Hotline 24/7
08983-08983

Cha mẹ nên làm gì khi có con bị hội chứng ngưng thở khi ngủ?

Trẻ em bị ngưng thở khi ngủ không phải hiếm gặp. Nó ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của trẻ. Vậy các lưu ý chăm sóc, điều trị bệnh cho trẻ như thế nào? Mời quý khán giả cùng nghe chia sẻ của ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

1. Nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ

Nói đến ngưng thở khi ngủ thì thường người ta nghĩ đến người cao tuổi. Tuy nhiên, khá nhiều trẻ bị mắc hội chứng này từ khi còn rất nhỏ. Nguyên nhân tại sao dẫn đến tình trạng này ở trẻ thưa bác sĩ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Khoảng 30 - 40 năm gần đây người ta mới biết đến hội chứng ngưng thở khi ngủ. Ban đầu, hội chứng này được phát hiện chủ yếu ở người lớn. Sau đó, người ta nhận thấy trẻ em vẫn có khả năng mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, chủ yếu là ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Nguyên nhân của ngưng thở khi ngủ ở trẻ em thì tương đối rõ ràng hơn người lớn. Đường thở của trẻ tương đối nhỏ, hẹp và có VA, amidan khá to. Do VA và amidan to thì dễ dàng chèn ép đường thở của đứa bé. Khi trẻ thức và vận động thì không sao nhưng khi ngủ đường thở sẽ dễ hẹp hơn do trương lực cơ vùng hầu họng khi ngủ sẽ bị giảm xuống (tức là cơ khi ngủ sẽ mềm hơn). Khi cơ mềm thì sẽ không giữ cố định được hình dạng của đường thở và dễ bị đóng lại gây tắc nghẽn.

Việc chẩn đoán ngưng thở khi ngủ ở trẻ là vấn đề không đơn giản, vì nhận thức của cha mẹ chưa cao. Khoảng 50% người lớn ngủ ngáy là bình thường nhưng trẻ em ngủ ngáy là điều bất thường. Ngáy là dấu hiệu gợi ý đứa trẻ bị ngưng thở khi ngủ.

Theo một tài liệu nghiên cứu tại Mỹ, đến 6 tuổi thì trẻ mới được chẩn đoán ngưng thở khi ngủ, tuy nhiên, có thể trẻ đã bị ngưng thở khi ngủ trước đó. Nhưng đến 6 tuổi thì triệu chứng mới rõ ràng và dễ dàng chẩn đoán hơn.

Nhiều đứa trẻ được chẩn đoán là tăng động giảm chú ý nhưng thực sự đó hậu quả của hội chứng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn mà không được chẩn đoán.

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

2. Nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ ở trẻ

Những nguy cơ bị hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ là gì?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Những đứa trẻ bình thường, chủ yếu là do VA hoặc amidan to, sẽ làm nghẽn đường thở khi ngủ. Một số trẻ có bất thường bẩm sinh như hội chứng Down, bất thường sọ mặt, cấu trúc đường thở,... thì sẽ có nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn những trẻ bình thường khác.

3. Triệu chứng của ngưng thở khi ngủ ở trẻ

Triệu chứng biểu hiện của trẻ khi mắc phải hội chứng này là gì?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Dấu hiệu dễ biết nhất là ngáy. Nếu người lớn ngáy là bình thường, nhưng với trẻ nhỏ nếu ngáy quá 3 đêm/ tuần là dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Ngoài ra, một số đứa trẻ sẽ có thói quen thở bằng miệng và tư thế trằn trọc khi ngủ. Một số trẻ khác sẽ có tư thế ngủ kỳ lạ như nằm chổng mông, nằm sấp, nằm nghiêng và không ngủ được khi nằm ngửa. Bởi khi nằm nghiêng hoặc nằm sấp thì VA/amidan sẽ nghiêng về 1 bên và đường thở sẽ thông thoáng hơn. Đôi khi trẻ sẽ quấy khóc và khó chịu khi ngủ. Khoảng 50% trường hợp ngưng thở khi ngủ có liên quan đến tư thế.

Đó là những dấu hiệu mà cha mẹ có thể dễ dàng nhìn thấy, tuy nhiên, có những triệu chứng khó nhận biết hơn. Triệu chứng hay gặp là đứa trẻ đứng ngồi không yên, quậy phá; đi học thì không thể tập trung, ngủ gật. Những đứa trẻ như vậy rất tội nghiệp, vì đây là tình trạng bệnh lý chứ nó không cố ý quậy phá.

Trẻ bị ngưng thở khi ngủ sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm về sức khỏe

4. Ca bệnh điển hình của ngưng thở khi ngủ ở trẻ

Xin BS chia sẻ những ca bệnh ngưng thở tắc nghẽn ở trẻ điển hình?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Chúng tôi có rất nhiều bệnh nhân nhưng có một số ca bệnh để lại ấn tượng không thể quên. Vài năm trước, có ca bệnh là trẻ khoảng 7-8 tuổi được chẩn đoán là tăng động giảm chú ý vì hay loi nhoi, quậy phá và không thể học hành. Bệnh nhân không nghe lời của ba và bị đánh rất nhiều; mẹ bệnh nhân vì thương con nên bênh; khiến gia đình lục đục vì chuyện này.

Khi khám thì chúng tôi thấy amidan của bệnh nhân rất to và nghi ngờ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Sau đó, chúng tôi cho bệnh nhân đo đa ký giấc ngủ và kết quả cho thấy bé bị ngưng thở khi ngủ rất nặng. Bé được điều trị bằng phẫu thuật cắt amidan. 1 tháng sau phẫu thuật, bé bắt đầu khỏe, giảm loi nhoi, tăng động. Cha của bé cũng thấy rằng khi ngủ bé bớt ngáy nhiều, tập trung hơn khi học và thành tích dần cải thiện. Người cha cũng nhận ra rằng trước đây bé quậy phá không phải do bản tính mà do ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ; từ đó không còn la mắng trẻ như trước nữa.

Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em có xu hướng gia tăngNgưng thở khi ngủ không hiếm gặp ở trẻ nhỏ và có xu hướng gia tăng

5. Trẻ quấy khóc vào ban đêm có phải là dấu hiệu của ngưng thở khi ngủ?

Đối với các trẻ nhỏ, nhũ nhi... tình trạng khó ngủ, chập chờn và khó chịu vào ban đêm khiến cho trẻ có triệu chứng buồn ngủ, tăng hoạt động quá mức ở ban ngày? Điều này có phải là dấu hiệu để cha mẹ lưu tâm về sức khỏe ban đêm của trẻ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Trẻ quấy khóc vào ban đêm là triệu chứng không điển hình. Vì sao ở một nước phát triển như Mỹ nhưng phải đến 6 tuổi thì trẻ mới được chẩn đoán ngưng thở khi ngủ. Tại vì triệu chứng ngưng thở khi ngủ là triệu chứng không điển hình. Trẻ khóc ban đêm có thể là do trẻ đói, đòi bú hoặc có thể bị viêm hô hấp trên, nghẹt mũi và không thở được, nên cha mẹ rất khó đoán. Một dấu hiệu dễ thấy là trẻ ngủ ngáy nhiều.

Ảnh hưởng dài hạn của ngưng thở khi ngủ là khiến trẻ buồn ngủ nhiều vào ban ngày, mất tập trung và ảnh hưởng nhiều đến học tập của bé.

Khoảng 1 tháng trước, tôi có bệnh nhân nam (khoảng 16-17 tuổi), cha bệnh nhân than phiền rằng bệnh nhân rất thụ động, không tập trung học hành, hay ngủ gật trong lớp. Nghi ngờ bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ và bệnh nhân đo đa ký giấc ngủ. Kết quả cho thấy bệnh nhân ngưng thở 40-50 lần. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt amidan.

Sau vài tuần, bệnh nhân khỏe, vui vẻ trở lại và giảm buồn ngủ vào ban ngày. Việc không phát hiện sớm hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ rất tội nghiệp cho bé.

6. Phương pháp chẩn đoán ngưng thở khi ngủ ở trẻ

Đa ký giấc ngủ qua đêm đối với trẻ có vẻ như khá khó khăn vì vừa phải gắn nhiều thiết bị lên người, trẻ dễ quấy khóc, bứt rứt... Vậy phương pháp nào hữu hiệu trong việc chẩn đoán ngưng thở khi ngủ cho trẻ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Đa ký giấc ngủ là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Theo khuyến cáo chung, lý tưởng nhất để chẩn đoán đối với trẻ em vẫn là đo đa ký giấc ngủ. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, trẻ khoảng 5-6 tuổi vẫn có thể đo đa ký giấc ngủ được. Trẻ càng nhỏ thì tỷ lệ thành công khi đo càng thấp. Tuy nhiên, trẻ từ 7-8 tuổi thì tỷ lệ đo thành công rất cao.

Hiện giờ chưa có phương pháp nào để thay thế phương pháp đo đa ký giấc ngủ. Đo đa ký giấc ngủ giúp chúng ta biết được rằng trong một đêm trẻ ngưng thở bao nhiêu lần, thời gian ngưng thở bao lâu, có biến chứng giảm oxy máu hay không,... Nếu đo bằng phương pháp quay video thì sẽ không đếm được số lần.

Đối với trẻ em, lý tưởng nhất là đo đa ký giấc ngủ ở bệnh viện, vì khi đó sẽ có bác sĩ hỗ trợ trẻ. Nếu đo tại nhà thì tỷ lệ thất bại sẽ cao hơn, vì khi cha mẹ thấy con khó chịu sẽ cho con ngừng đo và thời gian đo không đủ để lấy kết quả.

Giấc ngủ bị ảnh hưởng sẽ khiến trẻ bị xáo trộn mọi sinh hoạt, học tập vào ban ngày

7. Cách phát hiện trẻ ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ thì tiếng thở khá yếu ớt, làm sao để chúng ta kịp thời phát hiện trẻ ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Cha mẹ có thể quan sát trẻ khi ngủ, sẽ đột ngột ngưng thở, tuy nhiên, triệu chứng sẽ khó thấy.  Đối với trẻ em, số lần ngưng thở được cho phép là dưới 1 lần/ giờ; trên 1 lần/ giờ là bất thường; trên 10 lần/ giờ thì phải có can thiệp.

Nếu cha mẹ ngồi canh con ngủ trong 1 giờ đồng hồ, trung bình 5-7 phút mới có 1 lần ngưng thở nhưng đôi khi cha mẹ sẽ bị mất tập trung và bỏ lỡ thời gian ngưng thở của con. Nếu chúng ta vô tình phát hiện được trẻ ngưng thở khi ngủ thì rất tốt. Hoặc cha mẹ có thể dựa vào dấu hiệu ngáy quá 3 đêm/ tuần.

Ngoài ra, VA/amidan to cũng là gợi ý để phát hiện tình trạng ngưng thở khi ngủ. Một số dấu hiệu khác như buồn ngủ vào ban ngày, mất tập trung. Những trường hợp nghi ngờ thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để xem trẻ có khả năng bị ngưng thở khi ngủ hay không.

Triệu chứng của ngưng thở khi ngủ sẽ càng rõ ràng khi trẻ càng lớn. Với trẻ 4-5 tuổi thì để nhận diện triệu chứng là vấn đề khó cho phụ huynh.

Một cách đơn giản hơn là sử dụng bộ câu hỏi tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em. Chúng tôi đang nghiên cứu bộ câu hỏi (khoảng 10-15 câu) tầm soát, sau khi nghiên cứu xong sẽ công bố rộng rãi cho các bậc phụ huynh tham khảo. Nếu phụ huynh thấy con mình có nhiều dấu hiệu thì nên đưa trẻ đi khám. Như vậy sẽ thuận tiện hơn cho phụ huynh.

8. Khi nào cần đưa trẻ tới cơ sở y tế cấp cứu

Khi phát hiện trẻ ngưng thở khi ngủ, cần phải có những động tác can thiệp, đánh thức bé hay sơ cứu như thế nào? Nên đưa trẻ tới cơ sở y tế nào để cấp cứu, điều trị?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Nếu trẻ bị ngưng thở khi ngủ thì sẽ có tình trạng vi thức giấc (tự thức dậy) để não lấy lại oxy, đường thở của trẻ sẽ mở ra. Trừ trường hợp những trẻ bị Down hoặc bệnh lý nền đi kèm thì đó là trường hợp khác.

Nếu trường hợp cha mẹ phát hiện con bị ngưng thở khi ngủ thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám vào sáng hôm sau, không cần phải đi ngay trong đêm. Trường hợp trẻ bị ngưng thở kèm theo tím tái thì đây có thể là dấu hiệu của đột tử và cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

Cha mẹ nên theo dõi sát giấc ngủ của con và lắng nghe cơ thể trẻ để kịp thời phát hiện những bất thường.

9. Cắt amidan có giúp phòng tránh ngưng thở khi ngủ

Có nên cắt amidan sớm cho trẻ để phòng tránh hội chứng khi ngủ không, có thể cắt khi trẻ bao nhiêu tuổi? Việc cắt amidan có ảnh hưởng đến miễn dịch của trẻ không?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Không có chỉ định cắt amidan để phòng ngừa ngưng thở khi ngủ. Chúng ta chỉ cắt amidan khi bị viêm amidan nhiều lần hoặc amidan gây ngưng thở khi ngủ cho trẻ. Lý do không cắt là vì amidan là hàng rào bảo vệ chống lại những vì khuẩn, vi-rút. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết và có chỉ định thì mới cần cắt amidan.

10. Thay đổi thói quen để phòng tránh ngưng thở khi ngủ

Các tác nhân gây béo phì được coi là thủ phạm hàng đầu trong việc gia tăng bệnh ngưng thở khi ngủ ở trẻ em, các bậc cha mẹ nên có kế hoạch thay đổi thói quen của chính mình và của con trẻ như thế nào để giúp trẻ phòng tránh hội chứng ngưng thở khi ngủ nói riêng và các bệnh về đường hô hấp nói chung, thưa bác sĩ?

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Béo phì có liên quan rất mạnh mẽ tới ngưng thở khi ngủ ở người lớn và cả trẻ em. Một đứa trẻ quá mập thì sẽ bị ngưng thở khi ngủ và ngoài ra còn mắc thêm hội chứng giảm thông khí béo phì, do cơ hô hấp hoạt động không hiệu quả.

Cho nên việc phòng ngừa béo phì là cực kỳ quan trọng để giảm hội chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng giảm thông khí béo phì và các bệnh lý khác như tiểu đường,...

Nếu trẻ có nguy cơ béo phì thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn và tập luyện cho phù hợp; không nên cho trẻ ngưng ăn ngưng sữa sữa đột ngột.


11. Lời khuyên của bác sĩ cho phụ huynh giúp trẻ phòng ngưng thở khi ngủ

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân trả lời: Lời khuyên của bác sĩ để giúp cho phụ huynh phòng tránh ngưng thở khi ngủ ở trẻ.

Đầu tiên là không để trẻ bị béo phì. Nếu trẻ có VA/amidan to thì cha mẹ nên lưu tâm đến triệu chứng ngưng thở khi ngủ để phát hiện và điều trị sớm cho bé. Tránh để trường hợp đến 17-18 tuổi mới phát hiện thì sẽ khiến 12 năm học của trẻ bị ảnh hưởng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X