Hotline 24/7
08983-08983

Cấp cứu ban đầu - những chấn thương thường gặp

Khoảng 1/3 số chấn thương xảy ra tại nhà thường gặp là ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, có thể là chấn thương nhẹ nhưng cũng có thể nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong.

    Do đó, trước khi đề cập đến sơ cứu như thế nào, chúng ta nên quan tâm đến một số biện pháp để phòng ngừa:

    - Cầu thang an toàn: nên có tay vịn cả 2 bên, không để những vật dụng không cần thiết trên cầu thang, cần chú ý nhất là phải đủ ánh sáng cho cả lối lên và xuống.

    - Phòng tắm không được trơn trượt. Bạn có thể lót thảm chống trượt, hoặc làm nơi tắm riêng biệt để nước không bắn tung tóe khắp sàn.

    - Cửa sổ không nên dùng cửa lùa, nên lắp cửa có chấn song. Ban công đảm bảo độ cao an toàn. Đối với trẻ nhỏ, luôn quan sát trẻ khi chơi ngoài hành lang.

    - Một số tai nạn khác như vết thương thường do dao, kéo hoặc nuốt sặc, bỏng, gia súc cắn…: các bạn cần lưu ý sắp xếp dao kéo cho gọn gàng, luôn quan sát khi cho trẻ vào bếp, nên cho trẻ chơi những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, bảo vệ trẻ khi tiếp xúc với chó mèo lạ.

    Việc sơ cứu ban đầu là rất quan trọng trước khi đưa đến cơ sở y tế hoặc trong thời gian chờ đợi đội cấp cứu đến. Sơ cứu kịp thời giúp làm giảm rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều trị tiếp theo tại cơ sở y tế hoặc ít nhất là không làm nặng thêm các chấn thương. Một số chấn thương thường gặp: đụng giập, bong gân, trật khớp, vết thương nhỏ hoặc vết rách da lớn.

    1. Đụng giập chi, khớp bị kéo căng hay bong gân

    Hai trường hợp nói sau, nạn nhân đều rất đau. Nếu chỉ tổn thương gân cơ (giúp cơ bám vào xương) thì đó là đụng dập, còn khi khớp bị kéo căng hay bong gân thì đó là tổn thương của dây chằng (giúp liên kết 2 đầu xương với nhau). Trong cả 2 trường hợp này, bạn nên thực hiện 4 điều: nghỉ ngơi, chườm lạnh, quấn băng ép, và kê cao vùng chấn thương - tức là RICE (gồm các chữ cái đầu của 4 từ tiếng Anh):

    - Nghỉ ngơi (Rest): bạn cần hạn chế vận động để giảm bớt đau, có thể dùng nạng, gậy, hoặc nẹp vải thông dụng có thể có ích cho một số trường hợp chấn thương nhẹ. Đối với những trường hợp sau chấn thương mà các cử động thông thường bị giới hạn thì tốt nhất là bạn để cho vùng tổn thương được nghỉ ngơi hoàn toàn bằng cách dùng nẹp cố định (có thể dùng bất cứ vật gì dài và chắc để nẹp) qua 2 khớp và lưu ý là không nên cố gắng nắn, bẻ, chỉnh sửa nơi bị đau để cố đưa về vị trí bình thường hoặc cố gắng lặp đi lặp lại các cử động thông thường mặc dù là khó khăn, những cố gắng này sẽ gây đau cho bạn và làm cho tổn thương nặng hơn.

    - Chườm đá (Ice): để giảm đau và sưng phù, bạn có thể tìm mua thuốc xịt giảm đau tại nhà thuốc và các túi chườm lạnh nhanh tại các siêu thị, hoặc bạn dùng đá lạnh cho vào túi nylon sau đó dùng khăn bọc lại và chườm để tránh tê cóng. Trong 24 giờ đầu, bạn chườm đá chừng 3 lần, mỗi lần lâu khoảng 20-30 phút. Đặc biệt là không thoa dầu nóng hoặc dùng nhiệt trong 24 giờ đầu vì có thể làm sưng, bầm nhiều hơn.

    - Băng ép (Compression): nên dùng băng thun, quấn nhẹ nhàng và đều tay sẽ giúp cho vùng tổn thương giảm sưng nề và mau hồi phục, lưu ý là không nên băng quá chặt tay làm ảnh hưởng đến tuần hoàn phía sau nơi băng ép, bạn có thể nhờ nhân viên y tế hướng dẫn cách băng và theo dõi. Thí dụ, bạn cần luôn kiểm tra các đầu ngón chân xem có tím hoặc bị tê bì không, nếu có thì cần phải nới lỏng băng thun.

    - Kê cao (Elevation): bạn kê vùng chi bị tổn thương lên cao hơn tim để tăng lượng máu tĩnh mạch dồn về hệ tuần hoàn, làm giảm bớt sưng nề.



