Cứng khớp gối: Nguyên nhân và dấu hiệu
Cứng khớp gối là triệu chứng ban đầu, báo hiệu nhiều vấn đề nghiêm trọng như hư tổn sụn khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp… Bất kì ai cũng có nguy cơ bị cứng khớp gối kể cả người trẻ tuổi, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
1. Cứng khớp gối là gì?
Cứng khớp gối là một tình trạng phổ biến, có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là người lớn tuổi và những người hoạt động thể chất quá mức. Các chấn thương và bệnh viêm khớp được cho là nguyên nhân chính khiến khớp gối bị cứng.
Khớp gối đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển các hoạt động cơ bản của cơ thể như đi, đứng, ngồi, chạy, nhảy, co duỗi chân… Vì vậy, khi đầu gối bị căng cứng, hạn chế cử động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
2. Dấu hiệu nhận biết cứng khớp gối
Căng cứng khớp gối đặc trưng bởi sự kém linh hoạt và giảm phạm vi chuyển động của đầu gối. Tình trạng này có thể đi kèm với các triệu chứng khác, tùy thuộc vào từng loại bệnh lý và vấn đề xảy ra tại khớp gối, bao gồm:
- Đau nhức, sưng tấy, đỏ nóng hoặc bầm tím.
- Biến dạng đầu gối.
- Cơ bắp yếu hoặc co thắt.
- Sốt.
Trong một số trường hợp, đầu gối bị cứng xuất hiện cùng với những biểu hiện dưới đây có thể là tín hiệu của tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, cần sự hỗ trợ y tế ngay lập tức:
- Lạnh bàn chân.
- Sốt cao.
- Mất cảm giác ở cẳng chân.
- Tê liệt, mất khả năng cử động một phần cơ thể.
- Tần suất và mức độ cơn đau không kiểm soát.
Khớp gối bị cứng có thể là do tư thế vận động chưa đúng, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý mạn tính như viêm khớp, thoái hóa khớp. Do đó, việc xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến cứng đầu gối là yếu tố quyết định hiệu quả của quá trình điều trị.
3. Nguyên nhân cứng khớp gối
a. Do chấn thương
Chấn thương do tai nạn giao thông, té ngã, chơi thể thao hoặc vận động mạnh thường gây tổn hại nhiều đến các khớp, đặc biệt là khớp gối. Nó có thể khiến sụn bị tổn thương, đứt hoặc giãn dây chằng, trật khớp, gãy xương, vỡ xương… dẫn đến cứng khớp gối là phổ biến. Tham khảo những cách phòng ngừa chấn thương thể thao.
b. Do bệnh lý
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một bệnh tự miễn mãn tính dẫn đến các chứng viêm và xơ hóa khớp. Nó có thể gây nên tổn thương ở sụn và xương, khiến khớp gối bị cứng trong khoảng một giờ (thường ở cả hai chân).
Chỉ có khoảng 10 - 20% người bệnh viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn đầu bị cứng khớp gối. Tuy nhiên có đến 90% bệnh nhân ở giai đoạn toàn phát gặp phải tình trạng này và phát triển nhanh thành các biến chứng khác như biến dạng, dính khớp, giảm chức năng khớp.
- Thoái hóa khớp: Là bệnh lý xuất hiện khi sụn khớp và xương dưới sụn trở nên suy yếu, không được dẻo dai và linh hoạt. Người bệnh thường có cảm giác đau và cứng khớp gối sau khi ngủ dậy vào sáng sớm.
- Bệnh gout: Đây là một dạng viêm khớp do sự rối loạn chuyển hóa axit uric thường là ở đầu gối hoặc bàn chân. Một vài triệu chứng phổ biến: cứng khớp gối, khớp cảm thấy nóng, nổi đỏ và đau đớn.
- Các bệnh viêm quanh khớp gối khác như: áp xe, viêm xương khớp, viêm khớp vẩy nến, viêm khớp nhiễm khuẩn, đau đầu gối…
c. Một số nguyên nhân khác
- Sau thời gian bó bột hoặc phẫu thuật, hầu hết các bệnh nhân đều mắc phải chứng cứng khớp gối kèm theo teo cơ. Bởi chân và khớp bất động quá lâu khiến dây chằng và các mô mềm bị xơ hóa, mô xơ quanh khớp dày hơn gây nên cứng khớp.
- Cứng khớp gối do dùng nhiều kháng sinh hoặc tiêm thuốc trong cơ tứ đầu đùi.
- Do bẩm sinh.
Xem thêm: Phòng ngừa cứng khớp khi trời trở lạnh
4. Những đối tượng dễ bị cứng khớp gối
Không chỉ riêng người bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp mới bị cứng đầu gối, mà bất kì ai trong chúng ta đều có thể rơi vào tình cảnh này, nhất là các đối tượng sau:
Người ít vận động hoặc vận động quá mức.
Người lao động nặng như nông dân, công nhân khuân vác…
Người làm công việc yêu cầu ngồi hoặc đứng một chỗ nhiều giờ liên tục.
Người từng bị chấn thương ở đầu gối như bong gân, đứt dây chằng, rách sụn chêm…
Người bị thừa cân/ béo phì.
Cứng khớp gối khiến việc vận động trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của người bệnh. Chưa kể, những bệnh lý mạn tính gây căng cứng đầu gối còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề về sau.
5. Cứng khớp gối có nguy hiểm không?
Khớp gối bị cứng nếu không được chữa trị đúng lúc và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và tổn thương vĩnh viễn, cụ thể:
- Biến dạng khớp gối.
- Teo cơ chân.
- Liệt chi, mất hoàn toàn khả năng cử động.
Một khi cấu trúc khớp gối bị hủy hoại, người bệnh buộc phải phẫu thuật thay khớp nhân tạo mới có thể phục hồi chức năng vận động. Chính vì vậy, mọi người không nên chủ quan nếu đầu gối bỗng dưng đau mỏi và căng cứng.
6. Khi nào người bệnh cần đến gặp bác sĩ?
Tuy cứng đầu gối là hiện tượng phổ biến, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng y tế nghiêm trọng. Tốt nhất, mỗi người nên đến gặp gặp bác sĩ nếu tình trạng này kéo dài trên 3 ngày và có xu hướng lặp đi lặp lại, kèm theo các triệu chứng như sưng tấy, tê bì và đau nhức đầu gối.
Đến bệnh viện thăm khám sớm, các chấn thương hoặc bệnh lý xương khớp gây cứng khớp gối được phát hiện kịp thời sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn. Quan trọng nhất là chữa trị ngay khi các triệu chứng còn nhẹ sẽ bảo tồn được tối đa cấu trúc khớp gối, phòng ngừa biến chứng hiệu quả.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình