Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia giải đáp 6 thắc mắc về viêm gan B trong thai kỳ

Sinh mổ có làm giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con? Trẻ có cần kiêng bú sữa từ người mẹ nhiễm viêm gan B? Hiệu quả và an toàn của thuốc điều trị viêm gan B trong thai kỳ ra sao?... Những thắc mắc này đã được TS.BS Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương và BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung - Trưởng khoa Khám bệnh B, Bệnh viện Hùng Vương giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Sinh mổ có làm giảm nguy cơ lây truyền viêm gan siêu vi B cho con?

Thai phụ nhiễm viêm gan siêu vi B, nên sinh mổ hay sinh thường, thưa BS? Nhiều người cho rằng, sinh mổ sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền cho con, thực hư điều này như thế nào ạ?

TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Hiện nay, vẫn chưa có chứng cứ chứng minh sinh mổ làm giảm khả năng lây truyền viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con. Do đó, tỷ lệ lây truyền ở hai phương pháp sinh là như nhau, các bác sĩ không khuyến cáo mẹ nên sinh mổ để làm giảm tỷ lệ này. 

2. Khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc bệnh lý lây truyền từ mẹ sang con

Thực tế, nhiều phụ nữ không biết mình mắc viêm gan B. Theo BS, trước khi mang thai, người phụ nữ cần thăm khám và thực hiện các xét nghiệm gì để sàng lọc - phát hiện sớm, nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con ạ?

BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên khám sức khỏe định kỳ để được xét nghiệm sàng lọc các bệnh lý nguy cơ lây truyền cho em bé. Ví dụ, bệnh viêm gan siêu vi B, HIV, bệnh giang mai. Từ đó, mẹ có sự chuẩn bị để tự tin bước vào thai kỳ 9 tháng 10 ngày một cách thoải mái, vì biết bản thân không nhiễm bệnh, không có khả năng lây truyền từ mẹ sang con.

Hiện nay, tất cả các cơ sở y tế đều có xét nghiệm sàng lọc viêm gan siêu vi B, do đó, phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ nên đi khám sức khỏe định kỳ để được xét nghiệm.

3. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho mẹ bầu nhiễm viêm gan siêu vi B cần chú ý gì?

Phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan siêu vi B, cần chú ý các nguyên tắc nào trong ăn uống, xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, thưa BS?

TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Chế độ dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong quá trình mang thai để nuôi dưỡng bé phát triển. Đặc biệt, trong tình trạng phụ nữ mang thai có nhiễm viêm gan siêu vi B, vai trò của dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, mẹ bầu chỉ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, không yêu cầu khẩu phần ăn chuyên sâu hay riêng biệt.

Ví dụ, khi đến gặp bác sĩ thăm khám, các mẹ sẽ được tư vấn và hướng dẫn cụ thể về khẩu phần ăn, bổ sung vitamin, rau xanh, tinh bột, chất đạm,… một cách hợp lý. Đối với phụ nữ mang thai, các loại thực phẩm như rau xanh, vitamin, cần được ưu tiên trong khẩu phần ăn, giúp tăng đề kháng và bảo vệ cho chính bản thân.

Không có chế độ ăn chuyên biệt dành cho phụ nữ mang thai bị viêm gan, tuy nhiên, chế độ ăn có ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể. Do đó, các mẹ nên chú tâm vào việc ăn uống, không nên lơ là, bỏ qua vấn đề chất lượng khẩu phần ăn và dinh dưỡng cho mẹ.

Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai mắc viêm gan siêu vi B có thể ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nhiễm bệnh không có biểu hiện và triệu chứng. Vấn đề cần quan tâm là bản thân đang mang thai, do đó, cần bảo vệ cơ thể luôn khỏe mạnh để chuẩn bị cho thời gian sinh đẻ. Đồng thời, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé, điều này đòi hỏi từ yếu tố sinh hoạt, và đời sống phải được đảm bảo.

Phụ nữ mang thai nên nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress, vì các yếu tố này có ảnh hưởng đến nội tiết. Trong khi đó, bé được nuôi dưỡng qua máu của mẹ, sẽ tiếp cận những chất nội tiết không tốt. Do đó, mẹ nên xây dựng một chế độ nghỉ ngơi khoa học, ăn uống phù hợp, không nên thức khuya và lưu ý bảo vệ cơ thể.

4. Nhiễm viêm gan siêu vi B có thể nuôi con bằng sữa mẹ

Việc điều trị và theo dõi viêm gan B sau sanh sẽ được thực hiện như thế nào, thưa BS? Người mẹ nhiễm viêm gan siêu vi B có được cho con bú không ạ?

BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Đối với những thai phụ có chỉ định điều trị dự phòng viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con, người mẹ sẽ được dùng thuốc bắt đầu từ giai đoạn 24 - 28 tuần thai đến cuối thai kỳ và sau thai kỳ từ 4 - 12 tuần sau sinh.

Việc theo dõi sức khỏe của người mẹ bao gồm: theo dõi triệu chứng lâm sàng, theo dõi men gan, và ở thời gian hậu sản. Bên cạnh đó, người mẹ sẽ được xét nghiệm tải lượng siêu vi B trong máu để phòng ngừa tình trạng viêm gan bùng phát trong thời gian hậu sản.

Các nghiên cứu cho thấy, việc nuôi con bằng sữa mẹ ở những bà mẹ nhiễm viêm gan siêu vi B không có chống chỉ định, mặc dù có phát hiện virus viêm gan B trong sữa mẹ. Tuy nhiên, không có sự khác biệt giữa hai nhóm trẻ, một nhóm có mẹ bị viêm gan siêu vi B và nuôi con bằng sữa mẹ so với nhóm trẻ của người mẹ không bị viêm gan siêu vi B.

Do đó, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo, trẻ sinh ra bởi mẹ nhiễm viêm gan siêu vi B được bú sữa mẹ. Tuy nhiên, phải đảm bảo điều kiện trẻ hoàn thành chích ngừa viêm gan siêu vi B và globulin miễn dịch kháng viêm gan siêu vi B.

5. Mẹ bầu dùng thuốc dân gian điều trị viêm gan siêu vi B có an toàn?

Một số trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan B, muốn sử dụng các vị thuốc dân gian như cây chó đẻ răng cưa, cây nhọ nồi, cây cà gai leo, nhân trần, mã đề vì tin rằng sẽ an toàn hơn cho thai nhi. Lời khuyên của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Hiện tại, Bộ Y tế chỉ khuyến cáo một loại thuốc duy nhất để điều trị dự phòng viêm gan siêu vi B lây truyền từ mẹ sang con là Tenofovir. Trường hợp người mẹ đang điều trị viêm gan bằng các loại thuốc khác, bác sĩ cũng khuyến cáo chuyển sang Tenofovir để điều trị trong thời gian mang thai.

Nếu mẹ sử dụng loại thuốc chưa được Bộ Y tế công nhận và không được khuyến cáo trong thai kỳ, có thể gây ra rủi ro. Bên cạnh đó, gan là một cơ quan chính để thải chất độc ra khỏi cơ thể, nếu sử dụng thuốc và các loại thực phẩm không đúng, không tốt cho gan, vô tình làm tổn thương tế bào gan và đẩy tình trạng bệnh trở nên nặng nề.

TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Sợ dùng thuốc là vấn đề ảnh hưởng đến quá trình điều trị, đó là tâm lý của nhiều mẹ bầu nhiễm viêm gan siêu vi B. Đặc biệt, những kiến thức dân gian như không nên sử dụng thuốc tây, câu chuyện này đã “thịnh hành” cách đây hơn 10 năm.

Về sau, các mẹ đã cập nhật kiến thức tốt hơn, được gia đình cổ vũ đến gặp bác sĩ để sử dụng thuốc theo phương pháp Tây y. Quan điểm sử dụng thuốc tây gây ảnh hưởng đến thai nhi, từ đó các mẹ không thăm khám và không sử dụng thuốc điều trị đúng mức, dẫn đến hậu quả đáng tiếc dần được loại bỏ, đây là một điều đáng mừng.

Hy vọng, thời gian tới, các mẹ bầu tiếp tục cập nhật thông tin để có những kiến thức tốt hơn. Trong y khoa, các thuốc được đưa vào sử dụng, bắt buộc trải qua thử nghiệm nhiều vòng, sau đó mới cho phép ứng dụng trên người, đặc biệt là phụ nữ mang thai - nhóm người rất nhạy cảm.

Vì vậy, khi FDA Hoa Kỳ và Cục Dược của Bộ Y tế Việt Nam cho phép sử dụng lưu hành tại Việt Nam, các loại thuốc này phải khẳng định về độ an toàn và sử dụng được cho phụ nữ mang thai. Đồng thời, bằng chứng về việc sử dụng thuốc được chứng minh một cách khoa học và hiệu quả so với các phương pháp dân gian.

6. Kiểm tra sức khỏe và chích ngừa để dự phòng viêm gan siêu vi B tốt nhất

Cuối chương trình, nhờ BS điểm lại một số quan niệm đúng và chưa đúng về viêm gan siêu vi B trong thai kỳ mà các chị em cần nhớ để hiểu rõ về căn bệnh này cũng như tiếp cận việc điều trị khoa học, hiệu quả ạ?

TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Tóm lại, việc điều trị viêm gan siêu vi B cần lưu ý trên 2 nhóm người.

Một là phụ nữ đang có ý định mang thai, nên đi kiểm tra sức khỏe. Vì tình trạng viêm gan siêu vi B khá phổ biến tại Việt Nam. Nếu được kiểm tra sức khỏe và được bác sĩ đánh giá, cho làm các xét nghiệm để sàng lọc viêm gan, chủ động điều trị nếu nhiễm bệnh.

Trường hợp người phụ nữ không nhiễm bệnh và có kháng thể, nên chủ động tiêm ngừa viêm gan siêu vi B. Trong thời gian mang thai, nếu xét nghiệm có kết quả không nhiễm bệnh và không có kháng thể, bác sĩ sẽ khuyến cáo nên chích ngừa. Điều này không gây ảnh hưởng, ngược lại mang đến rất nhiều lợi ích, vì khi cơ thể của phụ nữ không có kháng thể, khả năng cơn cấp tính bùng phát sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi.

Vì vậy, nên đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát trước mang thai, chuẩn bị sẵn sàng cho cơ thể trước khi mang thai.

Hai là đối với phụ nữ đang mang thai, việc thăm khám và sàng lọc viêm gan là điều quan trọng và cần thiết. Tại tất cả các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện chuyên khoa sản được triển khai từ Bộ Y tế, việc tầm soát khả năng bị viêm gan phải thực hiện vào quý 1 của thai kỳ. Vì vậy, các mẹ bầu không nên bỏ lỡ đợt kiểm tra này.

Tuy nhiên, nếu các mẹ không kịp tầm soát trong quý 1 thai kỳ, bất cứ thời gian nào đến bệnh viện, bác sĩ hoàn toàn chủ động hướng dẫn làm xét nghiệm để tầm soát viêm gan, ngay thời điểm đầu tiên sau “tam cá nguyệt” thứ nhất. Đồng thời, xác định mức độ viêm gan nếu mẹ bầu nhiễm bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn liệu pháp điều trị trong quá trình dự phòng từ 24 - 28 tuần đến thời gian sinh.

Trong thời gian đó, mẹ được xét nghiệm chức năng gan để đánh giá tình trạng viêm gan có ảnh hưởng thế nào đến cơ thể và chức năng gan.

Đối với các bé sau sinh, việc sử dụng vắc xin phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con vô cùng quan trọng. Do đó, ngay sau sinh, các mẹ nên chủ động nhắc bác sĩ về vấn đề bản thân nhiễm viêm gan siêu vi B, để con được chích vắc xin phòng ngừa và huyết thanh cho bé trong vòng 12 tiếng sau sinh, đảm bảo bé được bảo vệ.

Ngoài ra, thai phụ nên chủ động thực hiện vai trò của mình trong quá trình mang thai để giảm thiểu khả năng lây truyền cho bé. Mong rằng, tất cả mẹ bầu mắc viêm gan, hãy tự tin, mạnh dạn và hiểu rằng, đây là những vấn đề các mẹ cần quan tâm. Bên cạnh đó, tuân thủ với thuốc bác sĩ chỉ định, không tự ý bỏ thuốc, vì phương pháp này sẽ giúp cơ thể của mẹ khỏe hơn, giảm tải lượng virus và giảm nguy cơ cho bé.

Đặc biệt, một vấn đề cần lưu ý là sau khi sinh, việc tiêm ngừa cho bé theo phác đồ và xét nghiệm kiểm tra, xác nhận bé có nhiễm viêm gan siêu vi B hay không là điều quan trọng để quyết định việc tiếp tục tiêm vắc xin bổ sung, nhằm tăng khả năng bảo vệ cho bé. Vấn đề này nếu không được dặn dò, đa số các mẹ bầu sẽ bỏ lỡ, đó là cơ hội giúp bé được bảo vệ và không mắc viêm gan siêu vi B mạn tính.  

Phần 1: 90% trẻ nhiễm virus viêm gan B trong năm đầu đời diễn tiến thành viêm gan B mạn tính

Phần 2: Điều trị tốt viêm gan B trong thai kỳ, 99% trẻ sinh ra khỏe mạnh, không lây bệnh từ mẹ

Chân thành cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng Bệnh viện Hùng Vương và AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X