Hotline 24/7
08983-08983

Cha mẹ không cho con kịp đói

Cảm giác sợ con đói là ám ảnh thường trực ở các bậc cha mẹ nuôi con nhỏ, đặc biệt là nuôi con đầu lòng.

Cho bé ăn có thành công và tăng cân tốt hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố từ thái độ cha mẹ cho ăn, thức ăn phù hợp lứa tuổi, thời gian bữa ăn, không gian bữa ăn... và một trong những yếu tố cũng rất quan trọng đó là... cảm giác đói của trẻ.

Chỉ khi đói chúng ta ăn cơm mới ngon miệng và bé cũng vậy. Lý tưởng nhất là cho trẻ ăn khi đói và kết thúc bữa ăn khi trẻ có biểu hiện no.
 
Để trẻ có cảm giác đói thì mỗi bữa ăn, cữ bú phải cách nhau ít nhất 3 - 4 giờ
- Ảnh: internet

Nhiều bà mẹ mới sinh con sợ sữa mẹ không đủ nên lúc nào cũng cần đến sữa bình. Kỳ thực trẻ sơ sinh có thể tích dạ dày rất nhỏ, nên không cần lượng nhiều sữa và tạo hóa tự nhiên cũng thiết kế lượng sữa của người mẹ tiết đủ lượng sữa bé cần.

Khi trẻ lớn lên, rất sai lầm khi cha mẹ chưa biết cách quan sát và cảm nhận biểu hiện đói no của con. Biểu hiện đói có thể là mút tay, chép miệng... ở trẻ nhỏ cho đến trẻ nói “con đói bụng” ở trẻ lớn và khi no trẻ sẽ nói con no rồi, bụm miệng lại...

Cảm giác đói no giúp trẻ tự điều hòa được lượng khẩu phần ăn vào. Nhưng một khi cha mẹ không biết cảm nhận hoặc cố tình phớt lờ, dần dần sẽ làm trẻ mất dần phản xạ tự kiểm soát này và hoàn toàn không biết đói no. Lúc đó phản xạ đói no sẽ bị điều hòa từ bên ngoài do cha mẹ làm chủ.
 
Tiến đến bước này bé sẽ xuất hiện tình trạng hoặc biếng ăn (dẫn đến các hậu quả như bị ép ăn, lạm dụng thuốc bổ, thuốc kích thích ăn, rối loạn cảm xúc...), hoặc nếu chấp nhận theo điều khiển của cha mẹ thì ăn nhiều hơn nhu cầu và dẫn đến thừa cân béo phì.

Cha mẹ đừng quá lo lắng và tuân thủ nghiêm ngặt thực đơn mẫu (cả chế độ ăn và sữa) nào đó vì thật ra đây chỉ là những tài liệu giúp tham khảo. Tùy theo cơ địa, mức độ hấp thu của mỗi bé mà bé sẽ có nhu cầu hơi khác nhau. Có đôi khi bé ăn hoặc bú không bằng với các “chuẩn” này mà vẫn phát triển khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, trong y học tất cả giá trị tham khảo sinh học bao gồm cả cân nặng và chiều cao đều có một khoảng dao động chứ không phải một số cố định. Ví dụ trẻ trai 12 tháng tuổi thì có cân nặng trong khoảng 7,7-12kg. Nếu nhẹ hơn là suy dinh dưỡng và nặng hơn là thừa cân. Do đó, xét cân nặng và chiều cao của một bé thì nếu giá trị của bé nằm trong khoảng bình thường là được, không nhất thiết phải mập bằng con người khác!

Còn một nguyên tắc dinh dưỡng nữa giúp cơ thể tự điều chỉnh lượng thức ăn ăn vào ngoài cảm giác đói no là nguyên tắc tự điều chỉnh. Có nghĩa là nếu trẻ ăn ít vào buổi sáng thì có xu hướng ăn bù nhiều hơn vào buổi chiều, hoặc nếu ăn ít hôm nay thì có thể ăn bù nhiều hơn vào ngày mai.

Nguyên nhân có thể là do trong một buổi hoặc một ngày nào đó có thể thức ăn chưa phù hợp, trẻ không tiêu hóa tốt hoặc cảm thấy khó ở...

Theo ThS.BS Trần Quốc Cường (TT Dinh dưỡng TP.HCM) -Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X