Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng: Tại sao luyện tập thể dục giúp chống lại virus?

Thể dục giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, tấn công nhanh hơn các loại virus xâm nhập. Điều này đã có nhiều bằng chứng chứng minh, BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng đưa ra một số trích dẫn phân tích việc thể dục giúp tăng khả năng bảo vệ của cơ thể trước sự tấn công của virus.

Miễn dịch là hệ thống bảo vệ và phát hiện của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh do ngoại lai như virus, vi khuẩn… Có thể chia ra hai hệ thống là miễn dịch bẩm sinh (miễn dịch không đặc hiệu) và miễn dịch thu được (miễn dịch đặc hiệu). Người ta tìm thấy hệ miễn dịch ở amidan, hệ tiêu hóa, da, niêm mạc, hạch bạch huyết, lá lách, tủy xương… Các hàng rào bảo vệ cơ thể cũng bao gồm cả các yếu tố của hệ miễn dịch như da, hàng rào tế bào, hàng rào hóa học, hàng rào cơ địa.

Các globulin miễn dịch đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự nhân lên của một số virus. Các globulin miễn dịch như IgA, IgG, IgD tăng lên ở người tập mức độ trung bình và tập nặng; IgM giảm ở người tập luyện nặng (vận động viên chuyên nghiệp) và trở lại bình thường sau tập, nhưng lại tăng ở người tập trung bình và tập sức bền. Do đó lời khuyên trong mùa dịch nên tập ở mức độ trung bình, đều đặn.

Tại sao luyện tập thể dục giúp chống lại virus?BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115

Các nghiên cứu về IgA, các tác giả đều nhận thấy thấy IgA có nhiều trong nước bọt, nước mắt và niêm mạc miệng, mũi, ruột. Liên quan tới tập luyện và IgA: tập đều đặn cường độ vừa phải như đi bộ 45 phút/ngày và 5-7 ngày trên tuần thì nồng độ IgA và các globulin miễn dịch khác cũng tăng đáng kể, kể cả người lớn tuổi cường độ tập có thể ít hơn cũng tăng các globulin miễn dịch.

Một nghiên cứu so sánh ở người lớn hơn 70 tuổi tập 7.000 bước mỗi ngày thì sự tăng IgA là có ý nghĩa so với nhóm tập 3.000 bước mỗi ngày. Việc tăng IgA do luyện tập sức bền là rất quan trọng để ngăn chặn virus trong mùa dịch, đây là chốt chặn đầu tiên hạn chế virus đi vào đường hô hấp.

Nghiên cứu trên người lớn tuổi với khả năng đáp ứng miễn dịch với cúm mùa tốt hơn mặc dù hệ miễn dịch của cơ thể có thể giảm 2%-3% hàng năm kể từ khi chúng ta 20 tuổi, như vậy tập luyện giúp giảm sự suy giảm miễn dịch theo tuổi.

Người ta nhận thấy, tế bào T là tế bào chủ yếu trưởng thành từ tuyến ức sau khi được hình thành ở gan và tủy xương và tuyến ức thoái hóa đi theo tuổi tác, nhưng người tập luyện đều đặn thường xuyên có số lượng tế bào này tăng hơn ở người có lối sống tĩnh tại. Với vai trò là trung gian miễn dịch của tế bào T, có thể lý giải có vai trò trong việc tấn công virus trong đợt dịch COVID-19 lần này vì rất ít trẻ em bị nhiễm bệnh và nhanh khỏi khi bị nhiễm bệnh.

Nhiệt độ cơ thể tăng hơn khi tập luyện mức độ trung bình cũng làm ức chế virus phát triển. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra sự tương quan giữa nhiệt độ khi tập luyện giúp bệnh nhân mắc cúm mau lành hơn. Do đó, ngay cả khi đang bị mắc cúm vẫn có thể luyện tập thể dục.

Ở da, tế bào keratin sản xuất ra một số peptide kiểm soát và nhận dạng một số vi khuẩn gây bệnh; tế bào Langerhan là tế bào miễn dịch đầu tiên được kích hoạt khi mầm bệnh nào đó xâm lấn; tế bào gai ở da sẽ tiết ra một số chất giúp kích thích tế bào T tăng cường tới da để làm nhiệm vụ bảo vệ khi da bị mầm bệnh xâm nhập.

Các nhóm bệnh mạn tính thường có nguy cơ cao mắc cúm: đái tháo đường, bệnh tim mạch, trầm cảm, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư. Rất nhiều nghiên cứu đã đánh giá sự suy giảm khả năng bảo vệ của bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính này trước sự tấn công của vi trùng do giảm sức đề kháng và kèm theo quá trình thoái hóa cơ thể theo tuổi tác.

Nếu mắc bệnh đái tháo đường, ngoài suy giảm chức năng miễn dịch thì các loại vi trùng, virus sẽ trở nên độc hại hơn ở môi trường đường máu cao. Tập luyện luôn luôn là chỉ định cho bệnh nhân đái tháo đường của bác sĩ và đương nhiên có lợi cho việc tăng sức đề kháng với virus.

Đối với tăng huyết áp, thấy có sự liên quan tới tế bào T và các chất trung gian của nó với hệ thần kinh không tự chủ và tăng huyết áp và thấy huyết áp tăng có liên quan đến tăng tế bào T và các yếu tố gây viêm. Tuy nhiên các nghiên cứu về tác động của tập luyện giúp điều hòa giảm được tăng huyết áp, điều này có thể lý giải do tác dụng điều hòa hệ thần kinh không tự chủ của tập luyện giúp điều hòa lại huyết áp.

Miller và cộng sự đã chứng minh trầm cảm có liên quan mật thiết với việc vận động thể lực và hệ thống miễn dịch. Người trầm cảm là giảm lượng tế bào T, giảm kích hoạt các hóa chất gây viêm và dễ bị mắc cúm hơn.

Các bệnh mạn tính khác cũng đều được chứng minh giảm tiến triển bệnh, giảm triệu chứng và giảm nguy cơ mắc cúm.

Tóm lại, chúng ta nên luyện tập thể dục, thể thao đều đặn để nâng cao sức đề kháng với virus, kể cả khi mắc bệnh mạn tính, lớn tuổi, và cả khi đã bị nhiễm COVID-19. Nên tập luyện đều đặn, luyện sức bền, còn luyện tập sức mạnh không nên thực hiện trong giai đoạn này.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X