Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa cứng khớp ngón tay
Cứng khớp ngón tay là một trong những triệu chứng thoái hóa khớp phổ biến ở người lớn tuổi do các ảnh hưởng của tuổi tác, thói quen sinh hoạt và vận động. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp cho người bệnh tránh khỏi những biến chứng khó lường.
1. Tổng quan về tình trạng cứng khớp ngón tay
Cứng khớp ngón tay là hiện tượng đau cứng ở khớp ngón tay có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng người bệnh nào. Bạn có thể cảm thấy các triệu chứng xuất hiện trong ngày, nhưng nặng nhất thường là vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy nên mọi người thường gọi bệnh với cái tên quen thuộc là cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy. Tình trạng này thường kéo dài khoảng 15 - 20 phút và giảm dần khi được xoa bóp.
Khi bị cứng khớp ngón tay, nếu không can thiệp điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần và cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Những cản trở chính thường là khiến người bệnh khó khăn trong việc cầm nắm, sử dụng các vật dụng.
2. Nguyên nhân gây cứng khớp ngón tay
Theo các chuyên gia xương khớp, hiện chưa xác định được chính xác về nguyên nhân gây nên bệnh cứng khớp ngón tay. Tuy nhiên, dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát bệnh:
- Các chấn thương: Nếu trước đó bạn từng bị chấn thương do tai nạn hay bất cứ nguyên nhân nào, khả năng bị cứng khớp ngón tay sẽ cao hơn bình thường. Thậm chí, nếu bị chấn thương nặng còn có thể gây gãy xương, bong gân, trật khớp ngón tay.
- Do bệnh lý viêm khớp ngón tay: Viêm khớp ở vị trí ngón tay thường khiến vùng khớp bị sưng tấy, phù nề kèm theo cảm giác đau nhức và cứng khớp.
- Do thoái hóa khớp ngón tay: Hệ xương khớp của cá thể người dần bị thoái hóa theo thời gian và các ngón tay cũng không ngoại lệ. Thoái hóa khớp ngón tay khiến cho dịch khớp bị suy giảm, sụn khớp bị bào mòn dẫn đến hiện tượng cứng khớp, đau nhức khi cử động và cầm nắm đồ vật.
- Bệnh gout: Hàm lượng acid uric trong máu tăng cao khiến muối urat lắng đọng tại các khớp gây nên hiện tượng sưng tấy, đau nhức ở các khớp ngón tay, ngón chân.
- Hội chứng ống cổ tay: Hội chứng này thường xảy ra ở những người thường xuyên hoạt động bằng tay và ngón tay. Các dây thần kinh trong ống cổ tay bị chèn ép gây đau nhức, cứng khớp và làm ảnh hưởng đến hoạt động của các ngón tay.
- Ung thư xương: Đây là bệnh lý nguy hiểm, là nguyên nhân chính khiến cho khớp ngón tay bị xơ cứng.
3. Dấu hiệu nhận biết về cứng khớp ngón tay
Nếu người bệnh thấy có những triệu chứng dưới đây, rất có thể là dấu hiệu của bệnh cứng khớp ngón tay:
- Các khớp bị xơ cứng thường xảy ra ở bên tay thuận, thường xuyên hoạt động nhiều hơn
- Ngón cái và ngón trỏ là hai ngón có tỷ lệ bị cứng khớp cao hơn so với các ngón tay khác.
- Hiện tượng cứng khớp xuất hiện sau khi vừa ngủ dậy hoặc có thể là nửa đêm.
- Người bệnh khó khăn trong cử động, cầm nắm các đồ vật.
- Đau nhức gây mệt mỏi, khó chịu. Hiện tượng này trở nên trầm trọng hơn khi thay đổi thời tiết.
- Tê bì ở ngón tay, cảm giác như kiến bò.
- Một số trường hợp bệnh tiến triển nhanh có thể khiến ngón tay có những thay đổi như co quắp, teo nhỏ, sưng tấy tại vị trí khớp ngón tay,...
4. Chẩn đoán tình trạng cứng khớp ngón tay
Để chẩn đoán, bác sĩ có thể hỏi về mức độ, triệu chứng cứng khớp, các chấn thương gặp phải gần đây và tiền sử bệnh. Đồng thời, bác sĩ sẽ kiểm tra phạm vi chuyển động của khớp ngón tay. Bên cạnh đó, một số chẩn đoán hình ảnh sẽ được thực hiện là:
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI. Cung cấp hình ảnh về xương khớp và các cấu trúc xung quanh. Điều này giúp xác định chính xác những tổn thương về xương khớp.
- Xét nghiệm máu: Phát hiện tình trạng nhiễm trùng, tăng axit uric, bệnh lý hệ miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ.
Xem thêm: Cứng khớp ngón tay: Nguyên nhân và triệu chứng
5. Điều trị cứng khớp ngón tay
Việc lựa chọn cách chữa cứng khớp ngón tay thế nào cần dựa vào nguyên nhân cũng như tình trạng của người bệnh. Nếu xuất phát từ bệnh lý cần có phác đồ điều trị cụ thể các căn bệnh này.
