Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia giải đáp các thắc mắc thường gặp về thuốc hạ sốt dạng bột sủi Efferalgan

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM và ThS.BS.CK2 Nguyễn Trần Nam - PGĐ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã giải đáp các thắc mắc thường gặp về thuốc hạ sốt dạng bột sủi Efferalgan như: Efferalgan có gây hại cho dạ dày; Efferalgan có được pha cùng nước trái cây, sữa...

Phần 1: Sốt mấy ngày cần xét nghiệm sốt xuất huyết, làm sao phân biệt với COVID-19?

Phần 2: Lựa chọn thuốc giảm đau, hạ sốt cho trẻ bị sốt xuất huyết sao cho an toàn, hiệu quả?

1. Efferalgan 150mg và 250mg dùng cho trẻ từ bao nhiêu ký?

Thưa BS cho em hỏi, Efferalgan 150mg và 250mg, mỗi loại dùng cho trẻ từ bao nhiêu ký ạ? Em mua thuốc hạ sốt dự trữ, nhà thuốc đưa hai loại này ạ. Em cảm ơn BS.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sử dụng loại nào tùy thuộc vào cân nặng của trẻ. Phụ huynh lấy số kilogram nhân cho 10-15mg (không vượt quá 15mg và không dưới mức 10mg). Chúng ta cần phải học cách cặp nhiệt, sử dụng thuốc hạ sốt, bởi vì trong quá trình chăm sóc trẻ không tránh khỏi tình trạng sốt.

2. Thuốc hạ sốt dạng bột sủi Efferalgan có gây hại dạ dày của trẻ?

Em hay dự trữ thuốc hạ sốt dạng bột sủi như Efferalgan vì thấy hạ sốt nhanh. Nhưng em phân vân thế này, khi mình dùng vitamin C dạng sủi thì cần lưu ý người đau dạ dày, dùng trước ăn.

Vậy với thuốc hạ sốt dạng bột sủi có quan trọng việc uống đói hay no không? Chẳng hạn, bé đang sốt cần hạ sốt ngay thì mình có cần cho bé lót dạ dày bằng ly sữa thì mới uống thuốc không ạ? Em cảm ơn BS.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Efferalgan không ảnh hưởng đến dạ dày, không cần lót dạ hoặc cũng không cần uống sau khi ăn. Chúng ta thường hay cho trẻ uống thuốc sau khi ăn no, nếu cả cha mẹ và con chống chọi nhau trong việc uống thuốc thì rất dễ bị nôn ói. Cha mẹ có thể cho con uống thuốc hạ sốt, sau đó uống thêm sữa. Dạng sủi càng dễ uống hơn nữa. Tóm lại, chúng ta không cần thiết phải lót dạ bằng sữa hoặc thức ăn trước khi uống thuốc hạ sốt.

3. Thuốc hạ sốt dạng bột sủi Efferalgan có được pha cùng nước trái cây, sữa cho dễ uống?

Bé nhà tôi rất sợ uống thuốc. Mỗi lần ốm, sốt là cả nhà như đánh vật với cháu để cho uống thuốc. Xin hỏi BS, với thuốc hạ sốt dạng bột sủi như Efferalgan tôi có thể pha với các loại nước trái cây, sữa để dễ uống hơn được không? Cách uống như vậy có làm mất tác dụng của thuốc không ạ? Xin cảm ơn BS đã giải đáp.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Uống sữa và thuốc không ảnh hưởng đến nhau. Song chúng ta cần tập cho trẻ thói quen uống thuốc. Nhiều trường hợp phụ huynh lựa chọn phương pháp “dễ” cho mình, đó là nhét thuốc hạ sốt đường hậu môn, bởi vì một số trẻ không thích uống thuốc. Tuy nhiên, nếu chúng ta không sử dụng thuốc đường uống thì càng khiến cho trẻ khó khăn hơn trong việc uống thuốc.

Như vậy, thứ nhất chúng ta nên lựa chọn thuốc dễ uống, vị thơm, dễ hấp thu và gần như sữa hoặc nước hằng ngày của trẻ. Ví dụ loại thuốc hạ sốt dạng bột sủi (hòa tan sau khi pha) có thể thêm một chút hương vị như nước trái cây, sữa để dễ uống hơn. Nhưng cũng không nên pha quá nhiều, để tránh trường hợp nôn ói.

Bên cạnh đó chúng ta sẽ biến việc uống thuốc bắt buộc trở thành điều vui vẻ, làm cho trẻ dễ dàng hợp tác. Chẳng hạn như phụ huynh cùng uống nước với trẻ, chia sẻ những trò chơi liên quan đến việc uống thuốc… Không nên “vật lộn” cùng với trẻ bằng cách ép (đè) con uống thuốc, bóp miệng để đưa thuốc vào vì điều này sẽ càng làm cho trẻ ám ảnh với việc uống thuốc.

4. Trẻ nôn ói sau khi uống thuốc hạ sốt, trường hợp nào cần uống lại?

Khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nên dùng 3-4 lần/ngày, nhưng có những tình huống trẻ sử dụng thuốc xong lại bị nôn ói, thì câu hỏi ở đây là nên cho trẻ uống tiếp hay chờ bao lâu sau mới được uống, thưa BS? Nhờ bác sĩ chia sẻ thêm ý có thể hạ sốt bằng cách mua và sử dụng viên đặt hậu môn ạ. Mong BS hướng dẫn giúp em ạ.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sau khi uống thuốc, nếu trẻ nôn ói ngay thì có thể uống lại. Nếu nôn ói sau 15 phút uống thuốc thì không cần uống lại, vì lúc đó thuốc đã ngấm vào, uống thêm sẽ làm cho quá liều. Đã uống thuốc hạ sốt thì không dùng thêm thuốc nhét hậu môn, vì hai liều giống nhau.

Sử dụng thuốc hạ sốt nhét hậu môn thì cần nhớ bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu thuốc bị mềm thì việc nhét không hiệu quả. Hơn nữa, chúng ta không thể nhét nửa viên mà phải nhét cả một viên, vì vậy liều lượng phải tương đương với cân nặng của trẻ. Khi nhét thuốc phải giữ hai mông em bé lại trong một khoảng thời gian để thuốc đủ tan. Nếu nhét xong và buông tay ngay thì trẻ có thể đi ngoài ra thuốc. Thuốc hạ sốt dạng uống nhanh hấp thu hơn thuốc hạ sốt dạng viên đặt hậu môn.

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, trẻ không chịu uống thuốc, vì vậy nên chích được không? Tư tưởng “đòi” chích thuốc rất nguy hiểm. Để tập cho trẻ thói quen uống thuốc ngay từ khi chưa mắc bệnh, phụ huynh có thể cùng chơi với con, mô tả tình huống búp bê hoặc gấu bị sốt nên phải uống thuốc. Những câu chuyện nhỏ này sẽ mang lại tác động lớn với trẻ. Khi bị ốm thực sự sẽ nhớ đến câu chuyện, bị bệnh phải uống thuốc mới khỏi, búp bê hay gấu uống được, mình cũng sẽ uống được.

5. Cắt cơn sốt của trẻ có làm giảm kháng thể do cơ thể tạo ra?

Trong cộng đồng làm mẹ, nhiều chị em hay chia sẻ với nhau phương pháp hạ sốt theo trào lưu thuận tự nhiên, tức là sốt cũng có lợi, cứ để rồi từ từ con sẽ hết. Ngược lại cũng có người tìm đủ mọi cách để giúp con hạ sốt. Xin BS cho lời khuyên trong những tình huống này ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Sốt là một phản ứng có lợi, cảnh báo cơ thể đang có vấn đề bất ổn. Khi đó, cơ thể sẽ tạo ra những chất gây sốt để giúp huy động lực lực bảo vệ, chống lại những yếu tố tấn công.

Chúng ta biết rằng, nếu chỉ sốt nhẹ, cơ thể chưa mệt nhiều, vẫn ổn định. Nhưng nếu sốt cao sẽ cảm thấy ê ẩm, mệt mỏi và cảm giác khó chịu. Thuốc hạ sốt vừa có tác dụng hạ sốt, vừa có tác dụng giảm đau. Vì vậy, khi uống thuốc sẽ giúp người bệnh dễ chịu hơn.

Do đó, chúng ta không quá “tả” mà cũng không quá “hữu”. Nghĩa là không để trẻ chịu đựng với cơn sốt. Nhưng ngược lại cũng có những bậc phụ huynh sốt ruột quá mức. Trẻ uống thuốc này không hạ sốt vội vã tìm loại thuốc khác. Điều này lại gây hại cho trẻ.

Chúng ta sử dụng thuốc hạ sốt có tác dụng giảm sốt và giúp cho trẻ dễ chịu hơn. Mặc dù thuốc hạ sốt giảm sốt nhưng không giảm tác dụng bảo vệ cơ thể của những kháng thể được tạo ra để chống lại virus, vi trùng.

Do đó, chúng ta sẽ trung dung, sử dụng thuốc khi cơn sốt làm trẻ khó chịu do vấn đề về sốt hoặc trong những trường hợp sốt cao khiến cho trẻ có nguy cơ biến chứng như co giật.

6. Lời khuyên của các chuyên gia trong điều trị, chăm sóc và phòng ngừa sốt xuất huyết

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sốt xuất huyết vẫn luôn là gánh nặng, vì vậy phải theo dõi hướng dẫn của ngành y tế về phát hiện sớm, dấu hiệu nguy hiểm cần đi bệnh viện, sử dụng thuốc hạ sốt, cách dùng, liều dùng và thời điểm cần dùng cũng như cách xử lý khi sốt không hạ.

Bên cạnh đó, sốt xuất huyết nếu không phòng ngừa sẽ rất khó, bởi vì dù có thuốc hạ sốt chăng nữa thì trẻ vẫn có nguy cơ trở nặng. Do đó, việc phòng ngừa sốt xuất huyết là rất quan trọng. Đây là trách nhiệm không của riêng cá nhân mà còn của rất nhiều người trong việc diệt muỗi, diệt loăng quăng, dọn dẹp ổ chứa loăng quăng… Tất cả cùng làm mới không có sốt xuất huyết. Nếu không, hết mùa mưa mới giảm sốt xuất huyết và qua mùa sang năm sẽ tiếp tục xuất hiện trở lại.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Sốt xuất huyết là bệnh chưa có vắc xin và cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu, đa phần là điều trị triệu chứng. Trong đó, triệu chứng chủ yếu của sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà đó là thuốc hạ sốt. Vì vậy, khi trẻ bị sốt xuất huyết hoặc bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sốt, các bậc phụ huynh phải bình tĩnh. Kiến thức chăm sóc trẻ bị sốt là kiến thức thường quy, có thể tự cung cấp và chia sẻ cùng nhau.

Phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh, không để cho các ổ dịch sốt xuất huyết phát triển. Chúng tôi cũng có những nghiên cứu về thái độ và kiến thức của người dân, rất nhiều người trả lời chính xác về việc nước đọng thì muỗi đốt… Nhưng khi hỏi sâu việc có hay không nước đọng xung quanh nhà thì lại không chỉ ra được. Nơi sinh sôi của muỗi đôi khi rất đơn giản, có thể từ bãi rác nhỏ đọng nước mưa, gáo dừa lề đường, lọ hoa để ngoài trời cũng có thể chứa nước… Mặc dù đây là nơi chúng ta có thể thấy hằng ngày nhưng không định danh được là nơi chứa mầm bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra, nhiều người cũng biết muỗi đốt gây sốt xuất huyết, nhưng ít ai hiểu rõ về việc muỗi sẽ thường đốt vào chiều tối hoặc gần sáng, muỗi có thể bay từ nhà này qua nhà khác và khu vực xung quanh đó. Vì vậy, chúng ta phải phối hợp nhiều người trong khu phố để loại bỏ nước tù đọng - nơi sinh sôi của muỗi, đồng thời cần ngủ mùng, bôi thuốc chống muỗi… để phòng ngừa sốt xuất huyết.

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng Efferalgan của Pháp đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X