Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Lê Hồng Anh: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng, phòng bệnh phổi và hô hấp thế nào?

Tình trạng ô nhiễm không khí ở nước ta đang diễn biến phức tạp với chỉ số bụi PM 2,5 vượt ngưỡng an toàn. Ô nhiễm không khí tác động trực tiếp đến cơ quan hô hấp và gây ra nhiều bệnh liên quan. Vậy đề phòng bệnh phổi và hô hấp như thế nào, mời bạn đọc theo dõi bài tư vấn của BS.CK2 Lê Hồng Anh.

BS.CK2 Lê Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Phổi Sài Gòn. Ảnh: Viết Hưởng
BS.CK2 Lê Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm hô hấp, Phòng khám phổi Sài Gòn, có hơn 15 năm kinh nghiệm công tác tại Bệnh viện chuyên khoa khoa Lao - Phổi Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Viết Hưởng
NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN
Thưa bác sĩ,

Tin tức báo động về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TPHCM khiến nhiều người lo lắng. Xin bác sĩ cho biết không khí ô nhiễm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe nói chung?


BS.CK2 Lê Hồng Anh
Bạn thân mến,

Tình trạng ô nhiễm không khí được xem như xuất hiện những chất lạ trong không khí ở mức độ đáng kể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người hay môi trường sinh thái.

Khi xét riêng, tác hại của việc ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên là hệ hô hấp (tai mũi họng, phổi), kế đó là hệ tim mạch, dĩ nhiên nếu mức độ ô nhiễm càng cao thì việc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người sẽ càng nặng nề.

Ô nhiễm không khí ngày nay nổi bật nhất đối với môi trường không khí trong nhà ở và đô thị Việt Nam được xét vào một trong 10 quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất.


Riêng hệ hô hấp, không khí ô nhiễm có tác hại như thế nào, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Lê Hồng Anh

Xét riêng hệ hô hấp, việc ô nhiễm không khí sẽ gây tác hại khi có sự hiện diện của một số chất như: khói thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Ngoài ra, khí radon là một chất khí bức xạ tự nhiên từ bề mặt trái đất cũng là nguyên nhân gây ung thư phổi.

Đối với người đang mắc các bệnh hô hấp như: hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay viêm phế quản cấp hay mạn tính… thì việc ô nhiêm không khí có thể làm cho tình trạng bệnh khó kiểm soát, thậm chí là nặng hơn.


Khi đi ra đường, người dân cần trang bị thế nào để bảo vệ sức khỏe? Khẩu trang y tế và khẩu trang vải có hiệu quả không ạ?

BS.CK2 Lê Hồng Anh
Trong điều kiện hiện nay việc ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các khu đô thị là mức độ cao nhất do sự vượt ngưỡng của các chất gây ô nhiễm không khí như: khói xe, bụi, khí thải công nghiệp…

Người dân đi ra đường rất nên mang khẩu trang y tế để giảm bớt lượng khí độc hít vào hệ hô hấp. Khẩu trang y tế và khẩu trang vải chỉ hạn chế hay giảm bớt lượng chất độc hít vào hệ hô hấp chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn vì các phân tử của các chất độc này nhỏ, có thể đi qua màng chắn của khẩu trang. Tuy nhiên, việc mang khẩu trang y tế hay khẩu trang vải rất có ý nghĩa vì giảm đáng kể lượng khí độc hít vào cơ thể.

Khẩu trang y tế hiện trên thị trường có rất nhiều loại, trong đó loại chuẩn thường có ký hiệu là N95, loại khẩu trang này có thể ngăn chặn được vi khuẩn, virut hoặc những hạt bụi nhỏ. Tuy nhiên, loại khẩu trang này tương đối chi phí khá cao (khoảng 70 - 80.000 đồng/cái sử dụng trong vòng 1 tuần) và không phổ biến. Bạn đọc có thể tìm mua ở các cửa hàng thiết bị y tế. Còn lại các khẩu trang khác khả năng lọc khuẩn, chắn chất độc không khí khá hạn chế.
Với tình trạng ô nhiễm không khí và nhiều bụi bẩn như hiện nay, người dân chú ý đeo khẩu trang khi đi ra đường. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Với tình trạng ô nhiễm không khí và nhiều bụi bẩn như hiện nay, người dân chú ý đeo khẩu trang khi đi ra đường. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách vệ sinh mũi họng sau khi đi ra đường?

BS.CK2 Lê Hồng Anh

Mặc dù hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí là báo động, đặc biệt trong môi trường đô thị, ví dụ như tại TPHCM. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên quá lo lắng, vì cơ thể chúng ta bình thường có một chức năng lọc khuẩn, lọc bụi rất tốt. Chức năng này nằm tại cửa ngõ đầu tiên của hệ hô hấp con người như vùng mũi hầu họng, khí quản, phế quản… Với những cơ quan này một cơ thể bình thường hoàn toàn có thể hạn chế hoặc ngăn chặn được các vi khuẩn, các hạt khí độc ở mức độ thông thường.
Do vậy, các bạn không cần phải nghĩ đến việc cần vệ sinh mũi họng sau khi đi ra đường, chúng ta chỉ cần vệ sinh đơn giản bằng tay với nước sạch của khoang mũi bên ngoài là đủ.


Theo bác sĩ, liệu có loại thuốc hay sản phẩm nào giúp thanh lọc phổi không?

BS.CK2 Lê Hồng Anh


Đây là thắc mắc của rất nhiều người, tuy nhiên chúng ta cần biết rằng phổi là một cơ quan trong cơ thể hoạt động hài hòa với các cơ quan khác và tự bản thân lá phổi nếu khỏe khoắn sẽ có chức năng tự bảo vệ và thanh lọc các chất độc.

Trên cơ sở đó, nếu chúng ta giữ lá phổi khỏe mạnh bằng cách không hút thuốc lá (chủ động và thụ động), đeo khẩu trang khi ra đường để tránh phần nào khói bụi, điều trị tốt các bệnh tại phổi như hen suyễn, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì lúc đó lá phổi sẽ hoàn thành tốt chức năng tự bảo vệ và thanh lọc các khí độc.

Cần nói thêm rằng một cơ thể khỏe mạnh thường sẽ có một hệ hô hấp tốt và khả năng tự bảo vệ và thanh lọc các khí độc cũng tốt.
BS Hồng Anh xem kỹ câu hỏi để mang đến cho bạn đọc câu trả lời đầy đủ và chính xác nhất. Ảnh: Hoàng Long
BS Hồng Anh xem kỹ câu hỏi để mang đến cho bạn đọc câu trả lời đầy đủ và chính xác nhất. Ảnh: Hoàng Long
Trường hợp nào thì người dân nên đi kiểm tra sức khỏe của hệ hô hấp? Họ sẽ được làm những xét nghiệm gì ạ?

BS.CK2 Lê Hồng Anh

Nếu bạn có bất kỳ những biểu hiện bất thường nào của hệ hô hấp như ho, khạc đàm, tức ngực, khó thở, khò khè hay nặng hơn là ho đàm dính máu… mà kéo dài trong vài ngày, 1-2 tuần thì rất nên đi kiểm tra sức khỏe hệ hô hấp.

Khi bạn đến các cơ sở chuyên khoa về Hô hấp, bạn sẽ được hỏi bệnh, thăm khám và làm các xét nghiệm từ đơn giản đến phức tạp (nếu cần thiết). Xét nghiệm đơn giản là chụp X-Quang phổi thẳng tiêu chuẩn, đo chức năng hô hấp, có thể làm xét nghiệm đàm nếu cần thiết. Những xét nghiệm chuyên sâu hơn là xét nghiệm máu, CT ngực, nội soi phổi… khi cần thiết để tìm bệnh.


Người bị hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong tình hình không khí ô nhiễm hiện nay? Làm sao để hạn chế ảnh hưởng này?

BS.CK2 Lê Hồng Anh

Người bị hen suyễn có đặc điểm là hạn chế, tắc nghẽn hô hấp do dị ứng với một dị nguyên nào đó. Do vậy, nếu tình trạng ô nhiễm không khí mà có chất gây dị ứng cho đối tượng bệnh nhân này (khói thuốc lá, khói xe, phấn hoa, một số mùi…) sẽ làm tình trạng hen suyễn bệnh nhân nặng hơn và khó kiểm soát.

Đối với người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì bản thân phổi đã có tình trạng hạn chế hô hấp. Do đó, việc ô nhiễm không khí sẽ làm tăng kích thích đường hô hấp, khiến tình trạng tắc nghẽn và hạn chế của bệnh nhân nặng hơn.

Với 2 loại bệnh trên để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm không khí cách tốt nhất là hạn chế hoặc tránh môi trường bị ô nhiễm. Nếu không làm được như vậy mà bắt buộc phải tiếp xúc với môi trường này thì nên đeo khẩu trang y tế để hạn chế ảnh hưởng.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất vẫn là bệnh nhân hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn nên tuân thủ điều trị đúng để kiểm soát tình trạng bệnh tốt nhất.
ô nhiễm không khí mà có chất gây dị ứng cho đối tượng bệnh nhân này (khói thuốc lá, khói xe, phấn hoa, một số mùi…) sẽ làm tình trạng hen suyễn bệnh nhân nặng hơn. Ảnh: Hoàng Long
Ô nhiễm không khí có chất gây dị ứng cho đối tượng bệnh nhân hen suyễn sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn. Ảnh: Hoàng Long
Ung thư phổi gây ra do hút thuốc lá và do khói bụi ô nhiễm có khác nhau không ạ? Khi có dấu hiệu nào thì nên đi tầm soát ung thư phổi?

BS.CK2 Lê Hồng Anh

Có một số chất gây ô nhiễm không khí là nguyên nhân đưa đến loại ung thư phổi đặc trưng như: khói thuốc lá hay khí radon gây ô nhiễm không khí thường đưa đến ung thư phổi loại biểu mô tuyến, tế bào gai,… Trong khi đó, ô nhiễm không khí do amiăng (bụi) lại là nguyên nhân chính gây ung thư màng phổi.

Do vậy, việc xem xét tiền căn bệnh nhân từng tiếp xúc lâu dài với tình trạng ô nhiễm không khí ra sao cũng là yếu tố quan trọng giúp bác sĩ hướng đến loại ung thư nào bệnh nhân có thể mắc.

Hiện nay, “khắc tinh” của ung thư phổi là việc tầm soát phát hiện sớm. Bệnh ung thư phổi có đặc điểm biểu hiện ra bên ngoài rất ít hay không có nhưng thật sự đã diễn tiến âm thầm lan rộng trong cơ thể người bệnh. Do vậy, nếu xét vấn đề tầm soát ung thư phổi thì nên chủ động khi có ít triệu chứng hoặc không, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao như: hút thuốc lá lâu năm, hít khói thuốc lá thụ động, bệnh phổi kéo dài, người trên 50 tuổi…

Chúng ta chủ động tầm soát sớm ung thư phổi nếu phát hiện sớm ở giai đoạn 1A hay 1B thì khả năng chữa trị hết hẳn trên 80%, nếu phát hiện ở giai đoạn trễ hơn hiệu quả điều trị rất kém, đặc biệt khi đã ở giai đoạn 3, 4.

Việc tầm soát ung thư phổi hiện nay trên thế giới các nước đều công nhận tiêu chuẩn là CT ngực liều thấp, dựa trên kết quả này bạn có thể phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn rất sớm (nếu có).

Ngoài ra, để yên tâm và tránh mất nhiều thời gian, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên sâu về bệnh phổi để có kết quả sớm và tốt nhất.
một số chất gây ô nhiễm không khí là nguyên nhân đưa đến loại ung thư phổi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Một số chất gây ô nhiễm không khí là nguyên nhân của bệnh ung thư phổi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Theo bác sĩ, các loại cây xanh nào nên trồng trong nhà có thể giúp thanh lọc không khí?

BS.CK2 Lê Hồng Anh

Chúng ta đều biết cây xanh có đặc điểm hấp thụ khí CO2 và nhả ra ngoài khí O2. Việc trồng cây xanh trong nhà có thể tăng hàm lượng oxy. Tuy nhiên, một vài loại cây xanh có thể tỏa ra mùi riêng biệt và mùi này có thể gây ảnh hưởng đến một vài đối tượng, ví dụ mùi hoa ly có thể gây bộc phát cơn hen ở người hen phế quản…

Nhìn chung chúng ta cũng nên chú ý và cân nhắc khi trồng cây xanh trong nhà, đặc biệt nếu gia đình có người bị bệnh phổi như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn… Một số cây xanh bạn có thể trồng trong nhà như cây lưỡi hổ, trúc mây, cây trầu bà, cây bàng Singapore…

Bên cạnh đó, chúng ta biết rằng đặc điểm quang hợp của cây xanh khi có ánh nắng mặt trời thì quá trình quang hợp cây xanh sẽ hút khí CO2 và thải ra O2, ngược lại vào ban đêm khi không có ánh nắng mặt trời thì cây thực hiện quá trình hô hấp, hút lại khí O2 và thải ra CO2.

Do đó, chúng ta lưu ý, nếu trồng cây xanh trong nhà mà gây khó chịu đặc biệt về ban đêm do tăng hàm lượng khí CO2 đáng kể thì nên giảm bớt lượng cây xanh trong nhà, hoặc nên chỉ trồng để ở phòng khách (hoặc phòng thông thoáng, rộng rãi), hạn chế để ở phòng ngủ.

Tại phòng khám Phổi Sài Gòn có máy lọc không khí không ạ? Theo bác sĩ, chúng ta có nên mua máy này lắp tại nhà không?

BS.CK2 Lê Hồng Anh

Tại phòng khám Phổi Sài Gòn đều có máy lọc không khí ở mỗi phòng khám, phòng X-Quang, phòng đo chức năng hô hấp.

Máy lọc không khí là một phát minh mới sau này rất hữu ích với chức năng lọc khí, diệt khuẩn, khử mùi… làm không khí trở nên sạch sẽ, trong lành. Chúng ta rất nên lắp đặt máy lọc không khí trong phòng có máy lạnh hay việc lưu thông không khí hạn chế, đặc biệt hữu ích đối với phòng của trẻ em, người lớn tuổi hay người có bệnh về hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK2 Lê Hồng Anh đã dành thời gian để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc. Xin hẹn bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo.

Thực hiện: Yến Phương - Ảnh: Hoàng Long/Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X