệnh nhân được trải đều tại các bệnh viện nên đòi hỏi ở bác sĩ sự hiểu biết đối với cộng đồng, nhằm hỗ trợ những người không may mắc bệnh Parkinson.

Bệnh Parkinson tiến triển từ giai đoạn sớm qua giai đoạn trung bình và tới giai đoạn muộn. Mỗi giai đoạn sẽ có triệu chứng và ảnh hưởng lên chất lượng cuộc sống ở mức độ khác nhau. Do đó, phương pháp điều trị cho từng giai đoạn sẽ khác nhau.

Ví dụ, trong giai đoạn sớm, bệnh nhân chỉ cần tập thể dục và kết hợp thuốc uống. Giai đoạn trung bình sẽ tăng lượng thuốc kết hợp vật lý trị liệu, tập thể dục,… Các phương pháp xâm lấn sẽ được áp dụng cho bệnh nhân giai đoạn muộn. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam chưa có phương pháp xấm lấn mà phổ biến với kỹ thuật kích thích não sâu.

TS.BS Trần Ngọc Tài chia sẻ thông tin về kỹ thuật kích thích não sâu

Ông chia sẻ, phẫu thuật điều trị xâm lấn được áp dụng khi việc sử dụng thuốc không còn hiệu quả kiểm soát triệu chứng và các biến chứng như mong muốn. Thông thường, nếu thấy các phương pháp điều trị nội khoa, điều trị bằng thuốc, tập phục hồi chức năng giúp kiểm soát tốt, người bệnh có thể sinh hoat, làm việc bình thường thì phẫu thuật điều trị xâm lấn không phải là vấn đề quan tâm lớn đối với những bệnh nhân Parkinson.

Bệnh nhân Parkinson nào có thể phẫu thuật kích thích não sâu?

TS.BS Trần Ngọc Tài nhấn mạnh, điều trị xâm lấn không được áp dụng cho tất cả các bệnh nhân mắc Parkinson. Theo nghiên cứu tại châu Âu năm 2018, khảo sát tất cả các bác sĩ và trung tâm điều trị chuyên sâu về Parkinson cho thấy, ở những bệnh nhân có chỉ định điều trị can thiệp: 59% bệnh nhân tiếp tục lựa chọn phương pháp điều trị thuốc, 19% bệnh nhân lựa chọn điều trị phương pháp kích thích não sâu, 9% chọn truyền Apomorphin và 13% bệnh nhân lựa chọn truyền Levodopa. Việc lựa chọn phương pháp điều trị dựa trên triệu chứng và đánh giá của người bệnh, sự tư vấn của bác sĩ. Đặc biệt, lựa chọn mong muốn của người bệnh là yếu tố quyết định cuối cùng.

Tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay, có khoảng 150 bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật kích thích não sâu điều trị Parkinson. Trong đó, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thực hiện hơn 80 ca, Bệnh viện Đại học Y dược thực hiện trên 40 ca và Bệnh viện Việt Đức khoảng 20 bệnh nhân.

Điều kiện để bệnh nhân Parkinson được áp dụng phương pháp kích thích não sâu dựa trên nguyên tắc số 5:

Thứ nhất, bệnh nhân đã mắc bệnh Parkinson trên 5 năm, do hiện tại chưa có các nghiên cứu về việc áp dụng phương pháp kích thích não sâu cho người bệnh Parkinson 3 - 4 năm, do đó chưa có khuyến cáo cho trường hợp này.

Thứ hai, bệnh nhân dưới 75 tuổi, bởi vì nếu thực hiện phẫu thuật đối với nhóm người trên 75 tuổi sẽ gây ra nhiều rủi ro trong quá trình phẫu thuật.

Thứ ba, uống Levodopa tối thiểu 5 cữ/ ngày. Nếu dưới 5 cữ có nghĩa liều thuốc chưa đủ điều kiện để bác sĩ đánh giá họ đã bị biến chứng do thuốc, và không có hiệu quả liên quan đến điều trị bằng thuốc.

Thứ tư, bệnh nhân có biến chứng vận động trên 5 giờ một ngày. Nghĩa là một ngày có 5 giờ bệnh nhân Parkinson không đạt hiệu quả của thuốc sẽ xét đến việc phẫu thuật kích thích não sâu.

Tuy nhiên, có đến 59% bệnh nhân đủ điều kiện nhưng vẫn mong muốn tiếp tục điều trị bằng thuốc, không can thiệp xâm lấn, lúc này bác sĩ sẽ kê thêm thuốc để kéo dài hiệu quả, tăng cữ thuốc lên hơn 5 cữ/ ngày.

Hiệu quả và rủi ro của kỹ thuật kích thích não sâu

Hàng năm trên thế giới vẫn cho ra các loại thuốc mới nhằm kéo dài hiệu quả điều trị Parkinson bằng thuốc mà không cần phẫu thuật xâm lấn. Do đó, các tiến bộ về điều trị xâm lấn hoặc bằng thuốc được cập nhật liên tục giúp kéo dài hiệu quả điều trị, giảm biến chứng vận động, tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

TS.BS Trần Ngọc Tài - Phó Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng đơn vị rối loạn vận động - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Còn với những bệnh nhân đủ điều kiện nguyên tắc số 5, có mong muốn thực hiện phẫu thuật xâm lấn, nên tìm bác sĩ hoặc bệnh viện chuyên về vấn đề này. Các bác sĩ sẽ đánh giá và tư vấn cụ thể để bệnh nhân hiểu hơn về phương pháp điều trị trước khi người bệnh đưa ra quyết định.

Từ những năm 1997, kỹ thuật kích thích não sâu đã được khuyến cáo trên thế giới. Theo kết luận của một nghiên cứu cho thấy, phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson có hiệu quả và an toàn đối với bệnh nhân ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể gây ra rủi ro với tỷ lệ bệnh nhân gặp các biến chứng nặng cao hơn so với việc điều trị bằng thuốc.

Cụ thể, một số biến chứng có thể gặp khi thực hiện phương pháp kích thích não sâu như: bị co giật, bị loét da kèm nhiễm trùng, nói khó, choáng váng, loạn vận động, rối loạn dáng đi,… Vì vậy, bệnh nhân nên được điều trị bằng thuốc ở giai đoạn đầu của bệnh, khi đủ điều kiện và có mong muốn thực hiện kỹ thuật kích thích não sâu, bệnh nhân mới chuyển sang thực hiện điều trị.

Trong Chương trình sinh hoạt kỳ này đã thu hút nhiều câu hỏi từ cộng đồng người bệnh Parkinson tham gia buổi sinh hoạt.

Với câu hỏi “Chi phí phẫu thuật kích thích não sâu khá cao, nguyên nhân do đâu?” được TS.BS Trần Ngọc Tài giải đáp, một trường hợp bệnh nhân vừa thực hiện phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM với tổng chi phí nằm viện và điều trị là khoảng 750.000.000 VNĐ, sử dụng pin loại mới, trong đó các dụng cụ liên quan tới phẫu thuật có chi phí khá cao.

Câu hỏi “Trường hợp nào không thể mổ cấy chip?”, được chuyên gia giải đáp, trường hợp không được phẫu thuật cấy chip là nhóm người trên 75 tuổi, mắc bệnh Parkinson chưa quá 5 năm, người bệnh chưa có biến chứng, chưa đủ 5 liều thuốc một ngày, trừ trường hợp người bệnh không có khả năng dung nạp thuốc. Điều đặc biệt các bác sĩ cần đánh giá là người bệnh không mắc Parkinson sẽ không được mổ cấy chip. Vì đã có rất nhiều trường hợp có hội chứng Parkinson nhưng khi thăm khám thì không mắc bệnh, do đó, các bác sĩ cần lưu ý để đánh giá.

Câu hỏi “Kỹ thuật kích thích não sâu đã được hỗ trợ từ BHYT chưa?” được chuyên gia giải đáp, hiện tại BHYT chưa hỗ trợ khi bệnh nhân điều trị phẫu thuật kích thích não sâu. Năm 2023, các bác sĩ và chuyên gia đã có buổi tư vấn cho Bộ Y tế về hiệu quả của phương pháp điều trị này và phong muốn có BHYT cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn đang được xem xét và có thể mức hỗ trợ BHYT tối đa tương đương với 60 tháng lương cơ bản.

Câu hỏi “Một cuộc phẫu thuật kích thích não sâu kéo dài bao lâu và nằm viện bao lâu?” được TS.BS Trần Ngọc Tài giải đáp, cuộc phẫu thuật kích thích não sâu trung bình kéo dài khoảng 5 giờ, một tiếng đầu tiên là đặt khung, giờ thứ hai định vị chọn đích trên MRI, giờ thứ ba đặt một bên não, giờ thứ tư đặt bên não thứ hai và giờ thứ năm là đặt cục pin. Trong 5 giờ thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân chỉ được gây mê 1 giờ. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X