    Lưu ý: một số chấn thương nghiêm trọng chẳng hạn như sau khi té ngã bạn không thể đứng dậy được, đau rất nhiều vùng lưng hay vùng cổ, không thể xoay trở cổ, hoặc có thể bạn bị mất cảm giác và vận động khi có chấn thương tủy sống.

    Bạn cần gọi 115 để được hỗ trợ y tế ngay, vì mọi cố gắng xoay trở hay khiêng vác nạn nhân lúc này đều có thể làm cho nặng hơn các tổn thương của tủy sống cổ hay lưng và có thể đưa đến liệt thực sự. Điều có thể làm là giúp nạn nhân bình tĩnh, tránh tuyệt đối xoay trở, dùng các vật dụng sẵn có tại chỗ để bất động tương đối vùng cổ (với nhiều tờ báo hay nhiều tờ bìa cuộn lại) hay vùng lưng (với nẹp tre, cây dù che mưa…).

    2. Vết thương nhỏ, trầy xước hoặc vết rách da

    Hai trường hợp nói sau, nạn nhân đều rất đau. Nếu chỉ tổn thương gân cơ (giúp cơ bám vào xương) thì đó là đụng dập, còn khi khớp bị kéo căng hay bong gân thì đó là tổn thương của dây chằng (giúp liên kết 2 đầu xương với nhau). Trong cả 2 trường hợp này, bạn nên thực hiện 4 điều: nghỉ ngơi, chườm lạnh, quấn băng ép, và kê cao vùng chấn thương - tức là RICE (gồm các chữ cái đầu của 4 từ tiếng Anh):

    - Đối với các vết rách, vết xước nhỏ thì việc đầu tiên là nhẹ nhàng dùng nước mát làm sạch vết thương và loại bỏ các dị vật nếu có, rồi dùng khăn lau khô. Thường các vết thương nhỏ sẽ cầm máu rất nhanh, bạn chỉ cần dùng ngón tay cái lót gạc để ép lên vết thương một lúc, sau đó sát khuẩn với dung dịch povidine, băng lại bằng băng keo cá nhân ; nếu vết thương lớn hơn, bạn dùng gạc vô khuẩn và băng cuộn mua tại nhà thuốc để băng lại. 


    - Đối với vết rách lớn chảy máu, bạn trước tiên nên cầm máu rồi sau đó rửa sạch và băng lại. Bạn lót gạc vô khuẩn hay khăn sạch, dùng ngón cái đè ép tập trung lên vết thương để cầm máu, tuyệt đối KHÔNG DÙNG các biện pháp cầm máu như thuốc lá, lá cây nghiền nát, hoặc bất cứ thứ gì khác đắp lên vết thương vì điều này sẽ gây khó khăn cho việc làm sạch và điều trị vết thương sau đó. Nếu vết thương ở tay thì bạn có thể nâng cao tay, cầm máu sẽ dễ dàng hơn. Nếu chảy máu vẫn tiếp tục, bạn có thể đặt lên vết thương mấy miếng gạc dày và quấn băng thun chặt tay dần cho đến khi ngừng chảy máu, chuyển gấp nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. 


    - Đối với các chấn thương chảy máu nặng, nguy ngập, có một số kỹ thuật để kiểm soát chảy máu. Biện pháp đặt ga-rô xoắn có thể được sử dụng nhưng đây thực sự là phương sách cuối cùng, thí dụ như trường hợp có khả năng bị mất chi, để giảm nhẹ các nguy cơ khác đi kèm, và chỉ được thực hiện bởi các nhân viên y tế thực thụ. Ga-rô xoắn là cách tạo sức ép trên một động mạch và ngăn dòng máu chảy qua đó, thường là một dây hay một ống cao su, hay một băng vải buộc chặt quanh một chi. Ga-rô xoắn hiện không còn được khuyến cáo dùng như một biện pháp cấp cứu để chặn xuất huyết từ một vết thương vì có nguy hiểm giảm cung cấp ôxy cho các mô khác. Nên dùng băng thun quấn chặt dần lên vết thương đang chảy máu cho đến khi ngừng chày máu thay cho ga-rô xoắn, an toàn hơn.



    Cách tiến hành: đè vào động mạch phía trên vết thương để tạm ngừng chảy máu, lót gạc hay vải tại nơi định đặt ga-rô, hoặc dùng ngay ống quần hay ống tay áo của nạn nhân để lót, quấn lên đó nhiều vòng dây thun chặt dần hay dùng dây vải xoắn dần cho đến khi không còn thấy chảy máu. Ga-rô không được để lâu quá 1-2 giờ và phải nhanh chóng chuyển nạn nhân về tuyến sau, cứ mỗi 30 phút đến 1 giờ phải nới ga-rô một lần trong khoảng 5 phút

    Theo BS.CK1 Nguyễn Quốc Huy - BV Đại học Y dược TPHCM

    Đối tác AloBacsi

    Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

    Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

    Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

    hoàn toàn MIỄN PHÍ

    Khám bệnh online

    X