Cần làm gì để lấy lại niềm tin của người bệnh?
Thực tế, không ít người có suy nghĩ “nếu có tiền tôi sẽ ra nước ngoài chữa bệnh”. Trong khi đó, Việt Nam không thiếu bác sĩ giỏi, kỹ thuật tiên tiến. Vậy nguyên nhân là gì? Câu trả lời đã được TS.BS Trương Vĩnh Long giải đáp ngay dưới đây!
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Bác sĩ chia sẻ về duyên nợ ngành y
Đây là lần đầu tiên TS.BS Trương Vĩnh Long tham gia chương trình giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc AloBacsi, mong BS chia sẻ đôi điều về quá trình công tác của mình. Được biết BS Long nổi tiếng là chuyên gia về Bệnh lý nội tiết chuyển hóa và Hồi sức tích cực. Đồng thời là một nhà quản lý bệnh viện. BS có thể kể lại kỷ niệm khi chọn ngành y, khi bước vào ngành y này BS có nguyện vọng gì?
TS.BS Trương Vĩnh Long:
Ứớc mơ vào ngành Y của tôi bắt đầu từ nỗi niềm khi còn là cậu học sinh lớp 5. Khi đó, mẹ tôi thường xuyên đau bụng, các bác sĩ ở huyện khám cho biết bị đau dạ dày nhưng điều trị cả năm không đỡ. Nhưng khi chuyển tuyến mới biết không phải đau dạ dày mà là do giun chui ống mật chủ. Từ đó, tôi đã có suy nghĩ, sau này phải học y, trước hết là để giúp đỡ gia đình, thứ hai là giúp người dân, đặc biệt là ở vùng quê giống như thời thơ ấu của tôi đã trải qua.
Tôi học Y 6 năm, tiếp đến là chuyên khoa sơ bộ, cao học, rồi đến nghiên cứu sinh. Sau hành trình 11 năm này, tôi kinh qua nhiều vị trí khác nhau, từ bác sĩ khoa Nội, Hồi sức tích cực và sau này được tin tưởng giao cho trọng trách Trưởng khoa Nội - Hồi sức tích cực 10 năm. Lúc đó tôi kiêm nhiệm luôn vị trí Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp. Đây cũng là thời điểm tôi có hướng suy nghĩ khác, ngoài vấn đề chuyên môn tôi nghĩ phải làm sao để cải tiến, cải thiện chất lượng của toàn bệnh viện, nếu chỉ một khoa tốt cũng chưa mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh. Nghĩ là làm, năm 2005, khi đó tôi 32 tuổi đã lên đường sang Singapore học quản lý bệnh viện.
Khi trở về nước, đến năm 2008 tôi có cơ hội được trải qua nhiều vị trí công tác trong tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ, từ giám đốc một bệnh viện đến quản lý một hệ thống y tế có 9 cơ sở trải dài từ Cà Mai, Cần Thơ, Đà Lạt, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và TPHCM (4 cơ sở). Năm 2009, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ bắt đầu hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó có VinaCapital, Fortis (Ấn Độ) và sau đó nữa là Chandler (Singapore). Xuyên suốt trong quá trình công tác cũng như về sau này, tâm niệm của tôi luôn là làm thế nào để mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Từ đâu có duyên với BV Gia An 115 và đặc biệt Tập đoàn Y khoa Hoa Lâm? Phải chăng nơi đây đáp ứng được nỗi niềm từ bao lâu của BS?
TS.BS Trương Vĩnh Long:
Năm 2013, khi Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ có bước chuyển mình, Chandler (Singapore) mua lại cổ phần của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, tôi có cơ duyên gặp gỡ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Lâm Trần Thị Lâm và được nghe về những mong ước của chị.
Khi đó, chị muốn xây dựng khu y tế kỹ thuật cao ở tại TPHCM, ứng dụng các kỹ thuật cao cung cấp dịch vụ đó cho chính người dân Việt Nam, để người bệnh không phải ra nước ngoài. Cuộc gặp gỡ đặc biệt đó cũng là lý do để tôi đồng ý về với tập đoàn Hoa Lâm và bây giờ làm quản lý Bệnh viện Gia An 115.
BS.CK2 Tạ Phương Dung và TS.BS Trương Vĩnh Long, bệnh viện Gia An 115
BS.CK2 Tạ Phương Dung thì đã là gương mặt thân quen với các chương trình tư vấn của AloBacsi. Và mới đây, BS Dung đã vinh dự được nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, xin chúc mừng BS. BS Long vừa chia sẻ mối duyên đưa BS đến với Bệnh viện Gia An 115, vậy còn BS Dung thì sao ạ? Vì sao đến tuổi về hưu, BS Dung chọn Bệnh viện Gia An 115 để tiếp tục gắn bó với ngành y?
