Hotline 24/7
08983-08983

Cần lưu ý gì khi xét nghiệm chức năng gan?

“Xét nghiệm sinh hóa gan” hoặc “xét nghiệm gan” là một xét nghiệm không xâm lấn giúp chẩn đoán rất nhiều bệnh lý ở gan. Ngoài ra còn giúp theo dõi kết quả điều trị, đồng thời đánh giá các tiến triển của bệnh gan. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành sẽ chia sẻ về những lưu ý khi thực hiện các xét nghiệm này.

1. Xét nghiệm chức năng gan là gì?

Thưa BS, xét nghiệm chức năng gan là gì, cho chúng ta biết những vấn đề nào về sức khỏe của gan?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Khái niệm “xét nghiệm chức năng gan” được sử dụng trước đây nhưng hiện tại không thể hiện hết các xét nghiệm của gan. Nên sau này dùng thuật ngữ “xét nghiệm sinh hóa gan” hoặc “xét nghiệm gan” thay cho “xét nghiệm chức năng gan”. Vì “xét nghiệm sinh hóa gan” hoặc “xét nghiệm gan” sẽ bao gồm “xét nghiệm chức năng gan”.

Xét nghiệm sinh hóa gan gồm:

- Đánh giá tình trạng tổn thương tế bào gan.

- Đánh giá chức năng gan.

Đây là một xét nghiệm không xâm lấn giúp chẩn đoán rất nhiều bệnh lý ở gan. Ngoài ra còn giúp theo dõi kết quả điều trị, đồng thời đánh giá các tiến triển của bệnh gan.

2. Xét nghiệm chức năng gan gồm những gì?

Xét nghiệm chức năng gan gồm những gì? Người bệnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm như thế nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Vì thuật ngữ có sự thay đổi nên chia xét nghiệm sinh hóa gan thành 4 nhóm:

- Nhóm đánh giá tổn thương tế bào gan: Khi đi khám bắt buộc phải làm xét nghiệm AST và ALT.

- Nhóm đánh giá tình trạng ứ mật: Làm xét nghiệm ALP và GGT.

- Nhóm đánh giá khả năng tiết và thải độc của gan: Xét nghiệm Bilirubin và NH3 (Ammoniac máu).

- Xét nghiệm chức năng gan: Thể hiện qua 2 thông số của xét nghiệm Albumin và Prothrombin (còn gọi là INR) liên quan đến yếu tố đông máu của gan.

3. Những ai cần làm xét nghiệm đánh giá chức năng gan?

Theo BS, những ai cần làm xét nghiệm đánh giá chức năng gan ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Trên nguyên tắc, tất cả chúng ta đều phải được làm xét nghiệm để đánh giá xét nghiệm về gan hoặc xét nghiệm về sinh hóa gan. Khi chúng ta khám định kỳ hoặc vì bất cứ nguyên nhân nào cũng nên tầm soát một lần.

4. Bao lâu nên thực hiện xét nghiệm chức năng gan một lần?

Và bao lâu chúng ta nên làm xét nghiệm này một lần? Thời gian và khoảng cách thực hiện có khác nhau giữa độ tuổi, nhóm người đã mắc bệnh gan và người khỏe mạnh?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Tùy vào nguyên nhân gây bệnh gan mà có những mốc thời gian cụ thể cho từng nhóm đối tượng.

- Nếu chúng ta đi khám sức khỏe định kỳ và tầm soát một lần, hoàn toàn không có biểu hiện bệnh lý về gan thì một năm có thể xét nghiệm một lần.

- Đối với những nhóm bệnh tìm được nguyên nhân, ví dụ chúng ta biết đang bị viêm gan virus B, viêm gan virus C dù ở thể chưa hoạt động (thể ngủ) theo khuyến cáo 6 tháng nên tầm soát để xét nghiệm chức năng gan.

5. Các nhóm xét nghiệm gan khác nhau thế nào và có phải lấy mẫu nhiều lần không?

Người bệnh tìm hiểu về các xét nghiệm chức năng gan dễ bị rối ren trong các khái niệm:

- Nhóm xét nghiệm chức năng tổng hợp

- Nhóm xét nghiệm khảo sát chức năng bài tiết và khử độc

- Nhóm xét nghiệm đánh giá tình trạng hoại tử tế bào gan

Xin hỏi BS, các nhóm xét nghiệm này khác nhau như thế nào? Có phải có nhiều nhóm như vậy thì người bệnh sẽ phải lấy mẫu nhiều lần và làm xét nghiệm nhiều lần?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Thuật ngữ “xét nghiệm sinh hóa gan” hoặc “xét nghiệm gan” thay thế cho thuật ngữ trước đây là “xét nghiệm chức năng gan”. Trong đó bao gồm 4 nhóm chính:

- Nhóm đánh giá tổn thương tế bào gan: Thông qua 2 xét nghiệm AST và ALT.

- Nhóm đánh giá tình trạng ứ mật: Thông qua xét nghiệm ALP và GGT.

- Nhóm đánh giá khả năng tiết và thải độc của gan: Bilirubin và NH3 (Ammoniac máu).

- Xét nghiệm chức năng gan: Albumin và Prothrombin (INR).

Trên thực tế các nhóm bệnh gan chúng ta thường gặp và có thể giải thích được là thấy tình trạng một người bệnh gan bụng to ra gọi là xơ gan cổ trướng. Chức năng tổng hợp của gan không tốt nên không tổng hợp Albumin được, làm giảm Albumin máu dẫn đến thoát dịch trong các cơ quan, đặc biệt là các khoang trong đó có khoang bụng làm bụng to lên gọi là cổ trướng.

Những người bị xơ gan ở giai đoạn này gọi là xơ gan giai đoạn cuối. Do rối loạn quá trình đông, cầm máu trong cơ thể và tổng hợp các yếu tố đông máu nên rất dễ bị chảy máu, bị phù và báng bụng.

Cả 4 nhóm trên đều có thể khảo sát bằng cách lấy máu một lần duy nhất đã có thể giải quyết được hết các chỉ số mà bác sĩ cần biết.

6. Cần lưu ý về các chỉ số nào trong kết quả xét nghiệm gan?

Kết quả xét nghiệm gan có rất nhiều chỉ số. Xin hỏi BS, trong đó, chúng ta cần lưu ý về các chỉ số nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Các chỉ số cần lưu ý là:

- AST và ALT: Giá trị bình thường của chỉ số này có sự thay đổi. Trước đây giá trị bình thường là dưới 40 đơn vị, hiện nay chỉ số này thay đổi phụ thuộc vào nam hay nữ. Nếu là nam chỉ số phải dưới 30 và nữ là dưới 19.

- Bilirubin: Nếu có biểu hiện vàng da, vàng mắt trên lâm sàng thì Bilirubin sẽ tăng rất cao.

- Albumin: Nếu một bệnh nhân gan bị phù, xơ bụng thì khi đó chỉ số Albumin sẽ giảm rất nhiều.

- Prothrombin (INR): Ở những bệnh nhân suy gan, suy tế bào gan hoặc xơ gan rối loạn này sẽ bị ảnh hưởng, chỉ số INR kéo dài và lớn 1,5.

7. Các yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chức năng gan?

Những yếu tố nào có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chức năng gan, thưa BS? Làm gì khi các chỉ số xét nghiệm bất thường?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Khi xét nghiệm chức năng gan tốt nhất nên thông báo cho thầy thuốc biết:

- Đang sử dụng những nhóm thuốc gì?

- Đang sử dụng thực phẩm chức năng nào?

- Thời điểm sử dụng rượu bia có gần hay không?

Các xét nghiệm này có sự thay đổi đối với một số trường hợp như:

- Người vừa uống rượu bia trong vòng 2 tuần chắc chắn xét nghiệm sẽ có sự thay đổi.

- Mặc dù thời điểm lấy xét nghiệm trước ăn hay sau ăn không có ý nghĩa khác biệt. Tuy nhiên chỉ số khảo sát tình trạng ứ mật ALP và GGT khuyến cáo nên được lấy khi bệnh nhân nhịn đói ít nhất 12 tiếng sẽ ít bị ảnh hưởng. Còn lại, hầu hết các xét nghiệm khác chúng ta không cần phải nhịn ăn.

8. Trước khi xét nghiệm chức năng gan cần lưu ý những gì?

Trước khi xét nghiệm chức năng gan cần lưu ý những gì để đảm bảo kết quả chính xác nhất, thưa BS?

- Người bệnh có cần nhịn ăn, nhịn uống nước không? Nếu có thì thời gian ăn uống cuối cùng nên cách thời điểm xét nghiệm bao lâu?

- Nên xét nghiệm vào buổi nào trong ngày là tốt nhất (buổi sáng, buổi chiều)?

- Có cần ngừng các loại thuốc trước khi xét nghiệm chức năng gan? Đặc biệt là những người đang dùng thuốc điều trị huyết áp, tim mạch, tiểu đường, bệnh dạ dày (GERD…)?

- Nên tránh những thực phẩm nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Lưu ý trước khi xét nghiệm:

- Không có sự khác biệt khi chúng ta làm các xét nghiệm khảo sát về AST, ALT dù nhịn ăn hay đã ăn no.

- Các chỉ số khác hầu như không bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn hoặc những thay đổi khác.

- Tuy nhiên để kết quả chính xác, trong đó có một chỉ số về tình trạng ứ mật ALP và GGT nên nhịn ăn trước 12 tiếng.

- Về nguyên tắc, khi có sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng kéo dài phải thông báo cho thầy thuốc. Vì trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm AST, ALT.

Theo các nguyên cứu khảo sát, đối với AST, ALT có sự thay đổi ở thời điểm lấy máu (buổi sáng và buổi chiều có sự thay đổi một chút). Tuy nhiên giá trị thay đổi này không có ý nghĩa nhiều nên có thể lấy máu trong bất kỳ thời điểm nào.

Mặt khác chỉ số AST, ALT có sự thay đổi theo:

- Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi sẽ khác so với người da trắng.

- Giới tính: Nam sẽ khác nữ.

- Những người hút thuốc và không hút thuốc.

- Người uống rượu bia hoặc không chỉ số cũng có thay đổi.

Một số thuốc có chuyển hóa qua gan sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan. Tuy nhiên nên thông báo cho thầy thuốc biết các thuốc đang sử dụng. Nếu gan khỏe mạnh hầu như sẽ không ảnh hưởng và không cần phải ngưng. Tuy nhiên trong trường hợp gan có vấn đề, thầy thuốc sẽ tìm hiểu xem tình trạng gan này do nguyên nhân khác hay ảnh hưởng bởi thuốc.

Không có khuyến cáo những thực phẩm không ăn trước khi xét nghiệm gan. Nhưng lưu ý nếu sử dụng rượu bia nên ngưng ít nhất 3 ngày trước khi xét nghiệm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X