Các phương pháp chẩn đoán và phân biệt u gan lành tính và ác tính
U gan lành tính và u gan ác tính là gì? Những phương pháp nào để chẩn đoán bệnh u gan? Có phải những bệnh nhân u gan đều phải phẫu thuật cắt gan? Những thắc mắc này sẽ được Th.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương giải đáp dưới đây.
1. Nốt tăng âm, nốt giảm âm trong gan là gì?
Nhiều người đi siêu âm, BS nói có nốt tăng âm, nốt giảm âm trong gan, họ lo lắng đó là u gan. Theo BS, có khả năng này không ạ?
Th.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Đó là thuật ngữ chuyên môn của các BS chẩn đoán hình ảnh khi học sử dụng máy siêu âm để khảo sát gan. Ngày xưa, họ sử dụng X-quang để chụp hình ảnh nhưng X-quang không thể thấy được khảo sát được gan. Ngày nay, có một phương tiện đơn giản, rẻ tiền để khảo sát gan là máy siêu âm.
Các BS sẽ đặt máy siêu âm lên vùng gan (phía bên phải của bụng), từ những tia siêu âm sẽ phóng ra hình ảnh trên màn hình. Nếu gan bình thường thì hình ảnh gan sẽ rất đều. Những nốt tăng âm hay giảm âm là những vùng gan mà sẽ cho kết quả trên màn hình siêu âm đậm hoặc nhạt. Đó là những vùng gan bị bất thường, có thể là u gan lành tính hoặc ác tính, gan nhiễm sán, gan nhiễm mỡ.
Như vậy, đó không phải là ung thư gan mà đó là thuật ngữ của BS chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.
2. Phân biệt u gan và nang gan
U gan và nang gan khác nhau thế nào, thưa BS?
Th.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: U nang là bệnh thường gặp ở phụ nữ, đó là khối u dạng nang (nang trống hoặc nang nước) ở buồng trứng, còn được gọi là u nang buồng trứng.
Gan là một khối đặc ruột như bánh bông lan, khi gan xuất hiện vùng trống chứa dịch trong gan thì gọi là nang gan.
Còn u gan tức là một khối u lồi, phát triển bất bình thường và đặc hơn. U gan có 2 loại là u lành và u ác. U lành là vùng phát triển nhiều nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ thể, không phát triển vô tổ chức. U ác là ung thư gan, tức là sự phát triển của gan bất thường rất nhiều, ngoài tầm kiểm soát của cơ thể và xâm chiếm những mô lành khác.
3. Một số loại u gan
BS có thể điểm danh (khái quát) có bao nhiêu loại u gan, loại nào lành tính, loại nào ác tính không, thưa BS?
Th.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: U gan có 2 loại là u lành tính và u ác tính.
U lành là khối u đặc, lành tính, thuật ngữ chuyên môn là adenoma. Khối u gần như đặc và lành tính thì gọi là u máu (hemangioma). Nếu đi sâu về tế bào học thì có rất nhiều loại, kể cả bác sĩ đa khoa tổng quát không chuyên sâu về gan thì cũng loạn óc khi nghe tên các loại u gan.
U ác là ung thư gan.
U gan lành tính hoặc ác tính đôi khi sẽ không có triệu chứng. Thông thường ung thư gan thường xảy ra trên gan có bệnh nền như viêm gan mạn tính do siêu vi B, C. Bệnh nhân sẽ có dấu hiệu nền gan yếu như ngứa, da không đẹp, nổi đốm đỏ trên da.
U gan lành xảy ra trên gan bình thường, không có vấn đề gì. Để phân biệt u gan lành hay u gan ác thì có thể thông qua kết quả siêu âm, MRI. Các bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để xem nồng độ 3 chất do tế bào ung thư gan tiết ra, nếu nồng độ tăng thì nghi ngờ ung thư gan.
Phương pháp chẩn đoán u gan chính xác là đưa kim sâu vào gan để lấy mẫu khối u và nhìn quan kính hiển vi để xác định u lành hay u ác.
4. U lành tính có phải mổ không? U lành có chuyển sang u ác không?
Nhiều người có u gan lành tính, như vậy có cần mổ hay không? Liệu nó có trở thành ung thư không ạ?
Th.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nếu u gan là u máu thì chưa có trường hợp nào chuyển sang ung thư gan, xác suất gần như 0%.
Nếu u gan lành xảy ra trên gan bị nhiễm mỡ, gan bị tổn thương do rượu bia, viêm gan B thì bệnh nhân cần được theo dõi sát từ 3-6 tháng. Nếu gan ổn định thì mỗi năm nên đi khám lại. U gan lành có thể chuyển sang ung thư, nên chúng ta cần theo dõi để khi có biến chuyển thì phải điều trị ngay.
Nếu u gan lành xảy ra trên lá gan bình thường thì xác suất chuyển sang ung thư gan rất thấp nhưng bệnh nhân vẫn nên đi khám định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm.
Không nhất thiết phải phẫu thuật khi bệnh nhân bị u gan lành. Phẫu thuật gan là siêu phẫu và bệnh nhân mất máu rất nhiều. Khi cắt gan sẽ cắt theo phân thùy (gan có 8 thùy), phần gan còn lại sẽ phải làm việc nhiều để bù cho phần bị cắt bỏ. Do đó, chỉ khi nào cần thiết thì bệnh nhân mới phải phẫu thuật cắt gan.
Trên thế giới và ở Việt Nam chỉ có một số bệnh viện thực hiện được phẫu thuật này, vì ngoài kỹ thuật mổ, kỹ thuật hồi sức thì việc hồi phục chức năng gan là vấn đề quan trọng. Vì vậy, u gan lành không có chỉ định phẫu thuật để ngừa ung thư.
Nếu u gan lành chuyển sang ung thư gan thì sẽ có chỉ định cắt 1 phần gan. Việc cắt gan không đơn giản như cắt tóc, do đó các bác sĩ rất hạn chế phẫu thuật gan.
5. U gan quá lớn thì điều trị thế nào?
Trường hợp u gan quá lớn, phần gan lành chỉ còn lại rất ít thì có thể điều trị phương pháp nào ạ?
Th.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Ung thư gan nhưng phần gan lành còn lại quá ít thì chúng tôi gọi đó là điều trị cứu vãn, tức là dùng những loại thuốc mới nhất để hạn chế sự phát triển của khối u và điều trị hỗ trợ để kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân.
Nếu khối u gan lành tính quá to, gây chèn ép thì các bác sĩ sẽ chỉ định mổ. Còn nếu khối u không gây chèn ép thì không phải mổ, vì khối u gan này vẫn thực hiện chức năng gan, mặc dù không bằng gan bình thường. Còn ung thư gan là phần gan không làm việc và phá hoại những cơ quan xung quanh.
Những bệnh nhân ghép gan thì chỉ cần 1 phần gan lành rất nhỏ cũng có thể gồng gánh được chức năng gan. Do đó, nếu chúng ta chỉ bị u gan lành và quá to thì không phải phẫu thuật.
Nếu phần khối u gan quá lớn đó là ung thư gan thì đó là giai đoạn E. Khi đó bác sĩ sẽ điều trị giảm nhẹ và phẫu thuật cũng sẽ không trị khỏi bệnh.
6. Cách phòng ngừa u gan
Để phòng ngừa u gan, chúng ta cần thăm khám như thế nào, bao lâu một lần, thưa BS?
Th.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Phòng ngừa u gan phải thực hiện ngay khi còn trẻ. Có 3 mốc thời gian để tầm soát u gan, gồm:
- Khi bước vào bậc tiểu học cần tầm soát viêm gan B hoặc viêm gan C để phòng ngừa, nếu đã bị viêm gan thì phải có kế hoạch điều trị phù hợp.
- Khi bước vào ngưỡng cửa đại học thì nên đi tầm soát lại.
- Nếu bỏ qua giai đoạn trước thì sau khi ra trường thì nên đi tầm soát.
Đây không phải là tầm soát ung thư gan mà là tầm soát chức năng gan để có kế hoạch theo dõi và điều trị.
Đồng thời, chúng ta cũng phải bỏ những thói quen xấu như uống rượu bia, thức khuya. Một yếu tố gây ung thư gan âm thầm mà chúng ta hay bỏ qua đó là ăn nhiều tinh bột. Phải lựa chọn những loại bánh có kiểm định chất lượng. Nấm mốc trong gạo, bánh, tinh bột có độc tố aflatoxin, độc tố này sẽ thấm dần vào cơ thể và gây ung thư gan trong 20-30 năm sau.
Chúng ta hay nghĩ rằng loại bỏ hoặc phơi nắng thực phẩm bị nấm mốc sẽ có thể dùng được. Tuy nhiên, dưới nhiệt độ 150 độ C các độc tố này không bị phá hủy. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý khi sử dụng tinh bột.
Nếu như chúng ta đã ở độ tuổi từ 25-30 và bỏ qua 3 lần tầm soát gan trước đó thì định kỳ 1-3 năm cần phải đi kiểm tra sức khỏe gan mật để xem có nguy cơ bị bệnh lý gan mạn tính hay không.
Mốc kiểm tra sức khỏe gan mật cuối cùng là 40 tuổi.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình