Hotline 24/7
08983-08983

“Chìa khóa” để tránh tương tác bất lợi giữa thuốc và thức ăn

Tương tác thuốc với thức ăn rất dễ xảy ra, làm tác dụng tăng lên hoặc giảm đi hoặc tạo ra tác dụng mới mà bản thân thuốc đó không có. ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã chỉ ra những lưu ý để tránh tình trạng tương tác thuốc, dẫn đến tác dụng bất lợi.

Nên dùng thuốc trước hay sau bữa ăn?

Thức ăn nào có thể tương tác bất lợi với thuốc? Làm thế nào để tránh tương tác bất lợi giữa thực phẩm và thuốc?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Thông thường, khi bác sĩ kê đơn sẽ ghi rõ cách dùng vì thuốc muốn có tác dụng thì phải được hấp thu vào máu, trừ các loại thuốc tác dụng cụ thể trên đường bao tử hoặc đường ruột. Các loại thuốc hấp thu vào máu chắc chắc bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

Một số loại thuốc bao tử được chỉ định uống trước khi ăn để không ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc khác. Một số thuốc phải uống sau khi ăn 30 phút, như các loại thuốc gói về tiêu hóa, bao tử, đường ruột. Bác sĩ thường sẽ ghi chú kỹ cách dùng là uống trước ăn hoặc uống sau ăn 30 phút, 1 giờ.

Nên uống thuốc kháng sinh khi đói là tốt nhất, mặc dù việc nhào trộn, hấp thu thuốc có thể khiến cơ thể sinh ra cảm giác khó chịu. Do đó, thường bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân uống khi đã ăn no.

Các loại thuốc hấp thu vào máu ít bị ảnh hưởng bởi các loại thức ăn có trên bàn ăn thông thường, có thể dao động một chút nhưng không đáng kể nên không cần quá lo lắng.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã chỉ ra những lưu ý để tránh tình trạng tương tác thuốc, dẫn đến tác dụng bất lợi.

Tương tác giữa Paracetamol và rượu, bia làm ảnh hưởng đến gan

Uống rượu bia sau khi uống thuốc Paracetamol có gây tương tác, hại gan thận không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Không biết lý do gì mà bạn lại uống bia khi đau đầu. Có thể là do buồn “người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”, nên muốn uống bia để quên, để đỡ đau đầu.

Thuốc giảm đau Paracetamol là một loại thuốc thường dùng, có thể tự mua tại nhà thuốc mà không cần toa của bác sĩ theo quy chế kê đơn của Bộ Y tế. Đây là nhóm thuốc OTC, được phép bán và mua không cần kê toa.

Thuốc có tác dụng giảm đau như đau răng, đau đầu và trị cảm, sốt thông thường. Người lớn trên 50kg dùng một viên 500mg/lần uống là đúng liều. Những người 60, 70kg có thể uống 2 viên/lần.

Tuy nhiên, khi uống thuốc với bia sẽ làm hại đến gan. Do đó, những người đi nhậu về có cảm giác nhức đầu, chóng mặt không nên uống Paracetamol. Dù có thể giảm được triệu chứng đau đầu nhưng sau đó sẽ ảnh hưởng đến gan, thậm chí hại đến cả thận.

Paracetamol là thuốc gây hại phụ thuộc liều. Đặc điểm này trong ngành dược gọi là tương tác thuốc. Tương tác thuốc là “nỗi đau nhân bội phần”, giống như chia tay người yêu sẽ đau, nhưng khi người khác nhắc đến thì nỗi đau gấp đôi, gấp ba lên. Khi uống 1 viên Paracetamol mà vẫn chưa hết đau, nhiều người uống đến viên thứ hai, thứ ba, đồng nghĩa với việc tăng liều lên gấp đôi, gấp ba.

Còn tương tác thuốc là khi uống Paracetanol, sau đó uống bia thì tác động của bia và tác động của Paracetamol lên cơ thể tăng lên nhiều lần. Việc tác động bao nhiêu là không thể dự đoán được. Có người bị tác dụng phụ rất dữ dội, có người lại không bị nặng đến vậy.

Nói tóm lại, tương tác thuốc là sự tăng tác dụng và tăng liều lượng của viên thuốc ngoài ý muốn do uống đúng liều cộng với một chất khác tạo nên sự “thăng hoa”, làm chất đó có tác dụng mạnh. Rượu, bia là chất làm cho Paracetamol “thăng hoa” trong việc tác dụng có hại lên cơ thể, mà chúng ta không thể dự đoán được cụ thể tác hại là bao nhiêu.

Nếu đã lỡ uống rượu bia sau khi dùng thuốc Paracetamol thì bạn nên uống thật nhiều nước và không uống thêm bất kỳ liều thuốc nào nữa. Trên thực tế, 1 viên Paracetamol uống cùng với bia sẽ có sự “thăng hoa” tương đương với uống 3 hoặc 4 viên. Trường hợp cơ thể có phản ứng bất thường thì sự “thăng hoa” này mới tương đương với 10 viên, lúc này đã quá liều.

Với người bình thường, không bị bệnh gan, 1 viên Paracetamol do rượu, bia mà “thăng hoa” lên thành 4, 5 viên thì cũng chỉ vừa sát ngưỡng, chưa đến nỗi gây độc, tử vong.

Sữa có làm mất tác dụng của thuốc kháng sinh không?

Thông tin là không được uống thuốc kháng sinh với sữa, sữa chua có chính xác không? Nếu đúng, thì loại thuốc kháng sinh cụ thể nào không được uống với sữa?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Không phải loại thuốc kháng sinh nào cũng không được uống với sữa. Kháng sinh nhóm tetracycline thường bị ảnh hưởng với sữa, xảy ra kết tủa làm mất tác dụng.

Không uống thuốc chẹn kênh canxi với nước trái cây họ cam

Có phải khi uống thuốc chẹn kênh canxi và statin thì không được ăn bưởi không, vì sao? Bao lâu sau khi uống thuốc thì có thể ăn bưởi? Có cần kiêng cả những loại trái cây có múi như cam, quýt không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Thuốc chẹn kênh canxi thường là thuốc trị cao huyết áp như Amlodipine, Felodipine, Nifedipine. Thông thường sẽ không uống thuốc chẹn kênh canxi cùng lúc với thuốc hạ mỡ statin vì có thể làm tăng tác dụng của thuốc hạ mỡ statin. Có thể uống riêng hai loại thuốc này, chỉ cần không uống cùng một lúc.

Trong bưởi có đường, chất xơ và nhiều nhất là vitamin C. Theo lý thuyết, vitamin C không ảnh hưởng nhiều đến thuốc. Những thuốc chẹn kênh canxi thường không kết tủa bởi vitamin C. Những loại thuốc huyết áp, chẹn kênh canxi như Amlodipine thường được uống vào buổi sáng hoặc buổi trưa, uống trước hay sau khi ăn đều được.

Không nên uống những loại thuốc này với nước cam, nước chanh vì ảnh hưởng đến hấp thu chứ không chống chỉ định là không được ăn cam, quýt, bưởi và những trái cây họ cam.

Thực phẩm nào ảnh hưởng đến tác dụng của levothyroxine

Bệnh nhân bị suy giáp, đang điều trị bằng levothyroxine cần tránh các loại thực phẩm nào và cần tránh trong bao lâu?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Ở bệnh nhân suy giáp, tuyến giáp không hoạt động, giống như một học sinh lười biếng, nên phải dùng thuốc levothyroxine để bổ sung. Những người bị suy giáp, viêm giáp có tuyến giáp hoạt động không tốt nên hạn chế ăn những chất có thể làm tình trạng tuyến giáp nặng hơn. Khi tình trạng tuyến giáp nặng hơn, bệnh nhân phải uống tăng liều levothyroxine mới đáp ứng được. Người bị suy giáp đang điều trị bằng levothyroxine cần tránh các loại thực phẩm sau:

- Những loại thực phẩm chế biến từ đậu nành như đậu hũ, sữa đậu nành,...

- Rau họ cải, đặc biệt là cải nồi và cải bắp có thể làm tình trạng tuyến giáp, tình trạng suy giáp nặng hơn, phải tăng liều levothyroxine không cần thiết.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X