Chẩn đoán bệnh Thiên đầu thống (Glôcôm): Tầm quan trọng của khám nghiệm cận lâm sàng
Vì sao phải thực hiện các khám nghiệm cận lâm sàng trong chẩn đoán bệnh Glôcôm? Các khám nghiệm bao gồm những gì? Mời bạn đọc theo dõi và tìm hiểu câu trả lời qua bài viết bên dưới.
Glôcôm (hay bệnh Thiên đầu thống) là một bệnh lý của thần kinh thị giác, tiến triển mạn tính, có thể gây ra các tổn thương chức năng thị giác (giảm thị lực, thu hẹp thị trường) không hồi phục. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời nhằm duy trì và ổn định chức năng thị giác của người bệnh là rất quan trọng.
Trong chẩn đoán bệnh glôcôm, bên cạnh khám lâm sàng rất cần thiết thực hiện các khám nghiệm cận lâm sàng để có thể chẩn đoán xác định bệnh, đồng thời đánh giá mức độ tổn thương (giai đoạn bệnh) cũng như theo dõi tiến triển của bệnh, từ đó bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị chính xác, phù hợp với từng người bệnh cụ thể.
Hiện nay, các khám nghiệm thường sử dụng như sau:
1. Đo nhãn áp
Nhãn áp là áp lực của các chất lỏng trong nhãn cầu tác động lên thành nhãn cầu. Nhãn áp phụ thuộc chủ yếu vào quá trình sản xuất và lưu thông thủy dịch. Tùy thuộc vào dụng cụ đo (loại nhãn áp kế) mà giá trị nhãn áp có thể khác nhau, ở người bình thường dao động từ 15,8 ± 5,4 mmHg với nhãn áp kế Goldmann, nhãn áp kế không tiếp xúc (hơi) hoặc 16 – 22 mmHg với nhãn áp kế Maclakov.
Nhãn áp là một trong những yếu tố quan trọng đối với chẩn đoán bệnh glôcôm và cho đến nay vẫn được coi là yếu tố duy nhất giữ vai trò quyết định trong điều trị bệnh lý này. Vì vậy, đo nhãn áp là yêu cầu bắt buộc đối với chẩn đoán bệnh cũng như theo dõi, đánh giá hiệu quả điều trị, tiến triển của bệnh glôcôm và được chỉ định trong mọi lần khám của người bệnh trừ khi có các bệnh lý kèm theo của bề mặt nhãn cầu không thực hiện đo nhãn áp được.
2. Đo thị trường
Thị trường là khoảng không gian mà mắt quan sát thấy khi nhìn cố định vào một điểm. Trong bệnh lý glôcôm, tùy thuộc vào mức độ tổn thương của thần kinh thị giác sẽ dẫn đến các tổn thương thị trường tương ứng. Ở giai đoạn sớm của bệnh, tổn thương thị trường chỉ khu trú là những ám điểm nhỏ cạnh tâm, bước nhảy phía mũi, sau đó có thể tiến triển lan rộng thành những ám điểm hình vòng ở giai đoạn muộn hơn, dần dần sẽ chỉ còn một đảo thị trường nhỏ phía thái dương ở giai đoạn nặng và mất hoàn toàn vào giai đoạn cuối của bệnh.
Hình ảnh thị trường của mắt người bình thường và mắt người bệnh glôcôm quan sát được như sau:
3. Chụp OCT
OCT (chụp cắt lớp quang học mắt) là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, sử dụng ánh sáng, cho phép quan sát các cấu trúc của mắt trên không gian 3 chiều với độ phân giải cao mà không gây ảnh hưởng tới các tổ chức của nhãn cầu. Đây là phương pháp được thực hiện nhanh chóng, đơn giản có thể lưu giữ hình ảnh để so sánh kết quả giữa các lần khám, rất thuận tiện cho việc theo dõi, đánh giá tiến triển của bệnh.
3.1. OCT bán phần trước
OCT bán phần trước nhằm đánh giá tình trạng tiền phòng, góc tiền phòng giúp chẩn đoán chính xác hình thái bệnh glôcôm (góc đóng nguyên phát hay thứ phát; góc mở), đồng thời xác định được mức độ đóng của góc tiền phòng cũng như nguyên nhân đóng góc. Dựa trên cơ sở này, bác sĩ sẽ lựa chọn được phương pháp điều trị thích hợp với hình thái bệnh. Vì vậy, OCT bán phần trước thường được chỉ định ở lần khám đầu để xác định chẩn đoán bệnh và lập kế hoạch điều trị.
3.2. OCT bán phần sau
Khám nghiệm này nhằm đánh giá mức độ tổn thương của các tế bào hạch võng mạc vùng trung tâm (là vùng bị tổn thương sớm nhất trong bệnh lý glôcôm) và tổn thương chi tiết của đĩa thị giác cũng như lớp sợi thần kinh quanh đĩa thị ở từng vị trí cụ thể, từ đó giúp cho bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương của bệnh glôcôm (giai đoạn bệnh) và có thể xác định mức nhãn áp cần phải giảm để đảm bảo ổn định chức năng thị giác cho người bệnh. Bên cạnh đó, chụp OCT bán phần sau cho phép lưu giữ hình ảnh giúp theo dõi, đánh giá tiến triển của bệnh để kịp thời điều chỉnh phương án điều trị phù hợp với mỗi giai đoạn bệnh.
Các tổn thương trên OCT bán phần sau thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh, bao gồm: giảm độ dày của tế bào hạch võng mạc vùng hoàng điểm, thu hẹp viền thần kinh thị giác, chỉ số lõm đĩa thị giác (C/D) tăng hoặc mất cân xứng giữa 2 mắt, giảm chiều dày lớp sợi thần kinh quanh đĩa thị, biến đổi của lá sàng…
Chụp OCT bán phần sau thường được chỉ định ở lần khám đầu nếu các môi trường trong suốt đủ trong để có thể đánh giá tình trạng võng mạc nhằm chẩn đoán xác định, chẩn đoán giai đoạn bệnh glôcôm và chỉ định trong quá trình theo dõi định kỳ khoảng 6 tháng đến 12 tháng/ lần tùy theo giai đoạn hoặc mức độ tiến triển của bệnh, dao động của nhãn áp qua các lần khám.
Ngoài ra, sử dụng OCT A còn có thể đánh giá được mật độ mạch máu quanh đĩa thị, mở ra phương hướng mới trong chẩn đoán sớm và điều trị bệnh lý glôcôm
4. Siêu âm bán phần trước nhãn cầu (siêu âm UBM)
Tương tự như chụp OCT bán phần trước, siêu âm UBM giúp đánh giá tình trạng tiền phòng, góc tiền phòng, đặc biệt có ý nghĩa với hình thái glôcôm góc đóng nhờ xác định được chính xác nguyên nhân đóng góc giúp phân biệt được góc đóng nguyên phát hay thứ phát, vì vậy, thường cũng được chỉ định ở lần khám đầu tiên hoặc khi có những diễn biến khác thường trong quá trình theo dõi điều trị.
Hy vọng những chia sẻ trong bài viết trên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các khám nghiệm cận lâm sàng phổ biến, cũng như tầm quan trọng của chúng trong chẩn đoán và điều trị bệnh Glôcôm (hay bệnh Thiên đầu thống).
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình