Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân giao lưu trực tuyến về sinh thiết và sinh thiết lỏng

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - BV Nhân Dân 115 giải đáp thắc mắc của bạn đọc xung quanh xét nghiệm sinh thiết và sinh thiết lỏng: Sinh thiết, sinh thiết lỏng là gì, những kỹ thuật sinh thiết phổ biến, sinh thiết âm tính giả…? Kính mời bạn đọc đón xem.


Sinh thiết là gì? Sinh thiết có thể giúp chẩn đoán những bệnh lý nào?

Những kỹ thuật sinh thiết phổ biến hiện nay?

Vì sao sinh thiết có thể âm tính giả? Sinh thiết lỏng có âm tính giả không?

Trước khi tiến hành thủ thuật sinh thiết bệnh nhân cần làm những xét nghiệm gì?

Tất cả những vấn đề này sẽ được BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - Khoa Ung Bướu và Y Học Hạt Nhân Bệnh viện Nhân Dân 115 chia sẻ với bạn đọc trong chương trình GLTT chiều 14/3. Kính mời quý bạn đọc theo dõi.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - chuyên gia tư vấn về bệnh ung thư, đồng hành cùng AloBacsi từ tháng 7/2016 - Ảnh: Hoàng Long

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Xin chào BS Nguyễn Thiện Nhân,

Với những người đang chờ được chẩn đoán xác định ung thư, hai chữ “sinh thiết” mang đến một tâm trạng chờ đợi và lo lắng. Xin BS cho biết cụ thể, sinh thiết là gì? Chúng ta có thể gọi tên nó bằng từ nào dễ hiểu hơn không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Trước tiên, tôi xin được cảm ơn Ban Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Ban Chủ nhiệm khoa Ung bướu - Y học hạt nhân đã tạo cơ hội để tôi có buổi trao đổi ngày hôm nay và đồng thời cũng xin cảm ơn Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi đã tạo cầu nối cho tôi được chia sẻ những vấn đề liên quan đến sinh thiết.

Thật sự đây là vấn đề rất thiết thực vì trong quá trình hành nghề, tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân thắc mắc về sinh thiết. Khi tư vấn, bệnh nhân cũng thường hỏi chúng tôi: sinh thiết là gì?

Trong y tế, sinh thiết là một thủ thuật y khoa, mục đích là lấy mẫu mô. Mẫu mô có thể lấy từ một cơ quan nghi ngờ bệnh lý hoặc từ khối u nghi ngờ là u lành hay u ác.

Mẫu mô sau khi lấy sẽ được đem đến phòng xét nghiệm, các bác sĩ chuyên khoa về giải phẫu bệnh sẽ đọc trên mẫu mô đó sau khi xử lý. Từ đó, cho kết luận về bệnh lý của cơ quan đó hoặc tổn thương của bướu đó là lành hay ác tính.

Sinh thiết là một từ được sử dụng rất phổ biến, gần như gắn liền với những bệnh lý liên quan về ung bướu. Sinh thiết có thể gọi bằng từ đơn giản hơn là “xét nghiệm tế bào”, tức là xét nghiệm để xem đó là tế bào gì, tế bào bệnh hay tế bào thường.

BS Thiện Nhân cho biết trong quá trình hành nghề, ông gặp nhiều bệnh nhân thắc mắc: sinh thiết là gì? Vì vậy, bác sĩ thấy rất cần thiết phải chia sẻ nhiều hơn về chủ đề này với bạn đọc AloBacsi và cộng đồng - Ảnh: Hoàng Long

2. Sinh thiết có thể giúp chẩn đoán những bệnh lý nào, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Sinh thiết (xét nghiệm tế bào) như chúng ta đã biết không chỉ phục vụ cho việc xác định tính chất tế bào của khối u, phục vụ chẩn đoán ung thư. Sinh thiết còn giúp chẩn đoán những bệnh lý lành tính như bệnh gan, thận. Sau khi sinh thiết nhu mô gan, nhu mô thận, bác sĩ sẽ biết đó bệnh gì, mức độ tổn thương gan, tổn thương thận tới đâu...

Hoặc trường hợp bị lao thì người ta sinh thiết để chẩn đoán xác định có phải là lao hạch không.

3. Xin BS cho biết, hiện nay có những kỹ thuật sinh thiết nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Các kỹ thuật sinh thiết có thể chia theo mức độ xâm lấn, xâm nhập vào cơ thể.

Mức độ xâm nhập tối thiểu nhất là phết tế bào. Ví dụ như tầm soát ung thư cổ tử cung, mức độ xâm nhập rất nhẹ nhàng, chỉ phết phía ngoài và lấy những tế bào từ bề mặt cổ tử cung để xem tế bào đó có ung thư hay không.

Phết tế bào cổ tử cung Pap smear - Ảnh minh họa: internet

Mức độ thứ hai, xâm nhập nhiều hơn, chúng ta sẽ dùng kim để chọc hút. Ví dụ như sinh thiết hạch hay các tổn thương dạng khối u ở vú. Hoặc khi bệnh nhân có tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng mà chúng ta nghi ngờ tràn dịch này có liên quan đến vấn đề bệnh lý ác tính thì sẽ dùng kim chọc hút dịch đó để xét nghiệm tế bào.

Chọc hút dịch màng phổi để sinh thiết - Ảnh tư liệu

Mức độ xâm nhập thứ ba: phải rạch da, phải mở phanh để sinh thiết mẫu mô của một tổn thương ở vùng cơ hoặc là vùng hạch, và chúng ta sẽ cắt một khối mô.

Một mức độ sinh thiết sâu hơn nữa, ví dụ một khối bướu ở trong phổi, muốn lấy mẫu sinh thiết ở đó thì phải nội soi.

Một là: nội soi theo đường khí quản đưa vào, nếu thấy được khối u tổn thương thì chúng ta sẽ bấm sinh thiết.

Nội soi sinh thiết u phổi - Ảnh tư liệu

Hai là: dùng một cây kim sinh thiết lõi đâm xuyên qua thành ngực vào cái bướu, hút lõi bướu ra rồi đem đi thử.


Sinh thiết u xuyên thành ngực dưới hướng dẫn CT scan (TTNA) - Ảnh tư liệu

Nếu như tổn thương đó không nằm trong đường phế quản, đường thở thì lúc này sẽ dùng đến kỹ thuật mở một đường để đưa ống soi vào lồng ngực.

Nội soi trung thất để sinh thiết (sinh thiết hạch, sinh thiết khối u), hoặc để điều trị (cắt trọn khối u đối với u nhỏ) - Ảnh tư liệu

Tương tự, đối với những khối bướu nằm ở đường tiêu hóa thì chúng ta nội soi đại tràng, khối bướu ở dạ dày thì chúng ta sẽ nội soi ở dạ dày, khi gặp khối bướu thì sẽ sinh thiết.

Có những trường hợp khối u nằm trong ổ bụng, nội soi đại tràng không thấy, lúc này sẽ nội soi ổ bụng. Tức là tạo một lỗ trên thành bụng, đưa dụng cụ nội soi đi vào trong sẽ thấy được tổn thương (khối u), chúng ta bấm sinh thiết lấy ra.

Mức độ cuối cùng xâm nhập nhiều nhất, đó là phải mở ngực hoặc mở bụng, ta gọi là thám sát. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ mở ngực hoặc mở bụng sinh thiết tổn thương khối bướu đó, rồi đóng bụng và khâu lại. Đây là mức độ xâm nhập nhiều nhất.

Nội soi lồng ngực, mở ngực thám sát (VATS) - Ảnh tư liệu

Ngoài những kỹ thuật như tôi mô tả: từ mức độ nhẹ nhất tức là phết tế bào cho tới mức độ xâm nhập sâu nhất là phải mở ngực hoặc mở bụng sinh thiết thì còn có 2 hình thức khác nữa, đó là sinh thiết tức thì hay còn gọi là cắt lạnh và sinh thiết lỏng. Hiện nay, những kỹ thuật này đang được đưa vào áp dụng để chẩn đoán những đột biến gene cho bệnh ung thư phổi.

4. Vừa rồi BS nhắc đến “sinh thiết lỏng”, dường như kỹ thuật này khá mới mẻ. Xin BS nói cụ thể hơn về phương pháp này?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Đối với những trường hợp sau khi chẩn đoán là ung thư phổi hoặc bệnh nhân không còn mẫu mô để tìm đột biến gene thì chúng ta sử dụng sinh thiết lỏng - ctDNA để xác định tình trạng đột biến gene trước khi điều trị hoặc sau khi điều trị bằng thuốc trúng đích mà bị tái phát.

Kỹ thuật này không sử dụng mẫu mô mà sử dụng chính mẫu máu của người bệnh nhân. Vậy cơ chế như thế nào?

Khi tế bào chết đi, thành phần tế bào sẽ được giải phóng vào trong mạch máu. ctDNA được tìm thấy khi các khối u phát tán vật liệu di truyền vào dòng máu. Sinh thiết lỏng là việc lấy một mẫu máu để tìm ra ctDNA của tế bào khối u.

Để nhận biết những đột biến này, bệnh nhân sẽ được lấy máu và máu này sẽ chuyển qua các chuyên gia thu thập ctDNA với kỹ thuật khuếch đại, kỹ thuật tăng độ nhạy. Sau khi thu thập, người ta sẽ áp dụng những kỹ thuật rất hiện đại để tìm ra các đột biến gene của khối u đó. Đây gọi là sinh thiết lỏng.

Trong tương lai, không chỉ sử dụng máu mà chúng ta còn có thể sử dụng bất kỳ một dung dịch gì trong cơ thể, thậm chí có thể là nước tiểu, nước bọt để test những xét nghiệm liên quan đến gene, DNA của người bệnh.

Sinh thiết lỏng ctDNA đã được BS Nguyễn Thiện Nhân đề cập tới trong buổi hội thảo về ung thư, diễn ra vào tháng 8/2017 tại TPHCM - Ảnh: Hồng Nhung

5. Còn “sinh thiết tức thì” là như thế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Sinh thiết tức thì là hình thức sinh thiết ngay trong ca mổ, còn gọi là "cắt lạnh".

Tôi lấy ví dụ trường hợp bệnh nhân có một khối u ở phổi mà chưa biết khối u này là hiền hay dữ, tức là lành tính hay ác tính, đương nhiên, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật.

Lồng ngực của bệnh nhân được mở ra trong tình huống phẫu thuật viên chưa biết bản chất khối u này là gì. Cách xử trí sẽ khác nhau, phụ thuộc vào việc khối u lành tính hay ác tính, vì vậy, ngay trong ca mổ, bác sĩ sẽ lấy một mẫu khối u gửi ngay xuống phòng xét nghiệm, tình huống này gọi là cắt lạnh hoặc sinh thiết tức thì.

Nếu khoảng 10-15 phút sau, phòng xét nghiệm báo đây là một khối u lành tính thì người phẫu thuật viên chỉ việc lấy trọn khối bướu đó. Ngược lại, nếu phòng xét nghiệm báo là đây là u ác tính thì lúc này phẫu thuật viên sẽ phải cắt rộng ra, không chỉ cắt khối u mà còn phải cắt cả một thùy phổi, phải nạo hạch và xử trí như một phẫu thuật ung thư. Đó chính là vai trò của sinh thiết tức thì.

6. Vì sao kết quả sinh thiết có thể âm tính giả vậy BS? 

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Thứ nhất, sinh thiết có âm tính giả hay không thì câu trả lời là: Có thể có.

Có những trường hợp sinh thiết khối bướu, kết quả trả về trả lời cho chúng ta là mô viêm.

Tình huống thứ nhất, mặc dù đó là khối u ác tính nhưng xung quanh khối u có những tổn thương hoại tử (tế bào chết hoặc tế bào viêm), khi chúng ta sinh thiết đã bấm ngay vị trí đó. Kết quả trả về là tổn thương mô viêm mãn tính, mô hoại tử (nhưng thực chất khối u đó là khối u ác tính). Đó là tình huống âm tính giả, tức là khối u là ung thư nhưng do bấm sinh thiết không trúng ngay vị trí tế bào ác tính mà bấm trúng vào vị trí tổn thương lành tính.

Tình huống thứ hai, có những bác sĩ sau khi sinh thiết hạch thì gửi một nửa cái hạch cho phòng xét nghiệm của bệnh viện này, một nửa cái hạch lại gửi cho một bệnh viện khác. Trong khi một nửa hạch này chỉ biểu hiện là hạch viêm không có tế bào ác tính thì phần hạch kia lại có những tế bào ung thư. Kết quả của nửa hạch thứ nhất cho ra âm tính, làm cho bác sĩ và bệnh nhân rất lúng túng, bác sĩ cũng rất khó giải thích cho người bệnh.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng nếu sinh thiết thì nên chọn một khối u nhỏ hoặc một hạch và gửi toàn bộ cho chỉ 1 phòng xét nghiệm để chuyên gia cắt đầy đủ toàn bộ khối tổn thương đó và sẽ có câu trả lời chính xác hơn.



7. Vậy sinh thiết lỏng có âm tính giả không, thưa BS?

Xin trả lời có.

Chúng ta nhớ lại cơ chế của sinh thiết lỏng, đây là sự tập hợp lấy mẫu ctDNA của khối bướu trong dòng máu, tích hợp lại cho máy đọc. Tuy nhiên, trong những tình huống lượng phóng thích ctDNA vào máu chưa đủ nhiều để xét nghiệm phát hiện ra được những đột biến gene thì sẽ tạo nên kết quả âm tính giả, trong khi thực chất bệnh nhân có những đột biến đó.

8. Đứng trước trường hợp âm tính giả như vậy, chúng ta sẽ làm gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Đối với trường hợp thứ nhất như tôi đề cập, chúng ta sinh thiết ngay vị trí đó chỉ thấy mô viêm, mô hoại tử. Nhưng về mặt đại thể nội soi hoặc nhìn trên CT, chúng ta thấy hình ảnh gần giống như một tổn thương ác tính thì phải sinh thiết lại và bấm ở vị trí khác để gia tăng khả năng bắt được nhiều nhóm tế bào khác nhau của một khối bướu, như vậy sẽ chẩn đoán tốt hơn.

Trong tình huống này, chúng ta không vội nói với bệnh nhân: “A! Sinh thiết khối bướu này chỉ là những tổn thương tế bào mãn tính và viêm, bác sĩ xin chúc mừng chú là chú không bị ung thư”, mà phải sinh thiết lại để chứng minh đây là một khối u ác tính.

Tình huống thứ hai, khối hạch đó chúng ta cắt làm hai phần, gửi hai nơi, cho kết quả khác nhau thì chúng ta sẽ hội chẩn, mời bác sĩ khoa giải phẫu bệnh cùng ngồi xem lại những mẫu mô, xem lại hội chẩn và thống nhất chẩn đoán. Chúng tôi hay gọi là hội chẩn lam (lame).

Còn đối với sinh thiết lỏng thì thực ra đây cũng là một kỹ thuật khá mới. Một số chuyên gia khuyên rằng, trong tình huống này chúng ta có thể tiến hành sinh thiết lại (lấy máu thử lại) sau một thời gian để tìm đột biến. Khi đó, nếu cần điều trị thì có thể tiến hành điều trị cho người bệnh.


BS Thiện Nhân giải thích một số tình huống sinh thiết có thể cho kết quả âm tính giả và cách xử trí - Ảnh: Hoàng Long

9. Trước khi tiến hành thủ thuật sinh thiết bệnh nhân cần làm những xét nghiệm gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Đây là một câu hỏi cũng rất là thực tế. Sau khi tôi tư vấn sinh thiết thì bệnh nhân cũng thường hay hỏi như vậy.

Trước tiên, người bệnh cần phải được giải thích rõ mục đích sinh thiết để làm gì. Khi được đề nghị sinh thiết, bệnh nhân thường sợ hãi, lo lắng do bác sĩ không nói rõ sinh thiết để làm gì, tiến trình thế nào, nó sẽ xảy ra cái gì. Chính điều đó làm cho người bệnh rất sợ. Nếu giải thích cặn kẽ, người bệnh sẽ dễ dàng chấp nhận và không sợ sinh thiết.

Bên cạnh việc giải thích sinh thiết giúp gì cho người bệnh, bác sĩ phải giải thích tiến trình thực hiện, song song đó là kỹ thuật sinh thiết này có thể xảy ra những tai biến hoặc những điều không mong muốn gì.

Người bệnh phải được chuẩn bị đặc biệt, vì khi thực hiện sinh thiết sẽ có: rạch da, lấy đi mẫu mô, chảy máu, bắt buộc người bệnh phải được xét nghiệm những vấn đề liên quan đến đông (cầm) máu.

Ở những cơ quan phổi, bụng phải có sẵn chẩn đoán về hình ảnh để thủ thuật viên làm sinh thiết nội soi định vị và sinh thiết chính xác ngay tại vị trí đó.

Sau khi sinh thiết xong, bác sĩ phải dặn dò kế hoạch theo dõi để người bệnh (người sinh thiết) cảm thấy yên tâm hơn, dễ dàng chấp nhận hướng sinh thiết mà bác sĩ đưa ra.



10. Xin cảm ơn bác sĩ Nguyễn Thiện Nhân! Ngoài những chia sẻ này, bác sĩ có thể nhắn nhủ đôi điều với bạn đọc của AloBacsi không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân

Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật giúp cho người bệnh được chẩn đoán nhanh chóng, chính xác mà trước đây phải cần đến những mẫu mô rất lớn để chẩn đoán bệnh. Với khoa học phát triển ngày nay, chỉ cần những mẫu mô rất nhỏ, thậm chí như sinh thiết lỏng mà tôi đã nói ở trên, chúng ta chỉ cần lấy máu là đã biết kết quả rồi.

Nhưng hiện tại, sinh thiết lỏng mới ở giai đoạn sơ khởi thôi, tức là hỗ trợ cho chúng ta, thay vì sinh thiết cả khối bướu để tìm đột biến gene chứ chúng ta không thể đánh đồng rằng sinh thiết lỏng hiện nay thay thế hoàn toàn vai trò của sinh thiết truyền thống trước đây.

Dự kiến trong tương lai, với rất nhiều công trình nghiên cứu, khả năng phát hiện được các bệnh lý ung thư sẽ được nâng cao lên, các kỹ thuật được tăng độ nhạy lên, sinh thiết lỏng có thể lấy từ máu, từ dịch của các cơ quan trong cơ thể người, bấy giờ sinh thiết lỏng mới thay thế được sinh thiết truyền thống.

Chính vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng vai trò của sinh thiết lỏng hiện nay chỉ giới hạn ở một tình huống nào đó, còn tất cả bệnh lý liên quan đến khối bướu thì vẫn phải sinh thiết theo kiểu truyền thống. Và, tùy theo mức độ xâm nhập, tùy theo vị trí cơ quan mà người bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật sinh thiết ở mức độ an toàn nhất và đạt được chẩn đoán chính xác nhất.

AloBacsi trân trọng cảm ơn bác sĩ Nguyễn Thiện Nhân đã dành thời gian quý báu để chia sẻ về sinh thiết - một vấn đề khiến nhiều bệnh nhân băn khoăn, lo lắng. Buổi giao lưu trực tuyến cùng bác sĩ thật sự đã mang đến nhiều thông tin hữu ích, sáng rõ về thủ thuật này. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo! - Ảnh: Hoàng Long

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - Khoa Ung Bướu và Y Học Hạt Nhân Bệnh viện Nhân Dân 115

Bằng cấp chuyên môn:

- Tốt nghiệp Đại học Y dược TPHCM năm 1998

- Tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa I tại trường Đại học Y dược TPHCM năm 2004

- Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa II năm 2017

Quá trình công tác:

- Nguyên bác sĩ điều trị tại BV Phạm Ngọc Thạch

- Bác sĩ điều trị tại khoa Ung bướu và Y học hạt nhân - BV Nhân dân 115 từ năm 2015 đến nay

Hội viên các hội chuyên ngành:

- Hội viên Hội Phòng chống ung thư Việt Nam

Thực hiện: Hồng Nhung - Mỹ Thi
Ảnh: Hoàng Long - Hồng Nhung
Công thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X