Nếu cứng các khớp ngón tay chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và tần suất không nhiều, đây có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu chất. Bạn có thể bổ sung bằng chế độ ăn uống hoặc sử dụng các bài thuốc dân gian để cải thiện.
a. Xoa bóp chữa cứng khớp ngón tay
Có thể kết hợp với tinh dầu, xoa bóp đều các ngón tay, bàn tay để các khớp ngón tay co duỗi linh hoạt hơn. Nên thực hiện thường xuyên, đặc biệt với tình trạng cứng khớp buổi sáng khi thức dậy. Bạn có thể massage các khớp ngón tay bằng tay không hoặc sử dụng tinh dầu.
b. Nẹp ngón tay
Khi bị cứng khớp do chấn thương, bạn nên hạn chế vận động để các tổn thương ở mô mềm, sụn khớp, dây chằng được hồi lại. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh sử dụng nẹp để kéo căng các khớp, giữ xương đúng vị trí.
Bạn không nên tự ý mua và sử dụng nẹp ngón tay vì có thể sẽ không phù hợp với mức độ tổn thương của bạn. Chỉ dùng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
c. Chườm giảm cứng khớp
Chườm đá thường được sử dụng trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện cơn đau hoặc sau chấn thương. Bạn có thể sử dụng túi đá hoặc khăn lạnh để chườm lên ngón tay trong 15 - 20 phút. Bạn có thể lặp lại 3 - 4 lần trong ngày. Lưu ý là không để đá tiếp xúc trực tiếp với da, đặc biệt là vùng da bị tổn thương. Nếu chườm đá trong tiết trời lạnh hãy đảm bảo giữ ấm cơ thể.
d. Dùng thuốc tây
Trong các trường hợp cứng khớp đi kèm với đau, sưng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để giảm bớt triệu chứng. Vậy cứng khớp ngón tay uống thuốc gì? Sau đây là một vài loại thuốc có thể được kê đơn:
- Thuốc giảm đau như Paracetamol. Loại thuốc này chỉ có tác dụng giảm đau mà không có khả năng chống viêm.
- Thuốc chống viêm không steroid NSAIDs: Có khả năng kháng viêm từ đó giúp giảm đau.
- Tiêm steroid: Nó được chỉ định khi các thuốc trên không phát huy hiệu quả. Những mũi tiêm thẳng vào khớp sẽ giúp giảm tình trạng cứng, đau trong vài tuần. Tuy nhiên, số lần tiêm cần được giới hạn để tránh gặp phải tác dụng phụ.
- Miếng dán, gel bôi ngoài da: Salonpas, Voltaren gel, Capsaicin gel…
- Tiêm enzyme: Được áp dụng trong trường hợp mắc bệnh co thắt Dupuytren. Enzyme collagenase tiêm vào khớp sẽ làm cho các mô dày mềm và yếu đi.
Những loại thuốc kể trên có thể gây ra một số tác dụng phụ như: đau dạ dày, ảnh hưởng xấu thới gan, thận… Lạm dụng thuốc cũng có thể gây ra tình trạng nhờn thuốc. Do đó, chỉ sử dụng thuốc dưới chỉ định của bác sĩ. Thông báo với bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào.
e. Vật lý trị liệu
Đây là phương pháp dành cho những người có đủ thời gian và kiên trì. Bác sĩ sẽ xây dựng liệu trình phù hợp cho từng đối tượng. Người bệnh sẽ được tư vấn về những phối hợp cần thiết để quá trình điều trị đạt hiệu quả nhất.
Các phương pháp vật lý trị liệu sẽ giúp giảm đau, giảm cứng khớp và cải thiện khả năng vận động. Đó có thể là sóng ngắn trị liệu, điện xung, bài tập vận động…
f. Phẫu thuật
Phẫu thuật được thực hiện khi các phương pháp điều trị bảo tồn không phát huy tác dụng. Sau khi tiến hành phẫu thuật, có thể ngón tay sẽ được cố định bằng cách nẹp hoặc bó bột một thời gian. Khi kết thúc quá trình này, người bệnh cần thực hiện trị liệu phục hồi để lấy lại khả năng vận động bình thường.
6. Phòng ngừa cứng khớp ở ngón tay
Để giảm bớt khả năng gặp phải tình trạng cứng khớp, người bệnh có thể thực hiện một số thay đổi trong sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học. Bạn có thể tham khảo về chế độ ăn ở phần chăm sóc người bệnh phía trên.
- Đối với những người có đặc thù công việc buộc phải thường xuyên sử dụng ngón tay hãy sắp xếp thời gian cho ngón tay nghỉ ngơi. Trong thời gian làm việc, thỉnh thoảng hãy dành vài phút để massage nhẹ nhàng ngón tay.
- Sử dụng dụng cụ, thiết bị bảo hộ bàn tay trong khi lao động, chơi thể thao. Đó có thể là băng thun, bao tay bảo vệ…
- Sử dụng sản phẩm bảo vệ xương khớp như các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.
- Điều trị tích cực các bệnh lý có thế gây cứng ngón tay.
- Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý có liên quan.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình