Bộ Y tế: Đấu tranh không khoan nhượng với hàng giả trong y tế, thực phẩm chức năng
Trước thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 23/5/2025 để đánh giá, kiểm điểm tiến độ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và triển khai các giải pháp cấp bách trong tháng cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định sẽ đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả trong lĩnh vực y tế. Các vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Từ năm 2020 đến tháng 5/2025, Cục An toàn thực phẩm đã thanh kiểm tra trên 400 cơ sở, xử phạt 198 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng. Riêng năm 2024, Bộ ban hành 46 quyết định xử phạt với tổng tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng.
Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Công an ký quy chế chia sẻ dữ liệu và xử lý các vụ việc liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng giả. Đồng thời, nhiều hội nghị liên bộ cũng được tổ chức nhằm tăng cường liên kết trong kiểm soát và xử lý vi phạm.
Trong tháng cao điểm (15/5 - 15/6/2025), các tổ kiểm tra đột xuất của Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc, thiết bị y tế và mỹ phẩm trên toàn quốc.

Tại hội nghị, Thượng tá Vũ Thanh Tùng (C03 - Bộ Công an) cho biết đã khởi tố 6 vụ án với 174 bị can liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả y tế. Thậm chí có cán bộ bị khởi tố vì tiếp tay cho sai phạm. Đề xuất tăng mức phạt tù, phạt tiền trong Bộ luật Hình sự là cần thiết để tăng tính răn đe.
Đại diện Sở Y tế TPHCM nghị cần có quy định cụ thể kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm trên mạng xã hội - nơi đang là “mảnh đất màu mỡ” cho quảng cáo sai sự thật. Việc siết chặt chế tài xử phạt là rất cần thiết.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm, kiểm soát hoạt động đăng ký, quảng cáo, lưu hành các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Việc công bố sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan kêu gọi, đấu tranh chống hàng giả không chỉ là nhiệm vụ ngắn hạn mà là cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Cần truyền thông mạnh mẽ, khuyến khích người dân cùng tham gia phát hiện và phản ánh vi phạm.

Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình