Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Tạ Phương Dung: Nên mở rộng lọc màng bụng cho bệnh nhân thận mạn trong bối cảnh COVID-19

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang đe dọa cướp đi sinh mạng bệnh nhân thận mạn, BS.CK2 Tạ Phương Dung đề xuất tăng cường sử dụng lọc màng bụng.

BS.CK2 Tạ Phương Dung, Phó Chủ tịch Hội thận học TPHCM cho rằng nên mở rộng triển khai kỹ thuật lọc màng bụng trong bối cảnh COVID-19

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị thay thế thận cho bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối: ghép thận, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng. 3 phương pháp này không có một phương pháp nào tối ưu tuyệt đối mà hỗ trợ cho nhau. Vì để tìm được nguồn thận cho là rất hiếm, cho nên chủ yếu là lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo.

Tại Việt Nam, từ năm 2004, hệ thống túi đôi (Twin-Bags) của Baxter được đưa vào sử dụng. Với ưu điểm vượt trội của hệ thống túi đôi, lọc màng bụng đã phát triển nhanh. Nhiều bệnh viện lớn ở TPHCM và Hà Nội đã triển khai và áp dụng phương pháp lọc màng bụng vào điều trị cho bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai…

Bệnh nhân lọc màng bụng sẽ được đặt catheter ở trên thành bụng của bệnh nhân. Catheter là từ chuyên dùng, các bạn có thể hình dung là 1 ống đưa các dịch lọc vào trong thành bụng, các chất độc và dư thừa trong cơ thể sẽ theo đường máu đến hòa tan vào dịch lọc đó, sau đó được tháo ra ngoài thường xuyên.

Lọc màng bụng được thực hiện tại nhà nên bệnh nhân dễ sắp xếp thời gian, có thể thay dịch vào sáng sớm, buổi trưa và buổi chiều, buổi tối thay dịch rồi đi ngủ.

Lọc màng bụng nếu không biết cách giữ gìn vệ sinh có thể gây nhiễm trùng, điều đó khiến bệnh nhân sợ lọc màng bụng. Bác sĩ thường hướng dẫn cho bệnh nhân rửa tay kỹ trước khi tiến hành giúp cho tỷ lệ nhiễm trùng rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều các quốc gia xung quanh chúng ta.

alobacsi lọc màng bụng bằng túi đôiHệ thống túi đôi sử dụng để lọc màng bụng

Hiện nay cả nước có 45 trung tâm lọc màng bụng với trên 2000 bệnh nhân được điều trị ở 4 khu vực chính:

- Khu vực phía Bắc: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện E

- Khu vực miền Trung: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Khánh Hòa

- Khu vực phía Nam, các bệnh viện: Nhân dân 115, Chợ Rẫy, BV ĐH Y dược, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 2, quận 4, huyện Củ Chi…

- Khu vực ĐBSCL: Bệnh viện Long An, Bệnh viện An Giang, Bệnh viện Kiên Giang

Qua các thống kê, tỷ lệ sống còn sớm cao hơn của lọc màng bụng so với thận nhân tạo cho thấy nhiều bệnh nhân được sống nhiều năm hơn khi dùng lọc màng bụng: giảm 11-14% nguy cơ tử vong 5 năm, giảm 33-50% thận ghép hoạt động chậm sau ghép, 3-8% có khuynh hướng tăng tuổi thọ thận ghép. Bệnh nhân hài lòng hơn và chất lượng cuộc sống cao hơn.

Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang đe dọa cướp đi sinh mạng bệnh nhân thận mạn, BS.CK2 Tạ Phương Dung đề xuất tăng cường sử dụng lọc màng bụng, bằng cách tiến hành các bước: 1. Nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phương pháp lọc màng bụng; 2. Chuẩn bị nguồn nhân lực, vật tư; 3. Phát triển về tuyến cơ sở.

Cộng đồng cần nắm rõ các lợi ích khi triển khai lọc màng bụng:

  1. Thêm một phương pháp điều trị hiệu quả
  2. Tăng tỷ lệ điều trị cho người bệnh suy thận
  3. Giảm quá tải cho chạy thận nhân tạo
  4. Hạn chế việc chuyển bệnh lên các tuyến trên
  5. Đầu tư không nhiều (ngân sách, cơ sở vật chất, con người)
  6. Có thể triển khai nhanh
  7. Bệnh nhân không phụ thuộc vào trung tâm

Về nhân sự cần chuẩn bị, một nhóm làm lọc màng bụng bao gồm:

  1. Bác sĩ nội thận: thăm khám, chỉ định, kê toa: 1
  2. Bác sĩ ngoại khoa (đặt catheter lọc màng bụng): 1
  3. Điều dưỡng: 1 - 2

(Thực tế hiện nay 1 điều dưỡng chăm sóc 40-50 bệnh nhân, trong khi điều kiện lý tưởng là 1 điều dưỡng chăm sóc 12-30 bệnh nhân).

Chương trình huấn luyện cho bác sĩ thận học và điều dưỡng được tiến hành tại các trung tâm lớn: Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Thống Nhất, Bạch Mai, Bệnh viện E, Việt Đức, Viện thận Hà Nội, TW Huế,… Thời gian 2-4 tuần, chia làm 2 đợt (cơ bản và nâng cao), trước khi tiến hành mổ cho bệnh nhân từ 2-4 tuần. Bác sĩ ngoại khoa: quan sát và thực tập đặt catheter ít nhất 2-4 bệnh nhân. Sau đó tự thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ có kinh nghiệm. Có thể mời các chuyên viên tới bệnh viện để hướng dẫn kỹ thuật.

Nơi huấn luyện

Lọc màng bụng là một phương pháp được ghi nhận về hiệu quả và an toàn trên thế giới. Hiện nay ở nước ta, các trung tâm thận nhân tạo quá tải và đòi hỏi quy trình kiểm soát, quản lý lây nhiễm trong đại dịch COVID-19 nghiêm ngặt, do đó nên ưu tiên phát triển lọc máu tại nhà.

BS.CK2 Tạ Phương Dung cho rằng chạy thận nhân tạo đã được triển khai tới tuyến huyện, vì vậy lọc màng bụng hoàn toàn có thể triển khai tới tuyến huyện như thận nhân tạo để giảm tải cho các đơn vị y tế.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X