Hotline 24/7
08983-08983

Chụp CT có tiêm thuốc cản quang: Chỉ định và cách tiến hành

Chụp CT có tiêm thuốc cản quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cho kết quả có độ chính xác cao. Vậy chụp CT có tiêm thuốc cản quang được chỉ định trong các trường hợp nào? Cách tiến hành kỹ thuật trên như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua phần tư vấn của BS.CK2 Nguyễn Chí Phong - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM).

Giá trị của chụp CT scan trong khảo sát bệnh lý toàn thân

Xin hỏi BS, chụp CT scan có thể khảo sát được những cơ quan, bộ phận nào? Trường hợp nào cần dùng đến thuốc cản quang?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Chụp CT dùng tia X để ghi lại hình ảnh sau đó đưa sang máy tính để xử lý và trả hình ảnh cho bác sĩ đọc, tìm bệnh lý. CT có thể chụp toàn thân, từ vùng đầu, mặt, cổ, ngực xuống đến bụng và cả chi dưới.

Chụp CT có thể khảo sát được những bệnh lý vùng não, bệnh lý mạch máu não, u não ở vùng đầu. Đối với vùng mặt, có thể khảo sát được những chấn thương ở vùng mặt, xem xương có bị tổn thương hay không. Ở vùng mặt, CT khá nhạy trong việc khảo sát xoang ở các trường hợp viêm xoang, vẹo vách ngăn mũi.

Xuống vùng bụng, CT có giá trị khảo sát nhiều cơ quan như gan (gan nhiễm mỡ, xơ gan, u gan...), dạ dày (u dạ dày), lách (chấn thương lách, nang lách), tụy (viêm tụy cấp). Đặc biệt, CT rất nhạy trong chẩn đoán viêm tụy cấp.

Thấp hơn nữa, CT cũng rất nhạy trong chẩn đoán các bệnh lý hệ niệu như những trường hợp sỏi niệu, bệnh lý u thận, u bàng quang. Bệnh lý tuyến tiền liệt hay tử cung cũng được khảo sát trên CT.

CT có thể khảo sát những bệnh lý ở chi dưới. Những bệnh lý về xương sau chấn thương cũng có thể dùng CT để xem tổn thương của xương như gãy xương, u xương.

Những tổn thương bệnh lý thường tăng sinh mạch máu hay tăng lượng máu nuôi. Tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch sẽ đưa đến các tổn thương. Về chuyên môn, chúng tôi canh thời gian sau khi tiêm 30 giây, 70 giây thì thuốc sẽ đến tổn thương nào trong cơ thể.

Lấy ví dụ, một u gan khi chụp bình thường chỉ thấy được tổn thương giảm đậm độ nhưng khi có thuốc cản quang, tổn thương sẽ hiện rõ, dễ xác định. Tương tự, để tìm các dị dạng mạch máu hoặc những tổn thương hẹp lòng mạch, CT có cản quang đem lại giá trị, giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tốt hơn.

Chống chỉ định tuyệt đối và chống chỉ định tương đối khi chụp CT Scan

Xin BS cho biết, những trường hợp nào chống chỉ định chụp CT scan?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Chụp CT có chống chỉ định tuyệt đối và chống chỉ định tương đối. Bác sĩ sẽ lường trước tình huống để việc chụp có giá trị chẩn đoán điều trị tốt hơn và hiệu quả hơn.

Một số chống chỉ định tương đối là những trường hợp suy gan, suy tim mất bù; những bệnh nhân suy thận độ 3, độ 4, độ lọc cầu thận dưới 30 hoặc 60.

Những trường hợp độ lọc cầu thận dưới 30 gần như chống chỉ định tuyệt đối nhưng bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ phối hợp với bác sĩ điều trị để chọn phương án phù hợp. Nếu việc chụp là cần thiết để tìm ra bệnh lý với mục đích điều trị cho bệnh nhân thì vẫn có thể tiến hành chụp. Sau khi chụp sẽ có biện pháp lọc thận hoặc bù nước cho bệnh nhân.

Một số chống chỉ định tương đối khác là bệnh lý đa u tủy, bệnh lý thiểu niệu. Cơ địa có dị ứng cũng cần dè dặt trong việc chụp CT.

Chống chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân có thai. Ở tam cá nguyệt thứ nhất, có thể nói cần phải chống chỉ định tuyệt đối, hai tam cá nguyệt sau sẽ tùy thuộc vào trường hợp bệnh lý để cân nhắc.

Đặc biệt chống chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân đã từng có dị ứng với thuốc cản quang. Những người mất nước nặng cũng thuộc trường hợp chống chỉ định tuyệt đối.

Cần làm xét nghiệm gì trước khi chụp CT?

Trước khi chụp CT scan có cản quang, bệnh nhân cần phải làm các xét nghiệm gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Trước khi chụp CT, bệnh nhân nên làm các xét nghiệm về độ lọc cầu thận. Những bệnh nhân có nguy cơ nhiễm độc giáp cần xét nghiệm lượng TSH.

Quy trình bơm thuốc cản quang và chụp CT scan

Chất cản quang được đưa vào cơ thể theo những cách nào và được đưa vào cơ thể trước bao lâu so với thời điểm bệnh nhân vào phòng chụp CT?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Trước khi đưa thuốc cản quang vào cơ thể, bệnh nhân sẽ được các bạn điều dưỡng lấy ven (đặt kim luồn với cỡ phù hợp trong chỉ định để chụp). Chụp mạch máu hay mạch vành sẽ dùng kim lớn hơn để tốc độ bơm thuốc đủ với thời gian.

Chụp ở các cơ quan khác có thể sử dụng kim luồn nhỏ hơn. Bệnh viện Bình Dân dùng kim có nòng nhựa nên bệnh nhân sẽ không đau và không bị xiên thành khi di chuyển.

Sau khi đặt kim, bệnh nhân sẽ chờ theo số thứ tự. Trong phòng chụp CT sẽ có kỹ thuật viên kiểm tra lại ven đã thông vào mạch máu chưa. Khi ven đã thông vào mạch máu, bệnh nhân sẽ lên bàn để chụp CT.

Chất cản quang sẽ được bơm bằng máy với tốc độ khá cao mới phù hợp với chuyên môn, tìm ra được hình ảnh tổn thương, có bệnh lý. Thời gian bơm thông thường khoảng 30 giây. Sau khi bơm xong, có các thì chụp như thì chụp động mạch vào khoảng 30 giây sau khi bơm; tiếp theo là thì tĩnh mạch, khoảng 65 - 70 giây. Một số thì muộn, thì trễ tùy theo bệnh lý đã được chẩn đoán. U tuyến thượng thận có thì chụp sau 15 phút.

Uống nhiều nước để tăng tốc đổ thải thuốc cản quang

Làm thế nào để thuốc mau đào thải ra khỏi cơ thể của bệnh nhân, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Thuốc cản quang được đào thải qua thận là chủ yếu. Thường sau 10 phút sẽ thải được khoảng 12% và sau 60 phút thải được 50% lượng thuốc. 80% lượng thuốc được thải sau 3 giờ. Sau 24 giờ sẽ thải được hoàn toàn lượng thuốc trong cơ thể.

Tuy nhiên, cơ thể mỗi người có độ lọc cầu thận cũng như cơ địa khác nhau, do đó thời gian còn tùy thuộc vào cơ thể. Nên uống nhiều nước sau khi chụp CT để thuốc thải nhanh hơn.

Chỉ mất khoảng 1 - 2 phút để chụp CT có cản quang

Thời gian chụp CT scan so với MRI như thế nào? Thời gian chụp thông thường sẽ trong vòng bao lâu, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Thời gian chụp CT có cản quang rất nhanh, tùy thuộc vào loại máy. Hiện tại có nhiều dòng máy như dòng máy CT 16 lát, dòng máy CT 64, 128, 560 và những dải cao hơn nữa.

Chụp CT có cản quang tại Bệnh viện Bình Dân sử dụng máy 128 lát. Chụp vùng bụng trong thời gian khoảng 1 - 2 phút. Nhưng như đã trình bày ở trên, chụp CT có cản quang cần phải chuẩn bị đặt kim trước và phải được tư vấn từ kỹ thuật viên, tìm hiểu cơ địa dị ứng.

Thời gian cho công tác chuẩn bị khoảng dưới 30 phút, thời gian chụp chỉ khoảng 1 - 2 phút.

Thời gian chụp MRI thường sẽ lâu hơn, ví dụ chụp gan ở vùng bụng bằng MRI mất khoảng 15 - 20 phút. Bệnh viện Bình Dân mới trang bị thêm hệ thống mới, thời gian chụp nhanh hơn gấp rưỡi. Trước đây phải mất 30 phút mới chụp xong 1 trường hợp MRI bụng có thuốc cản từ nhưng hiện tại chỉ cần khoảng 15, 20 phút.

Nhịn ăn trước khi chụp CT scan 4 giờ

Trước khi chụp CT scan, bệnh nhân có cần nhịn ăn, nhịn uống trước đó không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Do thuốc cản quang được bơm vào lòng mạch với tốc độ cao và thuốc có thể làm nóng ở vùng cổ, dễ gây nôn. Nếu có thức ăn, khi nôn sẽ dễ tràn sang khí quản gây nguy hiểm.

Vì vậy, bệnh nhân cần phải nhịn ăn trước khi chụp 4 giờ, có thể uống một ít nước nếu khát.

Dừng thuốc điều trị bệnh lý mãn tính 2 tiếng trước khi chụp CT scan

Những bệnh nhân có bệnh nền phải dùng thuốc mỗi ngày như đái tháo đường, tăng huyết áp... có cần dừng thuốc điều trị trước khi chụp CT scan không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Bệnh nhân có bệnh mãn tính như đái tháo đường, cao huyết áp phải dừng thuốc khoảng 1 - 2 tiếng trước khi chụp.

Nguy cơ bị ung thư do nhiễm xạ khi chụp CT scan ra sao?

Nhiều người lo ngại về khả năng bị ung thư do nhiễm xa khi chụp CT scan vì lượng tia X nhiều. Xin hỏi BS, lo lắng này có cơ sở không?

BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Theo nghiên cứu, tia X có thể gây ung thư. Một người bình thường cũng có thể bị nhiễm xạ từ ánh sáng mặt trời, từ những phóng xạ khác...

Mức an toàn bức xạ không quá 20 mSv/năm. Mỗi lần chụp CT sẽ bị chiếu khoảng 1 - 10 mSv, chẳng hạn chụp ở vùng đầu, đoạn ngắn, số tia X hấp thụ ít. Chụp vùng bụng với diện rộng hơn, số tia X hấp thụ nhiều hơn.

Mức khuyến cáo là không quá 20 mSv/năm. Chụp vùng bụng tối đa 10 mSv/lần, vậy 1 năm có thể chụp được 2 lần. Vùng sọ não hay những cơ quan ngắn hơn chỉ khoảng 3 - 4 mSv thì có thể chụp được nhiều hơn.

Những bệnh lý cần thiết thì việc chụp rất quan trọng để chẩn đoán, điều trị bệnh cũng có thể thực hiện được. Với thiết bị ngày càng hiện đại, các nhà sản xuất sẽ tối ưu việc hấp thu tia X hoặc tối ưu việc phát tia X để thu được hình ảnh, nghĩa là giảm thấp nhất tia X có thể mà vẫn thu được hình ảnh tốt nhất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X