Hotline 24/7
08983-08983

BS Lương Lễ Hoàng - bác sĩ của "Y khoa vui vẻ" giao lưu trực tuyến tư vấn cùng bạn đọc AloBacsi

Chiều 23/3, bác sĩ của “y khoa vui vẻ” - Lương Lễ Hoàng đã dành hơn 2 giờ đồng hồ để tư vấn, trao đổi trực tiếp cùng bạn đọc AloBacsi.

Thẳng thắn nhưng dí dỏm mà thâm thúy, các vấn đề y khoa được BS Lương Lễ Hoàng truyền tải luôn hấp dẫn bạn đọc. Dù vấn đề không mới, nhưng dưới cách nói của ông, ai nghe cũng háo hức như lần đầu.

Ông là vị bác sĩ hay hỏi ngược lại bệnh nhân - những câu hỏi lật ngược lại vấn đề, chỉ hỏi thôi, người đối thoại cũng tự biết câu trả lời. Đôi khi, chỉ nghe ông hỏi, người bệnh cũng thấy khỏe, thấy hết bệnh bởi thực chất “nhiều người bệnh là do lo quá mà ra”.

Trong email gửi cách 2 tiếng trước khi bước vào cuộc giao lưu trực tuyến với AloBacsi, ông bày tỏ: “Tôi rất mong câu trả lời của tôi được giữ nguyên, không cắt xén, kể cả những đoạn có thể nhạy cảm với người đọc, kể cả những đoạn "mất lòng". Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung các câu trả lời!”

Hãy cùng xem vị bác sĩ của “y khoa vui vẻ” đối đáp cùng bạn đọc AloBacsi về một chủ đề khiến nhiều bạn đọc hoang mang “mì ăn liền - lợi hay hại” và chắc bạn sẽ tự tìm ra câu trả lời đúng cho riêng mình.

Nhà báo Hồng Tâm tặng hoa cảm ơn BS Lương Lễ Hoàng (phải) đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi

NỘI DUNG GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

- Hà Hoàng Phương Nhi - đường Dã Tượng, Đà Lạt, Lâm Đồng

Thưa BS, trong gói gia vị của mì ăn liền có những thành phần gì, những chất này có phải hóa học nếu ăn nhiều không tốt cho sức khỏe? Hiện tại báo chí thường nói ăn nhiều bột ngọt không tốt cho sức khỏe? Vậy xin hỏi trong gói gia vị đó có bột ngọt hay không, nếu có phải chăng những chất này sẽ gây ảnh hưởng đến trí nhớ người tiêu dùng? Xin cảm ơn.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn Phương Nhi,

Để đảm bảo khẩu vị ngon miệng và hưng phấn tiêu hóa, mì ăn liền tất nhiên phải có gói gia vị gồm bột ngọt, bột nêm, gia vị sấy khô… với tỷ lệ và thành phần tùy theo nhà sản xuất.

Với nhà sản xuất có uy tín thương hiệu trên khắp năm châu, có bề dày lịch sử gần cả thế kỷ, như Acecook, người tiêu dùng không phải ái ngại vì thành phần gói gia vị tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và về chất phụ gia.

Nguồn tin ăn quá nhiều bột ngọt tất nhiên không sai vì ngay cả nước lã dùng sai, dùng lố cũng sinh bệnh, nói chi bột ngọt? Nhưng phải nhiều mới bất lợi. Với lượng bột ngọt không bao nhiêu trong gói mì ăn liền làm sao có thể sinh bệnh, trừ khi chuyện phi lý là người tiêu dùng không ăn gì hết mà ngày nào chỉ ròng 5-7 gói mì?!

Dùng mì ăn liền không thể gây hại nếu “thực khách” bên cạnh gói mì ăn liền là chế độ sinh hoạt dinh dưỡng cân đối với cung cầu. Lượng bột ngọt vừa phải trong gói mì ăn liền thậm chí là đòn bẩy cho chức năng tư duy cho người phải làm việc trí óc. Bột ngọt ở lượng cường điệu chỉ có hại cho đối tượng đã vướng rối loạn biến dưỡng, chẳng hạn người bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu, béo phì…


- Hoài Thanh - thanhhoainguyen…@gmail.com

Tôi bị đau dạ dày 5 năm nay. Hôm nào mà đau quá cả đêm không ngủ được, đến khuya khoảng 1-2g tôi thường dậy ăn gói mì rồi mới uống thuốc. Xin hỏi sau khi ăn mì mà uống thuốc liền thì có gây tác hại gì không? Người đang bị đau dạ dày ăn mì Hảo Hảo chua cay thì có làm bệnh tình nặng hơn? Cảm ơn BS đã dành thời gian giải đáp.

BS Lương Lễ Hoàng:

Hoài Thanh thân mến,

Nói chung, vị chua cay của mì ăn liền, cụ thể như với hương vị Tom Yum, chỉ bất lợi khi đang điều trị viêm dạ dày trong cơn cấp tính vì có thể kích ứng niêm mạc da dày bài tiết thêm chất chua. Nên biết là thầy thuốc ở Thái Lan thậm chí dùng lá chúc, nguyên liệu sản xuất Tom Yum, để điều trị viêm loét dạ dày và viêm đại tràng mãn.

Điều Hoài Thanh nên lưu ý là tùy theo loại thuốc trị viêm loét dạ dày mà phải uống lúc bụng đói hay no. Thói quen đợi đau rồi mới thực dậy ăn mì gói và uống thuốc là sai lầm nghiêm trọng vì bệnh không thể lành nếu chỉ chữa cháy cầm canh.

Thay vì đợi nước đến chân mới nhảy bệnh nhân nên tập thói quen uống thêm cữ thuốc bao tử trước khi ngủ và sau khi ăn gói mì loại có nhiều đạm cần thiết để làm lành vết loét như mì rong biển + miso (Wakame, Aceccok). Kết quả áp dụng hình thức này cho 30 bệnh nhân viêm loét dạ dày cho thấy hiệu quả điều trị với thuốc đặc hiệu được cải thiện rõ rệt.

- Phương Linh - linhlndy…@gmail.com

Em làm việc vào ban đêm nhiều, thường trước khi ngủ sẽ ăn 1 gói mì rồi mới ngủ được. Mà ăn mì đêm khuya nó thơm và ngon không chịu được. Nhưng chị của em thì bảo ăn mì vào ban đêm sẽ mập ú cho mà xem, thậm chí còn hù dọa ăn 1 gói mì vào ban đêm thì phải chạy đủ 60 phút/ ngày mới không bị tăng cân? Như vậy có đúng không thưa BS? Mong nhận được sự tư vấn của BS.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào Phương Linh,

Tăng cân đi kèm rối loạn biến dưỡng chỉ xảy ra khi mất quân bình cung cầu, khi đầu vào thì thừa trong khi đầu ra bế tắc! Với thực phẩm chủ yếu là tinh bột, như mì ăn liền, ở người đã thừa năng lượng lại thiếu vận động thì mỡ thừa không được đốt hết và tích lũy trên thành bụng, đùi, mông…

Với người làm việc nhiều, cho dù chỉ cần làm việc trí óc, người tiêu hao hết sạch năng lượng thì gói mì ăn liền làm sao biến nổi thực khách thành béo phì? Trái lại, chính nhờ cảm giác no bụng, ngon miệng, khỏe vì hết tụt đường huyết khiến tuyến yên bài tiết serotinin cho giấc ngủ yên bình, endorphin cho cảm giác yêu đời khi thức dậy.

Chính nhờ no bụng, nhờ đủ đường huyết mà thực khách ngủ ngon, mà tiến trình tổng hợp collagen dưới da được thực hiện với tiến độ và năng suất như mong muốn để “thực khách” sẵn sàng chào ngày mới với nếp nhăn ưu tư trên trán, quanh khóe mắt là chuyện của… người khác.


- Kao Bá Thoại - Hà Nội

Kính gửi AloBacsi, bé nhà em 6 tuổi, ăn uống hơi kén nhưng nếu cho một ít mì tôm vào thì bé ăn thun thút ngay. Nhưng em lo là bé ăn mì tôm nhiều sẽ khó tiêu. Xin bác sĩ tư vấn cho em xem em có nên cho con ăn mì không?

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn Thoại,

Trước hết, chuyện trẻ khoái khẩu khi dùng mì tôm như món ăn kèm, thậm chí như “gia vị” của bữa ăn, cho thấy trẻ đang thiếu muối ăn. Phụ huynh nên nêm nếm món ăn cho ngon, cho đậm đà, đừng nên nếm theo lời khuyên lý thuyết và món ăn quái dị của “chuyên gia dinh dưỡng” chưa hề nuôi con ngày nào.

Với khẩu phần mì tôm vừa phải trẻ không thể khó tiêu. Khéo hơn nữa, an tâm hơn nữa, nếu phụ huynh đừng quên khẩu phần với mì ăn liền càng đa dạng càng tốt, càng biến chế càng hay, lúc thì mì nấu, khi thì mì xào, bữa lại mì khô. Thêm vào đó, kèm chút rau cải, thêm trái cây tráng miệng, thêm sữa chua có men vi sinh thì bữa ăn với mì ăn liền chắc chắn đúng nghĩa ngon lành, vừa ngon, vừa lành bạn nhé!

 

- Trương Quang Hiệp - 188 Nguyễn Xí, Bình Thạnh, TPHCM

Xin chào AloBacsi, vì sao mùi mì gói trên máy bay lại thơm quá vậy? Sao em pha ở nhà cũng mì đó mà lại không thơm bằng? Có phải mì trên máy bay là loại đặc biệt hơn không?

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

 

Mì trên máy bay cũng là mì dưới đất. Mì ăn liền trên máy bay thơm vì trên máy bay nhiệt độ thường thấp nên mùi thơm đậm đà hơn, vì hành khách đói hơn do cao độ, do hàm lượng dưỡng khí, vì đã mệt nhoài căng thẳng trước khi lên máy bay. Muốn mì ăn liền ở nhà cũng ngon như trên máy bay thì phòng ăn cần mát lạnh, thì thực khách phải... đói meo.


- Nguyễn Lệ Chi - Chợ Gạo, Tiền Giang

Chào BS,

Con trai tôi có tật là thích ăn cơm với muối mì gói, mỗi khi ăn cháu lại bóc một gói mì nhưng chỉ lấy muối thôi. Tôi thấy tiếc nên cứ cất lại rồi khi nào có nhu cầu thì mang ra ăn. Xin hỏi BS những gói mì đã bóc ra rồi thì nên ăn trong bao lâu là tốt nhất? Nếu để lâu có nên sử dụng tiếp hay không? Tôi bảo quản cũng kĩ lắm. Cột miệng gói mì bằng dây thun rồi bỏ vào thùng giấy đóng kín. Như vậy ăn lại chắc không việc gì chứ BS nhỉ? Chân thành cảm ơn BS đã giải đáp.

BS Lương Lễ Hoàng:

Lệ Chi thân mến!

Ăn cơm với muối mì gói cho dù ngon miệng vẫn không là thượng sách. Trẻ nếu thích dùng gói bột nêm của mì ăn liền là vì trẻ thiếu món ăn mặn mà. Một mặt, phụ huynh nên xem lại cách nêm nếm. Mặt khác phụ huynh có thể dùng gói bột nêm của mì ăn liền để ướp thịt cá, thay vì chỉ cho trẻ dùng bột nêm một cách đơn điệu.

Mì gói sau khi bóc ra nên ăn liền trong ngày, hoặc có thể bảo quản nhiều ngày trong tủ lạnh, thay vì chọn cách không an toàn bằng cách bỏ vào thùng giấy đóng kín vì vẫn không phòng tránh được nấm mốc trước ẩm độ trong phòng, trong thùng giấy.

Chúc con bạn mau ăn chóng lớn nhé!


- Hoàng Lê Ái Phương - aiphuong…@gmail.com

Cháu thấy chị cháu mỗi lần ăn mì gói thường bỏ gói dầu. Cháu thắc mắc hỏi thì chị bảo gói đó toàn hóa chất độc hại, không tốt cho sức khỏe. Xin hỏi BS chị cháu làm như vậy có đúng không ạ? Cháu xin cám ơn.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào Ái Phương,

Quan điểm về gói dầu trong gói mì ăn liền của chị cháu hoàn toàn sai lầm. Trước hết, gói dầu được giữ riêng phần vì không thể bảo quản chung với các thành phần trong gói bột nêm, phần vì tùy theo cách ăn của thực khách. Kế đến, nhờ gói dầu mà mì ăn liền có hương vị độc đáo. Sau hết, nhưng quan trọng hơn hết, nhờ gói dầu mà thành phần dinh dưỡng đường, đạm, béo của gói mì ăn liền được cân đối.

Nếu gói dầu chỉ chứa toàn chất độc hại thì nhà sản xuất đánh đổi với uy tín thương hiệu. Nếu gói dầu chỉ toàn chất độc hại, nghĩa là trái với quy định an toàn thực phẩm, làm sao sản phẩm đến được tay người tiêu dùng? Bỏ gói dầu thà đừng ăn mì tốt hơn.


- Hani An Bui - hanimi…@gmail.com

Hồi trước em có ăn “mì tôm chanh” hộp vuông ngon vô cùng. Đó là mì xào, không phải mì nước. Nhưng sao dạo này em tìm trong siêu thị không thấy nữa. Không biết có phải công ty Acecook không sản xuất nữa hay không?

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào em,

Để trả lời câu hỏi của em, tôi có liên lạc với công ty Acecook thì được biết, Acecook không có sản phẩm như em miêu tả, có thể là sản phẩm của công ty khác chăng? Tuy nhiên, hiện nay Acecook Việt Nam có sản phẩm mì khay (tức hộp vuông như khay nên gọi là mì khay), với thương hiệu sản phẩm là TÁO QUÂN. Vì vậy em tìm mua thử sản phẩm Táo Quân nhé, hy vọng là em sẽ hài lòng.

 

- Diệu Hà - Q.4, TPHCM

Chào bác sĩ, vì tính chất công việc mà gần đây em thường thức khuya làm việc, kéo dài đến 1-2 giờ sáng. Bởi vậy, bên cạnh bữa tối thì em còn ăn khuya, thường ăn mì “chống đói”. Dạo này mặt em nổi mụn, bạn bè đồng nghiệp cháu bảo là do ăn khuya bằng mì gói, nóng trong người nên mới thế. Không biết có phải như vậy không ạ? Mong BS cho lời khuyên.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Nếu mì ăn liền là lý do đơn phương gây nổii mụn ở người trưởng thành thì chỉ nói riêng với sản phẩm của ACECOOK, với số lượng gần 3 tỷ gói mì hàng năm, chắc xứ mình ai nấy đều nổi mụn?!

Mụn ở người trưởng thành gắn liền với l số nhân tố đã được xác minh qua nhiều công trình nghiên cứu theo tiêu chí khách quan và thực nghiệm. Đó là rối loạn nội tiết tố, thức khuya, lạm dụng bia rượu thuốc lá và vừa lên hàng đầu trong thời gian gần đây: Stress!

Cớ sao lại đổ thừa cho mì ăn liền khi nhiều người khác cũng ăn khuya nhưng nào có nổi mụn?!

 

 

- Lê Thị Hồng Hoa - Q.Tân Phú, TPHCM

Hai con tôi dạo này hay ăn mì ăn liền của Hàn Quốc. Nhưng tôi thấy vắt mì quá lớn, nước sốt cũng rất nhiều. Tôi đang lo khẩu phần ăn như vậy có lớn quá không? Các cháu ăn nhiều sẽ quen dạ và mập. Xin hỏi, các con tôi (14 và 21 tuổi) nên ăn khẩu phần bao nhiêu là đủ? Ăn mì ăn liền thay cơm có được không? Kính lời chúc sức khỏe và cảm ơn bác sĩ đã tư vấn.

 

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Khẩu phần nhiều ít tùy thuộc nhu cầu tiêu thụ, không tùy thuộc tuổi. Nếu con chị tiêu hao nhiều năng năng lượng hợp lý cho học tập, lao động, thê dục thể thao… thì không có vắt mì nào quá lớn. Ngược lại nếu con chị ngồi ỳ quẹt máy tính bảng, thức khuya xem truyền hình, lên mạng thì nhúm nhỏ mì ăn liến cũng là thừa! Đừng dựa vào tiêu chí lớn nhỏ của gói mì. Trái lại, nhìn cho kỹ người ăn mì!


 

 

- Nguyễn Thị Bay - Long Hải, BRVT

Từ trước đến nay tôi ăn mì ăn liền thường thấy màu vàng, tôi nghĩ là do người ta chiên giòn nên nó có màu đó. Nhưng gần đây khi tôi ăn một số gói mì không chiên cũng thấy màu vàng, nhất là bịch mì dùng để ăn lẩu của A-xê-cúc. Vì sao mì không chiên cũng có màu vàng? Cho tôi hỏi màu vàng đó là gì? Ăn có độc không? Cảm ơn.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Màu vàng trong các loại mì ăn liền của Acecook có lợi điểm là dùng chất màu tự nhiên của nghệ. Chiên hay không chiên màu cũng vàng bắt mắt mà không sợ tai hại của phẩm máu hóa chất.

Thêm vào đó, nhờ nghệ nên mì ăn liền của Acecook góp phần bảo vệ niêm mạc của da dày để thực khách, cho dù có yếu đường tiêu hóa, vẫn không sợ ợ chua, đầy hơi.

- Thucvan1985..@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Ăn mỳ gói nóng trong người là đúng hay sai? Nhiều tranh luận khác nhau về việc ăn mỳ nổi mụn. Em muốn nhờ chuyên gia cho ý kiến công bằng nhất về việc, ăn mỳ thường xuyên sẽ gây hại cho sức khỏe ?

Có phải loại mỳ gói không chiên sẽ ít nóng hơn mỳ gói có chiên? Nhờ các chuyên gia giới thiệu cách nhận biết những dòng mỳ ăn liền nào không bị nóng trong người? Mong mọi người giúp em với ạ, vì em làm khuya thường dùng mỳ gói như 1 bữa phụ vào đêm khuya?

BS Lương Lễ Hoàng:

Mời bạn xem thêm câu trả lời của tôi ở trên bạn nhé!


- Bạn đọc Lê Vỹ - Sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Thưa BS Lương Lễ Hoàng,

Em là fan hâm mộ bác và thường xuyên theo dõi các buổi trò chuyện y khoa của bác trên sóng.

Gần đây em cũng có đọc những thông tin bác trao đổi trong các buổi nói chuyện cuối tuần liên quan đến mì gói.

Em xin phép trích 1 đoạn trong bài: “Bị ung thư do ăn nhiều mì tôm”: Chuyên gia nói gì?” có đoạn viết:

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, nguyên Trưởng khoa Vi chất Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho hay: “Trong mì tôm chứa nhiều chất béo bão hòa, nhất là chất béo chuyển hóa (transfat), tinh bột, muối nhưng lại ít chất xơ. Khi ăn quá nhiều mì ăn liền có chất béo transfat gia tăng các bệnh về chuyển hóa như rối loạn lipid máu. Trong mì ăn liền có nhiều muối cũng làm gia tăng bệnh cao huyết áp, tim mạch, tạo gánh nặng cho thận”.

Cũng theo như cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất béo transfat làm gia tăng cholesterol xấu trong máu tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch. Chất béo transfat khi đi vào cơ thể sẽ hình thành nên các mảng mỡ bám vào thành mạch gây hẹp lòng mạch cản trở lưu thông máu. Gây ra  nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Khi máu bị tắc nghẽn ở não gây nhồi máu não, tắc nghẽn ở tim gây nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn ở chi gây hoại tử các chi.

Một số nghiên cứu về mì tôm cho thấy các chất phụ gia, màu thực phẩm, muối, chất béo bão hòa, ít chất xơ… nếu ăn nhiều trong một thời gian dài dễ gây ra táo bón. Tình trạng táo bón kéo dài có thể làm tăng nguy cơ các bệnh về đường tiêu hóa trong đó có trực tràng.

Một bài khác: Mì ăn liền - "kẻ giết người" thầm lặng đáng sợ

Sự hấp dẫn, tiện lợi của gói mì ăn liền đã khiến chúng ta bị "đầu độc" một cách nhẹ nhàng mà không hề hay biết. Nhưng vì không bỏ được món ăn này, hãy học cách ăn ít gây hại nhất.

Ăn mì tôm, chớ uống nốt nước mì mà mắc bệnh

Việc ăn một gói mì vừa nhanh gọn, vừa rẻ tiền, lại có thể nhanh chóng làm no bụng với hương vị khá thơm ngon như vậy, ít ai nghi ngờ rằng, liệu nó có phải là một món ăn vô hại hay không.

Nghiên cứu cho thấy rằng ăn một bát mì ăn liền tương đương với uống 65ml nước tương (hoặc nước mắm), lượng natri trong một gói mì vượt xa tiểu chuẩn bình thường.

Hầu như chúng ta đều biết rằng, tiêu chuẩn về lượng muối được phép ăn để cơ thể khỏe mạnh không được quá 6 gram/người/ngày.

Nhưng trong thực tế, hàm lượng muối trong một gói mì tôm và gia vị đi kèm cao vượt quá 1,8 lần so với trọng lượng tiêu chuẩn.

Mong bác sĩ cho em giải thích các thông tin trên các báo trên có chính xác?

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Thông tin trên truyền thông y học đại chúng với trọng điểm là thành phần của mì ăn liền là chính xác về mặt khoa học. Điểm đáng tiếc, có thể nói là điểm thiếu sót trong những bản tin là điều kiện ắt có và đủ để hoạt chất bất lợi cho sức khỏe đủ sức gây bệnh!

Cho dù nhà khoa học có thể băn khoăn, thậm chí lo lắng khi phát hiện những chất có thể gây bệnh, như đã được mô tả trong nhiều bản tin dưới tiêu đề “Hội chứng chuyển hóa” bao gồm: béo phì, tăng mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường… Nhưng bệnh xảy ra hay không còn tùy nhiều yếu tố như: hàm lượng tích lũy trong cơ thể, chức năng biến dưỡng, khả năng giải độc của lá gan, bệnh có sẵn… Như thế, nếu chỉ dựa vào hàm lượng của một vài chất x,y nào đó để kết luận như đó là nguyên nhân chắc chắn dẫn đến bệnh hoạn thì suy đoán này trong đại đa số trường hợp là phỏng đoán phiến diện. Đó cũng là lý do tại sao kết quả xét nghiệm trong phòng xét nghiệm (in vitro) khác xa hệ quả trong cơ thể con người (in vivo).

Dùng mì ăn liền có sinh bệnh hay không hoàn toàn không chỉ tùy thuộc vào hàm lượng mà chịu ảnh hưởng rõ ràng của khả năng dung nạp và tiến độ biến dưỡng cá biệt của mỗi người tiêu dùng. Các kết quả nghiên cứu về cái gọi là tác hại của thực phẩm dưới dạng mì ăn liền cho đến nay vẫn chưa đủ để đi đến kết luận khẳng định. Trái lại, số người đã, đang và chắc chắn ưa chuộng món ăn này, số người đến nay vẫn khỏe, vẫn vui, chính là tiêu chí khách quan và thậm chí thực nghiệm để trả lời cho câu hỏi đang làm nhiều người lo lắng. Đó là liệu nỗi lo về mì ăn liền có làm nỗi lo thái quá? Hỏi nhiều khi đã biết câu trả lời.

 

- Trịnh Ngọc Minh Thương - Trần Nhân Tôn, Q.5, TPHCM

Có “oan ức” khi cho rằng mì ăn liền không có giá trị dinh dưỡng và không có ích cho sức khỏe? Nếu một tô mì có cho thêm thịt và rau thì có cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn 1 bữa ăn bình thường?

BS Lương Lễ Hoàng:

Người hỏi đã tự trả lời. Nếu mì ăn liền không có giá trị dinh dưỡng, không có ích cho sức khỏe, làm sao món này tồn tại cả trăm năm? Món ăn công nghệ nào nếu được châm thêm món tươi tất nhiên cũng bổ ích hơn chỉ dùng nguyên bản theo kiều đời ta ngày nào cũng thế mà thôi.

- Trần Văn Định - Gò Vấp, TPHCM

Không có tủ lạnh, bảo quản mì ăn liền (đã bóc vỏ) ở ngoài môi trường bao lâu là hợp lí? Em thường ăn 1,5 gói mì, vậy nửa gói còn lại thì để được bao lâu? Cảm ơn bác sĩ.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn Định,

Nếu không có tủ lạnh, có thể bảo quản vắt mì chưa dùng ở nơi thoáng mát vài ngày, trong bao bì nguyên thủy của gói mì. Cách tốt nhất vì an toàn nhất là mở gói nào dùng hết gói đó. Chọn chi 1,5 gói? Sao không kiếm bạn cùng ăn để “thanh toán” luôn.

- Trần Minh Hằng - Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội

Chào bác sĩ,

Em nghe nói, ở nước ngoài người ta có làm nghiên cứu cho thấy rằng ăn một bát mì ăn liền tương đương với uống 65ml nước tương (hoặc nước mắm), lượng natri trong một gói mì vượt xa tiểu chuẩn bình thường. Xin hỏi: ở Việt Nam, thông tin này có đúng với những mì gói đang được phép lưu hành? Mẹ em bị cao huyết áp thì nên ăn mấy gói mì/ tuần để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Xin cảm ơn.

BS Lương Lễ Hoàng:

Minh Hằng thân mến,

Bản tin trên mạng đúng là “bạt mạng” của tác giả “liều mạng”. Ước gì máy tính của cô lúc đó đã rớt mạng”. Bản tin so sánh hàm lượng natri nói trên là SAI!

Nếu một gói mì ăn liền cung cấp ngần ấy muối natri thì hàng triệu công nhân, nông dân, người nghèo, học sinh thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa…, những người đã nhờ mì ăn liền để đủ sức lao động, học tập, chắc đã toi mạng vì cao huyết áp.

Không lẽ mì ăn liền được lưu hành trên khắp thế giới từ gần trăm năm là thuốc độc? Tổ chức nổi tiếng hóc búa về chất lượng thực phẩm là FDA ở Hoa Kỳ không lẽ nhắm mắt làm ngơ để cả tỷ gói mì ăn liền được tiêu thụ hàng năm ở Mỹ?

Tùy theo huyết áp đã ổn định hay chưa, bệnh nhân có béo phì hay không mà thầy thuốc chịu trách nhiệm điều trị sẽ tư vấn cụ thể về chế độ dinh dưỡng.


- Đoan Trang - Chung cư Thế kỷ, Bình Thạnh, TPHCM - doantrang_sg...@gmail.com

Đi siêu thị em hay mua mỳ cho con em, các bác  nhưng chồng em rất hay cằn nhằn. Bác sĩ biết không, nhìn thấy con em ăn mì Doremon chắc công ty sản xuất sẽ tài trợ mì cho bé ăn cả năm.

Chiều đi học về, trước khi học thêm, chỉ có ăn tô mì là cháu nó hào hứng. Cháu húp hết sạch nước, ăn xì sụp, trông rất yêu. Cháu thích ăn mì nhưng bố cháu thì cấm vì cho là mì độc. Em thì tin là mì không độc vì nếu độc thì sao các nước vẫn cho lưu hành.

Nhưng, làm sao để thuyết phục cho chồng em tin là ăn mì không làm cho con em bị ảnh hưởng đến sức khỏe?  Nhờ BS Lương Lễ Hoàng mách nước dùm em ạ.

Em cảm ơn bác lắm. Các câu trả lời của bác đọc dễ chịu và rất "yêu". Cảm ơn bác nhiều và kính chúc bác sức khỏe.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Bạn không nên tìm cách thuyết phục chồng bạn thông qua chứng minh thành phần, kết quả xét nghiệm… Tiêu chí hiệu quả nhất để minh chứng cho sự hữu ích của chế độ dinh dưỡng chính là hình ảnh vui khỏe của các cháu sau bữa ăn với món ăn ưa thích của trẻ, chẳng hạn với mì ăn liền. Chồng bạn chắc chắn không có đủ luận cứ để phản đối vì dẫn chứng của bạn dựa trên một nguyên tắc vàng của Hippocrates “ai chữa lành người đó có lý”, nói trong trường hợp của bạn “ai nuôi con khỏe, người đó càng có lý”.

 

- Châu Ngọc Minh - Quảng Ngãi

Em chào AloBacsi, gần đây có một số tin đồn ăn mì gói nhiều sẽ gây ung thư? Không biết sự thật là như thế nào ạ?

BS Lương Lễ Hoàng:

Với quan điểm phân tích chi li đế bới lông tìm vết, các nhà nghiên cứu về thành phần đã từ lâu nay tìm ra chất sinh ung thư trong món này, mai tìm ra chất sinh ung thư trong món khác. Từ chất có thể sinh ung thư cho đến chất chắc chắn gây ung thư là một khoãng cách rất xa. Bệnh có thành hình hay không tùy thuộc nhiều yếu tố khác như cơ tạng, sức đề kháng, trạng thái tinh thần… Lo chi chuyện có chất sinh ung thư trong mì ăn liền khi cả tỷ người trên khắp năm châu đã, đang và sẽ tiếp tục dùng vì hữu ích, vì tiện dụng?

Lượng chất gọi là sinh ung thư, cho dù nếu có trong mì ăn liền, liệu có thể mối nguy nếu so với lượng khói thuốc lá nơi công cộng, khói xăng dầu của xe cộ quá tải, của chất thải công nghệ vô tội vạ vào nguồn nước, với nếp sinh hoạt trái ngược với qui luật thiên nhiên, ngủ ít, thức khuya, lạm dụng rượu bia…? Chuyện nào đáng lo hơn?

 

 

- Lê Chi - lechi…@gmail.com

Nhà cháu thường ăn bữa sáng bằng mì gói, nhưng ai cũng ăn nhạt nên thường 2 tô mì chỉ cho 1 gói muối và dầu. Mẹ cháu tiếc của nên giữ lại mấy gói muối và dầu ăn chế biến món ăn khác như xào, canh. Xin hỏi BS như vậy có nên không ạ? Cháu ăn thì thấy món ăn cũng bình thường khi mẹ không nêm nếm các gói gia vị trong gói mì.

BS Lương Lễ Hoàng:

Không sai nếu giữ lại gói dầu, gói bột nêm để chế biến món khác. Cũng như việc dùng l phần bột nêm cho hai gói mì. Nếu ngon miệng cứ dùng. Đừng quên ngon miệng là một trong các yếu tố quan trọng để mài nhọn sức đề kháng. Chính vì thế mà trong tiếng Việt tượng hình thâm thúy có hai tiếng ngon lành, nghĩa là vừa ngon cũng phải vừa lành nhưng với ngon đi trước lành.


- Cao Thanh Bình - binhcaothanh…gmail.com

Chào bác sĩ, cháu có một bé trai năm nay 3 tuổi. Cách đây 1 tuần cháu có đi công tác nên để chồng chăm sóc con. Vì tính chồng cháu hơi lười nên bố pha mì gói ăn sáng thì tiện thể pha luôn cho con 1 chén nhỏ nhưng không bỏ dầu, chỉ thêm một ít gia vị và nước sôi. Cháu về thấy vậy rất xót con, không cho ăn nữa mà thay bằng cháo như bình thường, thấy thế bé ăn vạ, khóc lóc đòi ăn mì giống như bố cho ăn. Xin hỏi BS, trẻ còn nhỏ như vậy ăn mì thay cháo buổi sáng có đủ dinh dưỡng không ạ? Cháu nên dứt khoát thay đổi món ăn cho con hay để nguyên như vậy nhưng thêm thực phẩm khác như thịt xay, tôm xay ạ? Cháu xin cám ơn BS?

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào chị Bình,

Dùng mì ăn liền cho trẻ điểm tâm không có gì bất lợi cho sức khỏe nếu đừng quên đa dạng hóa” khẩu phần với nước trái cây, sữa chua. Thêm được thịt cá, rau quả vào phần mì càng hay.

Trẻ con khác với người lớn ở chỗ thành thật, thương nói thương, ghét nói ghét. Ngày nào trẻ còn ăn ngon, thường món ăn đang đáp ứng đúng nhu cầu tăng trường của trẻ.

Đừng ép trẻ ăn theo định kiến của người lớn, đứng bắt trẻ phải ăn món người lớn nuốt không vô.

- Lê Thị Hồng Hoa - Q.Tân Phú, TPHCM

Hai con tôi dạo này hay ăn mì ăn liền của Hàn Quốc. Nhưng tôi thấy vắt mì quá lớn, nước sốt cũng rất nhiều. Tôi đang lo khẩu phần ăn như vậy có lớn quá không? Các cháu ăn nhiều sẽ quen dạ và mập. Xin hỏi, các con tôi (14 và 21 tuổi) nên ăn khẩu phần bao nhiêu là đủ? Ăn mì ăn liền thay cơm có được không? Kính lời chúc sức khỏe và cảm ơn bác sĩ đã tư vấn.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Tùy theo độ tuổi, cân nặng mà cần thiết kế cho cháu một khẩu phần ăn phù hợp, đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bao gồm chất đạm, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất.

Tương tự như cơm, mì ăn liền là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu từ tinh bột, bên cạnh đó còn có một lượng chất đạm, chất béo.

Các thông tin dinh dưỡng này đã được nhà sản xuất công bố trên bao bì sản phẩm. Do đó bạn nên tham khảo để bổ sung các thực phẩm khác như thịt, trứng, các loại rau xanh, củ, quả… vào khẩu phần ăn hàng ngày để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng bạn nhé.

 

- Trần Mai Hoa - TX Uông Bí, Quảng Ninh

Thông tin mì tôm gây sạn thận và có chất gây ung thư có đúng không bác sĩ?

BS Lương Lễ Hoàng:

Trong mì ăn liền, khi chia năm xẻ bảy, khi cố quét nhá cho ra rác, các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy chất sinh sạn thận, chất tăng mỡ máu, thậm chí chất gây ung thư! Nghe ghê quá nhưng trên thực tế mắc bệnh hay không là do nhiều yếu tố khác mà cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân hay bỏ sót.

Nếu không hề ăn mì gói liệu có tránh được cao huyết áp nếu sống quá stress, nếu béo phì không giảm cân, nếu sỏi thận không mời cũng đến vừa nín tiểu trong giờ làn việc, vừa lạm dụng chất phụ gia trong sủi bọt, trong nước tăng lực?

Thế thì người không ăn mì gói có tránh được ung thư không? Trăm dâu đổ đầu gói mì ăn liền làm chi khi nạn nhân chính là thủ phạm qua nếp sinh hoạt tạo điều kiện cho bệnh hoạn chiếm thế thượng phong?!


- Ân Tuấn - đường Bùi Văn Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai

Kính gửi bác sĩ, sau một lần phẫu thuật, cơ địa của tôi tự nhiên bị dị ứng với bột mì. Mỗi lần ăn xong mặt tôi sưng như muốn phù lên, nhưng tôi lại rất thích ăn các đồ ăn dạng sợi (mì, miến, bún…). Tôi nên làm xét nghiệm gì để biết có phải mình bị dị ứng bột mì? Nếu thỉnh thoảng thèm quá, tôi ăn một tô mì mà bất chấp dị ứng có được không? Tôi có thể ăn kèm gì để đỡ nguy cơ dị ứng? Xin cảm ơn.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào Tuấn,

Với phương tiện chẩn đoán hiện nay việc tầm soát dị ứng là hoàn toàn khả thi. Trong thời gian chưa được điều trị hiệu quả nạn nhân không nên “liều mạng” thử món đã từng gây dị ứng vì phản ứng có thể bất ngờ nghiêm trọng.

Hiện nay, điều trị dị ứng không còn nhiêu khê như ngày xưa. Bạn nên “gõ cửa” BS nội khoa để qua đó được chẩn đoán chính xác và điều trị bài bản.

Chúc bạn sớm hết dị ứng để có thể thoải mái thưởng thức món “tâm đắc” của bạn.

 

- Tùng Anh - Q.7, TP.HCM

 

Chào BS Lương Lễ Hoàng. Con trai tôi năm nay 2 tuổi, cháu rất thích ăn mì gói sống, không biết như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu không? Mỗi lần được cho ăn mì, mặt mày cu cậu hớn hở lắm. Hai tay hai miếng, rơi một cọng nhỏ cũng phải nhặt cho bằng được. Xin hỏi BS, ở độ tuổi của cháu có nên cho ăn mì gói chưa ạ? Ăn mì sống có được không, hay phải nấu chín? Xin cảm ơn BS.

 

BS Lương Lễ Hoàng:


Trẻ con từ độ tuổi biết ăn bao giờ cũng thích các món snack vì hội đủ tiêu chí làm hài lòng vị giác rất nhạy cảm của trẻ. Đó là món có tinh bột, món măn mẳn và giòn giòn. Nhiều trẻ vì thế thích ăn mì ăn liền. Thỉnh thoảng thì không sao, vì mì ăn liền qua công nghệ sản xuất tiên tiến chẳng khác nào bánh biscuit, miễn là đừng quên cho uống nhiều nước ngay sau khi ăn.

 

Không nên cho trẻ 2 tuổi ăn quá thường, không vì mì ăn liền hại cho sức khỏe, như nhiều bản tin giật gân trên truyền thông, nhưng vì ở độ tuổi này trẻ rất cần chế độ dinh dưỡng đa dạng.

 

 

- Nguyễn Hoàng Long - TP Thủ Dầu Một, Bình Dương

 

Xin chào BS Hoàng, cháu năm nay 24 tuổi, mỗi ngày cháu đều ăn sáng 1 gói mì ăn liền, cho cháu hỏi như vậy có tốt không? Cháu nghe nói ăn mì rất nóng mà cháu hay bị viêm họng hạt với amidan không biết việc ăn mì thường xuyên có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

 

BS Lương Lễ Hoàng:


Nếu còn thấy ngon miệng cứ tiếp tục ăn vì cảm giác ngon miệng quan trọng hơn cả thành phần của món ăn. Để tối ưu hóa tác dụng “sạc pin buổi sáng của mì ăn liền” nên có khẩu phần đa dạng, chẳng hạn thêm thịt tươi, rau cải vào tô mì, thêm lý nước trái cây, sữa chua làm món tráng miệng.

 

Với người viêm họng hạt, viêm amidan, mì ăn liền không là món gây bệnh. Cẩn tắc vô áy náy chỉ cần đừng xì xụp với mì quá nóng. Cảm giác gọi là “nhiệt” thường do nguyên nhân khác, chẳng hạn, uống nước không đủ, rối loạn nội tiết tố, nhất là rối loạn chức năng tuyến giáp.


- Vũ Thị Hòa - vuhoa0703198…@gmail.com, Uông Bí, Quảng Ninh

 

Chào BS,

Tôi nghe nói dinh dưỡng trong mì tôm chủ yếu là cung cấp bột và đạm thực vật. Nếu ăn mì tôm thường xuyên sẽ mất cân bằng dinh dưỡng gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe? Không biết điều này có đúng không? Mong BS tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn BS.

 

BS Lương Lễ Hoàng:


Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng cấp thời. Đang đói meo, đang mệt nhoài, đang tụt đường huyết thì mì ăn liền là… thuốc!

 

Đạm thực vật là thành phần vừa cần thiết cho cấu trúc của tế bào vừa an toàn hơn đạm động vật vì không gây phản ứng bất lợi như tăng mỡ máu, tăng acid uric trong bệnh gút. Tuy vậy, chế độ dinh dưỡng nào hể đơn điệu bao giờ cũng bất lợi. Mì ăn liền tốt cho sức khỏe nếu chế biến một chút, thêm thịt cá, dặm rau cải, thay vì chỉ thêm mắm dặm muối.

 

- Bạn đọc Ngô Văn Hải - Q.Hoàng Mai, Hà Nội

 

Tôi thường xuyên và rất thích ăn mì tôm. Tôi thường chế biến món mì theo sở thích như cho thêm thịt, rau hay xúc xích… nhưng tôi nghe nói những thực phẩm ăn theo sẽ khiến cơ thể nạp thêm quá nhiều carbohydrate và chất béo vào cơ thể dẫn tới hàm lượng chất béo, calo tăng cao từ đó gây béo phì và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới béo phì như tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao… BS tư vấn xem em nên ăn theo cách nào để vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng?

 

BS Lương Lễ Hoàng:


Thực phẩm cho dù nhiều năng lượng, giàu dưỡng chất chỉ gây béo phì, chỉ dẫn đến rối loạn biến dưỡng nếu “thực khách” nhập vào mà không dùng. Với người lao tâm lao lực, với người tất bật ngày đêm, mì ăn liền thêm thịt cá có khi còn chưa đủ. Với người ăn không ngồi rồi, đóng đinh trước máy truyền hình, thức khuya quẹt máy tình bảng thì nữa phần mì gói cũng là thừa. Khỏe hay mau bệnh là do có mất quân bình cung cầu hay không!

 

- Trần Ngọc Bảo Hân - sinh viên tại Đồng Nai

Hàm lượng tinh bột của mì gói là bao nhiêu thưa bác sĩ? Em đang giảm cân, không muốn ăn cơm, bánh để giảm tinh bột, vì muốn thực hiện hướng dẫn của huấn luyện viên. Thưa bác sĩ, một gói mì tương đương bao nhiêu phần của chén cơm hay bằng một chén cơm. Em cũng rất hay ăn mì gói nên muốn biết tỉ lệ này để cân đối. Cảm ơn bác sĩ.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn Bảo Hân,

Tùy theo loại mì ăn liền, làm lượng tinh bột trong mỗi vắt mì không quá 60%. Lượng tinh bột nói chung trong mì bằng phân nửa trong gạo. Do đó, người muốn giảm cân có khẩu phần ít Kalo hơn với lượng mì tương đương lượng gạo. Đó là lí do tại sao nhiều thầy thuốc khuyên bệnh nhân tiểu đường nên thay cơm trắng bằng mì, nui, bún… để có cảm giác no bụng mà không tăng lượng đường lên máu.

 

 


- Langturungxanh…@gmail.com

 

Mì Hảo Hảo handy có rau sấy rất ngon. Bắp ăn rất ngọt. Nhưng phần thịt gà thì ăn không giống thịt lắm. Em thắc mắc rằng, thịt ở trong các gói mì có thật không? Hay “chỉ có tính minh họa”?

 

BS Lương Lễ Hoàng:


Trước đây chục năm phần gọi là “thịt” trong mì ăn liền là giả. Nay nhờ công nghệ tiên tiến nên thịt là “thật”. Tuy vậy, cho dù chất lượng đã được cải thiện thấy rõ, thịt trong mì ăn liền vẫn chưa bì được với nạm gầu thứ thiệt. Cuộc đời nếu không biến tấu có gì hay? Tại sao bạn không cho vào tô mì ăn liền ít miếng tái, vài miếng nạm rồi thưởng thức “tác phẩm” của mình?



- B.Trân - Long An

 

Chào BS Lương Lễ Hoàng, tôi năm nay 42 tuổi sống ở Long An, tôi rất hay ăn mì gói (xin hỏi BS Hoàng có thường xuyên ăn mì gói?) nhưng không biết ăn thế nào là đúng cách? Khi ăn mì có cần bổ sung thêm thực phẩm gì để đảm bảo dinh dưỡng? Xin cảm ơn BS.

 

BS Lương Lễ Hoàng:


Vì thường ăn mì gói nên tôi mới “thương mì thương cả đường đi”. Ăn mì gói đúng cách bao gồm nước thật sôi, thời gian trụng mì đừng quá lâu, chêm thịt cá rau cải gọi là “ăn độn” và quan trọng chính là bối cảnh ăn mì.

 

Ăn mì gói hại nhất cho sức khỏe là khi phải đồng hành gương mặt “thấy ghét” của người cùng bàn, khi phải nghe câu chuyện “trái tai” trên bàn ăn. Giận căm gan, tức cành hông thì uống nước lã cũng có hại!

 

 

 

- Nguyễn Bảo Trang - Âu Dường Lân, Q.8, TPHCM

Chào AloBacsi,

Ba em là kỹ sư cầu đường, hằng ngày phải thường xuyên đi khắp nơi. Vì không có mẹ bên cạnh nên bữa ăn cũng đạm bạc, đôi khi phải mang theo mì gói hoặc lương khô trong người để dự trữ những ngày không kịp ăn. Xin hỏi AloBacsi, với những người làm việc nặng như ba em thì mỗi bữa chỉ ăn mì gói thì có cung cấp đủ năng lượng không ạ?

BS Lương Lễ Hoàng:

Chất lượng là tiếng kép. Hình thức dinh dưỡng chỉ với mì ăn liền thường đủ năng lượng nhưng không đủ dưỡng chất. Cần ăn thêm, thậm chí nếu quá lao tâm lao lực phải dùng thuốc bổ như sinh tố, khoáng tố, acid amin. Cho dù không có bóng hồng bên cạnh, đàn ông dù bận bịu cách mấy vẫn có thể tự lo cho mình một bữa ăn đúng nghĩa ngon lành, nghĩa là vừa ngon vừa lành, chẳng hạn với nguyên liệu chính là mì ăn liền nhưng nay chế mai biến. Đàn ông thường ngụy biện!

- Trần Phương Nhi - Trần Phú, Đà Lạt, Lâm Đồng

Con gái lớn của tôi năm nay 18 tuổi. Hằng ngày cháu ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thịt cá, rau, trái cây, sữa đủ cả. Tuy nhiên, cháu có một sở thích là hay lấy gói muối trong mì tôm để chấm trái cây (mặc dù ở nhà có muối chấm riêng nhưng cháu không thích).

Xin hỏi BS, việc dùng muối mì tôm chấm trái cây như xoài, ổi, cóc, mận như vậy có tốt cho sức khỏe hay không?

BS Lương Lễ Hoàng:

Món ăn tốt hay không còn tùy nhiều yếu tố khác. Nhưng chắc chắn hai điều. Trước hết, dùng gói muối chấm trái cây không hại. Kế đến, đúng là ngon nếu gặp trái cây có vị chua, trái cây làm chảy nước bọt, như xoài tượng, ổi, cóc… trong buổi trưa hè. Muối để chấm thì không đáng lo vì được sản xuất an toàn. Lo hơn nhiều là không biết trái cây còn vướng chất bảo vệ thực vật, trái cây có bóng láng nhờ được trang điểm bằng hóa chất?!

 

- Gia Bảo - baogia74…@yahoo.com

Vì sao mì gói lại có độ dai khác nhau. Cùng một thời gian pha chế nhưng có gói thì dai ngon nhưng có gói lại nở rất nhanh. Có phải mì càng dai thì càng nhiều chất bảo quản không thưa BS?

BS Lương Lễ Hoàng:

Mì ăn liền do thành phần khác nhau nên bản chất phải có độ dai khác nhau. Thêm vào đó, tùy nhiệt độ của nước, tùy lượng nước đủ thiếu mà cọng mì thay đổi độ dai. Với nhà sản xuất “dỏm” mì ăn liền tất nhiên có nhiều chất bảo quản loại hạng nhì.

Với nhà sản xuất “xịn” nhờ công nghệ sản xuất tiên tiến, nên nếu có chất bảo quản bao giờ cũng ít hơn và với “hàng hiệu”. Cách tốt nhất là chọn bạn mà chơi, chọn hiệu mì gói mà gửi đồng tiền mồ hôi nước mắt!

- Vương Quốc Việt - SĐT: 01657435… vietdl…@gmail.com

Nấu mì ở nhiệt độ bao nhiêu mới an toàn cho sức khỏe thưa BS? Có cần phải để sôi đúng 100 độ C thì mới đúng? Nhà tôi có sử dụng máy lọc nước nối với bình nóng lạnh. Do đó, khi pha mì tôi thường lấy luôn nước nóng trong bình này để pha. Tuy nhiên, người nhà tôi thì lại nói nước đó sôi không đủ 100 độ C thì mì sẽ không chín, mà mì không chín thì sẽ sinh ra nhiều chất độc hại? Điều này có đúng không ạ?

BS Lương Lễ Hoàng:

Nếu chỉ để ăn không cần phải đúng nước sôi 100 độ C. Nhưng để thơm ngon vì có thơm mới ngon phải cần nước sôi 100 độ C. Tương tự như trà đạo, nếu trước đó dùng nước sôi tráng tô càng hay vì sau đó trong lúc vắt mì “trăm hoa đua nở” chiếc tô dùng ăn mì vẫn ấm nên tránh được chuyện giảm nhiệt quá nhanh khiến mì nỡ nhưng hết dai.

Nước nóng trong bình nóng lạnh không đủ nóng đề mì ngon. Nước không đủ sôi chỉ thất thế ở khẩu vị. Không độc hại gì hết vì mì còn trong gói đã là “chín” qua công nghệ sản xuất tiên tiến. Ngon hơn nhiều, dù tốn công nên ít người chịu làm, là nấu mì trong nước sôi ít phút rồi vớt ra và cho nước dùng vào sau.


- Bạn đọc gửi câu hỏi từ fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Em gái tôi mang thai 7 tháng nhưng lại bị tiểu đường thai kỳ. Em ấy ăn theo chế độ ăn kiêng của bà bầu bị tiểu đường. Tuy nhiên, từ lúc nghén đến nay chỉ thèm ăn nhất là mì gói. Vậy xin hỏi BS người bị tiểu đường thai kỳ thì có nên ăn mì gói? Nếu được thì ăn bao nhiêu là đủ. Chân thành cảm ơn BS đã giải đáp.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chế độ dinh dưỡng của thai phụ không may vướng hội chứng tiểu đường trong thai kỳ, nhất là trong 3 tháng cuối của thai kỳ, là do quyết định của bác sĩ chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của thai phụ. Tùy theo lượng đường trong máu và lượng đạm trong nước tiểu mà thầy thuốc cho biết nên ăn món gì, cữ món nào?

Thèm mì gói thì ai chẳng thèm, nói chi thai phụ năng bụng căng đầu lại thêm thèm đủ thứ. Cách bớt thèm là nhắm mắt nghĩ đến nét mặt thiên thần của hài nhi sắp chào đời, của tiếng khóc mang đến nụ cười trên trái đất đang càng lúc càng thiếu vắng tình người. Sau khi mẹ tròn con vuông tha hồ trở lại với mì gói, với miếng khi đói bằng gói khi no.

 

- Nguyễn Thành Trung - Công nhân tại TPHCM

AloBacsi ơi, tôi thấy một số báo nói rằng ăn sáng là mì gói, bún, phở, hủ tiếu không tốt cho sức khỏe (vì có phụ gia công nghiệp). Xin hỏi thông tin này có chính xác không? Nếu ăn sáng bằng cơm thì bao nhiêu là đủ năng lượng? Xin cảm ơn AloBacsi.

BS Lương Lễ Hoàng:

Bữa ăn gọi là đủ năng lượng khi thực khách sau khi ăn thấy khỏe, sau khi ăn không buồn ngủ, sau khi ăn làn việc hăng hái nhiều giờ. Đừng ăn uống theo bảng thành phần của các “chuyên gia dinh dưỡng” chỉ nói có sách. Cơ thể con người đâu có là cỗ máy để qua đó tính chi li từng chút mà quên cảm xúc mãn nguyện của một lần ăn ngon, ăn no?!

Nếu ăn sáng, theo bản tin báo chí gì đó, với mì, bún, phở… có hại thì dân tộc mình đã diệt chủng từ lâu. Nên hỏi ông bà phóng viên nào đó là cha mẹ của các vị đó đã nuôi họ với bữa ăn sáng theo kiểu nào để họ ngày nay còn sức viết lách? Không có cháo, không có phở à?


- Trần Thị Trang - trantrang...@gmail.com

Nhờ bác sĩ trả lời giúp em thắc mắc: Khi xé gói dầu trong gói mì ăn liền thì chẳng may bị văng hết vào mắt, em đã rửa sạch bằng nước và tra bằng các thuốc nhỏ mắt. Bây giờ em cảm thấy mắt hơi mờ nhìn không rõ nữa. Khi gói dầu đó văng vào mắt em có cảm giác cay nóng. Vùng da xung quanh cũng rất nóng, rát nữa. Việc này có ảnh hưởng đến thị giác mai này của em không? Xin BS cho em lời khuyên ạ!

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Món nào, ngoại trừ nước lã tinh khiết, văng vào mắt tất nhiên cũng ít nhiều kích ứng giác mạc. Chuyện rồi sẽ qua. Rửa mắt cho sạch, nhỏ thuốc nếu nóng rát rồi thôi. Làm gì có chuyện ảnh hưởng lâu dài trên thị giác chỉ vì văng có chút xíu dầu gia vị vào mắt. Đáng lo hơn nhiều là mắt trao tráo, mắt long lanh tình tứ nhưng lại mờ mắt trước chuyện gai mắt!

- Nguyễn Bảo Nam - quận Gò Vấp, TPHCM

Chào bác sĩ,

Do tính chất công việc nên từ lâu nay, mì ăn liền luôn là bạn đồng hành với tôi. Tôi thường xuyên ăn nó khi không có nhiều thời gian, tôi ăn 2 gói 1 lúc và cũng có cảm giác rất no lâu. Nhiều người bảo do tôi ăn 2 gói là nhiều nên no lâu là đúng. Tuy nhiên, tôi bình thường tôi ăn tới 3-4 bát cơm cũng không có cảm giác như thế. Xin hỏi:
- Cảm giác no lâu đó từ đâu mà ra? Cùng là tinh bột, có phải mì gói có tính chất no lâu hơn cơm, gạo?
- Ăn mì gói với số lượng 2 gói/ ngày, có khi tới 4 gói/ ngày thì có làm sao không? Các bữa khác tôi có bổ sung các chất dinh dưỡng khác nên có yên tâm chưa?
Cảm ơn bác sĩ đã đọc và giải đáp.

Chế độ dinh dưỡng nào đơn điệu và cường điệu đều bất lợi cho sức khỏe. Tại sao đến 4 lần mì gói trong ngày trong khi xứ mình thiếu gì món khác?

BS Lương Lễ Hoàng:

Cảm giác no lâu hay mau đói tùy thuộc vào tiến độ tiêu hao năng lượng và mức độ cung ứng năng lượng của món ăn, cơm bao giờ cũng mau đói hơn mì, nui, bún… Đừng so sánh làm chi cho uổng thời giờ là tiền bạc.

Không hẳn ăn nhiều mới no lâu. Bằng chứng là ông bà có dạy “ăn ít nói dai”. Thêm vào đó, nhiều ít mới ít miếng bỗng no ngang. Có thể vì bệnh, chẳng hạn viêm gan, có thể vì món ăn dở ẹc, cũng có thể vì phải đối diện với người cùng bạn thuộc tiêu chí “ước gì anh đã không chọn bàn này!”. Chỉ dựa vào cảm giác no đói e là thiếu khách quan.

 

- Trần Huyền Trân - huyện Chợ Quán, tỉnh Đồng Nai

Kính chào AloBacsi,

Tôi có đọc được thông tin trong 1 bài viết, xin được trích dẫn: “Việc thường xuyên ăn mì ăn liền sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim, ung thư dạ dày, và luôn là một gánh nặng cho thận. Đối với phụ nữ và trẻ em gái, ăn nhiều mì ăn liền không chỉ có hại cho da, mà còn làm tăng hội chứng tiền kinh nguyệt, trẻ em bị dậy thì sớm...”. Xin hỏi tính xác thực của thông tin này, hiện tôi đang rất lo. Chân thành cảm ơn.

BS Lương Lễ Hoàng:

Hai điểm nên lưu ý trên bản tin nhuộm màu xám thê lương. Trước hết, “thường xuyên” có nghĩa là nếu không cường điệu thì vẫn an toàn. Cần gì phải là mì ăn liền, thực phẩm nào dùng cường điệu cũng bất lợi cho sức khỏe. Kế đến, tăng nguy cơ có nghĩa là CÓ THỂ bệnh chứ không hẳn là hễ đụng vào là bệnh.

Vậy thì, muốn yên tâm trong bối cảnh của cuộc sống rất thừa nỗi lo, không chỉ riêng với mì ăn liền, với chế độ dinh dưỡng nào cũng thế, đừng thường xuyên đến độ cường điệu và sống sao để sức đề kháng đừng bị bào mòn thì có gì phải lo với một nhúm kết quả nghiên cứu chỉ để khai thác lo sợ của người đọc?

 

- Nguyễn Thùy Linh - Trần Não, Q.2, TPHCM

Gần đây tôi đọc nhiều thông tin về thực phẩm biến đổi gen, trong đó lúa mì, bắp là hai loại chủ lực của biến đổi gen. Không biết mì ăn liền ở Việt Nam có phải sử dụng bột mì biến đổi gen không?

BS Lương Lễ Hoàng:

Nhà sản xuất có trách nhiệm và lương tâm không dùng nguyên liệu biến đổi gen. Khó ở xứ mình chính ở chỗ vàng thau lẫn lộn, nhất là khi quan chức ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thường khi chọn thái độ “im lặng là vàng”. Chúc bạn khi đãi cát lọc được vàng!

- Phan Minh Tâm An - TT Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tôi thích ăn mì ăn liền truyền thống (Hảo Hảo tôm chua cay, Hảo 100, Mì lẩu thái), còn vợ tôi lại thích mì không chiên vì cho rằng sẽ tốt cho sức khỏe hơn. Nhưng tôi ăn thử rồi, thấy nó nhạt nhẽo quá. Tôi muốn hỏi xem quy trình sản xuất 2 loại mì này có gì khác nhau? Mì chiên có độc hơn không? Xin cảm ơn.

BS Lương Lễ Hoàng:

Ngon hay không tất nhiên tùy khẩu vị cá biệt, kể cả yếu tố tâm lý. Ăn uống cũng như dùng thuốc. Món nào dùng rồi thấy ngon, thấy lành thì xơi tiếp.

Quy trình sản xuất mì chiên hay không chiên tất nhiên khác nhau. Đừng nghe chiên rồi tưởng ăn nhiều tăng mỡ máu. Cả hai loại, không loại nào độc hại nếu nhà sản xuất đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu thông qua công nghệ sản xuất hiện đại, quy trình kiểm soát chất lượng và nhất là không ngừng cải tiến kỹ thuật sản xuất.


- Lê Bá Hải - Đà Nẵng

Hôm qua trên Facebook của tôi có người share lại thông tin mì ăn liền bị đốt cháy. Có bạn nói là vì trong mì có hợp chất gì đó như cao su, có người lại nói, thực phẩm nào khô mà đốt không cháy. Xin quý báo lý giải giùm, đó là tin đồn hay tin đáng tin?

BS Lương Lễ Hoàng:

Trên truyền thông đại chúng ở xứ mình đang có “mốt rất thời trang. Đó là rất nhiều người rảnh rỗi đến độ tung tin và lan truyền tin tức thất thiệt, thâm chí nhảm nhí trên mạng. Bên tám lạng đàng nửa cân. Cũng không thiếu người thừa thời giờ để đọc chuyện tàm xàm. Nước kia muốn đốt vẫn cháy như chơi, cần gì phải đợi đến mì gói?!



- Phụng Mỹ - Hưng Vượng 3, Phú Mỹ Hưng quận 7, TPHCM

 

Thưa bác sĩ, tôi có hai cháu trai, 1 bé 4 tuổi, 1 bé mới đầy năm. Do vợ chồng tôi đi làm giao bé cho người giúp việc chăm. Hai con tôi vẫn phát triển bình thường, thậm chí có phần mũm mĩm một chút.

Tuần qua nghỉ phép ở nhà, tôi mới biết để dỗ cháu ăn, chị giúp việc hay pha mỳ tôm cắt nhỏ trộn vào cơm hay chén cháo ăn dặm. Tôi tức giận và không cho chị làm như thế.

Nhưng, than ôi, từ khi chỉ có cơm không thì cháu nó bỏ bữa và tỏ ra chán ăn. Cháu nó quen với việc trộn một nửa mì gói cắt nhỏ vào bữa ăn mất rồi. Giờ tôi nên làm sao, thỏa hiệp, tiếp tục cho cháu ăn mỳ hay cương quyết bắt con bỏ mì?

Tôi không biết trẻ quá nhỏ ăn mì nhiều có ảnh hưởng gì đến dạ dày, đường tiêu hóa của bé không? Thắc mắc cứ đè nặng trong tim, cho đến hôm nay được biết Alobacsi tổ chức giao lưu về mì gói, tôi mừng vô cùng và mong muốn được bác sĩ cho lời khuyên, làm sao để 2 con tôi chịu ăn trở lại?

Chân thành cảm ơn AloBacsi và chuyên gia Lương Lễ Hoàng. Trân trọng kính chào.

BS Lương Lễ Hoàng:

Phụng Mỹ thân mến!

Trong chương trình tư vấn sức khỏe cho bệnh nhi suy dinh dưỡng, chậm phát triển tâm thể vì bệnh mãn tính, vì phản ứng phụ của việc lạm dụng thuốc kháng sinh. Tôi đã từ lâu khuyến khích chế độ dinh dưỡng có cài mì ăn liền để vừa tăng khẩu vị cho trẻ, vừa cung ứng năng lượng buổi sáng để trẻ yên vui chào ngày mới.

Quan điểm mì ăn liền có hại cho trẻ không có cơ sở vững chắc, nếu không muốn nói là cường điệu. Vấn đề cốt lõi ở đây là tìm cho ra thể dạng áp dụng để trẻ ăn ngon, để trẻ thích ăn và với liều lượng, tần suất hợp lý. Quan trọng chính là ở điểm trẻ phát triển hài hòa trên cả 2 mặt tâm thể.

 

 

- Nhật Vy - 16 tuổi, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM

Mỗi lần mở gói mì ăn, mẹ con thường bắt vứt ngay gói nêm nho nhỏ. Mẹ con bảo ăn vào sẽ càng thêm mập, ăn nhiều sẽ bị mỡ máu, nhưng cháu lại thấy ăn mỳ mà quên bỏ qua gói nêm nho nhỏ đó, thiếu cái váng vàng đó, thì không thơm ngon.

Có cái gì trong gói nêm đó bác sĩ ơi? Con ăn có được không, con 16 tuổi, hơi dư cân 62 kg, cao 1,64m. Nhờ bác trả lời cho con về gói nho nhỏ nêm đó nha bác.Con cảm ơn nhiều.

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào cháu,

Thành phần trong gói mì ăn liền nếu có làm tăng cân vì cháu ít vận động, vì cháu ngồi nhiều giờ trước máy vi tính, truyền hình… hơn là vắt mì. Gói gia vị đã được nghiên cứu, đã được sản xuất với công nghệ tiên tiến không hề ảnh hưởng trên sức nặng của cơ thể.

Cọng mì dù ngon cách mấy nhưng nếu thiếu gói gia vị thì 10 phần ngon lành mất hết 7, 8. Cháu nên gởi thông tin này cho mẹ cháu để đừng lãng phí món ăn, đừng bỏ ngay chỗ ngon. Mì ăn liền không gói bột gia vị còn gì để… ăn liền!

- Thanh Tùng - Cà Mau

Thưa bác sĩ, mẹ cháu ở nhà hay ngâm mì gói để tiện cho việc xào mì. Mẹ cháu bảo làm như thế thì sợi mì ngon và nhanh ngấm gia vị hơn khi xào. Có nhiều khi ngâm nhiều, dùng không hết, mẹ cháu lại phơi khô để cất giữ. Xin hỏi bác sĩ:

- Việc ngâm như thế có ảnh hưởng gì đến chất dinh dưỡng?

- Việc phơi lại mì như thế có ảnh hưởng gì không?

BS Lương Lễ Hoàng:

Chào bạn,

Để tiện việc xào mì cho nhanh, để mì dễ thấm gia vị là đúng. Khéo hơn nữa, là luộc mì nhanh trong nước sôi, vớt ra để nguội hoặc thậm chí xáo nước lạnh để cọng mì đừng dính vào nhau rồi đem xào càng ngon hơn.

Sau khi ngâm, nếu không dùng hết, cách bảo quản tốt nhất vẫn là trong tủ lạnh (nếu có tủ lạnh), việc đem phơi để dùng lại là không an toàn vì mì dễ bị nhiễm khuẩn, nấm mốc.


- thuyduong_dang...@gmail.com

Em ở Hà Nội, em đang theo dõi chương trình tư vấn. Em xin gửi đến chương trình một câu hỏi: màu vàng dùng làm sợi mỳ của các hãng mỳ gói là màu an toàn cho sức khỏe. Nếu họ dùng màu công nghiệp thì người tiêu dùng cũng không thể biết phải không bác sĩ?

Lý do em hỏi câu này vì 1 vài lần mua mỳ về, khi chan nước sôi vào có vẻ như từ sợi mỳ thôi nhiễm ra nước dùng màu vàng vàng.

Em băn khoăn màu vàng vàng trong nước dùng có thật sự an toàn không ạ?

BS Lương Lễ Hoàng: Không thể kết luận một cách phỏng đoán về màu vàng trong nước dùng. Tùy theo nhà sản xuất, nếu chất màu được dùng là hoạt chất thiên nhiên, chẳng hạn màu vàng của nghệ, như trong sản phẩm của ACECOOK thì màu vàng không chỉ an toàn. Đó còn là hoạt chất bảo vệ niêm mạc của thực khách.

Em xin hỏi bác sĩ, có phải trụng qua 1 lần rồi mới ăn sẽ an toàn hơn không?

BS Lương Lễ Hoàng: Việc trụng mì qua 1 lần rồi mới ăn là không cần thiết, thậm chí không nên vì làm mất khẩu vị độc đáo của món ăn. Không cần trụng vì mì ăn liền nếu được sản xuất qua công nghệ tiên tiến là sản phẩm đã “chín”.

Em cũng thắc mắc là chất shortening để chiên mì ăn vào sẽ làm xơ vữa mạch máu có đúng không? Mỗi lần ăn mì xong, trong miệng như có 1 lớp màng mỏng đó là shortening dùng để chiên mì? Em xin hỏi shortening có an toàn cho người tiêu dùng? Ăn nhiều có gây bệnh không ạ?

BS Lương Lễ Hoàng: Nếu nhà sản xuất theo đúng quy trình sản xuất tôn trọng vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ chọn phụ gia không gây xơ vữa mạch máu, hay cho dù có dùng chất có khả năng đi nữa cũng không thể gây bệnh với liều quá thấp trong vắt mì gói. Cảm giác vướng một lớp màng trong miệng sau khi ăn mì không liên quan đến thành phần của mì.

Em chỉ có bấy nhiêu thắc mắc nhỏ thôi. Xin lỗi làm phiền bác sĩ nhưng mong được bác sĩ trả lời giúp em.

Kính chúc sức khỏe bác sĩ.


- Chi Anh - Hoàng Diệu, Q.4, TPHCM

Xin hỏi BS Lương Lễ Hoàng, vì sao ông lại bảo vệ mì ăn liền trong khi nhiều tờ báo mạng toàn đưa các thông tin cảnh báo sạn thận, ung thư khi ăn mì?

BS Lương Lễ Hoàng:

Tôi đã lỡ chọn nghề gọi là “thầy thuốc” trong hơn 40 năm nghiệp chướng. Tôi phải lên tiếng để không áy náy lương tâm khi ai đó gọi tôi với danh từ kép “thầy thuốc”. Làm thuốc mà không làm thầy, làm thuốc mà không dám làm thầy, thà chọn nghề khác cho xong!

Báo chí, cho dù không vơ đũa cả nắm, ít nhiều vẫn phải dựa vào bản tin “nóng hổi” dù bỏng tay người đọc, bản tin “giật gân” cho dù độc giả có vọp bẻ đau điếng, vì lý do rất đơn giản, vì có thực mới vực được đạo, báo muốn sống phải bán chạy. Chưa tin cứ đếm số tạp chí viết về sức khỏe, về kinh tế nhưng trang bìa lại là hình cô gái nóng bỏng khoe ngực khoe đùi! Hiền quá ai thèm mua báo?!

Tôi không bảo vệ mì ăn liền vì các nhà sản xuất với bề dày uy tín cả trăm năm, với sản phẩm đang có mặt trên khắp 5 châu, không cần tôi bảo vệ hay bênh vực.

Tôi lên tiếng cũng không vì được yêu cầu với thù lao hậu hĩnh. Tôi không cần tiền vì tuy không giàu, nhưng tôi đã thừa phương tiện để đủ chén cơm manh áo cho đến kiếp sau.

Tôi tự ý lên tiếng trong thời gian gần đây vì ở xứ mình đang có một thực trạng bẽ bàng, nói đúng hơn, một thảm trạng cay đắng gắn liền với tiến độ băng hoại của một xã hội suy thoái trên đất nước một thời tự hào với hơn 4000 năm văn hiến, với những thành phố thời nào mang tên kinh đô đất rồng bay, hòn ngọc Viễn Đông… Đó là ít ai lên tiếng về điều đúng, điều phải nên điều xấu, điều hại thừa thắng xông lên.

Chỉ nói riêng trong phạm vi sức khỏe, không cần bàn đến chuyện thành phần có chất này hay chất kia, tỷ lệ rất cao của số bệnh nhân hàng năm, của số tử vong vì ung thư trên đất này là do đâu? Nếu trên gói thuốc lá in rõ ràng câu hút thuốc bị ung thư, tại sao luật cấm hút thuốc nơi công cộng đã ban hành vẫn không được áp dụng quyết liệt?

Nếu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo liên tục về mức độ ung thư gan do rượu bia, tại sao ở xứ mình không thấy ai lo lắng về số tai nạn giao thông đang là nỗi nhục của nước ta, số gia đình tan nát vì bạo lực từ say xỉn, số xơ gan và ung thư gan cao nhất trên thế giới? Thậm chí có hãng bia quảng cáo trịch thượng với slogan “bia gì đó là niềm tự hào của Việt Nam”.

Nếu ai cũng biết chất sinh ung thư có hàm lượng cao ác liệt trong chất thải vô tội vạ vào sông, vào biển, tại sao không ai ưu tư về chuyện này? Câu trả lời rất đơn giản, vì thuốc lá, rượu bia, hóa chất là món hàng siêu lợi nhuận, dại gì đụng vào ngay ổ kiến lửa?

Thế thì tại sao lại có bản tin mì gói sinh bệnh sau khi người dân xứ này đã nhờ đó để sống còn trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, trong những ngày tháng đói nghèo sau chiến tranh? Vì bây giờ là thời điểm vàng son để làm giàu trên nỗi lo của người đã bệnh, nhưng dễ kiếm ăn hơn nữa, trên nỗi lo của người chưa bệnh nhưng quá sợ bệnh. Đó là lý do tại sao một cây, gọi là cây kiểng cũng không đúng vì không ai thèm trồng, như lược vàng, mật gấu, nở ngày nở đất gì đó trước đây vất vưởng ở sau hè bỗng biến thành thần dược trị bá bệnh nhờ vài bản tin thổi phồng hết mức, để từ một gốc vài ngàn đồng không ai thèm mua được đội giá thành vài trăm ngàn như chơi!

Chỉ cần trăm ngàn người tin vì đã dựa lưng sát vách với bệnh trầm kha, thì hiểu ngay con buôn rủng rỉnh thế nào với món hàng trước đó là rác?! Thử hỏi chỉ cần 1/100 người đã dùng mì ăn liền nay vì quá sợ nên đổ xô tìm thuốc “phòng ung thư” với giá cắt cổ thì hiểu ngay trăm người chưa kịp bán chắc chắn cũng có vạn người đã muốn mua để yên tâm dù là chỉ đế đánh lừa chính mình!

Đáng tiếc, đáng buồn, thậm chí đáng trách, là trước nỗi lo của người tiêu dùng, hiếm khi có được tiếng nói chính thức nặng ngàn cân của ngành y. Chuyện gì cũng có lý do. Bứt mây chi cho động rừng. Lời thật chi cho mất lòng. Há miệng chi lỡ mắc quai. Khéo hơn nhiều phải chăng là nhắm mắt bịt tai ngậm miệng ăn tiền?! Ai chưa tin cứ nhớ lại câu chuyện khu vườn thần kỳ chữa bá bệnh ở Long An. Bao nhiêu người đã mất mạng thay vì nhanh chân đến thầy thuốc? Cớ sao cho đến nay bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia… vẫn im hơi lặng tiếng?!

Tôi không phản đối bản tin về mì ăn liền gây bệnh, vì như thế hãy còn quá thụ động. Không chỉ trong trường hợp mì ăn liền, cá nhân tôi đã, đang, sẽ tiếp tục chủ động và đơn phương chống đối tất cả những bản tin đẩy người đọc, xô người tiêu dùng vào nỗi lo sợ để trục lợi còn vì một lý do khác rất riêng tư.

Tôi đã lỡ chọn nghề gọi là “thầy thuốc” trong hơn 40 năm nghiệp chướng. Tôi phải lên tiếng để không áy náy lương tâm khi ai đó gọi tôi với danh từ kép “thầy thuốc”. Làm thuốc mà không làm thầy, làm thuốc mà không dám làm thầy, thà chọn nghề khác cho xong!

120 phút giao lưu cùng BS Lương Lễ Hoàng dường như là quá ngắn. Cách trả lời dí dỏm, trực quan khiến các câu tư vấn của ông có sức thu hút đặc biệt. Số lượng bạn đọc theo dõi cuộc giao lưu trực tuyến vì thế mà tăng đột biến. Trân trọng cảm ơn BS Lương Lễ Hoàng đã mang đến nhiều thông tin y khoa lý thú, bổ ích, thiết thực. Và cao hơn nữa, là tinh thần "giữa đường dẫu thấy bất bình chẳng tha".

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

 

 

 

 

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X