Hotline 24/7
08983-08983

Cứng khớp ngón tay: Nguyên nhân và triệu chứng

Cứng khớp ngón tay là tình trạng thường gặp ở nhiều người, gây ra những bất tiện trong sinh hoạt. Hơn nữa, tình trạng này kéo dài không loại trừ khả năng là tín hiệu cảnh báo các bệnh lý cần được điều trị kịp thời.

1. Cứng khớp ngón tay là gì?

Tình trạng cứng khớp ngón tay có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất kỳ thời điểm nào. Người bệnh có thể gặp triệu chứng này với tần suất liên tục, đặc biệt tình trạng cứng khớp ngón tay buổi sáng. Cứng khớp có thể xuất hiện độc lập hoặc đi kèm với các triệu chứng khác.

Thông thường cứng khớp ngón tay sẽ kéo dài khoảng 15 - 20 phút và giảm dần khi được xoa bóp. Khi bị cứng khớp ngón tay, nếu không can thiệp điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần và cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Những cản trở chính thường là khiến người bệnh khó khăn trong việc cầm nắm, sử dụng các vật dụng.

2. Nguyên nhân gây cứng khớp ngón tay

Thoái hóa khớp và những ảnh hưởng tác động đến mô mềm là 2 nguyên nhân chính gây ra triệu chứng cứng khớp ngón tay. Cụ thể:

a. Thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay

- Tuổi tác càng cao, càng xuất hiện nhiều biểu hiện thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay. Tình trạng thoái hóa khớp xảy ra do lượng máu được đưa đến nuôi dưỡng các vùng khớp nối bị sụt giảm, khiến tổ chức sụn khớp tại các đốt ngón tay bị thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động ổn định. Theo thời gian, các dây thần kinh tại các đốt ngón tay sẽ bị tổn thương do những hoạt động liên tục của các ngón tay, bàn tay, làm gia tăng áp lực lên các khớp và khiến khớp bị thoái hóa dần.

- Vấn đề thiếu hụt canxi cùng khả năng hấp thu canxi kém ở những người lớn tuổi và phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh cũng là yếu tố góp phần đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp.

- Tình trạng thoái hóa khớp có thể xuất hiện sớm do các chấn thương tay như gãy xương, trật khớp để lâu không điều trị.

- Ngoài ra, quá trình thoái hóa khớp bàn tay còn xuất phát từ những hoạt động thực hiện thường xuyên trong khoảng thời gian dài như chơi thể thao, lao động tay chân, nâng vác vật nặng, rửa chén, giặt giũ khiến tay ngâm nước nhiều…

b. Các vấn đề về mô mềm

Mô mềm bao gồm các phần như da, lớp mô mỡ, gân, động mạch, các dây thần kinh và bao khớp… Những trường hợp gặp phải các chấn thương, đứt, giãn gân, dây chằng, tổn thương sâu vào da như bỏng, rách khiến da không thể hồi phục và giữ độ đàn hồi như cũ, làm các khớp ở cổ tay và ngón tay bị co cứng, gây ra khó khăn khi cử động cơ khớp.

3. Dấu hiệu nhận biết cứng khớp ngón tay

Chứng cứng khớp ngón tay thường xuất hiện nhiều ở độ tuổi trung niên, trong đó bệnh nhân nữ giới chiếm tỷ lệ đa số với các biểu hiện tê cứng, sưng, đau nhức các khớp ngón tay vào mỗi buổi sáng. Cơn đau nhức thường dịu đi sau 1-2 tiếng đồng hồ, một số trường hợp nghiêm trọng có thể kéo dài cả ngày, gây ra nhiều khó khăn cho bệnh nhân.

Vị trí bị thoái hóa khớp ngón tay cũng thường xuất hiện ở bên tay thuận, tay vận động nhiều hơn. Nếu bệnh nhân thuận tay phải thì thường gặp tình trạng thoái hóa khớp ở các ngón cái, ngón trỏ… nhiều hơn các ngón tay khác.

Bệnh nhân bị thoái hóa khớp ngón tay thường nhận thấy những triệu chứng cụ thể sau:

- Tê bì tại các khớp ngón tay, cảm giác như kiến bò tại các khớp.

- Khó khăn khi cử động các khớp ngón tay và cầm nắm đồ vật.

- Cảm thấy đau nhức nhiều các khớp ngón tay, đặc biệt là khi ngâm nước nhiều hoặc khi thời tiết chuyển lạnh.

- Khi bệnh vào giai đoạn nặng, các khớp ngón tay sẽ sưng to, cấu trúc xương ngón tay và bàn tay có nhiều điểm bất thường, co quắp lại, biến dạng.

Các dấu hiệu của cứng khớp ngón tay sẽ ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng phá rỉ khớp, cơ khớp sưng nhức thường xuyên và khiến cơ bàn tay teo lại, ngón tay biến dạng, co quắp và gây khó khăn cho bệnh nhân khi sinh hoạt.

Xem thêm: Điều trị và phòng ngừa cứng khớp gối

4. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh

Các đối tượng có nguy cơ gặp phải tình trạng này nhiều hơn những người khác là:

- Người từ độ tuổi trung niên trở lên, trong đó tỷ lệ nữ giới chiếm đa số. Nguyên nhân là do tuổi càng cao, tình trạng thoái hóa khớp càng diễn ra mạnh mẽ.

- Người làm việc nặng nhọc: Ngón tay thường xuyên phải chịu áp lực lớn, có nguy cơ cao gặp phải các chấn thương.

- Người sử dụng ngón tay thường xuyên: công nhân, nhân viên đánh máy…

- Người thừa cân, béo phì, lười vận động

- Người mắc các bệnh lý xương khớp

Dù không nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhưng bạn cũng không nên chủ quan với tình trạng này.

5. Cứng khớp ngón tay có nguy hiểm không?

Tình trạng cứng khớp ngón tay sẽ gây khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, đồng thời khiến người bệnh đau đớn, khó chịu. Nếu tình trạng này xuất phát từ bệnh lý mà không được chữa trị kịp thời sẽ diễn biến nghiêm trọng dẫn tới phá hủy các khớp, teo bàn tay, ngón tay biến dạng. Đặc biệt, nếu nguyên nhân là do ung thư xương thì có nguy cơ đe dọa tới tính mạng.

 Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X