BS.CK2 Tạ Phương Dung:
Không chỉ riêng gì ngành Y mà còn rất nhiều ngành nghề khác, trải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm dày dặn hơn nên còn muốn được cống hiến, phục vụ nhiều hơn nữa. Quan niệm của tôi, nghỉ hưu chỉ là một mốc thời gian, không phải là thời điểm kết thúc công việc, mà phải tiếp tục công tác, điều trị cho bệnh nhân. Thậm chí, đến bây giờ dù nghỉ hưu nhưng tôi vẫn muốn được tiếp tục học hỏi, bởi vì Y khoa luôn có những điều mới, các tiến bộ mới về kỹ thuật cũng như thay đổi về phác đồ điều trị.
Tôi về Bệnh viện Gia An 115 vì nhiều lý do. Thứ nhất là cơ duyên giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 đã được UBND TPHCM cho phép hợp tác công tư - đây là mô hình hợp tác mang lại kết quả tốt. Trong khi Bệnh viện Nhân dân 115 giải quyết được tình trạng quá tải, thì Bệnh viện Gia An 115 với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ tại chỗ được đào tạo và tuyển dụng bài bản cùng sự trợ giúp về đội ngũ nhân lực của Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ ngày càng phát triển hơn.
Thứ hai, tôi cũng có dịp gặp gỡ với chủ đầu tư Tập đoàn Hoa Lâm - cô Trần Thị Lâm. Mặc dù gia đình cô đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội nhưng lại đau đáu phát triển hướng bệnh viện, muốn xây dựng để phục vụ tất cả mọi đối tượng, từ người khá giả đến người nghèo đều được chữa trị đến nơi đến chốn, ngay tại Việt Nam mà không phải ra nước ngoài. Câu nói khiến tôi cảm kích nhất từ cô đó là “Nếu tôi muốn làm giàu tôi không xây bệnh viện”. Đây cũng là lý do khiến tôi muốn được cống hiến ở Bệnh viện Gia An 115. Hơn nữa, trước đó tôi cũng có cơ hội gặp gỡ TS.BS Trương Vĩnh Long và các đồng nghiệp khác ở Bệnh viện Gia An 115, tôi thấy rằng đây là nơi mình nên về.
2. Vì sao người dân kéo nhau ra nước ngoài chữa bệnh?
Được biết nhiều lần BS Long đi hội nghị ở nước ngoài, đặc biệt ở Singapore, thấy người dân Việt Nam phải chi trả một khoản kinh phí rất cao để ra nước ngoài chữa bệnh, khi đó BS có suy nghĩ thế nào ạ?
TS.BS Trương Vĩnh Long:
Đây là nỗi trăn trở của những người làm chuyên môn cũng như là quản lý y tế nhiều năm. Khi đi đào tạo ở Singapore, Hong Kong, Anh, Mỹ và sau đó về lại Việt Nam, tôi tự đặt câu hỏi, vì sao người Việt vẫn chọn nền y học của các quốc gia khác trong khi đó ở nước ta đẫ có sự thay đổi lớn so với thời điểm 20 năm trước khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường? Và lời giải đáp khiến tôi trăn trở, phải chăng ở đây có vấn đề về niềm tin?
Thực tế, ngành Y tế Việt Nam cũng trải qua thời kỳ phát triển thăng trầm, đặc biệt là khi bùng nổ thông tin đến người dân. Những ca tai biến, biến chứng xảy ra làm cho người dân lo lắng, hơn thế nữa là đánh mất niềm tin. Nhất là trong thời gian vừa qua tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến cuối dẫn đến chất lượng về chuyên môn cũng như dịch vụ chăm sóc người bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Vì vậy, người Việt Nam đi nước ngoài.
Theo thống kê mà Bộ Y tế cũng đã đề cập, hàng năm có khoảng 40.000 lượt bệnh nhân ra nước ngoài với tổng chi phí khoảng 2 tỷ USD. Nếu xây 1 bệnh viện ở mức độ theo tiêu chuẩn quốc tế khoảng 400 giường thì mất khoảng 50 triệu đô, với tổng chi phí 1 năm như vậy thì có thể xây được 40 bệnh viện. Như vậy sẽ góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện lớn tại TPHCM cũng như Hà Nội và sẽ thu về nguồn ngoại tệ rất lớn để tái đầu tư, xây dựng cũng như cải tiến chất lượng dịch vụ y tế trong nước.
Thực tế, không chỉ riêng Singapore, mà câu cửa miệng của rất nhiều người là “nếu có tiền tôi sẽ ra nước ngoài chữa bệnh”. Trong khi đó, Việt Nam không thiếu bác sĩ giỏi, kỹ thuật tiên tiến. Vậy nguyên nhân tại sao tầng lớp khá giả lại muốn tới bệnh viện ngoại hơn?
Với nhiều năm công tác trong ngành y và trên cương vị quản lý, BS có thể chia sẻ thêm về những tâm huyết đã thực hiện cũng như dự định hướng tới để giảm tải lượng bệnh nhân trong nước ra nước ngoài khám chữa bệnh?
TS.BS Trương Vĩnh Long:
Liên quan đến câu chuyện này có 2 vấn đề. Thứ nhất là về đầu tư, chúng ta cần đầu tư hoàn chỉnh, khép kín, từ giai đoạn quy hoạch thiết kế đến đầu tư trang thiết bị y tế, đặc biệt là vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng để sử dụng được các kỹ thuật cao. Việt Nam cũng đã có rất nhiều các bác sĩ giỏi, ứng dụng nhiều kỹ thuật cao, trong đó có vấn đề phẫu thuật bằng robot. Nhưng để lấy lại niềm tin của người dân thông qua kỹ thuật cao không thì chưa đủ.
Vấn đề thứ hai là phải đồng bộ. Các dịch vụ liên quan đến các dịch vụ y tế, kể cả vấn đề về chăm sóc, thái độ, ứng xử của nhân viên y tế đối với người bệnh đến việc thông qua truyền thông để người dân biết được ở Việt Nam có những bệnh viện nào có khả năng thực hiện được các kỹ thuật cao nào. Có như vậy mới giúp thông tin chính thống đến với người dân, từ đó dần dần lấy lại niềm tin, ở lại điều trị ngay tại Việt Nam, không phải ra nước ngoài nữa.
3. BV Gia An 115 nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, lấy lại niềm tin của người bệnh
Qua những chia sẻ của BS.CK2 Tạ Phương Dung trong những buổi tư vấn trước, chúng ta thấy có quá nhiều việc cần làm cho bệnh nhân thận mạn nên BS Dung chưa muốn dừng lại để dù đến tuổi nghỉ ngơi. Nhân dịp này, BS có thể tiết lộ một số công việc mà BS đang thực hiện, hay các công việc dự kiến sẽ làm tại BV Gia An 115 không ạ?
BS.CK2 Tạ Phương Dung:
Có điều rất may mắn là chủ đầu tư của Bệnh viện Gia An 115 rất muốn phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó có Lọc máu, Thận và hướng tới trong tương lai còn có cả ghép tạng. Đó đều là sở trường của tôi. Vì vậy, khi về Bệnh viện Gia An 115, tôi được chủ đầu tư cũng như ban giám đốc tạo điều kiện và sự đồng lòng của tất cả mọi người nên tôi tin rằng sẽ mang lại những điều tốt nhất cho người bệnh.
Tới thời điểm này, Bệnh viện Gia An 115 đã chuẩn bị đầy đủ về khoa, phòng ốc, máy móc, nhân lực để tiến hành kỹ thuật Lọc máu và hiện chỉ chờ cấp trên thẩm định để đảm bảo về mặt pháp lý. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các phương pháp này, làm sao để tất cả mọi người từ giai đoạn đầu đến giai đoạn sau, giai đoạn cuối cần phải lọc máu... chúng tôi đều có thể đáp ứng đầy đủ.
Mặt khác, tại Bệnh viện Gia An 115 không chỉ có riêng Thận mà các lĩnh vực khác như Tim mạch, Ngoại, các chuyên khoa Nội đều phát triển, thực hiện theo chu trình khép kín. Còn một điểm thuận lợi nữa là bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân ở tất cả mọi nơi và đều được hưởng BHYT. Vì vậy, lượng bệnh nhân đến với chúng tôi ngày càng nhiều. Do đó, tôi cũng xác định công việc sắp tới của mình sẽ phải làm nhiều hơn, đó cũng là điều mà tôi mong đợi.
Được biết Bệnh viện Gia An 115 xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể đó là tiêu chuẩn gì, và bệnh viện đang sở hữu những trang thiết bị và ứng dụng kỹ thuật cao nào ạ?
TS.BS Trương Vĩnh Long:
Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện thứ 2 trong Khu Y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La. Ngay từ giai đoạn đầu, chúng tôi đã hướng đến việc xây dựng bệnh viện theo tiêu chuẩn JCI (Joint Commission International) (*) và đạt 83 tiêu chí của Bộ Y tế. Vì vậy, ngay từ khi còn trên dự án, chúng tôi đã làm việc với đơn vị thiết kế bệnh viện hàng đầu của Nhật Bản KUME Design Asia và đơn vị tư vấn quy hoạch bệnh viện của Mỹ Global Health Services Network có trên 40 chuyên gia của Hoa Kỳ đã từng kinh qua chức vụ giám đốc cũng như tổng giám đốc các tập đoàn, bệnh viện lớn ở Hòa Kỳ.
Các trang thiết bị, cơ sở vật chất được chúng tôi đầu tư hoàn chỉnh, kể cả việc phải chi một khoản lớn để trang bị phòng mổ Hybird (chi phí 1 phòng mổ xấp xỉ 3 triệu USD) để mang lại điều tốt nhất cho bệnh viện. Phòng mổ Hybird hay còn gọi là phòng mổ “2 trong 1” với sự kết hợp của các thiết bị chẩn đoán, can thiệp và phẫu thuật trong cùng một khu vực giúp giảm thời gian phẫu thuật và đem lại hiệu quả phẫu thuật tốt nhất cho người bệnh…
(*) Chứng nhận JCI thuộc Tổ chức độc lập phi lợi nhuận Joint Commission International thành lập vào năm 1994, có trụ sở chính tại Chicago, Hoa Kỳ. Bộ tiêu chuẩn JCI nổi tiếng là “bộ tiêu chuẩn vàng” trong lĩnh vực y tế - bao gồm hơn 300 tiêu chuẩn, 1.200 yếu tố đo lường - chỉ được trao cho những bệnh viện tốt nhất trên thế giới.
Vào tháng 9 vừa qua, Bệnh viện Gia An 115 đón nhận chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO 15189:2012 trong lĩnh vực xét nghiệm Huyết học - Hóa sinh dành cho khoa Xét nghiệm. Xin hỏi BS, chứng nhận này mang ý nghĩa như thế nào? Được biết, hiện chỉ số có 8 cơ sở y tế ở TPHCM đạt chứng chỉ quốc tế này. Bệnh viện Gia An 115 cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì để vượt qua các vòng kiểm duyệt khắt khe, thưa BS?
TS.BS Trương Vĩnh Long:
ISO 15189:2012 dành cho phòng xét nghiệm là một tiêu chuẩn được các đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế công nhận. Muốn đạt được tiêu chuẩn ISO 15189:2012 thì bệnh viện phải xây dựng phòng xét nghiệm đáp ứng 2 tiêu chí lớn, thứ nhất là tiêu chí về mặt quản lý, thứ 2 là tiêu chí về kỹ thuật.
Tiêu chí thứ nhất, chúng tôi phải quản lý các thiết bị tại khoa Xét nghiệm, đồng thời cũng quản lý cả những đối tác bên ngoài phòng Xét nghiệm, ví dụ như liên quan đến hóa chất, các vật tư tiêu hao, cho đến vấn đề tổ chức Khoa phòng, tài liệu, quy trình kiểm soát tại khoa Xét nghiệm.
Bên cạnh đó phải kiểm soát đạt được tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật rất nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng từ lúc lấy mẫu đến khi vận chuyển, xét nghiệm, trả kết quả, lưu trữ thông tin của người bệnh phải đạt được tiêu chí của ISO 15189:2012.
Thời gian tới, liệu bệnh viện có mục tiêu sẽ tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế tương tự cho các đơn vị khác? Bệnh viện cần làm gì để đạt được dự tính này?
BS.CK2 Tạ Phương Dung:
Như TS.BS Trương Vĩnh Long vừa chia sẻ, ngoài khoa Xét nghiệm thì tất cả các khoa khác, khoa Lâm sàng hoặc khoa Cận lâm sàng, các khoa vận hành đều phải phát triển đồng bộ, hướng đến JCI và 83 tiêu chí của Bộ Y tế. Do đó, ngoài vấn đề chuyên môn hàng ngày, chúng tôi luôn luôn có cuộc họp phân công cụ thể, kiểm tra, đôn đốc và TS.BS Trương Vĩnh Long là người trực tiếp chỉ đạo từng bộ phận, nhắc nhở anh chị em hàng ngày, chứ không phải đợi có đợt kiểm tra, cuối năm, cuối quý mới tiến hành.
Trong thời gian tới, Bệnh viện Gia An 115 sẽ tiếp tục duy trì triển khai tốt kết quả đã đạt được, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng, uy tín cho bệnh viện và sự hài lòng của người bệnh.
(Mời xem tiếp Phần 2)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình