Hotline 24/7
08983-08983

Các chị em nên bắt đầu khám phụ khoa từ độ tuổi nào và đâu là xét nghiệm cần làm?

Một số bệnh lý phụ khoa nếu để đến khi đau hoặc xuất hiện triệu chứng mới đi khám thì có thể bệnh đã tiến triển ở giai đoạn rất khó điều trị hoặc không thể điều trị được nữa. Vì vậy nên đi khám phụ khoa 6 tháng - 1 năm/lần là lời khuyên của bác sĩ BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trong bài viết dưới đây.

1. Vì sao cần phải khám phụ khoa và khi nào nên đi khám?

Mặc dù ngày nay khám phụ khoa không còn là khái niệm xa lạ, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trước tiên, nhờ BS giải thích cho các chị em hiểu rõ hơn:

- Vì sao chúng ta cần phải khám phụ khoa?

- Thông qua việc thăm khám này, sẽ cho các chị em biết những vấn đề nào của sức khỏe?

- Nhiều người cho rằng, chỉ khi nào có dấu hiệu mới cần đi khám phụ khoa. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Hiện nay có rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm đến sức khỏe hơn so với ngày xưa và bắt đầu quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ thường quy. Bên cạnh khám sức khỏe định kỳ về mặt nội khoa, thông thường sản phụ khoa cũng có gói khám phụ khoa định kỳ.

Các chị em sẽ được thăm khám, tầm soát và chẩn đoán sớm các bệnh lý liên quan đến vùng phụ khoa. Bao gồm cả bệnh lý tuyến vú, bệnh lý ở buồng trứng, vòi trứng, tử cung, cổ tử cung, âm đạo, âm hộ và các bệnh lý liên quan.

Ví dụ, những chị em lạc nội mạc tử cung ở một vùng bất thường như sẹo mổ, không liên quan nhiều đến cơ quan sinh dục nhưng có nguồn gốc xuất phát từ cơ quan sinh dục sẽ được bác sĩ thăm khám và tư vấn hướng điều trị phù hợp.

Khám phụ khoa là vấn đề mà bác sĩ sẽ có nhiều bước khác nhau. Bao gồm hỏi bệnh sử, thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, sau đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Ngày xưa gọi là đau mới chữa, tức là các chị em đợi đau, có triệu chứng mới đi khám. Nhưng một số bệnh phụ khoa nếu để đến khi đau hoặc xuất hiện triệu chứng mới đi khám thì có thể bệnh lý đã tiến triển ở giai đoạn rất khó điều trị và có những giai đoạn không thể điều trị được nữa.

Nếu đi khám sớm hơn, có thể sẽ tốn một ít thời gian (6 tháng - 1 năm chị em đi khám kiểm tra phụ khoa một lần) nhưng giúp ích rất nhiều. Chúng ta sẽ phát hiện sớm nhiều bệnh lý khác nhau.

Ví dụ, bệnh lý ung thư nội mạc tử cung nếu phát hiện sớm và điều trị triệt để, có trường hợp có thể giữ được tử cung và sinh em bé ở những lần tiếp theo. Nhưng một số trường hợp phát hiện ở giai đoạn trễ, đã ở mức độ bệnh lý ung thư nặng. Điển hình như chị em đến bệnh viện vì đau hoặc đã bị ung thư nội mạc tử cung, xâm lấn lan tràn ra vùng chậu. Có triệu chứng đi tiểu đau, đi cầu khó vì khối u đã xâm lấn vào trực tràng thì có thể sẽ không điều trị được nữa.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Bệnh viện Từ Dũ là chuyên gia tư vấn quen thuộc trên AloBacsi, giải đáp nhiều vấn đề "khó ngỏ cùng ai" của các chị em phụ thuốc

2. Khám phụ khoa có giúp phát hiện bệnh lý ung thư không?

Nhiều chị em quan tâm nhất là việc, khám phụ khoa có giúp phát hiện bệnh lý ung thư của vùng này không thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Các bệnh lý khám phụ khoa thông thường gồm rất nhiều bước khác nhau. Trường hợp có yếu tố gia đình (ung thư di truyền) như mẹ bị ung thư vú hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh lý ung thư đường tiêu hóa, ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng.

Qua quá trình thăm khám và hỏi bệnh sử, bác sĩ phát hiện sẽ tư vấn cho người bệnh xét nghiệm một số gen bất thường để tìm các gen đột biến mang khả năng ung thư. Như vậy, chỉ qua bước thăm khám đã giúp bác sĩ định hướng được chúng ta có các bệnh lý bất thường liên quan đến ung thư không.

Ngoài ra trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ tìm được những dấu hiệu bất thường gợi ý ung thư. Ví dụ:

- Một số trường hợp siêu âm bác sĩ phát hiện nội mạc tử cung có độ dày bất thường hoặc có khối tăng sinh bất thường. Dựa trên những dấu hiệu báo động đó, bác sĩ sẽ làm các xét ngiệm chẩn đoán sớm hơn.

- Những bệnh lý ung thư khác như ung thư cổ tử cung, khi thăm khám chắc chắn bác sĩ sẽ phát hiện được và chẩn đoán ở giai đoạn sớm hơn.

- Ung thư vú: Nếu ở nhà các chị em sờ thấy một khối trên ngực, có thể đó là lành tính nhưng cũng có thể là bệnh lý ung thư vú. Hiện tại, ung thư vú đã có xét nghiệm tầm soát. Ở độ tuổi nhất định nếu đi khám định kỳ, tầm soát có thể phát hiện ung thư sớm và cải thiện tiên lượng bệnh rất nhiều.

3. Khám phụ khoa nên thực hiện từ độ tuổi nào?

Việc khám phụ khoa nên được thực hiện từ độ tuổi nào thưa BS? Theo BS, bé gái đến tuổi dậy thì có nên khám phụ khoa không ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Các bé gái mới dậy thì, đa số ở độ tuổi này ít được ba mẹ đưa đi khám phụ khoa. Thông thường, các bé gái sẽ đến khám khi có triệu chứng rối roạn kinh nguyệt. Giai đoạn mới hành kinh, độ tuổi từ 13 - 15 tuổi và 18 - 20 tuổi là giai đoạn chu kỳ kinh rối loạn bất thường kéo dài từ 2 - 3 năm hoặc có bé kéo dài đến 5 năm.

Một số trường hợp bác sĩ sản phụ khoa gặp những bé trong độ tuổi dậy thì hoặc mới dậy thì nhưng có u buồng trứng, biểu hiện như đau bụng, tự sờ thấy khối u trên bụng, bụng to ra, một số u buồng trứng rất to nếu vận động đi lại nhiều hoặc đôi khi u xoắn sẽ gây đau bụng. Khi có các triệu chứng này phải đến bệnh viện khám để xác định u lành tính hay ác tính. Nếu không có thói quen đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường, buồng trứng xoắn một thời gian dài có thể thiếu máu nuôi, gây hoại tử.

Những trường hợp khám quá trễ ở các bé chưa dậy thì hoặc dậy thì, có thể bé sẽ mất một bên buồng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai. Vì vậy bất cứ khi nào có triệu chứng bất thường nên đi khám ngay.

Riêng các chị em phụ nữ đã lập gia đình, nên thực hiện thăm khám thường quy. Tốt nhất là 6 tháng - 1 năm/lần để kiểm tra xem có thể có bất thường hay không.

4. Khám phụ khoa bao gồm những gì?

Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS chia sẻ cụ thể:

- Khám phụ khoa bao gồm những gì?

- Các xét nghiệm, hay kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nào có thể được chỉ định thực hiện khi khám phụ khoa thưa BS? Ý nghĩa của những cận lâm sàng này thế nào (nhờ BS lý giải cho từng xét nghiệm cần làm ạ)?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Các chị em khi đi khám phụ khoa thường rất sợ, ngại ngần, lo lắng bác sĩ sản phụ khoa là bác sĩ nam hay nữ và đi khám có đau hay không.

Khám phụ khoa là việc rất tốt, giúp phát hiện bệnh, là quá trình thăm khám bình thường, không gây đau. Thông thường các bác sĩ sản phụ khoa trước khi khám sẽ hỏi về tiền sử xem các chị em phụ nữ đã quan hệ hay chưa và có bao nhiêu bé.

Ví dụ, sanh thường nhiều lần bác sĩ sẽ ưu tiên đặt những dụng cụ lớn hơn để quan sát âm đạo tốt hơn. Nếu chị em mới lập gia đình hoặc mới sinh một bé bác sĩ sẽ chọn dụng cụ nhỏ hơn, phù hợp và không gây đau. Nên khi đi khám không cần quá lo lắng về vấn đề đau.

Ngoài khám âm đạo, xem cổ tử cung loại trừ sang thương ở vùng âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, bác sĩ sẽ khám xem tử cung có kích thước lớn hơn bình thường hay không. Có rất nhiều chị em phụ nữ vô tình nhờ đi khám phụ khoa, bác sĩ thăm khám nhận thấy tử cung lớn hơn bình thường, từ đó phát hiện u xơ tử cung. Thăm khám sẽ giúp chúng ta phát hiện rất nhiều bệnh lý ở cơ quan sinh dục, từ đó có chế độ điều trị phù hợp.

5. Khám phụ khoa ở phụ nữ đã quan hệ tình dục và chưa quan hệ tình dục có gì khác nhau?

Thưa BS, việc khám phụ khoa ở người phụ nữ đã có quan hệ tình dục và chưa quan hệ tình dục sẽ khác nhau như thế nào ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Điểm quan trọng giữa phụ nữ quan hệ tình dục rồi và chưa quan hệ tình dục là có được đặt mỏ vịt để xem âm đạo hay không. Thao tác đặt mỏ vịt trong âm đạo để quan sát cổ tử cung và âm đạo chỉ được thực hiện khi chị em đã quan hệ tình dục. Vì dụng cụ này sẽ đi qua màng trinh của chị em phụ nữ.

Những bạn gái đã quan hệ, sẽ được khám và siêu âm ở ngã dưới. Siêu âm ngã đầu dò âm đạo sẽ thuận tiện hơn cho bác sĩ sản phụ khoa quan sát vùng cổ tử cung, âm đạo và tử cung dễ dàng hơn.

Tuy nhiên những chị em chưa quan hệ tình dục vẫn đi khám phụ khoa được bằng cách siêu âm ngã bụng. Cần phải uống nước và nhịn tiểu để có một ít nước trong bàng quang thì khi bác sĩ siêu âm sẽ dễ thấy. Hoặc nếu có dịch âm đạo bác sĩ sẽ thử bằng một que tăm rất nhỏ, không ảnh hưởng đến màng trinh. Khi thăm khám bác sĩ sẽ thăm khám qua đường hậu môn.

Dù đã quan hệ hay chưa quan hệ, các chị em phụ nữ đều được làm các xét nghiệm, siêu âm để tầm soát xem có bệnh lý ở tử cung buồng trứng hay không. Tuy nhiên những chị em chưa từng quan hệ, sẽ không được làm xét nghiệm ung thư tầm soát cổ tử cung. Vì phải đặt mỏ vịt trực tiếp trên cổ tử cung.

6. Nên lưu ý gì khi đi khám phụ khoa?

Các chị em cần lưu ý gì khi đi khám phụ khoa thưa BS? Nên khám vào thời điểm nào (trước khi có kinh, sau khi có kinh bao nhiêu ngày là tốt nhất)? Các chị em nên trao đổi điều gì trong lần thăm khám phụ khoa, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Khám phụ khoa mặc dù nghe “phụ” nhưng đó là điểm chính rất quan trọng đối với chị em phụ nữ để biết cơ quan sinh dục của mình có vấn đề gì hay không. Để được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như có thể điều trị tốt hơn nếu có bệnh lý. Lời khuyên dành cho chị em phụ nữ là nên đi khám phụ khoa 6 tháng - 1 năm/lần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X