Hotline 24/7
08983-08983

Cảnh báo nguy cơ tử vong ở người cao tuổi do hít sặc khi ăn

Bệnh viện Thống Nhất cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân lớn tuổi hít sặc thức ăn gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong. Đáng nói là tình trạng này dễ dàng xảy ra do sơ suất, bất cẩn trong ăn uống.

BS.CK2 Nguyễn Thụy Trang - Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất giải thích, hít sặc là một tình huống khẩn cấp do dị vật rơi vào đường hô hấp gây tắc nghẽn, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt nguy hiểm hơn đối với người cao tuổi, có thể đe dọa đến tính mạng.

Mỗi ngày, Bệnh viện Thống Nhất đều tiếp nhận các ca hít sặc ở người có chế độ sinh hoạt tại giường, có rối loạn nuốt... BS.CK1 Trịnh Hải Hoàng - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận 5 bệnh nhân rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Một trường hợp đang được điều trị tại đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc là ông N.V.N (90 tuổi, quê Vĩnh Long), bị di chứng tai biến phải nằm một chỗ. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng có nhiều thức ăn trong phế quản, kèm dịch và đàm. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn đang thở máy nhưng đã tỉnh táo hơn, có phản ứng khi gọi tên. Hiện tại, bệnh nhân có tiên lượng tạm ổn.

BS.CK1 Trịnh Hải Hoàng - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc khám cho bệnh nhân 90 tuổi bị hít sặc (Ảnh: BVCC)

Ngoài những ca nặng được điều trị ICU, vẫn có các trường hợp nạn nhân mất trước khi được đưa đến bệnh viện. Khai thác bệnh sử từ người nhà bệnh nhân, tai nạn xảy ra do bệnh nhân chỉ sinh hoạt trên giường nằm bình thường, không phải giường y tế chuyên dụng.

BS.CK2 Nguyễn Thụy Trang cho biết: “Các bệnh lý tuổi già (sa sút trí tuệ, Alzheimer...) làm giảm khả năng nuốt, rối loạn chức năng nuốt ở người lớn tuổi, dẫn đến hít sặc. Đối với người trẻ, người trung niên, nguyên nhân thường gặp nhất là uống một lượng lớn bia rượu dẫn đến không kiểm soát được hành vi, rối loạn phản xạ nuốt. Các loại thuốc ngủ, thuốc an thần cũng ảnh hưởng đến phản xạ nuốt của bệnh nhân”.

Các triệu chứng ban đầu khi bệnh nhân bị hít sặc thường không rõ ràng. Các biểu hiện ho, khò khè, khó thở, tím tái xảy ra ở những trường hợp nặng những cũng thường bị bỏ qua hoặc điều trị sơ sài.

Điều trị hít sặc thường khó thành công, nhất ở các bệnh nhân lớn tuổi do có nhiều bệnh nền. Vì vậy biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết. Người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cần được hướng dẫn để nhận biết được các dấu hiệu rối loạn nuốt: khi ăn uống hay bị rơi ra ngoài, hay chảy nước bọt, nhiều đàm, khó khăn khi nhai cắn, ăn chậm không nhai nuốt mà ngậm thức ăn trong miệng.

BS.CK2 Nguyễn Thụy Trang khuyến cáo, bệnh nhân phải ngồi thẳng trên ghế hoặc nâng đầu giường 90 độ khi ăn uống, trường hợp bệnh nhân bị rối loạn nuốt, phải điều chỉnh tư thế hơi cúi cằm, gập cổ khi nuốt.

Nên cho bệnh nhân ăn chậm, kích thước đồ ăn không được quá lớn và người nhà luân phiên đút các loại thức ăn lỏng, đặc. Tốt nhất là nên có sự tư vấn của bác sĩ về độ mềm và độ trơn của thức ăn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc dùng thuốc an thần, thuốc ngủ trên bệnh nhân.

Bác sĩ Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất nhấn mạnh: “Sau khi cho bệnh nhân ăn, nên cho bệnh nhân ngồi nghỉ ngơi khoảng 30 phút. Trong thời gian này, phải có người theo dõi, quan sát kỹ từng biểu hiện của bệnh nhân. Một số trường hợp người nhà bận việc nên không chú ý đến người bệnh, dẫn đến những kết cục đau lòng”.

Làm sao để không bị hít sặc?

Theo BS.CK2 Nguyễn Thụy Trang - Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất, cần ngồi khi ăn, không được nằm khi ăn hoặc uống bất cứ loại gì. Ăn miếng nhỏ, gập cổ khi nuốt không được ngửa cổ. Không xem ti vi, đọc báo… làm mất tập trung khi đang ăn. Không nói chuyện, nhất là không được cười nói khi nhai. Tránh dùng các thuốc an thần, gây ngủ ngoài chỉ định. Vệ sinh răng miệng thường xuyên để tránh viêm phổi hít phải.

Nghiệm pháp Heimlich có thể dùng để tống dị vật ra ngoài đối với nạn nhân là trẻ em, nạn nhân còn tỉnh táo. Với các bệnh nhân có chế độ sinh hoạt tại giường, hãy đặt bệnh nhân nằm nghiêng, vỗ lưng để dịch, thức ăn thoát ra ngoài. Có thể dùng tay để nhẹ nhàng lấy dị vật. Tuyệt đối không để bệnh nhân nằm thẳng vì dị vật có thể đi vào sâu hơn.

Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức.

Bệnh viện Thống Nhất là bệnh viện lão khoa hàng đầu trong cả nước, đối tượng điều trị chủ yếu là người cao tuổi, do đó phòng ngừa viêm phổi hít do sặc thức ăn là vấn đề trọng tâm trong chăm sóc điều dưỡng. Bệnh viện đã đào tạo cho điều dưỡng, học sinh và người nhà cách cho người bệnh có rối loạn nuốt ăn uống.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X