BS.CK2 Tạ Phương Dung tư vấn: Nâng niu quả thận của bạn như thế nào?
Thận được biết đến với vai trò lọc máu trong cơ thể nhưng thật ra chức năng của thận còn nhiều hơn thế. Hãy cùng BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115 tìm hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của thận đối với cơ thể chúng ta nhé!
BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Chúng ta đều biết gan và thận là hai cơ quan có chức năng lọc máu, thải độc cho cơ thể. Nhưng dường như vai trò của thận còn nhiều hơn thế? BS có thể cho biết cụ thể hơn về chức năng của thận không ạ?
Quả thận rất nhỏ, chỉ to hơn nắm tay một chút nhưng có rất nhiều chức năng:
- Thải nước tiểu và các chất độc ra khỏi cơ thể
- Tạo máu, chính vì vậy bệnh nhân bị suy thận sẽ bị thiếu máu
- Nội tiết, chuyển hóa canxi, photpho, khi bị bệnh thận bệnh nhân sẽ bị các bệnh xương kèm theo như nhũn xương, loãng xương thậm chí gãy xương
- Điều chỉnh huyết áp, nhiều bệnh nhân tăng huyết áp có thể dẫn đến suy thận nhưng ngược lại những bệnh nhân suy thận có thể không bị tăng huyết áp.
Ngoài ra thận còn rất nhiều chức năng khác. Vì vậy, hiện nay mọi người thường có câu ví von “yêu anh/em bằng cả hai trái thận” chứ không còn yêu bằng cả trái tim nữa.
2. Bình thường, mọi người thường ít để ý đến việc chăm sóc sức khỏe của thận, chỉ khi cầm trên tay toa thuốc uống dài ngày, họ mới băn khoăn: không biết uống nhiều thuốc thế này có hại gan thận hay không? Nhờ BS giải đáp.
Chúng ta phải uống thuốc khi bị bệnh nhưng nếu uống không đúng cách sẽ làm bệnh nặng hơn hoặc biến chứng nhiều hơn. Khi bị bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc nếu bệnh nhân chưa có bệnh thận thì bác sĩ sẽ cho thuốc thoải mái hơn, nhiều loại thuốc hơn cho bác sĩ lựa chọn nhưng một khi đã bị bệnh thận, cũng một toa thuốc ví dụ như tăng huyết áp, bệnh gan, tim mạch… thì bác sĩ phải chú trọng toa thuốc đó có ảnh hưởng gì đến chức năng thận của bệnh nhân không. Hoặc bệnh nhân không có bệnh gì nhưng trên cơ địa của người lớn tuổi thì bác sĩ cũng phải thận trọng hơn khi cho thuốc.
Uống thuốc ảnh hưởng đến chức năng thận, nếu như bị bệnh thận thì có thể làm cho bệnh nặng hơn, có khi uống thuốc xong lại dẫn đến bệnh thận. Chính vì vậy cần phải theo toa thuốc và hướng dẫn của bác sĩ, đừng tự ý dùng thuốc, đừng thấy người khác bị bệnh giống mình rồi cũng bắt chước dùng theo.
Khi dùng thuốc bác sĩ phải theo dõi, cho thuốc và yêu cầu tái khám và nếu như có ảnh hưởng đến thận thì cần giảm liều hoặc thay thuốc khác cho bệnh nhân.
3.Xin BS cho biết suy thận cấp và bệnh thận mạn nguy hiểm như thế nào ạ?
Suy thận cấp xảy ra trong thời gian ngắn, có thể phục hồi. Chính vì vậy, nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm, các bác sĩ khẩn trương điều trị đúng mức và cho các loại thuốc đầy đủ thì có thể hồi phục hoàn toàn.
Một khi đã chẩn đoán bệnh thận mạn tính, bệnh sẽ kéo dài không bao giờ khỏi. Quan trọng là phải giữ được quả thận đó không bị bệnh nặng thêm, hoặc bệnh lùi một bước. Ngay cả khi ghép thận cũng coi là bệnh thận mạn tính.
4. Để nâng niu quả thận từ khi còn trẻ khỏe, theo BS, chúng ta nên làm gì ạ?
Chúng ta nên chăm sóc tất cả các cơ quan trong cơ thể đặc biệt là thận, nhiều bạn trẻ nghĩ “chắc không sao đâu, thận có hư thì vẫn còn 1 quả mà”, thực tế không phải như vậy, thận sẽ hư dần đều, thậm chí khi hư trên 50% chức năng của thận mới biểu hiện ra bên ngoài nên bạn trẻ nào thấy có dấu hiệu bệnh thận có nghĩa là trên 50% chức năng thận đã bị hư.
Để phòng tránh bệnh thận chúng ta cần:
- Ăn uống, có lối sống lành mạnh, năng động, không nên ngồi ù lỳ một chỗ.
Tập thể dục, có nhiều cách, thậm chí đang bệnh cũng có những động tác phù hợp. Động tác như quét nhà, lau bàn, sơ chế rau củ… thì kể cả bệnh nặng như tim mạch, thận… đều có thể làm được. Hơn nữa khi làm việc nhà chúng ta cũng vui hơn vì đã đóng góp được một việc cho gia đình.
Khi mức độ bệnh trung bình chúng ta cần vận động nặng, gắng sức hơn một chút như lau nhà, đi bộ nhanh, làm vườn, làm ruộng… hoặc những vận động mạnh hơn như chơi thể thao. Tuy nhiên, tùy từng mức độ hay suy các cơ quan mà các bác sĩ có hướng dẫn những mức độ vận động phù hợp.
- Chúng ta cần uống đủ nước mỗi ngày theo công thức dễ nhớ là 4:2:1 (4 chai tương đương 2 lít nước trong 1 ngày). 2 lít là lượng dịch nhập vào cơ thể. Nếu hôm nào ăn nhiều canh, ăn hủ tiếu, phở thì chúng ta uống bớt lượng nước lại, hôm nào trời nắng thì chúng ta uống nhiều nước nước hơn để đảm bảo lượng nước trong cơ thể.
- Tránh xa rượu bia và thuốc lá.
Về rượu thì không cấm hoàn toàn nhưng 1 ngày 1 người có thể tiêu thụ 300ml rượu vang đỏ cũng rất tốt cho tim mạch, cho cơ thể hoặc bia có nồng độ cồn 5 độ thì có thể uống dưới 1 lon. Nhưng một khi đã ngồi nhậu thì ít ai có thể dừng lại với lý do đã uống đủ lượng rượu/bia cho phép trong 1 ngày, mà thường sẽ “quá chén” vì ép nhau uống và a dua theo mọi người.
Về phần thuốc lá, chỉ cần ngưng thuốc lá đã giảm được rất nhiều bệnh tật, như đã có thống kê ngưng thuốc lá giảm được 3% tỷ lệ tử vong chung, hơn 4% các bệnh lý về tai biến và đặc biệt giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim đến 7%.
Nếu có bệnh tăng huyết áp, chúng ta nên đi khám thường xuyên và đảm bảo huyết áp dưới 140/90, nếu có bệnh đái tháo đường cũng phải điều trị theo toa của bác sĩ vì nguyên nhân lớn nhất dẫn đến bệnh thận là tăng huyết áp và đái tháo đường.
- Nếu chúng ta không có bệnh nhưng trong gia đình có người mắc bệnh thận mạn tính thì nhớ nên đi kiểm tra hàng năm, nếu có những bệnh thường ngày như cảm cúm, ho… cũng nên khám và uống thuốc theo toa của bác sĩ chứ không nên tự ý dùng thuốc.
BS.CK2 Tạ Phương Dung thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: Viết Hưởng
5. Và khi đã có tuổi, bị một số bệnh mạn tính, phải uống thuốc nhiều thì chúng ta cần bảo vệ thận ra sao?
Việc quan trọng là chúng ta nên uống thuốc theo toa của bác sĩ, đừng tự ý đổi thuốc khác. Mọi loại thuốc đều ảnh hưởng đến bệnh lý khác, mỗi thuốc đều có tác dụng phụ kể cả thuốc bổ mà mọi người vẫn hay dùng là vitamin. Cho nên chúng ta cần lưu ý về thời gian, liều lượng sử dụng, đặc biệt nên tái khám để bác sĩ kiểm tra các cơ quan trong cơ thể như gan thận có ảnh hưởng gì không.
6. Để kiểm tra sức khỏe của thận, mọi người có cần phải thường xuyên đi xét nghiệm chức năng thận không ạ? Độ tuổi nào bắt đầu cần quan tâm đến xét nghiệm này?
Tất cả mọi người nên kiểm tra thận vì bệnh thận không giới hạn chỉ một lứa tuổi nhất định nào. Chúng ta nên khám sức khỏe định kỳ ở trường học, cơ quan hoặc đến các cơ sở y tế.
Xét nghiệm bệnh thận cũng rất đơn giản như xét nghiệm máu, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, các phòng khám của quận huyện cũng có thể thực hiện được, không bắt buộc đến bệnh viện lớn. Trừ khi bác sĩ phát hiện vấn đề quan trọng hơn thì sẽ ư vấn bệnh nhân đến bệnh viện lớn hay trung tâm để được tầm soát kỹ hơn.
Bệnh nhân có thể nhận biết bệnh thận qua các dấu hiệu:
- Huyết áp khi đo trên 140/90Mhg
- Triệu chứng phù: sáng ngủ dậy thấy mi mắt hơi sưng, tối thì lại hết
- Sưng tay chân, nặng hơn thì thấy chướng bụng vì nước trong thận, ho do nước trong phổi, mệt do nước đã ở trong màng tim
- Nếu bệnh để lâu hơn có triệu chứng của thiếu máu, chán ăn, ảnh hưởng đến công việc hàng ngày
- Mất ngủ
Tuy nhiên biểu hiện của bệnh thận không rõ ràng, có thể nhầm lẫn với bệnh khác như tăng huyết áp, phù, mệt mỏi… thì những bệnh khác cũng có. Tóm lại chúng ta nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán đúng bệnh và kịp thời.
7. Ăn mặn hay lạt còn tùy theo khẩu vị của mỗi người, do đó nhiều người không nhận ra mình đang ăn quá mặn. Ngoài ra, mỗi ngày chúng ta nạp lượng muối từ nhiều nguồn khác nhau, có khi là cơm nhà, có khi là cơm quán. Như vậy khó biết được mỗi ngày chúng ta đã ăn bao nhiêu gram muối. Vậy có cách nào giúp mọi người kiểm soát lượng muối đưa vào cơ thể không ạ?
Ăn mặn không chỉ ảnh hưởng đến bệnh thận. Các phương tiện truyền thông cũng khuyến cáo là nên ăn nhạt để tránh các bệnh tim mạch.
Thông thường một ngày một người bình thường có thể ăn được 5- 6g muối, người bị bệnh thận cần phải hạn chế hơn khoảng 2- 3g, chỉ bằng một muỗng yaourt, chưa kể hầu hết những thức ăn chúng ta ăn hàng ngày, khi mua về đã được ướp muối rồi. Có thể nói 80% lượng muối chúng ta ăn hàng ngày đã nằm trong thực phẩm, vì vậy khi chế biến thức ăn nên nêm thật ít mắm muối, cầng ăn nhạt càng tốt.
Khi chưa bị bệnh chúng ta cũng cần ăn nhạt để phòng bệnh. Chỉ cần giảm 2-5g muối trong khẩu phần ăn hàng ngày cũng giảm được 2- 3% bệnh lý tử vong do tim mạch, thận, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...
Đương nhiên ai có thói quen ăn mặn không thể giảm được trong ngày một ngày hai, mà mỗi ngày chúng ta giảm một chút, cố gắng ăn nhạt hơn.
Đối với người lớn tuổi khẩu vị của họ kém hơn, ăn mặn mới thấy ngon miệng thì cũng nên động viên họ giảm muối để bảo vệ sức khỏe.
~~~~~~~~~
Cảm ơn những chia sẻ của BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115 đã giúp bạn đọc hiểu thêm và biết nâng niu quả thận của mình.
Xin hẹn gặp lại bác sĩ ở buổi tư vấn tiếp theo!
Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn
Zalo: 08983 08983
Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983
Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.
Trân trọng!
Thực hiện: Hồng Nhung - Thanh Thủy
Ảnh: Viết Hưởng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình