“Cai nghiện” internet cho trẻ: Từ đâu và như thế nào?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện, đơn vị tâm lý, BV Nhi đồng Thành phố cho biết trẻ sử dụng internet quá 38 tiếng/tuần ngoài mục đích học tập được xem là “nghiện” internet. Do vậy, phụ huynh cần đồng hành cùng trẻ để hạn chế sử dụng thiết bị điện tử.
Cả trẻ em và người lớn đều có thể nghiện internet
- Khi nói đến nghiện internet, nhiều người sẽ tập trung vào nghiện game cũng như nghiện điện thoại. Đặc biệt là trẻ nhỏ. Vậy thì liệu định nghĩa về nghiện internet có phải như vậy hay không ạ?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Về nghiện internet, khoa học bằng chứng chưa có sổ tay chẩn đoán về rối loạn tâm thần nào có kết luận chính thức. Trong giới khoa học, người ta vẫn còn tranh cãi rất nhiều về khái niệm này.
Năm 1996, một nhà tâm lý học ở Hoa Kỳ tên Kimberly S.Young lần đầu tiên đưa ra khái niệm về “internet addiction” - nghiện internet, lệ thuộc vào internet. Khái niệm này vẫn được tranh cãi cho đến ngày nay, đây là câu chuyện của giới chuyên môn.
Còn trong thực tế, chúng ta ghi nhận có tình trạng một số trẻ em và cả người lớn bị lệ thuộc nhiều vào việc sử dụng internet.
Sử dụng internet quá 38 tiếng/tuần được xem là nghiện
- Thời gian sử dụng internet hay thiết bị điện tử bao lâu trong một ngày thì được xem là nghiện ạ?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Nghiên cứu chỉ ra, nếu mọi người sử dụng internet quá 38 giờ/tuần không cho mục đích học tập hay làm việc, có thể xem là tình trạng lệ thuộc (nghiện internet).
Một số người học và làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, IT sẽ sử dụng internet nhiều hơn, những người bán hàng online luôn phải sử dụng internet để kết nối với khách hàng.
Nếu sử dụng internet cho mục đích khác không phải cho công việc hay học tập quá 38 giờ, một dấu hiệu “báo động đỏ” đang có tình trạng lệ thuộc.
Nghiện internet ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
- Khi trẻ sử dụng internet ít hơn thời gian đó vẫn được xem là đang nghiện hoặc thậm chí là bị internet chi phối, chúng ta có dấu hiệu nào để nhận biết ạ?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Con số chúng ta đưa ra cột mốc, nhưng trong thực tế cuộc sống, sẽ phải tùy thuộc vào mỗi đứa trẻ, mỗi thời điểm.
Ví dụ, trong mùa hè, các em được nghỉ ngơi nhiều, có thể sử dụng internet nhiều hơn một chút. Khi vào năm học, bắt đầu quay trở lại với công việc học tập, thời lượng internet sử dụng mỗi ngày cần phải được có giới hạn để không ảnh hưởng đến các hoạt động sống.
Cho nên, khái niệm “nghiện internet” ngoài thời lượng sử dụng quá 38 giờ/tuần, còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, các mối quan hệ xã hội, cũng như các yếu tố khác: học tập, kết bạn giao lưu.
3 yếu tố để nhận biết trẻ nghiện internet
- Làm sao để các bậc phụ huynh nhận diện được dấu hiệu nào cảnh báo con của mình sắp nghiện hoặc đang bị nghiện internet ạ?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Chúng ta sẽ dựa vào các yếu tố sau đây:
Thứ nhất: Thời lượng sử dụng. Nếu thời lượng sử dụng trong một tuần quá 38 giờ, nghĩa là trẻ đang có dấu hiệu lệ thuộc.
Thứ hai: Sử dụng internet ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình, xã hội, bạn bè. Đứa trẻ chỉ đến trường và về nhà sẽ đóng cửa phòng, ôm máy tính, ôm điện thoại sử dụng internet, không có hoạt động giao tiếp tương tác với bạn bè trong thực tế, trực tiếp. Trẻ cũng không có thời gian tương tác, sinh hoạt với gia đình.
Thứ ba: Sử dụng internet ảnh hưởng đến vấn đề học tập, đến chức năng sống của trẻ. Trẻ có kết quả học tập bị giảm sút, sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng (không chịu tắm rửa, bỏ ăn…). Tất cả chỉ tập trung quanh máy tính hay điện thoại.
Nếu trẻ có những biểu hiện trên, phụ huynh cần đặt vấn đề và cần có kế hoạch để can thiệp kịp thời.
Cơ chế nghiện internet cũng giống như các chất gây nghiện khác
- Nghiện internet đáng sợ như thế nào thưa chuyên gia?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Trước đây, người ta hình dung nghiện là phải đưa một chất từ bên ngoài vào trong cơ thể, gây ra những thay đổi về mặt sinh lý chức năng cơ thể cũng như ảnh hưởng đến hoạt động sống.
Do đó, chúng ta còn tranh cãi về nghiện internet vì đây không đưa một chất từ bên ngoài vào. Bên cạnh internet, người ta cũng đưa ra thảo luận rất nhiều chủ đề như nghiện game online, nghiện bài bạc, nghiện mua sắm …
Cơ chế của vấn đề nghiện internet tương tự nghiện một chất, có 3 yếu tố:
Thứ nhất, chúng ta sẽ có tình trạng bận tâm tìm kiếm liên tục về chủ đề internet không để học hay làm việc, kết nối mối quan hệ xã hội mà dành nhiều thời gian để vui chơi.
Thứ hai, thời gian sử dụng càng ngày càng nhiều, có hiện tượng đáp ứng và gia tăng thời gian sử dụng.
Thứ ba, trong “nghiện” có khái niệm hội chứng “cai”. “Cai” là có yếu tố bên ngoài tác động để giảm bớt hoặc ngưng việc sử dụng chất nào đó hay sử dụng internet. Trong thời gian cai sẽ có cảm giác rất khó chịu, bứt rứt, có phản ứng mạnh về mặt cảm xúc cũng như hành vi, tấn công người khác.
Những bài báo đau lòng có thông tin về những đứa trẻ có thời gian dài nghiện internet, khi ông bà cha mẹ can thiệp sẽ có những hành vi không hay.
Đó là 3 yếu tố để có thể thấy nghiện internet cũng có cơ chế giống như các chất gây nghiện trước đây.
Trẻ sử dụng thiết bị điện tử nhiều gây khó khăn trong giao tiếp thực tế
- Có nhiều ý kiến cho rằng nếu trẻ dùng internet nhiều hoặc quá phụ thuộc vào internet thì chểnh mảng suy nghĩ. Thứ nhất, trẻ sẽ phụ thuộc vào các công cụ tìm kiếm nhiều hơn, điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc chậm phát triển hoặc trẻ sẽ lười suy nghĩ nhiều hơn. Chuyên gia có ý kiến như thế nào về vấn đề này ạ?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Thiết bị điện tử hay một chương trình trực tuyến là giao tiếp 1 chiều. Tức là, không có sự hỏi đáp, con không cần nói, tivi vẫn phát chương tình, phát từ sáng đến tối, đến khi hết phim, hết điện, hết internet mới dừng lại.
Việc này vô tình làm cho trẻ thụ động, không gia tăng kích thích để tương tác với người khác. Ở lứa tuổi nhỏ, chúng ta thấy đó là một vấn đề khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và tương tác cũng như giao tiếp của trẻ.
Ngoài ra, khi lớn hơn, trẻ sử dụng internet hay thiết bị điện tử nhiều sẽ gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội. Bởi vì chúng ta quen nhắn tin, quen tương tác online, qua ảnh đại diện, dòng tin nhắn hoặc các biểu tượng cảm xúc. Còn việc giao tiếp với một người đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Như vậy, internet cũng sẽ ảnh hưởng đến các kỹ năng về xã hội sau này của đứa trẻ.
