Hotline 24/7
08983-08983

Bơ thực vật - “tội đồ” gây ung thư, đau tim, đột quỵ?

Bơ thực vật có hương vị thơm ngon, béo ngậy giúp tăng độ hấp dẫn cho các món ăn nên được nhiều người yêu thích. ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã giải đáp thắc mắc của bạn đọc AloBacsi về: Ăn bơ thực vật có tốt không? Chúng ta phải ăn như thế nào để đảm bảo cho sức khỏe?

Chất béo chuyển hóa có liên quan đến ung thư và các bệnh mạch máu không?

Trước nay nhà tôi vẫn ưa chuộng dùng bơ thực vật. Thế nhưng gần đây có thông tin nói bơ thực vật có chứa trans fat - một chất béo có hại cho sức khỏe. Xin hỏi BS trans fat là gì và liệu đây có phải nguyên nhân gây ung thư, đột quỵ, đau tim?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Chất béo được phân loại thành chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa và chất béo chuyển hóa. Trans fat dịch sang tiếng Việt có nghĩa là chất béo chuyển hóa, có nhiều trong các loại thức ăn nhanh như mì ăn liền, bánh snack,... chế biến theo phương pháp hydro hóa.

Bơ thực vật được chế biến từ chất béo của thực vật như dầu dừa, dầu đậu phộng,... Mỡ động vật có rất nhiều chất béo bão hòa và cholesterol nên thường có dạng rắn sẵn, không cần trải qua hydro hóa để chuyển sang dạng rắn. Còn chất béo của thực vật sẽ mềm hơn, tốt cho sức khỏe hơn. Trước đây, người ta dùng công nghệ hydro hóa để biến chất béo mềm thành chất béo cứng, tạo thành bơ thực vật. Trong quá trình sử dụng phương pháp hydro hóa đã tạo ra những chất béo chuyển hóa - trans fat.

Nếu “dán nhãn” cho loại chất béo này là nguồn cơn gây ra ung thư thì “tội” cho nó quá. Chất béo chuyển hóa - trans fat là loại chất béo có hại cho sức khỏe hơn cả cholesterol, nhưng không phải nguyên nhân gây ung thư. Chất béo chuyển hóa gây xơ cứng mạch máu, làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành, bệnh tim mạch dễ dẫn đến đột quỵ và các biến cố tim mạch. Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh ăn chất béo bão hòa có thể gây ung thư.

Hiện nay, việc sản xuất bơ thực vật đã không còn sử dụng phương pháp hydro hóa. Các công nghệ mới đã giảm lượng trans fat trong thực phẩm xuống mức thấp nhất có thể. Theo USDA - Chứng nhận hữu cơ Hoa Kỳ, các loại thực phẩm có chứa dưới 0,05g trans fat trên một khẩu phần ăn thì được phép công bố là “Không chứa chất béo chuyển hóa”.

Tóm lại, chế biến bơ thực vật không còn dùng phương pháp hydro hóa nữa, ngay cả các loại mì ăn liền dùng công nghệ mới cũng không còn chứa nhiều trans fat. Như vậy, chúng ta không cần phải quá lo lắng khi sử dụng bơ thực vật được sản xuất theo công nghệ mới.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương tham gia livestream giải đáp các thắc mắc của bạn đọc, khán thính giả mỗi thứ 7 hàng tuần vào lúc 16h

Làm thế nào để cơ thể đào thải chất béo chuyển hóa?

Cơ thể có thể tiêu hóa được bơ thực vật không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Cơ thể vẫn có thể tiêu hóa được những chất béo bình thường trong bơ thực vật. Nhưng trong quá trình sử dụng phương pháp hydro hóa để biến đổi từ lỏng sang rắn đã tạo ra chất béo chuyển hóa mà cơ thể khó hấp thụ. Lấy ví dụ trong phản ứng hóa học, khi acid clohydric tác dụng với kiềm sẽ tạo ra muối natri clorua và nước. Natri clorua là kết quả chúng ta muốn nhận được nhưng phản ứng vẫn tạo ra điều không mong muốn là nước. Trans fat chính là điều không mong muốn được tạo ra trong quá trình hydro hóa. Các công nghệ mới hiện nay đã giúp sản phẩm bơ thực vật có rất ít hàm lượng chất béo chuyển hóa này.

Hiện nay, việc sản xuất bơ thực vật đã không còn sử dụng phương pháp hydro hóa. Tuy vậy cũng không nên tập trung ăn quá nhiều bơ thực vật mà cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất

Trước đây tôi thường ăn nhiều bơ thực vật, có khi phết lên bánh mì rồi thêm đường để ăn. Nhưng tôi nghe nói chất béo tích lũy trong cơ thể dẫn đến các hệ quả đáng sợ. Làm sao để loại bỏ các chất độc hại này ra khỏi cơ thể, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Cần phải biết rằng không phải chất béo chuyển hóa tích lũy trong cơ thể dẫn đến bệnh ung thư. Loại chất béo này làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành và bệnh tim mạch. Việc ăn bơ thực vật mỗi ngày là không tốt.

Cơ thể hầu như không sử dụng đến chất béo chuyển hóa. Thông thường, cơ thể sử dụng đường và chất đạm để tạo năng lượng. Ví von chúng ta ở trong “vùng chiến tranh”, không thể ăn uống được, khi sử dụng hết đường và chất đạm, cơ thể sẽ dùng đến chất béo dự trữ, cholesterol. Sau khi dùng hết mọi thứ mới dùng đến chất béo chuyển hóa này. Do đó, xem như phải trong trường hợp lao động khổ sai hay sống trong vùng lũ không có cứu trợ thì cơ thể mới từ từ dùng đến chất béo chuyển hóa.

Cách đơn giản nhất để đào thải được chất béo là tập thể dục. Khi tập thì nhịp tim phải tăng lên, tập ít nhất 15 phút mỗi ngày. Tập thể dục đến mức sử dụng trans fat rất mệt, phải ra mồ hôi, nói chuyện ngắt quãng. Bạn có thể tập các bài cardio để cơ thể dùng đến các chất béo “cứng đầu cứng cổ”, trong đó có cholesterol và trans fat. Tuy nhiên, thường chúng ta khó duy trì việc tập đến mức độ này đều đặn mỗi ngày.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X