Hotline 24/7
08983-08983

Bôi thuốc gì, kem dưỡng ẩm loại nào khi trẻ bị hăm tã?

Hầu như ông bố, bà mẹ nào cũng đều phải đối mặt với tình trạng hăm tã ở trẻ nhỏ, nhất là trong những ngày nắng nóng như hiện nay. Vấn đề lo ngại nhất của các bậc phụ huynh thường là nên bôi thuốc gì, chọn kem dưỡng ẩm cho con ra sao? Câu trả lời đã có trong bài viết sau.

1. Vì sao trẻ dễ bị hăm tã?

Hăm tã là vấn đề mà hầu hết các ông bố, bà mẹ phải đối diện khi chăm con nhỏ. Xin hỏi BS Trương Hữu Khanh, vì sao trẻ lại dễ bị hăm tã như vậy?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hăm tã được mô tả bằng cách trẻ bị hăm ở vùng mà phụ huynh bịt tã cho trẻ. Đây là vấn đề không còn xa lạ, bởi làn da của trẻ chưa trưởng thành nên rất dễ kích ứng. Do môi trường nóng bức không thoát được mồ hôi, bí bách, ẩm thấp, mà em bé thì thường đi tiêu nhiều trong ngày không kiềm chế được nên thường xuyên phải bịt tã để đỡ mất công thay. Chính vì thế xảy ra tình trạng trẻ bị hăm, mồ hôi bị tiết ra nhiều và ứ lại.

Hăm tã thường xảy ra ở những nếp gấp, không riêng gì ở vùng bịt tã mà những nơi khác như cổ, khuỷu tay,…

2. Hăm tã thường gặp ở độ tuổi nào?

Hăm tã thường xảy ra ở độ tuổi nào? Những nguyên nhân và yếu tố thuận lợi nào làm gia tăng tình trạng này ở trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hăm tã thường gặp ở trẻ nhỏ còn mang tã dưới 12 tháng tuổi và đặc biệt là dưới 3 tháng cần hết sức lưu ý. Khi trẻ lớn sẽ ít phải bịt tã hơn và tình trạng hăm cũng vì thế ít hơn.

3. Dấu hiệu trẻ bị hăm tã là gì?

Dấu hiệu nào cho thấy trẻ đang bị hăm tã? Một số chị em gửi thắc mắc cho AloBacsi, con bị nổi các mụn nước nhỏ hay phồng rộp bên trong, đôi khi kèm theo sốt nữa nên rất lúng túng trong việc phân biệt hăm tã nặng với triệu chứng của bệnh khác, chẳng hạn như thủy đậu, mong BS đưa ra lời khuyên cho các bà mẹ trong trường hợp này ạ.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Giữa hăm tã và thủy đậu là 2 căn bệnh khác nhau rất xa:

- Hăm tã chỉ xảy ra ở một vùng bịt tã hoặc nếp gấp. Hăm tã sẽ xuất hiện những mảng đỏ, trên những mảng đỏ này sẽ xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ hoặc chấm nhỏ có mủ.

- Thủy đậu gần như không bao giờ chỉ nổi ở một vùng mà sẽ lan ra toàn bộ cơ thể. Bệnh này thường sẽ mọc rải rác thành những nốt mụn nước.

4. Các phương pháp điều trị hăm tã?

Hăm tã đến mức độ nào thì cần điều trị thưa BS? Những phương pháp nào thường được áp dụng để chữa hăm tã? Ngoài việc khám BS, cha mẹ cần làm gì (vệ sinh, chăm sóc thế nào) để giúp trẻ nhanh khỏi hăm?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu trẻ bị hăm tã phụ huynh cần theo dõi và quan sát vết hăm của con có rỉ nước hay không, có lan nhiều ra hay không và có làm trẻ quấy khóc khó chịu hay không,… Khi đó mới bắt đầu có những kế hoạch điều trị.

Nếu hăm tã nhẹ phụ huynh nên kiểm tra lại cách bịt tã sau đó sử dụng những loại thuốc giữ ẩm hoặc sử dụng loại tã ngấm nhanh để bớt ứ mồ hôi. Nếu tình trặng nặng hơn thì phụ huynh cần bôi dung dịch như xanh Methylen, hoặc đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ vệ sinh và chỉ định thuốc uống.

Phụ huynh phải làm khô ráo vị trí mặc tã, sau đó mới mặc tã vào. Nếu vùng mặc tã còn bị ẩm ướt thì rất dễ hăm tã. Nếu trẻ bị đi ngoài nhiều lần thì phụ huynh cần thay tã thường xuyên cho trẻ. Phụ huynh cần chọn loại tã hút ẩm tốt, có thương hiệu để mặc cho trẻ.

Một số người áp dụng các mẹo mực dân gian như lô hội, cúc kim tiền, sữa mẹ… để bôi lên các vị trí bị hăm. Thưa BS, các phương pháp này liệu có hiệu quả?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi sử dụng những phương pháp dân gian thì phụ huynh cần thận trọng vì có thể sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Nếu bôi xong thấy có tác dụng thì hãy sử dụng, trường hợp bệnh nặng thêm thì phải ngưng. Lưu ý, khi vết hăm tã bị lở thì tốt nhất không được bôi bất kỳ thứ gì lên vị trí đó.

Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách chọn kem chống hăm cho trẻ và nên sử dụng sao cho đúng?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Có 2 loại thuốc có thể bôi khi trẻ bị hăm tã: kem giữ ẩm và xanh Methylen. Kem giữ ẩm thông thường có nhiều loại và tùy vào cơ địa của trẻ sẽ hợp với mỗi loại khác nhau. Nếu sau khi bôi, vết hăm có thuyên giảm thì tiếp tục sử dụng, còn nếu không phù hợp với trẻ thì phụ huynh cần đổi loại khác. Đối với xanh Methylen, phụ huynh bôi lên vùng bị hăm, sau đó thường xuyên theo dõi và thay tã cho bé.

5. Phòng ngừa hăm tã cho trẻ ra sao?

Bao lâu nên thay tã cho trẻ một lần? Đóng tã - bỉm cần lưu ý gì để tránh bị hăm? Một số mẹ còn dự trữ thêm thuốc mỡ chứa kẽm oxyd, sáp dưỡng ẩm, hay xoa một lớp phấn rôm trước khi mặc tã cho trẻ để chống hăm, cách này có hiệu quả không thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phụ huynh không nên thoa phấn rôm khi mặc tã cho trẻ, vì điều này sẽ làm tắc tuyến mồ hôi, gây rôm sảy, hăm tã cho trẻ.

Các ông bố, bà mẹ có thể bôi kem giữ ẩm vùng da, nhưng nếu trẻ chưa bị hăm thì không cần thiết.

Tùy vào mỗi trẻ mà một ngày có thể sử dụng 7-10 cái tã. Người mẹ cần tập thói quen cảm nhận cảm giác của trẻ, khi trẻ khóc thì biết được tã đã đầy và đang khó chịu. Khi đó, người mẹ cần thay tã cho trẻ.

Hăm tã là vấn đề khó tránh khỏi ở trẻ, phụ huynh nên thường xuyên theo dõi và phát hiện sớm. Song song đó, cần thay tã đúng lúc và kịp thời để tránh xảy ra tình trạng này cho trẻ. Nên cho trẻ chơi trong môi trường mát mẻ, tránh để tiết mồ hơi quá nhiều. Sau khi thay tã, phụ huynh cần rửa sạch, lau khô trước khi mặc tã mới.

Xin trân trọng cảm ơn BS Trương Hữu Khanh!


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X