Hotline 24/7
08983-08983

Bí quyết kích thích vị giác, giải quyết chán ăn cho người cao tuổi

Những chia sẻ của TS.BS Trần Quốc Cường - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Thống Nhất TPHCM sẽ giúp bạn đọc AloBacsi tìm ra nguyên nhân, cách khắc phục chứng chán ăn cũng như xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất cho người cao tuổi.

Lão hóa tự nhiên ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Khi cơ thể chúng ta già đi, hoạt động của hệ tiêu hóa sẽ thay đổi thế nào ạ? BS Có thể cho biết những bệnh tiêu hóa nào người cao tuổi thường gặp?

TS.BS Trần Quốc Cường trả lời: Con người ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Lão hóa ở người cao tuổi xảy ra ở tất cả các hệ cơ quan, bao gồm hệ tiêu hóa. Hệ tiêu hóa bắt đầu từ miệng, khoang hầu họng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng,... Ngoài ra còn có các tuyến tiết nước bọt; gan, mật để tiết các dịch tiêu hóa; tụy để tiết dịch men tụy.

Lão hóa hệ tiêu hóa trước hết là ở khoang miệng, hầu họng, có thể thấy qua việc người cao tuổi bị mất răng, giảm tiết nước bọt, giảm vị giác, giảm khứu giác. Do đó, ở giai đoạn này, người cao tuổi sẽ cảm giác việc nhai, tiêu hóa không còn tốt, dẫn đến chán ăn, ăn không ngon miệng, khi nhai không kỹ sẽ bị khó tiêu.

Tiếp theo là lão hóa ở các ống tiêu hóa từ thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già,... Như chúng ta đã biết, hệ tiêu hóa có những nhu động ruột co bóp để đưa thức ăn theo chiều từ trên xuống dưới một cách có hệ thống. Ở người cao tuổi, nhu động ruột giảm đi làm phát sinh một số vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa. Ví dụ, giảm nhu động ruột ở thực quản dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản; giảm nhu động ruột ở dạ dày sẽ bị chậm tiêu, chậm làm trống dạ dày; giảm nhu động ở đại tràng dẫn đến táo bón.

Hệ tiêu hóa ngoài các tuyến ống tiêu hóa còn có các tuyến để tiết men tiêu hóa, dịch tiêu hóa như tuyến nước bọt, gan, mật, tụy,... Niêm mạc ruột cũng tiết ra các dịch tiêu hóa. Khi quá trình lão hóa xảy ra, các tuyến này giảm tiết các dịch tiêu hóa dẫn đến 2 vấn đề. Vấn đề đầu tiên là giảm tiêu hóa và giảm hấp thu các chất dinh dưỡng. Vấn đề thứ hai là các dịch tiêu hóa này cần thiết cho việc hấp thu một số vitamin, khoáng chất như axit dạ dày giúp hấp thu canxi, sắt, kẽm,... Khi giảm tiết axit dạ dày dẫn đến giảm hấp thu các khoáng chất vừa nêu.

Một vấn đề ở lão hóa hệ tiêu hóa là giảm độ co giãn, giảm trương lực của hệ ống đường tiêu hóa. Hệ tiêu hóa có khối cơ bao quanh. Ở người cao tuổi, khi trương lực cơ bị giảm đi sẽ phát sinh các bệnh như bệnh túi cùng, polyp đại tràng,...

Chế độ dinh dưỡng cho người lớn tuổi: Dù ăn ít nhưng vẫn phải đủ chất

Nhiều cụ ông, cụ bà nói với con cháu rằng: “Tao già rồi, ăn nhiều cũng chẳng hấp thu được mấy, cả ngày cũng không làm gì nhiều để tiêu hao năng lượng”, thế nên các cụ ăn ít đi. Nhưng con cháu lại lo như thế các cụ sẽ không đủ chất, bằng chứng là chân tay các cụ cứ teo tóp dần. Vậy người cao tuổi nên có chế độ dinh dưỡng thế nào là hợp lý?

TS.BS Trần Quốc Cường trả lời: Trong câu hỏi này có 3 vấn đề. Nhu cầu về mặt dinh dưỡng của người cao tuổi đúng là có giảm. Nguyên nhân là nhu cầu hoạt động thể lực của người cao tuổi giảm đi. Khối cơ của người cao tuổi giảm đi đồng nghĩa với việc chuyển hóa cơ bản cũng giảm. Có thể thấy, từ sau 40 tuổi, nhu cầu chuyển hóa cơ bản đã giảm dần từ 1 - 2% sau mỗi năm. Đến 60 - 65 tuổi thì nhu cầu năng lượng đã giảm 10% so với lúc trẻ. Đó là lý do người cao tuổi cần ăn ít đi.

Chúng ta cần hiểu rằng tuy nhu cầu năng lượng tổng ít đi nhưng nhu cầu các chất dinh dưỡng như chất đạm, các vitamin, khoáng chất lại không thay đổi đáng kể so với lúc trẻ. Do dó cần có chế độ ăn phù hợp để vừa cắt giảm nhu cầu năng lượng mà vẫn đảm bảo những chất dinh dưỡng cần thiết. Một trong những sai lầm của người cao tuổi là vừa giảm năng lượng, vừa giảm các chất dinh dưỡng.

Nếu người trưởng thành cần nạp khoảng 2.200kcal thì người cao tuổi cần khoảng 1.800 - 2.000kcal/ngày. Chúng ta phải cắt giảm những thực phẩm giàu năng lượng không cần thiết như đồ ngọt, thức ăn giàu chất béo, cồn,... Song song đó cần ăn đủ những thực phẩm có lợi cho sức khỏe như thịt, cá: ít nhất 60g cho bữa sáng, 80g - 100g cho bữa trưa và bữa chiều.

Người cao tuổi phải ăn đủ mức khuyến nghị về rau và trái cây để cung cấp vitamin, khoáng chất. Cần ăn đủ 4 đơn vị rau (1 đơn vị rau tương đương 1 chén canh rau) và 3 đơn vị trái cây (1 đơn vị trái cây tương đương 1 quả chuối/cam/táo nhỏ) trong một ngày.

Người cao tuổi nên duy trì thói quen uống sữa. Theo khuyến cáo, người cao tuổi nên uống 3 - 4 đơn vị sữa mỗi ngày (1 đơn vị sữa tương đương 100ml sữa/1 hũ sữa chua/1 miếng phô mai tam giác).

Đối với người cao tuổi, nhu cầu năng lượng giảm và khả năng tiêu hóa, hấp thu trở nên khó khăn. Vì vậy cần cung cấp các chất dinh dưỡng từ mức đủ đến nhiều hơn chứ không nên cắt giảm.

Chúng ta không thể chống lại quá trình lão hóa tự nhiên. Ở người cao tuổi, nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết hoặc thiếu vận động thể lực sẽ dẫn đến sụt giảm khối cơ, lão hóa các hệ cơ quan khác như cơ, xương, khớp. Điều này kết hợp với chế độ ăn không đúng khiến cơ càng teo tóp và loãng xương.

TS.BS Trần Quốc Cường - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Thống Nhất TPHCM nhấn mạnh chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi cần chất lượng hơn số lượng

Người cao tuổi nên ăn gì để tẩm bổ sức khỏe?

Người cao tuổi cũng thường được biếu/tặng nhiều món tẩm bổ như sữa, sâm, yến, đông trùng hạ thảo… Theo BS các món này nên được sử dụng thế nào là hợp lý?

TS.BS Trần Quốc Cường trả lời: Những sản phẩm như sâm, yến, đông trùng hạ thảo là những dược liệu quý. Nhân sâm chứa các saponin, yến chứa glycoprotein, đông trùng hạ thảo chứa các nucleotit. Các chất này giúp tăng sức đề kháng, tăng cường hoạt động trí não, phòng chống lão hóa và các bệnh do lão hóa gây nên.

Người cao tuổi có thể sử dụng các sản phẩm này theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngoài các chất kể trên, các sản phẩm này không cung cấp năng lượng hay vitamin, khoáng chất. Chính vì thế cần ăn đầy đủ thịt, cá, rau, trái cây, sữa trong các bữa ăn để cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Người cao tuổi nên dùng sữa nguyên chất và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai thường xuyên, từ 3 - 4 đơn vị sữa/ngày nhằm cung cấp canxi, phốt pho để phòng chống loãng xương.

Một số loại được gọi là sữa nhưng thực chất là sản phẩm dinh dưỡng y học được sản xuất dành riêng cho một số bệnh lý nhất định: sữa dành cho người bệnh đái tháo đường, bệnh thận, bệnh gan, người suy dinh dưỡng, người cần phục hồi khối cơ,... Đây là những sản phẩm cần có sự tư vấn, hướng dẫn và khuyến nghị từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khi sử dụng.

Nguyên nhân gây khó tiêu ở người cao tuổi

Theo BS, có cách nào giúp cho các cụ hạn chế được tình trạng hay bị khó tiêu và tiêu chảy?

TS.BS Trần Quốc Cường trả lời: Tình trạng khó tiêu ở người cao tuổi xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể do sự lão hóa của hệ cơ quan cả về cấu trúc lẫn chức năng. Về cấu trúc, có thể kể đến giãn niêm mạc làm nhão đường tiêu hóa. Về chức năng, hoạt động co bóp không tốt, không tiết đủ men tiêu hóa nên không tối ưu được việc tiêu hóa thức ăn nói chung và sữa nói riêng. Chúng ta nên chia nhỏ bữa ăn để người cao tuổi dễ tiêu hóa, hấp thu.

Thứ nhất, nhiều người cao tuổi sử dụng sữa y học trong khi chưa cần thiết. Mức năng lượng trong loại sữa này cao hơn so với nhu cầu nên bị khó tiêu, đầy bụng. Khi sử dụng sữa y học nhất định phải có lời khuyên từ người có chuyên môn, chỉ uống khi thật sự cần thiết.

Thứ hai, một số người cao tuổi kém dung nạp sữa, hay còn gọi là bất dung nạp lactose. Lúc này, người cao tuổi nên sử dụng sữa không chứa lactose (sữa lactosefree) để có thể tiêu hóa tốt hơn.

Thứ ba, ở những người cao tuổi có vấn đề về đường tiêu hóa thì có những sản phẩm sữa chuyên biệt gọi là sữa thủy phân, sữa chứa đạm whey, sữa chứa dầu MCT,... giúp tiêu hóa dễ hơn. Trong trường hợp này, nên đến gặp chuyên gia để được tư vấn kỹ hơn về dinh dưỡng.

Người già chán ăn - khắc phục bằng cách nào?

Một số gia đình có người cao tuổi thắc mắc rằng sao ông bà của mình hay than chán ăn, nguyên nhân là gì, thưa BS?

TS.BS Trần Quốc Cường trả lời: Không riêng gì người lớn tuổi mà trẻ con hay bản thân chúng ta những lúc mệt mỏi cũng sẽ chán ăn. Chán ăn là một vấn đề cần được quan tâm, đặc biệt là ở người cao tuổi. Chán ăn ở người cao tuổi có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ khoang miệng: Người cao tuổi bị mất răng, giảm tiết nước bọt, giảm chức năng vị giác khiến họ không cảm nhận được vị ngon của thức ăn. Chúng ta nên giải quyết vấn đề răng miệng, nấu những món ăn không quá khô, sử dụng gia vị, rau mùi để kích thích vị giác.

Nguyên nhân thứ hai là không tiêu khiến người cao tuổi không cảm thấy đói khi đến bữa. Cần phải làm sao để bữa ăn dễ tiêu hóa nhất. Có thể cắt nhỏ, hầm nhừ thức ăn, đặc biệt là các loại thịt như thịt gà, thịt bò, thịt heo là các thực phẩm khó tiêu. Nên chú trọng vào chất lượng chứ không phải số lượng thức ăn, ăn đúng theo nhu cầu.

Nguyên nhân thứ ba đến từ vấn đề tâm lý. Người cao tuổi bị giảm thu nhập đáng kể hoặc không có thu nhập, giảm giao tiếp xã hội, stress nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng (lo lắng về biến chứng bệnh lý, mất bạn đời,...) góp phần dẫn đến tình trạng chán ăn.

Để khắc phục tình trạng chán ăn không chỉ cần giải quyết vấn đề sinh lý mà còn phải giải quyết vấn đề tâm lý. Chúng ta nên dành thời gian cùng ăn cơm, trò chuyện với ông bà, cha mẹ. Nếu con cái ở xa, ở riêng cũng cần phải dành thời gian định kỳ về thăm hỏi, ăn uống cùng với người lớn tuổi. Chúng ta phải giải tỏa tâm lý ức chế, căng thẳng của ông bà, khuyến khích họ tăng cường vận động thể lực, tham gia các hoạt động xã hội. Tại Bệnh viện Thống Nhất có câu lạc bộ đái tháo đường, là một kênh để người lớn tuổi đến nghe bác sĩ chia sẻ kiến thức, giao lưu với mọi người.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X