Hotline 24/7
08983-08983

Bữa ăn của trẻ mầm non ngày càng èo uột

Thay thịt bò bằng lợn, gà, cá; thay nho, táo bằng chuối, mận... vì giá rẻ hơn, là phương án mà nhiều trường mầm non dùng để đối phó bão giá.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó Hiệu trưởng trường mầm non 19-5 (quận 3, TP HCM) cho biết, ngay từ sau Tết Nguyên đán, trường đã phải điều chỉnh tiền ăn từ 22.000 đồng lên 25.000 đồng/ngày để đảm bảo đủ dinh dưỡng trong khẩu phần của trẻ.

 

Tuy nhiên tình hình giá xăng tăng lần 2 vừa qua kéo theo giá thịt, cá, rau cũng đội lên khiến trường gặp không ít khó khăn, trong khi việc điều chỉnh phí ăn lần 2 dường như bất khả kháng.

 

Để có bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ mà vẫn đảm bảo không đội chi phí
là điều khó khăn đối với các trường mẫu giáo hiện nay - Ảnh: Thi Ngoan

 

Cô Nga lo lắng, mới mấy tháng trước giá thịt heo chỉ 70.000 đồng/kg mà đến nay đã lên đến hơn 100.000 đồng: "Trước mắt nhà trường chỉ biết xoay xở bằng cách thay thế những món đắt tiền bằng món rẻ hơn. Chúng tôi vẫn cố gắng cầm cự chờ đến đầu năm học sau mới điều chỉnh tăng phí tiếp".

 

Ở các trường tư thục hoặc tại những trường tỉnh, khu vực mà học trò chủ yếu là con em người lao động nghèo thì việc tăng thêm vài nghìn đồng cho con đi học lại trở thành gánh nặng cho phụ huynh.

 

Chị Trần Thị Nga, công nhân công ty Bouchen đến đón con tại nhóm trẻ mẫu giáo Bé Ngoan (Trảng Bom, Đồng Nai) kể, để lo được khoản tiền 500.000 đồng/tháng cho con đi học, anh chị đã phải chi tiêu hết sức dè sẻn, thậm chí cả năm không dám mua một bộ quần áo mới.

 

Nhưng mới đây nghe nhà trường thông báo đầu năm học tới sẽ tăng thêm 50.000 - 100.000 tiền ăn mỗi tháng cho bé, vợ chồng chị đang tính đến chuyện gửi con về quê.

 

"Với đồng lương công nhân như tụi mình làm không đủ ăn thì lấy gì cho con đi học. Cháu không được đến trường tiếc lắm nhưng chẳng còn cách nào khác", người mẹ trẻ trầm tư.

 

Cô Thu Hiền, giáo viên phụ trách nhóm trẻ Bé Ngoan cho biết, ngay từ đầu năm trường đã kêu gọi thực hành tiết kiệm đến mức tối đa trong việc dạy và học. Giáo viên phải tận dụng những vật dụng cũ, giấy carton, bọc ni lông... để cắt dán thành dụng cụ dạy học, tận dụng được ánh sáng tự nhiên để hạn chế dùng điện...

 

Vậy mà ngay từ đầu tháng này không chỉ giá thực phẩm mà chi phí điện, nước cũng tăng gần gấp rưỡi. Vì thế, nhà trường phải điều chỉnh lại khẩu phần. Cụ thể trước đây 4 hũ sữa chua/tuần thì nay chỉ còn 2 hũ, thay vào đó là nước giải khát có giá rẻ hơn.

 

"Nói gì thì nói, đối với bữa ăn chính của các em thì không thể cắt giảm vì trẻ giai đoạn này đòi hỏi phải được ăn đủ chất dinh dưỡng. Vẫn biết thêm vài nghìn đồng một bữa ăn sẽ là gánh nặng cho phụ huynh, thậm chí nhiều em phải bỏ học nhưng không thể để học trò suy dinh dưỡng", cô giáo bày tỏ. 

 

Bữa ăn cho trẻ mầm non ở khắp nơi ngày càng èo uột - Ảnh: Thi Ngoan

 

Mặc dù cũng gặp phải những khó khăn tương tự, song một số trường mẫu giáo khác vẫn chưa có kế hoạch tăng phí do có sự trợ giá từ phía các công ty cung ứng thực phẩm.

 

Như tại trường mầm non 20-10 (quận 1, TP HCM, do phía bên công ty cung ứng thực phẩm đã hợp tác lâu năm nên dù giá cả mọi thứ ngoài thị trường đều tăng nhiều, nhưng họ vẫn giữ nguyên giá cũ hoặc chỉ tăng một phần đối với những mặt hàng tươi sống.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, hiện nay mức phí ăn trung bình đối với học sinh mẫu giáo trong thành phố khoảng từ 15.000 - 20.000 đồng/em/ngày. Tuy nhiên, trước tình hình giá cả tăng vọt, một số trường thống nhất với phụ huynh tăng thêm 3.000 - 5.000 đồng/ngày.

 

Theo bà, việc tăng phí như thế là hợp lý: "Thiếu dinh dưỡng thì trẻ không thể phát triển toàn diện trí não cũng như thể lực được, đặc biệt là ở lứa tuổi mẫu giáo. Vì thế, phụ huynh cũng cần hiểu cho những khó khăn của nhà trường để cùng chăm lo cho sức khỏe của con em mình".

 

Theo Thi Ngoan - VnExpress

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X