Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của con người, đặc biệt là những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bệnh ung thư. Điều này không chỉ giúp cải thiện đáng kể sức đề kháng cho người bệnh mà còn góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 95.000 bệnh nhân chết vì ung thư, trong đó 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Rất ít bệnh nhân quan tâm đến việc ăn uống thế nào cho hợp lý. Nhiều bệnh nhân thiếu hiểu biết, do lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát còn ăn kiêng quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Đồng thời, cũng làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm khuẩn và dẫn đến tình trạng tử vong của bệnh nhân ung thư. Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao… sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư chứ không phải là “cung cấp thêm chất đạm cho khối u” như nhiều người vẫn lầm tưởng. Người bệnh cần ăn theo khẩu vị, chia nhỏ các bữa ăn để cơ thể dễ hấp thụ dưỡng chất.
1. Những dưỡng chất cần thiết trong bữa ăn hàng ngày của bệnh nhân mắc ung thư
Một số loại dưỡng chất cần thiết để đảm bảo trong bữa ăn hàng ngày đối với bệnh nhân ung thư bao gồm:
- Đạm: Thịt cung cấp cho cơ thể các loại Acid amin thiết yếu cho cơ thể. Khẩu phần ăn của người bệnh ung thư cần phong phú, đa dạng và cân đối các loại acid amin, đặc biệt bao gồm các loại thịt như: có màu trắng như thịt gia cầm, các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò có nhiều sắt và kẽm…Hay các loại tôm, cá, cua và hải sản cũng là một nguồn cung cấp các acid amin và calci cho cơ thể của bệnh nhân.
- Tinh bột: Gồm các loại ngũ cốc như: Gạo, lúa mì, hạt lúa mạch, ngô, ngoài ra còn có các loại củ như củ khoai tây, củ khoai lang, khoai sọ, sắn….Đặc biệt nên tránh và hạn chế tối đa các loại thực phẩm chế biến sẵn gây nhiều tác hại không tốt cho cơ thể, bên cạnh đó các chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm cũng là một trong những yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư.
- Các chất béo: Đây là những chất cho giá trị năng lượng cao cho bệnh nhân ung thư do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày của bệnh nhân ung thư cần phải có một hàm lượng chất béo như là Lipid nhất định, trong đó đối với hàm lượng acid béo không no không được quá 50% tổng năng lượng trong khẩu phần ăn.
- Rau quả: Sử dụng các loại rau, củ, quả tươi sạch có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm,bên cạnh đó cần bảo quản trong điều kiện lạnh, hạn chế làm mất vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế, bảo quản rau củ quả. Với một chế độ ăn nhiều rau, quả sẽ giúp cung cấp các loại vitamin và giúp cơ thể tiêu hoá tốt hơn.
2. Một số điều cần chú ý đối với chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Phần lớn những bệnh nhân ung thư có cảm giác chán ăn, khi ăn mất cảm giác ngon miệng, nôn, và buồn nôn không chỉ do yếu tố bản thân bệnh lý ung thư mà còn do ảnh hưởng của những phương pháp điều trị ung thư mà bệnh nhân đang áp dụng. Do đó để giảm thiểu các triệu chứng trên, người bệnh cần:
- Thường xuyên giữ gìn, vệ sinh răng miệng luôn được sạch sẽ.
- Ăn thành các bữa ăn nhỏ nhiều lần trong một ngày; tăng cường ăn những thức ăn mà người bệnh ưa thích và không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, hay là các loại gia vị và các loại nước sốt trong món ăn…
- Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn mà người bệnh ăn vào.
- Nên uống một cốc nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Hạn chế uống nước trong lúc ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng của người bệnh.
- Không nên ăn hoặc uống đồ có đường, các loại nước ngọt, thức ăn giàu chất béo.
Xem thêm: Người bệnh dạ dày nên ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi bệnh?
- Thường xuyên thay đổi cách chế biến thực phẩm và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn của món ăn.
- Hạn chế ngửi mùi trong quá trình chế biến thức ăn.
Đối với phương pháp hóa trị liệu thường gây nên cảm giác chán ăn, buồn nôn, nôn do đó người bệnh cần uống thêm nhiều nước khoảng > 2 lít nước mỗi ngày, hạn chế ăn các thức ăn có nhiều mùi, các đồ ăn chiên xào, hay nấu nhiều dầu mỡ, nên chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no vào một nữa.
Đối với phương pháp xạ trị ở vùng đầu cổ có thể gây ra sự giảm bài tiết nước bọt và từ đó dẫn đến tình trạng khô miệng, viêm nhiễm, hạn chế cử động nhai nuốt, đau miệng… góp phần làm gia tăng tình trạng chán ăn của bệnh nhân càng trầm trọng thêm. Đối với những trường hợp trên, cần lưu ý:
- Thăm khám răng miệng tổng thể trước khi bắt đầu tiến hành xạ trị vùng đầu cổ.
- Nên ăn các loại thức ăn mềm hoặc chế biến với nhiều nước; thường xuyên nhai kẹo cao su hay ăn thêm các loại hoa quả chua nhằm tăng tiết nước bọt.
- Tránh ăn đồ ăn có tính quá cay nóng hay quá lạnh, các loại thức ăn cứng, khó nhai nuốt khi ăn.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên và súc miệng với nước muối sinh lý tối thiểu 4 lần trong 1 ngày.
- Nên uống nhiều nước, mỗi ngày nên trên khoảng 2 lít nước, có thể uống nước lọc hay các loại nước trái cây. Hạn chế mức tối thiểu các đồ uống có cồn, chất kích thích…
Điều trị bệnh nhân ung thư là một quá trình lâu dài đòi hỏi người bệnh có được một thể trạng sức khoẻ tốt, do đó một chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng là một điều rất quan trọng giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho cũng như tăng hiệu quả của việc điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Do vậy cần có một chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư hợp lý cũng một phần vào việc điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình