Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Bảo vệ bệnh nhân suy thận mạn trong đại dịch COVID-19

Tính đến nay, 70% ca bệnh COVID-19 tử vong ở Việt Nam đều có bệnh thận mạn tính. Trong đó có đến 8 bệnh nhân với tiền sử suy thận mạn tính, phải lọc máu chu kỳ. AloBacsi đã có cuộc trao đổi nhanh với BS.CK2 Tạ Phương Dung - Phó Chủ tịch Hội Niệu - Thận học TPHCM, Phó Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 giúp lý giải tại sao các bệnh nhân có tiền sử bệnh thận lại bị nặng hơn khi mắc thêm COVID-19 và những giải pháp bảo vệ trong thời điểm này.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng bệnh nhân suy thận mạn như thế nào?

Có thông tin rằng, bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ trở thành người bệnh thận. Xin BS cho biết thận sẽ chịu những tổn thương gì khi virus SARS-CoV-2 tấn công?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Virus SARS-CoV-2 khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đóng lên các phế quản. Các protein S của nCoV gắn với thụ thể ACE-2 trên bề mặt tế bào biểu mô phế quản của người, giúp chúng xâm nhập vào cơ thể vật chủ.

Thụ thể ACE-2 có mặt ở nhiều lọai tế bào như phế nang, thận, ruột, tế bào gan và cả tương bào. Do đó khi nhiễm virus SARS-CoV-2 bệnh nhân bị tổn thương nhiều cơ quan. Về lâu dài, tổn thương trên thận chưa có những báo cáo bởi bệnh mới phát hiện đầu năm nay. Tuy nhiên những biểu hiện bệnh sớm ở trên các cơ quan, trong đó có thận đã được chứng minh.

Đối với người suy thận mạn, đại dịch COVID-19 khiến họ càng lo lắng hơn. Theo BS, dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng thế nào đến 3 nhóm: bệnh nhân thận mạn chưa cần lọc máu, bệnh nhân đang lọc máu, bệnh nhân sau ghép thận?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

COVID-19 gây bệnh ở tất cả mọi đối tượng. Việc tiếp xúc gần và hầu hết bệnh nhân nhiễm COVID-19 không có triệu chứng đặt ra nhiều thách thức hơn ở bệnh nhân bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại trung tâm tăng nguy cơ nhiễm trùng đáng kể, bao gồm lây nhiễm với các nhân viên y tế, nhân viên tại viện, cho bệnh nhân khác, thành viên trong gia đình và nhiều người khác.

Phân tích ở một trung tâm ở Tây Ban Nha 12/03-10/04 được đăng trong ISN về tỉ lệ tử vong của bệnh nhân chạy thận nhân tạo nhiễm COVID-19 là cao (11-30,5%).

Một phân tích khác ở Ý được đăng trong ISN về tỉ lệ tử vong chung của bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong toàn nghiên cứu là 29%, (trong tổng số 643 bệnh nhân). Nhưng nếu tính riêng bệnh nhân chạy thận nhân tạo nhiễm COVID-19 nhập viện có Hội chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) thì tỉ lệ tử vong lên đến 42%.

Chính vì vậy, những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính cố gắng phòng ngừa và không nhiễm bệnh. Vấn đề phòng ngừa này là trách nhiệm chung của mọi người, đặc biệt là các bệnh thận mạn tính đã được ghép thận hoặc đang lọc máu, hoặc nói chung là bất cứ bệnh mạn tính nào cần lưu ý.

Bệnh nhân lọc máu trong mùa COVID-19 cần chú ý gì?

BS có khuyến cáo thế nào về việc điều trị cho bệnh nhân thận mạn trong mùa COVID-19? Có phải là việc lọc màng bụng nên được ưu tiên hơn không ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Bệnh nhân bệnh mạn không giống với những người khác. Những bệnh nhân khác khi nghi ngờ hay nhiễm bệnh có thể cho cách ly, nhưng bệnh nhân mạn tính vẫn phải tới bệnh viện khám bệnh. Chúng ta đã có chủ trương với bệnh nhân mạn tính có thể cân nhắc cho thuốc tối đa 3 tháng (đối với bệnh ổn định) thay vì tối đa 30 ngày như trước đây.

Đối với những bệnh nhân lọc máu bắt buộc phải đến các cơ sở y tế, ví dụ bệnh nhân chạy thận nhân tạo một tuần phải tới cơ sở y tế 3 lần phải thật thận trọng. Bởi nếu một người bệnh nhiễm COVID-19 có thể lây cho bệnh nhân khác, lây cho nhân viên y tế, và nhân viên y tế sẽ tiếp xúc với những bệnh nhân khác tạo ra tỷ lệ nhiễm cao trong cơ sở đó.

Do đó, vấn đề an toàn về dịch tễ đối với các cơ sở y tế cực kỳ nghiêm ngặt, cần tuân thủ theo các quy định của Bộ Y tế. Khi bệnh nhân đến những cơ sở này, đầu tiên phải tuân thủ những quy định chung của toàn xã hội như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc nước sát trùng, giữ khoảng cách ít nhất 2m (ví dụ giữa bệnh nhân giường này và giường kia). Tuy nhiên, khi nhân viên thực hiện các kỹ thuật không thể nào tuân thủ khoảng cách này, do đó, quan trọng nhất là cả bệnh nhân, nhân viên y tế và người hỗ trợ phải đeo khẩu trang; cố gắng hạn chế đụng chạm vào các bề mặt hay vật tư y tế, nếu có thì phải rửa tay trước và sau khi đụng chạm.

Bệnh nhân lọc máu cố gắng không nên mang thức ăn vào mà chỉ có thể mang theo mấy viên kẹo, bánh để tránh hạ đường huyết.

Phải có luồng di chuyển cho bệnh nhân đi vào và đi ra riêng, tránh các trường hợp đụng chạm mặt nhau.

Tất cả bệnh nhân hoặc người nhà khi đến cơ sở y tế phải đo thân nhiệt, mọi biểu hiện như sốt, ho phải lập tức báo ngay, có thể được xét nghiệm chẩn đoán loại trừ COVID-19.

Bệnh viện cần tiếp tục và duy trì, cung cấp lọc máu tại nhà (bao gồm chạy thận nhân tạo tại nhà và lọc màng bụng), duy trì hỗ trợ về cung cấp vật tư và nhân viên cũng như đánh giá người chăm sóc được giao hoặc gia đình hay bạn bè phụ trách.

Cân nhắc việc nếu có thể sẽ tăng lọc máu tại nhà cho bệnh nhân mới chỉ định (bao gồm chạy thận nhân tạo tại nhà và lọc màng bụng).

Bệnh nhân lọc màng bụng được trang bị sẵn kỹ thuật vô khuẩn, ít tiếp xúc hơn với các vật tư y tế. Lọc màng bụng là phương pháp điều trị tại nhà, chỉ cần thêm chút nguồn lực so với chạy thận nhân tạo sẽ đòi hỏi nguồn lực, vật tư rất lớn.

Bệnh nhân mới được chỉ định lọc máu, lọc màng bụng là ưu tiên nếu bệnh nhân không có chống chỉ định tuyệt đối.

Nếu bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo mà nghi ngờ, hoặc được chẩn đoán nhiễm, lọc máu cách ly là cần thiết, nhưng nếu điều kiện chạy thận nhân tạo cách ly không đủ có thể thay đổi sang lọc màng bụng.

Kiểm tra COVID-19 ở bệnh nhân, người chăm sóc, hoặc người hỗ trợ trong cộng đồng sử dụng bất kỳ hình thức lọc máu tại nhà nào nếu họ có triệu chứng.

Về phía đơn vị lọc máu, cơ sở y tế cần lưu ý gì trong mùa dịch COVID-19 ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Bộ Y tế đã ban hành công văn yêu cầu cầu bệnh viện thực hiện an toàn dịch tễ. Với sự gia tăng nhanh của COVID-19, các đơn vị lọc máu ngoại trú cần để điều trị cho số lượng ổn định bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị nhiễm COVID-19.

Mang khẩu trang y tế lúc lọc máu và nơi công cộng, tầm soát các biểu hiện của nhiễm, và cách ly những bệnh nhân nhiễm COVID-19 và đưa họ đến những trung tâm được chỉ định. Nhân viên lọc máu cho người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm, người bệnh cần mang đồ bảo hộ.  Hạn chế thay đổi người chăm sóc trong suốt thời gian này.

Trong giai đoạn trước tại TPHCM, Bệnh viện Quận 2 đã triển khai khu Chạy thận nhân tạo cho người bệnh suy thận đang chạy thận nhân tạo bị nhiễm COVID-19 hay cách ly tại Cát Lái, và thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình.

Sau này, Sở Y tế đã bổ sung thêm Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Trong mùa COVID-19 bệnh nhân không thể không tới bệnh viện, nhất là những bệnh nhân lọc máu. Vì vậy, thực hiện tốt vấn đề phòng ngừa theo quy định của Bộ Y tế đối với bệnh nhiễm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh COVID-19 phải cực kỳ nghiêm túc ở tất cả cơ sở y tế.

Những máy móc điều trị cho bệnh nhân hoặc những ca nghi ngờ, trước khi sử dụng cho ca tiếp theo phải khử khuẩn. Đặc biệt, nếu các bệnh nhân đang điều trị không có chống chỉ định nên chuyển sang cho bệnh nhân lọc máu tại nhà.

Lọc máu tại nhà trên thế giới có 2 dạng: lọc màng bụng và thận nhân tạo. Việc tăng sử dụng lọc máu tại nhà với chạy thận nhân tạo tại nhà hoặc lọc màng bụng là mục tiêu của US Health & Human Service để giảm chi phí, và cải thiện kết cục nên được gia tăng để giảm tỉ lệ nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, Cục Quản lý Khám chữa bệnh chưa cấp  phép cho thận nhân tạo tại nhà, chỉ có lọc màng bụng. Do đó nên chuyển bệnh nhân sang lọc màng bụng nếu không có chống chỉ định.

Đối với những bệnh nhân mới phát hiện (chưa có quyết định lọc máu) nên ưu tiên lọc màng bung. Bởi với bệnh nhân sau khi ổn định có thể tự thực hiện phương pháp này ở nhà hoặc có sự hỗ trợ của người thân trong gia đình.

Hơn nữa, lọc màng bụng trong giai đoạn dịch này bệnh nhân sẽ có nhiều thuận lợi hơn:

- Giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm trùng máu so với bệnh nhân dùng máy chạy thận nhân tạo.

- Tần suất đến bệnh viện ít hơn đến mỗi 4-12 tuần/lần so với ≥3 lần mỗi tuần nếu chạy thận nhân tạo.

- Lọc màng bụng tại nhà tăng tính tự chủ và thuận tiện hơn.

Với cơ sở y tế, sẽ giảm thiểu số lượng nhân viên, nhất là trong giai đoạn này, cần tập trung nhân viên y tế cho công tác điều trị, “bảo tồn lực lượng”.

Để bảo vệ bản thân, bệnh nhân thận mạn cần khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp an toàn mùa dịch

Theo BS, nếu bệnh nhân thận mạn đến bệnh viện mà khai báo y tế thiếu trung thực sẽ dẫn đến những hậu quả gì ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Điều này cực kỳ nguy hiểm. Trước đây có một bệnh nhân khi trở về từ vùng có yếu tố dịch tễ đã không khai báo khi bị sốt. Kết quả là trên chuyến bay đó có nhiều người nhiễm. Bản thân bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng nhiễm bệnh; khu phố bệnh nhân ở bị cách ly. Như vậy thiệt hại không chỉ đối với riêng họ mà đối với cả người thân của họ và cộng đồng xã hội.

Một khu phố cách ly, nhiều người không đi làm được, dồn nhiều nhân lực vào phòng chống dịch. Bản thân họ và chính người nhà phải vào bệnh viện cách ly, điều trị. May mắn là đã qua khỏi, nhưng nếu điều may mắn đó không xảy ra sẽ để lại hậu quả đáng tiếc.

Vì vậy mọi người, toàn xã hội nên tuân thủ nghiêm ngặt trong vấn đề khai báo y tế. Ngoài khai báo ở các trạm y tế, mọi người có thể dùng phần mềm Bluezone có thể phát hiện những người tiếp xúc gần với mình, nếu họ là F1 thì mình có thể là F2; hoặc nếu người đó là F0 thì mình là F1, và sẽ có những cảnh báo để cơ quan y tế vào cuộc, kịp thời cách ly và điều trị.

Ngay lúc này, người bệnh thận mạn cần làm gì để bảo vệ mình trong đại dịch COVID-19, thưa BS?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Người bệnh thận mạn mắc COVID-19 có tỷ lệ tử vong khá cao, do đó, vấn đề phòng ngừa là cực kỳ quan trọng.

Ngoài các biện pháp giữ gìn sức khỏe và tuân thủ điều trị như trước nay (mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng, sát khuẩn, tránh nơi đông người, duy trì khoảng cách 2m khi giao tiếp với người khác…), cần  thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa của toàn xã hội theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Nhà nước.

Khi tới các đơn vị lọc máu cần tuân thủ các quy định: đo thân nhiệt, khai báo y tế, tránh tiếp xúc với người khác. Khi có bất cứ biểu hiện gì khác thường, đặc biệt là ho, sốt phải báo ngay với bác sĩ hoặc cơ sở y tế để kịp thời phát hiện bệnh và đưa đi cách ly.

Người thăm nuôi tại bệnh viện bảo vệ sức khỏe như thế nào?

Người nhà, người thăm nuôi của bệnh nhân thận mạn tại bệnh viện thì cần lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe của mình ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Đối với người nhà, người thăm nuôi, để vừa bảo vệ bản thân và bệnh nhân cần phải hiểu rằng bản thân họ có thể mang mầm bệnh về cho người nhà của mình. Có thể khi nhiễm bệnh họ có biểu hiện nhẹ. Nhưng với người đã mắc bệnh mạn tính nếu không may nhiễm rất nguy hiểm. Do đó thân nhân bệnh nhân cần lưu ý trước tiên phải bảo vệ bản thân mình, sau đó mới bảo vệ được người bệnh.

Khi đưa người nhà đến bệnh viện, cố gắng hạn chế số người đưa đi.

Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, chỉ cần 1 người thăm nuôi. Đối với trường hợp bệnh nhân nặng, vận chuyển khó khăn đã có đội ngũ y tế giúp đỡ, không nên dồn quá nhiều người vào bệnh viện.

Hạn chế vấn đề đổi người chăm sóc. Trong trường hợp người nuôi bệnh quá mệt hoặc bận việc riêng mới nghĩ đến phương án thay người khác.

Người nuôi bệnh cũng cần tuân thủ đeo khẩu trang, tránh chạm vào các bề mặt nghi ngờ lây nhiễm bệnh, khi cần giao tiếp cần tránh nơi đông người, giữ khoảng cách trên 2m… Bản thân người nhà cũng nên cài phần mềm Bluezone, bởi nếu được cảnh báo thì họ biết không nên tiếp xúc trực tiếp với người thân là những người đang mắc bệnh.

Dù bạn có mắc bệnh hay khỏe mạnh thì phải tuân thủ các quy định chung của xã hội về phòng ngừa bệnh. Với người mắc bệnh mạn tính càng phải lưu ý hơn.

Khi điều trị bệnh phải uống thuốc đầy đủ, tuân theo liều lượng và giờ giấc, giữ sức khỏe ổn định.

Khi đến bệnh viện cần tuân thủ đúng các quy định.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X