Hotline 24/7
08983-08983

Cách sử dụng thuốc an toàn và hướng xử trí khi dùng nhầm, dấu hiệu cần đi cấp cứu

Trong bài tư vấn dưới đây, DS Nguyễn Thị Hiền và DS Trần Hoàng Tiên - khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ giải đáp các thắc mắc như: Các biểu hiện nguy hiểm sau khi dùng thuốc là gì? Hướng xử trí khi nhỏ nhầm thuốc vào mắt - mũi - tai và uống nhầm thuốc? Cách sử dụng thuốc hạ sốt dạng nước, viên nén, thuốc sủi và thuốc nhét hậu môn?... Mời bạn đọc theo dõi.

1. Dùng thuốc tiêm đỡ hại thận hơn thuốc uống?

Thưa dược sĩ, hiện nay nhiều người nghĩ rằng, dùng thuốc tiêm đỡ hại thận hơn thuốc uống. Điều này có đúng không ạ?

DS Nguyễn Thị Hiền: Chúng ta có quan niệm rằng nếu uống thuốc Tây thường xuyên sẽ dẫn đến hại gan, hại thận. Điều này dẫn đến một số người bệnh tự ý bỏ thuốc, hậu quả là tình trạng bệnh của họ ngày càng nặng hơn.

Một số người cũng nghĩ rằng dùng thuốc tiêm đỡ hại gan, thận hơn là thuốc uống. Điều này không chính xác, bởi vì dù chúng ta dùng đường tiêm hay đường uống, thuốc sẽ được hấp thu vào cơ thể và nó sẽ thể hiện tác dụng của thuốc lên cơ thể.

Xin được nhấn mạnh rằng, thuốc là con dao hai lưỡi. Ngoài việc có công dụng điều trị bệnh, thuốc cũng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, nếu chúng ta sử dụng thuốc đúng chỉ định, đúng liều lượng, đúng cách dùng, đường dùng, người bệnh được theo dõi định kỳ trong quá trình dùng thuốc thì sẽ an toàn.

Ngược lại, nếu người bệnh dùng thuốc không theo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ hoặc sử dụng sai hướng dẫn (chẳng hạn như dùng thuốc quá liều hoặc sai liều dùng) thì có thể gặp những tác hại do thuốc gây ra, điển hình như tác dụng phụ lên chức năng gan, thận.

Trên thực tế, chúng ta gặp những trường hợp bệnh nhân dùng quá liều NSAIDs (thuốc kháng viêm không Steroid) dẫn đến suy thận cấp. Hoặc lạm dụng, sử dụng quá liều thuốc giảm đau Paracetamol dẫn đến viêm gan thậm chí suy gan.

Do đó, để việc sử dụng thuốc trở nên an toàn, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ. Đặc biệt, phải tái khám định kỳ để có thể theo dõi và đánh giá chức năng gan, thận thường xuyên.

Dùng thuốc tiêm đỡ hại thận hơn thuốc uống?Với những phần tư vấn chi tiết của DS Nguyễn Thị Hiền (bìa trái) và DS Trần Hoàng Tiên giúp bạn đọc AloBacsi có thêm nhiều kiến thức quan trọng trong việc dùng các loại thuốc, các dạng thuốc khác nhau

2. Các biểu hiện nguy hiểm sau khi dùng thuốc là gì, trường hợp nào phải đến bệnh viện ngay?

DS Trần Hoàng Tiên: Đây là một câu hỏi hấp dẫn được nhiều người quan tâm. Như DS Nguyễn Thị Hiền đã nói ở trên, thuốc là con dao hai lưỡi luôn có mặt tác dụng điều trị và tác dụng phụ.

Nhìn chung, tác dụng phụ do thuốc gây ra có thể dung nạp được và dần dần sẽ biến mất theo thời gian sử dụng.

Nhưng song song đó, thuốc vẫn có tác dụng phụ nguy hiểm đối với người sử dụng như các phản ứng phát ban, nổi mề đay, ngứa, phù mi mắt, khó thở, thở rít. Khi gặp phải các phản ứng này thì cần phải ngưng thuốc ngay lập tức và liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị triệu chứng. Sau khi điều trị triệu chứng tại cơ sở y tế, người bệnh sẽ được cấp thẻ dị ứng. Về sau, người bệnh lưu ý, phải luôn mang theo thẻ dị ứng như giấy tờ tùy thân và luôn nhớ tên thuốc đã gây dị ứng để tránh trường hợp bác sĩ kê đơn lại thuốc này.

Ngoài ra, khi có các triệu chứng dưới đây thì người bệnh cần đi tái khám sớm nhất để bác sĩ theo dõi và điều chỉnh liệu trình điều trị của người bệnh:

  • Người bệnh bí tiểu, nhìn mờ hoặc gặp một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như nôn ra máu hay đi tiêu phân đen, phân đỏ.
  • Đối với các triệu chứng hạ đường huyết khi người bệnh đang điều trị đái tháo đường như nhìn mờ, vã mồ hôi, da nhợt nhạt, chóng mặt.
  • Hoặc các triệu chứng trên thần kinh trung ương như đau đầu dữ dội, hưng phấn hoặc nói nhiều, người bệnh không nhận ra người thân.

3. Cách xử trí khi nhỏ nhầm thuốc vào mắt - mũi - tai và uống nhầm thuốc?

Những trường hợp dùng nhầm thuốc như: nhỏ nhầm thuốc vào mắt - mũi - tai, hay uống nhầm thuốc đặt âm đạo, thuốc nhét hậu môn… bệnh nhân phải làm gì tiếp theo?

DS Nguyễn Thị Hiền: Trong thực tế, chúng ta cũng thường gặp nhiều trường hợp bệnh nhân nhỏ, dùng nhầm thuốc.

Thường gặp nhất có lẽ là trường hợp nhỏ nhầm cồn vào mắt, vào tai. Bởi giữa cồn và nước muối sinh lý rất giống nhau về hình dáng và kích thước. Cả hai dung dịch đều là chất lỏng trong suốt và không màu. Khi dùng nhầm, nhẹ có thể bị bỏng niêm mạc mắt, niêm mạc mũi, nặng có thể bị đục thủy tinh thể, giảm thị lực như là tổn thương đường hô hấp trên.

Trong những trường hợp nhỏ nhầm thuốc, trước hết chúng ta phải nhanh chóng rửa mắt, mũi tai với thật nhiều nước sạch. Đối với mắt, nên để mắt dưới vòi nước và xả nước để dòng nước cuốn trôi đi những chất gây kích ứng mắt. Sau đó, nhanh chóng chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời. Khi đi, cần mang theo lọ thuốc đã dùng nhầm để các bác sĩ có phương hướng điều trị nhanh nhất và giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc do loại thuốc đó gây ra.

Các trường hợp uống nhầm thuốc đặt âm đạo, thuốc nhét hậu môn cũng rất phổ biến. Nhìn chung, những trường hợp này không dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, những thành phần của các loại thuốc đặt âm đạo hoặc thuốc nhét hậu môn không phù hợp khi sử dụng theo đường uống. Do vậy, có thể sẽ dẫn đến những tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa chẳng hạn như buồn nôn, tiêu chảy.

Mặt khác, mục đích khi chúng ta sử dụng thuốc đặt âm đạo và thuốc nhét hậu môn, đó là dưới tác dụng của nhiệt độ tại các vị trí đó thì viên thuốc sẽ rã ra, dược chất được giải phóng và thực hiện điều trị tại chỗ, chẳng hạn như trong điều trị viêm âm đạo hoặc điều trị trĩ hoặc các bệnh như viêm đại trực tràng.

Khi chúng ta uống nhầm thuốc đặt âm đạo hoặc thuốc nhét hậu môn, thuốc sẽ không được hấp thu qua đường uống và không thể đến được vị trí cần tác động một cách đầy đủ. Do vậy, hiệu quả điều trị của thuốc không được đảm bảo.

Để giảm thiểu những sai sót sử dụng nhầm thuốc, chúng ta cần:

  • Điều quan trọng nhất là kiểm tra kỹ tên thuốc, cách dùng và đường dùng, đối tượng sử dụng có phù hợp với loại thuốc đó hay không.
  • Thứ hai, thuốc và hóa chất cần phải được đặt ở nơi riêng biệt, tránh xa tầm tay của trẻ.
  • Thứ ba, tuyệt đối không được để chung các chai hay lọ thuốc trông giống nhau về hình dáng, kích thước cũng như màu sắc.

Cách xử trí khi nhỏ nhầm thuốc vào mắt - mũi - tai và uống nhầm thuốc?DS Nguyễn Thị Hiền hiện đang công tác tại khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

4. Cách sử dụng thuốc hạ sốt dạng nước, viên nén, thuốc sủi và thuốc nhét hậu môn

Thuốc hạ sốt được sử dụng rộng rãi và có nhiều dạng: thuốc nước, viên nén, thuốc sủi, thuốc nhét hậu môn. Nhờ dược sĩ hướng dẫn cách sử dụng của từng dạng?

DS Trần Hoàng Tiên: Hiện nay, các thuốc hạ sốt được sử dụng phổ biến bao gồm Paracetamol và một số thuốc hạ sốt có nguồn gốc từ các thuốc kháng viêm không Steroid như Ibuprofen, Naproxen...

Trước khi sử dụng thuốc hạ sốt, chúng ta cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ, bởi vì mỗi loại thuốc sẽ có những lưu ý khác nhau.

Về cách sử dụng thuốc Paracetamol. Đây là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất.

  • Liều dùng Paracetamol tối đa hằng ngày ở người lớn khỏe mạnh không bị tổn thương gan và thận là 3.000mg và liều sử dụng trên 3.000mg một ngày cần phải có sự chỉ định của bác sĩ. Khoảng cách của các lần dùng tối thiểu là 4 tiếng.
  • Đối với trẻ em, liều dùng tối thiểu mỗi ngày là 60mg trên một kg thể trọng. Mỗi lần phụ huynh có thể cho trẻ dùng từ 10 - 15 mg trên một kg thể trọng. Khoảng cách giữa các lần dùng tối thiểu là 6 tiếng và không nên dùng quá 5 lần một ngày.

Đối với dạng thuốc như viên sủi, thuốc bột sủi bọt. Khi sử dụng cần phải hòa tan viên thuốc hoàn toàn cho đến khi thuốc sủi bọt hết trong 150 - 200 ml nước đun sôi để nguội (có thể điều chỉnh lượng nước sử dụng đối với trẻ em).

Đối với thuốc hạ sốt dạng hỗn dịch hoặc thuốc nước. Đây là dạng sử dụng phổ biến cho trẻ em. Trước khi sử dụng, cần lấy dụng cụ đo thể tích đính kèm với sản phẩm hoặc bơm tiêm. Lưu ý, cần lấy đúng lượng thuốc theo cân nặng của trẻ, sau khi sử dụng cần lau sạch miệng của lọ thuốc và vặn chặt nắp. Đặc biệt, để xa tầm tay của trẻ để trẻ không thể tự lấy thuốc sử dụng. Đối với các dụng cụ đo thể tích hay bơm tiêm, cần rửa lại với nước nóng.

Đối với thuốc hạ sốt dạng đặt trực tràng, đây là dạng thuốc hiệu quả trong trường hợp trẻ hôn mê hoặc nôn ói. Chúng ta không nên đặt thuốc trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy hoặc viêm loét đường hậu môn, trực tràng.

Để thuận tiện trong quá trình sử dụng, nhà sản xuất có chia sẵn các hàm lượng của thuốc theo từng mức cân nặng của trẻ:

  • Đối với thuốc hạ sốt hàm lượng 80mg có thể dùng cho trẻ cân nặng từ 4 đến 6 kg.
  • Đối với thuốc hạ sốt hàm lượng 150mg thể dùng cho trẻ cân nặng từ 7 đến 12 kg.
  • Đối với thuốc hạ sốt hàm lượng 300 mg, có thể dùng cho trẻ cân nặng từ 15 đến 24 kg.

Trước khi dùng thuốc hạ sốt, chúng ta cần đặt viên thuốc trong ngăn mát tủ lạnh để thuốc đông lại. Lưu ý, không nên đặt viên thuốc trong ngăn đá tủ lạnh, bởi nhiệt độ quá thấp có thể ảnh hưởng, tổn thương đến trực tràng của trẻ.

Trước và sau khi đặt thuốc cho trẻ, các bậc phụ huynh cần rửa tay sạch bằng xà phòng, tháo lắp bao của thuốc. Sau khi đặt thuốc, chúng ta khép mông của trẻ lại trong vài giây và tiếp tục giữ trẻ nằm yên trong tư thế như trên trong vòng vài phút để thuốc không bị trôi ra ngoài. Đồng thời, cha mẹ nên tiếp tục giữ trẻ nằm yên trong khoảng 15 phút.

Đặc biệt, không nên chia nhỏ viên thuốc bởi điều này có thể dẫn đến nguy cơ thuốc phân bố không đồng đều trong quá trình sử dụng, có thể dẫn đến liều dùng không chính xác. Không nên đặt nhiều viên thuốc đạn cùng một lúc vào trong hậu môn của trẻ.

Bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt, quý phụ huynh có thể áp dụng thêm các biện pháp không dùng thuốc khác như cởi bỏ bớt quần áo của trẻ, bổ sung thêm chất lỏng hoặc cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát. Trong vòng 48 giờ, nếu trẻ không hạ sốt thì cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ.

 Cách sử dụng thuốc hạ sốt dạng nước, viên nén, thuốc sủi và thuốc nhét hậu mônDS Trần Hoàng Tiên cũng là một thành viên của khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

5. Thuốc nào nên uống sau ăn, thuốc nào cần uống trước bữa ăn?

Nhờ dược sĩ hướng dẫn thời điểm sử dụng một số loại thuốc thường gặp ạ?

DS Trần Hoàng Tiên:

Trong điều trị bệnh lý về đường tiêu hóa, một số thuốc thường gặp nhất có thể kể đến:

  • Thuốc ức chế bơm proton dùng để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Đối với dạng thuốc này, nên uống trước bữa ăn hàng ngày từ 30 - 60 phút. Đặc biệt, nên sử dụng trước bữa ăn sáng để thuốc đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Đối với các thuốc trung hòa acid dạ dày dùng để giảm đau dạ dày như Sucralfate, thời gian sử dụng là 30 phút trước bữa ăn.
  • Đối với thuốc chống nôn chẳng hạn như Metoclopramide hoặc Domperidon, thì thời gian sử dụng cũng là trước bữa ăn 30 phút.
  • Đối với men vi sinh, men tiêu hóa cần dùng cùng với bữa ăn hoặc sau khi ăn.

Ngoài ra, còn một số loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh lý khác như:

  • Đối với các thuốc điều trị các bệnh lý nội tiết, đặc biệt khi bệnh nhân đang điều trị với bệnh tuyến giáp với Levothyroxine, thời gian dùng thuốc tốt nhất là sau khi người bệnh thức dậy với dạ dày rỗng, lúc này thuốc sẽ được hấp thu một cách tốt nhất, đồng thời nên uống vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Ngoài ra, đối với thuốc Levothyroxine chúng ta nên thận trọng khi sử dụng cùng với những thực phẩm giàu chất xơ, đậu nành hay quả óc chó.
  • Đối với bệnh nhân đang sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường, với Metformin thời gian sử dụng tốt nhất là sau bữa ăn để tránh tác dụng phụ lên đường tiêu hóa.
  • Đối với bệnh nhân đang điều trị bệnh lý xương khớp, việc sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid tốt nhất là sau bữa ăn để tránh tác dụng phụ lên đường tiêu hóa.
  • Đối với các dạng thuốc như Corticoid, thì chúng ta cũng nên sử dụng sau bữa ăn. Thời điểm tốt nhất để sử dụng thuốc này là từ 6 - 8g sáng để tránh tác dụng phụ ức chế, sinh lý tự nhiên lên trục hạ đồi tuyến yên, tuyến thượng thận.
  • Đối với những người bệnh cần bổ sung canxi, hãy dùng Canxi carbonate vào thời điểm sau ăn để hấp thụ tốt nhất. Đối với các dạng canxi khác, chúng ta có thể uống cùng lúc hoặc không cùng lúc với bữa ăn.
  • Khi bổ sung sắt, chúng ta nên hạn chế dùng cùng với các thực phẩm giàu canxi như sữa, ngũ cốc hoặc các chế phẩm có chứa trà, cà phê. Các chế phẩm này có thể làm hạn chế việc hấp thu sắt. Trong một số trường hợp người bệnh bị kích ứng đường tiêu hóa có thể dùng sắt sau bữa ăn để hạn chế tác dụng phụ lên đường tiêu hóa.
  • Khi bổ sung vitamin tổng hợp, thời điểm sử dụng tốt nhất là sau bữa ăn sáng. Chất béo có trong bữa ăn có thể làm tan chất vitamin trong dầu chẳng hạn như vitamin A, D, E, K.
  • Đối với người bệnh đang sử dụng vitamin tổng hợp cùng với kháng sinh, việc bổ sung canxi, sắt có thể dẫn đến sự cạnh tranh trong hấp thu. Vì vậy, chúng ta có thể tách riêng 2 cữ uống và chuyển việc uống vitamin tổng hợp sang sau bữa ăn trưa để các thuốc có thể hấp thu và chuyển hóa tốt hơn.
  • Đối với những bệnh nhân đang sử dụng thuốc lợi tiểu, thời điểm uống thuốc tốt nhất là uống sau bữa ăn sáng để đạt tác dụng lợi tiểu vào ban ngày nhằm tránh đi tiểu về đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Đối với một số người bệnh đang sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý thần kinh như mất ngủ hoặc trầm cảm, thời điểm sử dụng thuốc tốt nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ. Điều này nhằm hạn chế tác dụng phụ gây ngầy ngật buồn ngủ ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập.
  • Một số loại thuốc đặc biệt như là thuốc đặt âm đạo, thuốc đặt thực tràng, thời điểm sử dụng thuốc tốt nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ nhằm hạn chế ảnh hưởng của việc đặt thuốc lên sinh hoạt, giao tiếp.

6. Đi du lịch, công tác, người bệnh mạn tính cần mang theo thuốc gì và lưu ý thế nào?

Những người có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… khi họ đi công tác, du lịch, họ cần mang theo thuốc gì và họ cần lưu ý gì, nhờ dược sĩ hướng dẫn?

DS Nguyễn Thị Hiền: Đa phần những người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch hoặc mỡ máu sẽ dùng những thuốc dạng viên, có thể là viên nén hoặc viên nang.

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chúng ta nên bảo quản những loại thuốc này theo nhiệt độ phòng, khoảng dưới 25 độ C hoặc 30 độ C (tùy theo nhà sản xuất), để thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời.

Trong quá trình di chuyển từ nơi này qua nơi khác, người bệnh có thể tự bảo quản thuốc trong túi xách hoặc là vali xách tay. Tránh để thuốc ở các vị trí như hầm xe, cốp xe, bởi đây là những vị trí có nhiệt độ cao, có thể làm hỏng thuốc, ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị cũng như độ an toàn của thuốc.

Người bệnh tiểu đường được sử dụng Insulin cũng cần phải hết sức lưu ý. Đối với những lọ hoặc bút tiêm Insulin chưa sử dụng, chúng ta cần phải bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Đối với những lọ bút tiêm Insulin đang sử dụng, chúng ta có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng (thường dưới 25 hoặc 30 độ C). Như vậy, khi di chuyển đến nơi khác chúng ta cũng có thể bỏ thuốc tiêm hoặc lọ thuốc tiêm Insulin đang sử dụng trong túi xách tay hay vali xách tay.

Hiện, người bệnh có thể mang lên xe vì hầu như tất cả phương tiện di chuyển đều được trang bị hệ thống làm lạnh, đảm bảo nhiệt độ thích hợp để bảo quản Insulin và cần chú ý tránh để Insulin ở những nơi có nhiệt độ cao như hầm xe, cốp xe để không ảnh hưởng đến chất lượng của Insulin.

7. Có nên mua thuốc cùng hoạt chất nhưng khác tên biệt dược?

Một số người đi mua thuốc được dược sĩ kê toa nhưng nhà thuốc không có loại đó, người bán giới thiệu loại thuốc “tương tự” thì có nên mua không?

DS Trần Hoàng Tiên: Theo quy định của Pháp luật, có thể hiểu thuốc tương tự là thuốc có cùng thành phần hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng và liệu lượng nhưng khác tên thương mại.

Tên thương mại ở đây là tên do nhà sản xuất đã đăng ký với cơ quan quản lý. Tại Việt Nam, chỉ khi người bán thuốc là dược sĩ đại học và có sự đồng ý của người mua thì mới được đổi sang thuốc tương tự.

Khi mua thuốc thì người mua nên hỏi rõ các thông tin về thành phần hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng và liều lượng. Nếu hai biệt dược giống nhau hoàn toàn về các tiêu chí trên thì chúng ta có thể mua để sử dụng. Ví dụ như Panadol và Tatanol là hai thuốc hạ sốt có cùng thành phần hoạt chất là Paracetamol với hàm lượng 500 mg, cùng dạng bào chế là viên nén bao phim, cùng đường sử dụng là đường uống thì chúng ta có thể mua để sử dụng.

Trong trường hợp đổi sang thuốc tương tự, chúng ta có thể báo cho bác sĩ để quá trình điều trị được liên tục và đảm bảo hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn DS Nguyễn Thị Hiền và DS Trần Hoàng Tiên - khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã dành thời gian giải đáp các thắc mắc của bạn đọc AloBacsi!

Mời bạn đọc đón xem phần 2: Thuốc nước, thuốc mỡ, gel có hạn sử dụng của sau khi mở nắp là bao lâu?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X