Hotline 24/7
08983-08983

Chích ngừa COVID-19 rồi mà tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh thì cần làm gì?

PGS.BS Huỳnh Wynn Tran (Trần Huỳnh) giải đáp các tình huống: nếu bị nhiễm bệnh COVID-19 nhưng không hay biết vì không có triệu chứng, có nên chích ngừa? Chích ngừa COVID-19 rồi mà tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh này thì cần làm gì khi về nhà?

Livestream của BS Wynn Tran: #330. LS chiều thứ Sáu Covid-19: Vaccine mRNA làm biến thay đổi gen DNA? Không!

1. Một người đã chích ngừa COVID-19 khi tiếp xúc với người nhiễm có nên thử test hay không nếu không có triệu chứng?

Câu trả lời là không bởi vì quý vị chỉ cần cách ly. Nguyên tắc trong phòng bệnh, chích vắc xin giúp giảm phát triển bệnh, giảm ngay bệnh nhưng khả năng này không phải 100%. Quý vị cần ghi nhớ một số người đã chích vắc xin vẫn có thể nhiễm bệnh và lây bệnh.

Ví dụ hôm nay quý vị gặp một người mà có dấu hiệu bệnh COVID-19 thì mặc dù quý vị đã được chích ngừa rồi, về nhà vẫn cần giữ khoảng cách, cách ly cho mình và theo dõi triệu chứng của mình. Sau đó, quý vị sẽ quay trở lại

2. Em bị dị ứng với thời tiết, bị nổi mẩn ngứa thì có được tiêm vắc xin hay không?

Quý vị vẫn có thể tiêm được nếu quý vị không bị tiền sử về sốc phản vệ, không bị tiền sử về dị ứng khác nguy hiểm hơn. Dị ứng thời tiết thường có triệu chứng là nóng, sốt, chảy mũi nhẹ.

3. Trước đây, người nhà bị tai biến mạch máu não tự phát, có cần khám ở bệnh viện trước khi tiêm hay không?

Tai biến mạch máu não tự phát có thể liên quan đến bệnh đông máu, quý vị nhớ mình đã bị hồi xưa thì bây giờ nên đi đến bác sĩ kiểm tra kỹ trước khi chích. Hiện tượng đông máu của vắc xin AstraZeneca rất hiếm khi xảy ra nhưng quý vị cần kiểm tra kỹ trước khi chích để đảm bảo an toàn cho mình.

4. Bị viêm cơ tim 26 tháng trước, có chích vắc xin COVID-19 được không?

Quý vị vẫn có thể được chích vì lợi ích của việc chích vắc xin rất nhiều. Mặc dù chích vắc xin mRNA làm tăng một chút rủi ro, lợi ích vắc xin rất lớn nên tỷ lệ rủi ro sẽ rất thấp. Nếu quý vị bị viêm cơ tim thì cần theo dõi tim của mình. Quý vị cần hỏi bác sĩ kỹ càng hơn trước hay sau khi tiêm. Khi có bất kỳ triệu chứng khó thở, đau ngực, cần đi gặp ngay bác sĩ.

5. Nếu mình bị nhiễm bệnh COVID-19 nhưng không hay biết, chích vắc xin có tốt hay không?

Nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng. Trong trường hợp đó, quý vị vẫn đi chích vắc xin. Ở Hoa Kỳ, nhiều người bị nhiễm virus và đã phục hồi hay không có triệu chứng khi bị nhiễm vẫn chích vắc xin.

Nếu quý vị không có triệu chứng gì, vẫn khỏe bình thường, không biết mình có nhiễm hay không nhưng quý vị vẫn đủ tiêu chuẩn để chích vắc xin.

Nhưng khi quý vị bị các triệu chứng của COVID-19 như nóng, sốt thì nên trì hoãn việc chích ngừa. Ngoài lý do đợi cơ thể phục hồi, lúc này nếu đi chích ngừa thì quý vị còn là mầm bệnh sẽ lây cho nhiều người khác.

6. Hạn sử dụng của vắc xin chỉ còn vài ngày, hiệu quả có thay đổi hay không?

Câu trả lời là không. Một trong các điểm chúng ta nói về hạn sử dụng của vắc xin, lúc nào họ cũng in hạn sử dụng dư. Thuốc đó có thể sử dụng lâu hơn một chút, nhưng họ vẫn in ngắn hơn để bảo đảm việc sử dụng thuốc dùng đúng mục đích. Một số thuốc hết hạn sử dụng, về mặt dược lý nó có thể được sử dụng tốt trong vài tháng nữa.

7. Vắc xin Johnson & Johnson có khác công nghệ với vắc xin Pfizer hay không? Nó là 1 mũi hay 2 mũi?

Vắc xin Johnson & Johnson dùng công nghệ khác hoàn toàn, giống ốc mượn hồn. Nó dùng con virus đó rồi chuyển gene làm cho cầu gai xâm nhập vào cơ thể chúng ta.

Vắc xin mRNA dùng một đoạn mRNA, không mượn con virus đó, đóng hộp bằng công nghệ nano-lipid particle (công nghệ đóng gói hạt mỡ siêu bé) và chích vào cơ thể chúng ta.

Hai công nghệ này khác nhau hoàn toàn, một loại công nghệ có trước đây mấy chục năm và một công nghệ có cách đây vài năm. Johnson & Johnson chích 1 liều, vắc xin Pfizer chích 2 liều.

8. Vắc xin AstraZeneca được sản xuất ở nhiều nước, chất lượng có khác nhau hay không?

Câu trả lời là giống nhau hết. Tất cả nhà sản xuất vắc xin trên thế giới phải tuân thủ quy trình sản xuất thuốc giống nhau. Thuốc sản xuất ở Ấn Độ hay ở đâu đều nếu tuân thủ đúng theo quy trình GMP và quy chuẩn khác, họ phải tuân thủ tiêu chuẩn ngặt nghèo.

9. Sau khi chích vắc xin COVID-19 một ngày, cơ thể chóng mặt, sốt. Như vậy là kháng thể chúng ta khỏe hay là yếu?

Câu trả lời là kháng thể của quý vị bình thường. Phần lớn quý vị không bị gì sau khi chích vắc xin, nhưng một số quý vị bị sốt, điều này không sao hết.

10. Người bị động kinh nếu đã được kiểm soát có nên chích vắc xin COVID-19 hay không?

Câu trả lời là có, nhưng ta nên nhớ cho bệnh nhân uống thuốc động kinh khi chích vắc xin để không bị lên cơn động kinh.

11. BS có thể nói rõ biến chủng Delta với triệu chứng bệnh khởi phát hay không triệu chứng? Như vậy, biến chứng có nặng hay không?

Chủng Delta là chủng virus Ấn Độ, bây giờ chúng ta dùng tên này để hạn chế gọi theo địa danh. Biến chủng sẽ thay đổi theo thời gian, bây giờ chúng ta có chủng Delta Plus. Virus lây lan nhanh hơn, khiến cho phản xạ cơ thể mạnh hơn. Tóm lại, chủng virus giúp lây nhanh hơn mạnh hơn sẽ tồn tại. Virus cũng biến đổi thành các chủng khác yếu hơn, nhưng chủng yếu hơn sẽ không tồn tại, đó là luật sinh tồn.

Virus  SARS-CoV-2 “độc thân vui tính” sẽ liên tục thay đổi, có thể nó sẽ thay đổi từ Delta, Alpha, Gamma… đi hết chuỗi Latinh. Chúng ta sẽ phải chạy đua với thời gian để chích càng nhanh càng tốt, càng tiến được đến miễn dịch cộng đồng. Nói chung, ta phải hạn chế tốc độ thay đổi của con virus này. Sau này, chúng ta sẽ có thêm nhiều chủng virus khác nữa bởi vì con virus này sẽ tiếp tục thay đổi.

12. Em bị huyết áp cao và suy thận giai đoạn 2, có thể tiêm vắc xin hay không?

Được, chỉ cần quý vị chú ý đến tiền dị ứng và các bệnh khác.

13. Thưa BS, nếu tôi chích vắc xin và đi từ vùng dịch về thì có nên đeo khẩu trang để phòng ngừa lây bệnh cho người nhà không?

Nên, nếu quý vị đang ở Việt Nam. Ở Hoa Kỳ, khuyến cáo không cần đeo khẩu trang là dành cho người đã tiêm đủ 2 mũi. Quý vị nhớ đeo khẩu trang ngay sau khi chích xong.

14. Tôi bị ung tuyến yên sau khi mổ, bị suy tuyến yên và uống thuốc Hydrocortisone thì có nên tiêm ngừa COVID-19 hay không thưa BS?

Bệnh tự miễn nếu không có triệu chứng, quý vị có thể chích vắc xin.

15. Ngay sau khi chích vắc xin COVID-19, có kiên quan hệ vợ chồng hay không, thưa BS? Nếu kiêng là trong bao lâu?

Nếu chúng ta không có triệu chứng gì khó chịu thì không có lý do gì quý vị phải kiêng. Nếu quý vị có đau nhức mệt mỏi thì nên theo dõi, nếu hết triệu chứng quý vị có thể quay trở lại.

16. Dị ứng với thuốc Paracetamol, có chích vắc xin COVID-19 được không thưa BS?

Nếu quý vị bị dị ứng với thuốc Tylenol hay Paracetamol, dị ứng sốc phản vệ nặng hay nhẹ thì xem kỹ lại. Nếu quý vị bị nhẹ thì không sao cả, quý vị có thể chích.

17. Dị ứng với thuốc Tetracycline, có chích vắc xin COVID-19 được không thưa BS?

Khi chúng ta bị dị ứng nổi mẩn thì nhiều khả năng quý vị sẽ không sao khi chích vắc xin COVID-19. Nếu bị dị ứng mà khó thở, quý vị cần phải coi lại đó có phải là sốc phản vệ hay không. Trong trường hợp đó, chúng ta cần cẩn thận trước khi tiêm.

18. Chích vắc xin Trung Quốc vẫn bị nhiễm, vậy em có nên chích lại hãng khác như Pfizer hay không?

Câu trả lời là tùy thuộc vào khuyến cáo của nơi quý vị đang sống. Ở Việt Nam sẽ khác, Canada sẽ khác vì Canada cho kết hợp 2 loại vắc xin.

Nếu quý vị chích vắc xin ở một nơi khác nhưng muốn chích lại hãng Pfizer tại Hoa Kỳ thì cũng không sao.

Quý vị có thể hỏi bác sĩ của mình nơi mình sẽ chích, nhưng chích vắc xin hai loại khác nhau sẽ gây tác dụng phụ mạnh hơn nên quý vị phải cẩn thận hơn. Tùy vào rủi ro, tùy vào triệu chứng, tùy vào loại vắc xin quý vị đã chích trước kia mà bác sĩ sẽ tư vấn trước khi quý vị quyết định chích loại khác.

19. Bị suy thận mạn, chạy thận lọc máu thì chích vắc xin được không, thưa BS?

Vẫn được, và những người này cần được ưu tiên chích vắc xin vì hệ miễn dịch của họ yếu hơn.

Trọng Dy (ghi)

Trích livestream của BS Wynn Tran: #330. LS chiều thứ Sáu Covid-19: Vaccine mRNA làm biến thay đổi gen DNA? Không

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X