Điều trị và phòng ngừa cứng khớp gối
Cứng khớp gối dù xuất phát từ thói quen ít vận động, chấn thương hay một tình trạng bệnh lý xương khớp tiềm ẩn đều có thể khắc phục nếu được điều trị sớm và đúng cách. Ngược lại, chậm trễ thăm khám và chữa trị đau cứng khớp gối sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng
1. Tổng quan về tình trạng cứng khớp gối
Cấu trúc khớp gối bao gồm phần dưới của xương đùi và phần trên của xương chày. Hai đầu xương được bao bọc bởi lớp sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Chúng được cố định bằng 4 dây chằng: ở trung tâm khớp là dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau, ở hai bên là dây chằng trong và dây chằng ngoài. Khi cấu trúc này bị tổn thương sẽ làm hạn chế cử động khớp gối.
Hiện tượng cứng khớp xảy ra khi các cơ khớp đầu gối gặp vấn đề và xơ dính lại khiến đầu gối bị co cứng. Khi đó, người bệnh không thể co hoặc duỗi thẳng chân được 180o như bình thường và có thể cảm thấy bị tê ngay gối.
2. Nguyên nhân cứng khớp gối
Theo các chuyên gia khoa xương khớp, một trong những vị trí khớp dễ bị co cứng nhất là khớp gối. Và theo thống kê, có đến 64% các trường hợp bị cứng khớp nếu không kịp thời điều trị sẽ dẫn đến các hậu quả nặng nề, nghiêm trọng nhất có thể gây ra tàn phế.
Xét về cấu tạo, khớp gối gồm 2 phần chính là phần trên của xương bánh chày và phần xương đùi dưới. Đầu xương được bảo vệ, bao bọc bởi lớp sụn và được cố định bằng dây chằng. Cứng khớp gối là hiện tượng đầu gối bị co cứng làm người bệnh gặp khó khăn trong việc vận động, cử động khớp gối. Các nguyên nhân gây cứng khớp có thể kể đến như:
- Do tác động của yếu tố bên ngoài: Các tác động bên ngoài như chấn thương do chơi thể thao quá sức, té ngã, tai nạn giao thông… là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây cứng khớp. Lúc này, sụn khớp bị tổn thương, xương gãy, vỡ hoặc giãn gây chằng ảnh hưởng đến hoạt động của khớp dối.
- Do bệnh lý: Đa phần các trường hợp cứng khớp gối do bệnh lý gây ra. Các bệnh này bao gồm thoái hóa khớp, gout, viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Nguyên nhân khác: Tác dụng phụ của các thuốc kháng sinh, thuốc tiêm ở vùng đùi, gối… Ngoài ra, cũng có thể do sau phẫu thuật, chân và khớp bất động quá lâu khiến các mô xơ quanh khớp dày, các mô mềm và dây chằng bị xơ hóa dẫn đến khó cử động, cứng khớp.
3. Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết
Cứng khớp gối có thể xuất hiện ở một hoặc hai bên chân. Tình trạng này thường gặp sau khi ngủ dậy vào buổi sáng, đầu buổi chiều và kéo dài trong vòng 15 - 30 phút hoặc có thể lâu hơn. Người bệnh phải ngồi xoa bóp một lúc thì mới có thể đứng dậy đi lại được. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nặng nhẹ, cứng khớp gối có thể xuất hiện kèm các triệu chứng sau đây:
- Đau khi nghỉ ngơi hoặc đang vận động: lúc đầu, cơn đau sẽ xuất hiện mức độ nhẹ từ 15 đến 30 phút. Những lần sau, cơn đau có thể lan rộng và thời gian đau lâu hơn.
- Nóng đỏ hoặc sưng nhẹ tại khớp.
- Suy nhược cơ hoặc co thắt cơ.
- Chảy máu hoặc bầm tím.
- Sốt nhẹ, mệt mỏi.
- Đau hoặc sưng ở các khớp khác.
Xem thêm: Cứng khớp gối: Nguyên nhân và dấu hiệu
4. Các phương pháp điều trị cứng khớp gối
Khi xuất hiện tình trạng cứng khớp gối, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua hoặc sử dụng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, không dùng theo đơn thuốc của người có triệu chứng bệnh giống mình. Các phương pháp điều trị gồm:
a. Sử dụng thuốc
Sau khi đã xác định nguyên nhân, các bác sỹ có thể sẽ chỉ định sử dụng một trong các loại thuốc sau đây:
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid hoặc có với các trường hợp bệnh nhẹ
- Thuốc giãn cơ với người có các cơ vùng khớp gối căng chặt
- Thuốc có chứa Acid Hyaluronic với trường hợp suy giảm chức năng sụn khớp nhằm giúp bôi trơn và tăng cường dịch khớp
Bên cạnh các loại thuốc tây y có hiệu quả tức thời, người bệnh cũng có thể chữa bệnh theo y học cổ truyền. Tuy nhiên, các bài thuốc Đông y thường có tác dụng chậm nên phải kiên trì sử dụng trong thời gian dài.
b. Vật lý trị liệu
Để thúc đẩy quá trình điều trị, các bác sĩ thường chỉ định người bệnh kết hợp sử dụng thuốc với vật lý trị liệu. Đây là phương pháp được đánh giá cao trong điều trị các bệnh về xương khớp, có tác dụng thúc đẩy sự hồi phục của khớp, tăng sự linh hoạt cho sụn và cải thiện khả năng đàn hồi của dây chằng. Các phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu bao gồm:
- Xoa bóp
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh
- Các bài tập cải thiện như leo cầu thang, đạp xe, đứng lên ngồi xuống.
c. Phẫu thuật
Chỉ được áp dụng khi việc sử dụng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu không còn hiệu quả. Mục đích nhằm giải phóng dây chằng, loại bỏ các mảnh sụn vỡ, giảm áp lực cho khớp gối… Tuy nhiên, sau phẫu thuật, người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt kết hợp với vận động cơ thể để phục hồi chức năng của khớp gối.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình