Hotline 24/7
08983-08983

Chụp MRI thấy đứt bán phần dây chằng chéo trước, cân nhắc gì trước khi mổ?

TS.BS Tăng Hà Nam Anh đưa ra hướng dẫn lựa chọn phương pháp điều trị đối với đứt bán phần dây chằng chéo trước, mổ hay không mổ phụ thuộc vào các yếu tố nào.

Sau chấn thương, có cần chụp MRI khớp gối càng sớm càng tốt?

TS.BS Tăng Hà Nam Anh:

Đối với người vừa bị chấn thương khớp gối sẽ không đi chụp MRI ngay, vì khi chúng ta chấn thương máu đầy trong khớp, nếu có chấn thương thực sự. Khi có máu trong khớp MRI sẽ khó phân biệt được tín hiệu đứt gân hay do máu trộn lẫn vì gân và dây chằng cùng nằm trong hồ máu.

Trừ một trường hợp sau đây cần mổ khẩn cấp trong trường hợp bệnh nhân bị chấn thương đầu gối là bệnh nhân bị đứt động mạch kheo do trật khớp gối. Trường hợp này không cần chụp MRI, siêu âm doppler bác sĩ phát hiện được đứt động mạch.

Còn các trường hợp khác, dù đó là tổn thương 3-4 sợi dây chằng ở khớp gối cũng không có chỉ định mổ ngay. Phải điều trị nội khoa cho bệnh nhân bớt sưng từ 1-2 tuần rồi mới mổ. Vào thời điểm đó, khi mọi thứ đã rõ ràng hơn, chúng ta chụp MRI mới thấy rõ được.

Vì vậy với bệnh nhân bị chấn thương đầu gối, chúng ta không cần chụp MRI ngay sau khi chấn thương mà nên đi khám để bác sĩ xác định sơ bộ chỗ chấn thương đó bị vấn đề gì, xử trí trước mắt là uống thuốc, chườm lạnh, nghỉ ngơi cho đến khi gối mình xẹp, nếu cần bác sĩ sẽ cho chụp MRI sau vì đa phần chấn thương vùng khớp gối dây chằng có thể phát hiện ngay sau khi khám.

Có phải chụp MRI thấy đứt bán phần dây chằng chéo trước là nhất định phải mổ?

TS.BS Tăng Hà Nam Anh:

Nếu chúng ta căn cứ vào MRI thấy đứt bán phần dây chằng chéo trước liền đi mổ là điều sai lầm. Dây chằng giữ cho khớp gối không bị bán trật. Nếu như vậy, chúng ta phải khám ở tư thế động.

Chúng ta muốn biết chiếc xe chạy tốt hay không, phải nổ máy và cho xe chạy thì ta mới đánh giá được. Nếu ta để chiếc xe hơi đứng im đó, ta đứng quan sát xung quanh và đánh giá thì không đủ thông tin.

Dây chằng chúng ta cũng như vậy, chúng ta phải khám khi đầu gối hoạt động. Bác sĩ cần xem nó có bán trật khớp gối hay không, lúc đó, mới quyết định mổ, không ai quyết định mổ trên phim MRI cả.

Khi khám dây chằng, bác sĩ phải làm 2 test rất quan trọng. Đó là test căng kéo, test để xem gối có bị bán trật ra phía trước hay không. Một test nữa là bán trật xoay, có nghĩa là sẽ bẻ gối của các bạn để xem nó có trật hay không. Nếu cả hai test này hay một trong hai “dương tính”, dây chằng của các bạn không còn chức năng nữa. Cho dù có đứt bán phần đi nữa, người ta vẫn có chỉ định mổ.

Nếu test đầu gối của bạn vững không có vấn đề gì, cho dù MRI có đọc đứt bán phần, bác sĩ sẽ không có chỉ định mổ.

Điểm thứ hai là coi nhu cầu của bệnh nhân là gì. Bác sĩ khám nếu thấy có mất vững nhưng bạn đã 60, 65, 70, nhu cầu của bạn là đi bộ, đi bơi, đạp xe thì không cần phải làm dây chằng. Ở những động tác như vậy, gối ít khi bị bán trật.

Gối chỉ bị bán trật khi các bạn chạy nhảy, leo trèo, xoay người nhiều. Chỉ định mổ còn phụ thuộc vào hoạt động thể lực mỗi ngày của bệnh nhân. Nó sẽ không có công thức cho bất kỳ bệnh nhân nào và bác sĩ phải cá thể hóa trên bệnh nhân đó. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân, tùy theo tình trạng thể lực, hoạt động thể lực và nhu cầu của bệnh nhân mà ta quyết định mổ hay không mổ.

Như vậy, để quyết định mổ cho bệnh nhân hay không, bác sĩ sẽ khám trực tiếp và thảo luận kỹ với bệnh nhân để đưa ra quyết định phù hợp chứ không chỉ dựa vào hình ảnh đứt bán phần trên phim MRI.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X