Có rất nhiều các nghiên cứu khác cũng chỉ ra nếu sử dụng internet nhiều, không kiểm soát sẽ mang đến những bất lợi về mặt trí tuệ, trí thông minh của đứa trẻ.
Việc “cai nghiện” internet là một quá trình lâu dài
- Chuyên gia có thể chia sẻ một vài trường hợp mình đã điều trị tâm lý đặc biệt là nghiện internet ở trẻ em trong suốt quá trình công tác của mình cho mọi người có thêm nhiều góc độ khách quan hơn để nhìn nhận về vấn đề này ạ?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Nơi chúng tôi thực hành là Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, có khoa Tâm lý và phòng khám để phụ huynh có con gặp khó khăn về vấn đề cảm xúc, về hành vi đưa con đến.
Chúng tôi thấy rằng có rất nhiều trường hợp trẻ đến khám vì sử dụng internet quá nhiều và cha mẹ gặp thất bại trong nỗ lực ngăn cản, hạn chế thời gian sử dụng của con.
Theo đó, phụ huynh đã dùng lời nói, hành động nhưng đều thất bại, trẻ vẫn kiên quyết ôm máy tính, ôm điện thoại để lên mạng xem video hoặc chơi trò chơi. Cực đoan hơn, đứa trẻ bỏ học không chấp nhận đến trường, chỉ ở nhà sử dụng internet. Nếu phụ huynh phản ứng mạnh hơn nữa, nhiều đứa trẻ sẽ bỏ nhà hoặc tấn công trở lại.
Để trợ giúp cho những trường hợp đó, chúng ta cần thời gian rất dài. Một bên can thiệp cho trẻ, một bên giúp cho phụ huynh gia tăng nguồn lực để có thể thay đổi hành vi ở con.
Nên can thiệp việc sử dụng internet một cách từ từ
Chúng ta, đặc biệt là cha mẹ nên có biện pháp can thiệp như thế nào khi trẻ nghiện internet ạ? Nhiều bậc phụ huynh lựa chọn cách đưa trẻ đi học trường nội trú hoặc tách trẻ ra khỏi cuộc sống hiện tại. Liệu có nên làm như vậy hay không ạ?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Đây cũng là một câu chuyện gây tranh cãi trong giới học thuật và trong thực tế.
Theo tôi, nếu môi trường gia đình vẫn đáp ứng được những yêu cầu cơ bản để chăm sóc hay nuôi dưỡng một đứa trẻ, không nên tách đứa trẻ ra khỏi gia đình. Cho dù chuyện gì xảy ra thì cuối cùng gia đình vẫn là nơi trẻ có thể trở về.
Chúng ta có thể can thiệp trẻ nghiện internet về mặt hành vi, lên những kế hoạch giảm thời lượng sử dụng một cách từ từ. Các bạn nhỏ có tình trạng lệ thuộc sẽ phản ứng, phản kháng rất mạnh, nên phải giảm từng bước một.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trong tâm lý học chỉ ra, khi chúng ta gia tăng mức độ tự tin của một người, có thể làm giảm tình trạng người đó sử dụng internet quá nhiều.
Một trong những nguyên nhân nghiện internet là các bạn không tự tin trong giao tiếp thực tế, từ đó chọn hình thức tương tác qua mạng xã hội.
Có nên sử dụng thiết bị điện tử như một chiêu thức để dỗ con ăn uống?
- Một số phụ huynh sử dụng thiết bị điện tử như một chiêu thức để “dụ dỗ” con ăn, nhất là với những trẻ biếng ăn, giải pháp này dường như lại rất hữu hiệu. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, cho con ăn không hề dễ dàng, nhất là ai đang có con nhỏ biếng ăn.
Điện thoại hay máy tính bảng như một vị “cứu tinh”, một “liều thuốc giảm đau” tuyệt đối. Con sẽ say mê chơi điện thoại, lên mạng xem những chương trình thiếu nhi. Khi con tập trung vào đó thì phụ huynh dễ đút cho con ăn, thấy rất thuận tiện.
Nhưng tháng 4/2019, lần đầu tiên Tổ chức Y tế Thế giới ra khuyến cáo hạn chế tối đa thời gian sử dụng internet dành cho các bạn nhỏ.
Theo đó, không nên cho các bé dưới 3 tuổi tiếp cận các thiết bị điện tử. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi không nên sử dụng quá 1 tiếng/ngày. Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng internet hay thiết bị điện tử quá sớm sẽ ảnh hưởng đến tiếng trình phát triển của trẻ về mặt tương tác - giao tiếp xã hội.
Đối với những trẻ lớn hơn, việc dùng internet nhiều còn gây ra tình trạng rối loạn về sức khỏe tâm thần như tình trạng lo âu, trầm cảm và một nguy cơ lớn bị bắt nặt trực tuyến (Cyberbullying).
Do đó, internet rất thuận lợi, tiện dụng cho phụ huynh chăm sóc cho trẻ, nhất là trong việc cho trẻ ăn. Nhưng các nghiên cứu trên thế giới và tôi nghĩ trong thực tế cũng thấy được những bất lợi.
Phụ huynh phải chọn lựa, lựa chọn nào cũng phải có “hy sinh”. Chúng ta chọn không dùng internet để kích thích con ăn thì đôi khi phải dành thời gian kiên nhẫn hơn với các con.
Cha mẹ nên làm gương cho con trong việc hạn chế sử dụng thiết bị điện tử
- Thưa chuyên gia, nhìn chung thì các bậc phụ huynh sẽ gặp phải một số sai lầm nào khiến trẻ bị nghiện internet và những nguyên nhân nào khiến trẻ bị nghiện internet ạ?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Trong giáo dục, người ta nói đến mô hình làm mẫu. Chúng ta không thể nói con không được xem TV, không được xem điện thoại trong khi bố mẹ vẫn làm như thế.
Bố mẹ chính trở thành hình mẫu trong gia đình, cải thiện tình trạng lạm dụng internet là câu chuyện nỗ lực của cả gia đình. Chúng ta thiết lập một thời gian chung, thỏa thuận với con thời lượng sử dụng hợp lý rồi cả gia đình cùng làm theo.
Trong bữa ăn cũng rất cần những tương tác qua lại. Tôi đã thấy rất nhiều bữa ăn mỗi người một cái điện thoại, gia đình ngồi chung nhưng không nói với nhau câu nào. Đó là một hình ảnh không đẹp.
Để giúp con có tương tác, chúng ta cần tạo ra môi trường tương tác ngoài đời thú vị, cuốn hút hơn môi trường ở bên trong internet.
Hãy sử dụng internet một cách hợp lý
- Nhờ chuyên gia đúc kết cũng như đưa ra một vài gạch đầu dòng nho nhỏ trong việc giáo dục các bạn nhỏ để ngăn ngừa tình trạng nghiện game hay nghiện internet hiện nay ạ?
Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Nhìn nhận một cách khách quan, internet đóng một vai trò vô cùng quan trọng và có thể nói là không thể thay thế được trong cuộc sống chúng ta.
Trong những năm dịch COVID-19, nhờ internet mà các em mới học trực tuyến, chúng ta có thể làm việc từ xa, xã hội có thể vận hành một cách tương đối thuận lợi trong giai đoạn giãn cách khó khăn.
Nhưng nếu chúng ta lạm dụng, lệ thuộc và nghiện internet sẽ để lại rất nhiều hệ quả về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần. Phụ huynh hãy hành động trước để làm gương giúp con em có cuộc sống điều độ, giờ sinh hoạt học tập và nghỉ ngơi hợp lý.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình