Hotline 24/7
08983-08983

Chít hẹp bao quy đầu: Mối họa khó lường

Bị hẹp bao quy đầu từ nhỏ mà không biết, khi có triệu chứng viêm nhiễm không đi khám, tự uống thuốc… "mở lối" cho bệnh ung thư dương vật tiến triển.

Đánh mất cuộc sống vì chủ quan

Anh Phan Văn Mạnh (50 tuổi ở Hải Dương) khi bị vợ "áp tải" tới Phòng khám đa khoa Tiết niệu và Nam khoa Tâm Anh (đường Lý Nam Đế, Hà Nội) rụt rè kể: "Cậu nhỏ" bị ngứa đỏ, nổi cục, da bao quy đầu ngày càng dày lên, sần sùi và chuyển màu, mủ chảy liên tục...
 
Cho là bị viêm như những lần trước nên anh tự mua thuốc kháng sinh uống. Mọi lần uống thì khỏi, nhưng lần này bệnh không thuyên giảm mới đi khám nam khoa và "sốc" khi bác sĩ báo anh đã bị ung thư dương vật giai đoạn cuối do bị chít hẹp bao quy đầu từ bé mà không cắt.
 
Những cặn nước tiểu đọng lại, đóng két lại ở "cậu nhỏ" và quanh vùng khấc, làm "cậu nhỏ" luôn có mùi, nhiễm trùng tiểu, viêm quy đầu... tiến triển thành ung thư. "Nhìn họ thất thểu ra về, tôi thấy xót xa bởi anh Mạnh mới 50 tuổi, rất khỏe mạnh. Giá từ bé được cắt bao quy đầu, đừng ngại đi khám nam khoa thì đã không có chuyện bi thảm này", Ths. BS chuyên khoa II Lợi Hồng Sơn buồn bã kể lại.
 
Theo ThS. BS Lợi Hồng Sơn, ung thư dương vật ít gặp. Nhiều nghiên cứu nam khoa cho thấy, ung thư dương vật là do nhiễm virus khu trú ở bộ phận sinh dục tên là Humanpapiloma virus - HPV.
 
Triệu chứng thường thấy là đỏ, ngứa, nổi cục, loét chảy mủ, phần đầu da bao quy đầu ngày càng sần sùi và dày lên, từ màu hồng thành bạch biến, nước dịch chảy ra từ trong bao quy đầu (không phải trong lỗ sáo)... Ở giai đoạn xâm lấn, tổn thương tại chỗ, khả năng điều trị sống khoảng 50% (sống trên 5 năm), nếu muộn thì ung thư đã di căn rất khó chữa.
Nếu bị chít hẹp quy đầu, các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên phẫu thuật sớm. Ảnh minh họa
 
Nên xử lý trước khi trưởng thành
 
Theo Ths. BS Hoàng Giang (Trung tâm Nam khoa, BV Việt Đức), ngày nay trình độ dân trí được nâng lên, kiến thức giới được phổ biến rộng rãi, nhưng nhiều quý ông vẫn ngại không dám đi đến cơ sở y tế khám bệnh để được bác sĩ khám, hoặc chuyển tới các trung tâm nam học chẩn bệnh.
 
Chít hẹp bao quy đầu nếu chần chừ không đi cắt sẽ đi tiểu khó, dễ bị viêm nhiễm do cặn tích tụ ở nếp da quy đầu, khiến vi khuẩn phát triển nhanh gây viêm nhiễm đường tiết niệu, hoặc ảnh hưởng tới thận, thậm chí bị ung thư phải cắt bỏ hoàn toàn bộ phận sinh dục, ảnh hưởng tới khả năng làm chồng, làm cha.
 
Theo ThS.BS Lợi Hồng Sơn, khoảng 96% trẻ trai sơ sinh bị hẹp bao quy đầu, nhưng lúc 1 tuổi còn 50%, lúc 4 tuổi còn 10% và sau 17 tuổi chỉ còn 1%. Trẻ trai sơ sinh đa số hẹp bao quy đầu sinh lý do chưa có phân cách giữa bao quy đầu và quy đầu, càng lớn mới có sự tách dần...
 
Trẻ trai dưới 5 tuổi hẹp bao quy đầu nếu không có triệu chứng khác bác sĩ thường cho dùng thuốc thoa tại chỗ có hướng dẫn cách lộn, vệ sinh hàng ngày để mẹ giúp trẻ, chứ không cần nong sớm vì dễ dính và sẹo xơ, gây ra hẹp bao quy đầu thứ phát.
 
 Bị chít hẹp bao quy đầu ở trẻ không bắt buộc phải cắt. Nhưng nếu thấy bao quy đầu của các bé trai không thể lộn ra được, hoặc lộn ra chỉ có lỗ bé chỉ bằng đầu kim (không thấy lỗ sáo), kèm theo lúc tiểu thấy đầu "cậu nhỏ" phồng to, tiểu xong lại xẹp đi... thì trẻ đã bị chít hẹp bao quy đầu, cần phải cắt sớm để tránh viêm nhiễm và ung thư về sau.
 
Nhiều trẻ bị hẹp bao quy đầu nhưng cha mẹ không nhận biết được, hoặc cho là để trẻ lớn sẽ tự đi cắt. Nhưng khi trẻ lớn ý thức rõ về giới lại ngại không dám đi khám, nên lúc trưởng thành sẽ bị đau khi dương vật cương cứng, thậm chí khó cương, khó quan hệ tình dục.
 
Không phẫu thuật, hoặc chậm phẫu thuật cắt bao quy đầu nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu cao hơn 10-20 lần so với người bình thường, dễ bị nguy cơ gây ung thư dương vật, hoặc dẫn tới vô sinh. 
 
Vệ sinh thế nào?

Để phòng ngừa, từ nhỏ trẻ trai mỗi khi tắm, mẹ nên rửa và lộn bao quy đầu cho con (vệ sinh bao quy đầu sạch sẽ trẻ cũng dần khỏi hẹp bao quy đầu). Nếu khó lộn, hoặc bao quy đầu bị dính lại, bé hay gãi ngứa ở đầu dương vật, đi tiểu đau buốt, đầu dương vật sưng đỏ, hoặc có những nốt hay cục màu trắng ngà nằm ở trong bao quy đầu… cần đưa bé đi khám và điều trị.
Trẻ lớn hơn có thể hướng dẫn vệ sinh sạch bao quy đầu bằng cách: Lộn lớp da lên trong mỗi lần tắm, giúp cho bao quy đầu dễ lộn hoàn toàn. Nếu không lộn được thì cắt bao quy đầu là một thủ thuật nhỏ, không nguy hiểm và có lợi lâu dài cho sức khoẻ.
 
Ths.BS Lợi Hồng Sơn

Theo Trà Giang - Gia đình & Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X