Hotline 24/7
08983-08983

Bí quyết cải thiện rối loạn tiêu hóa khi uống thuốc điều trị tiểu đường

Đái tháo đường (tiểu đường) là một bệnh mãn tính thường gặp và người bệnh cần phải sử dụng thuốc liên tục theo một lịch trình cố định để kiểm soát được mức đường huyết trong cơ thể. Vậy nếu uống thuốc nhưng gặp tác dụng phụ rối loạn tiêu hóa, người bệnh nên xử trí thế nào? Thắc mắc này đã được Dược sĩ Lư Cẩm Sinh giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh đái tháo đường ổn định, có được ngừng thuốc?

Xin hỏi DS, người bệnh đái tháo đường có phải dùng thuốc điều trị suốt đời hay không? Bệnh nhân có tâm lý chủ quan nghĩ rằng đường huyết về chỉ số bình thường nghĩa là đã khỏi bệnh và không cần uống thuốc nữa nên tự ý ngưng thuốc. Nếu ngưng thuốc kéo dài như vậy, điều gì sẽ xảy đến với người bệnh, thưa DS?

Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Đái tháo đường là một bệnh mãn tính liên quan đến việc chuyển hóa thức ăn thành đường và năng lượng. Khi cơ thể hấp thu thức ăn sẽ được chuyển hóa thành đường, lúc lượng đường huyết trong máu tăng cao sẽ kích thích cơ thể sản xuất insulin. Đây là một hormone có tác dụng giúp tế bào sử dụng đường và chuyển hóa thành năng lượng.

Ở người bệnh đái tháo đường việc sản xuất hoặc khả năng sử dụng insulin bị mất, từ đó lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao. Dẫn đến các biến chứng về tim mạch, thị lực, suy giảm chức năng thận. Người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường liên tục để kiểm soát lượng đường huyết trong cơ thể, từ đó giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra.

Phần lớn các thuốc điều trị đái tháo đường hiện nay, đều dừng lại ở mức duy trì lượng đường huyết của bệnh nhân ở một thời điểm nhất định khi dùng thuốc và cho đến khi thuốc hết hiệu lực. Vì vậy người bệnh cần phải sử dụng thuốc liên tục theo một lịch trình cố định để giữ, kiểm soát được mức đường huyết trong cơ thể.

Khi người bệnh nghĩ là lượng đường huyết của mình đã được cải thiện và dừng thuốc, thì điều này sẽ dẫn đến đường huyết tăng cao đột ngột. Từ đó gây ảnh hưởng các biến chứng nặng của đái tháo đường như tim mạch hay chức năng thận.

2. Đã dùng thuốc điều trị đái tháo đường, có cần điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống?

Nhiều người bệnh thường ỷ lại vào thuốc điều trị, cho rằng thuốc điều trị đái tháo đường đã có tác dụng kiểm soát đường huyết, do đó không cần thiết phải điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống, DS đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Trong quá trình điều trị đái tháo đường thì lối sống, chế độ ăn uống và vận động là yếu tố cực kỳ quan trọng đến chất lượng điều trị.

Việc ăn uống có ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường. Cụ thể, khi sử dụng điều trị thuốc chúng ta phải bám sát vào lịch trình ăn uống của bệnh nhân để đảm bảo lượng đường huyết trong cơ thể được duy trì ở một mức cố định.

Người bệnh cần xây dựng cho mình một lối sống và chế độ ăn lành mạnh trong quá trình điều trị đái tháo đường. Không nên chủ quan trong việc đã dùng thuốc là có thể sống một lối sống như trước khi mắc bệnh: ăn uống thoải mái, ăn về đêm, lịch trình ăn không cố định.

3. Uống thuốc không đúng giờ ảnh hưởng thế nào đến người bệnh tiểu đường?

Ngoài trường hợp quên uống thuốc, bệnh nhân còn không nhớ giờ uống thuốc hoặc khi nhớ khi quên. Điều làm này ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh, thưa DS?

Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Việc sử dụng thuốc đái tháo đường nên được bám sát vào lịch trình ăn uống cố định của bệnh nhân. Vì khi sử dụng các thuốc này sẽ làm giảm lượng đường huyết khi ăn và sau khi sử dụng.

Cố định lịch trình ăn uống và cố định lịch trình uống thuốc sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị đái tháo đường. Ví dụ khi ăn một bữa ăn sau đó lại quên sử dụng thuốc sẽ dẫn đến lượng đường huyết tăng cao đột ngột và các biến chứng có thể xảy ra.

4. Làm sao để cải thiện tác dụng phụ do thuốc điều trị tiểu đường gây ra?

Một số trường hợp uống thuốc gặp các tác dụng phụ của thuốc như mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa… Xin hỏi BS, tình trạng này kéo dài bao lâu, có nên đổi thuốc hay không?

Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Khi sử dụng thuốc thì tác dụng không mong muốn là điều khó tránh khỏi. Cụ thể, Metformin được sử dụng phổ biến để điều trị đái tháo đường type 2 có một tác dụng không mong muốn đặc trưng là gây rối loạn tiêu hóa.

Tuy nhiên việc này có thể cải thiện bằng một số phương pháp:

- Sử dụng dạng phóng thích kéo dài của Metformin.

- Khởi đầu điều trị bằng một liều thấp sau đó tăng dần liều để giảm thiểu ảnh hưởng của rối loạn tiêu hóa.

- Thời điểm sử dụng thuốc cũng có thể làm ảnh hưởng: Khi sử dụng Metformin vào bữa ăn sẽ làm giảm thiểu rõ rệt tác dụng không mong muốn là rối loạn tiêu hóa đối với người bệnh.

- Theo một số nghiên cứu, thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các triệu chứng về rối loạn tiêu hóa. Nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế về việc làm thế nào để cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột nhằm giảm thiểu các tác dụng không mong muốn khi sử dụng.

5. Làm gì khi uống thuốc tiểu đường mà người bệnh bị rối loạn tiêu hóa?

Khi uống thuốc tiểu đường mà người bệnh bị rối loạn tiêu hóa, nếu đổi thời điểm sử dụng thuốc thì tình trạng này có cải thiện hay không?

Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Khi đổi thời điểm sử dụng thuốc, đặc biệt là sử dụng thuốc vào bữa ăn sẽ làm giảm thiểu rõ rệt tác dụng không mong muốn trong hệ tiêu hóa của người bệnh.

6. Không đi tái khám định kỳ ảnh hưởng thế nào đến quá trình điều trị tiểu đường?

Ngoài ra, vì một số lý do mà người bệnh không đi tái khám định kỳ, cứ hết thuốc lại dùng đơn cũ, việc này có ảnh hưởng gì đến quá trình điều trị không?

Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Điều này là cực kỳ không nên. Đái tháo đường là một bệnh mà bác sĩ sẽ chẩn đoán và kê đơn thuốc theo tình trạng của từng cá nhân, tình trạng đường huyết, nồng độ, khả năng hấp thu và giảm thiểu đường huyết của từng người bệnh. Vì vậy việc tái khám là cực kỳ quan trọng.

Khi kết thúc một liệu trình của bác sĩ, người bệnh cần ngay lập tức quay trở lại bệnh viện để tái khám để bác sĩ có thể điều chỉnh loại thuốc cũng như liều lượng và kiểm soát chặt chẽ lượng đường huyết của từng người.

7. Cần kiêng thực phẩm nào khi dùng thuốc điều trị tiểu đường?

Khi dùng thuốc điều trị tiểu đường, có cần phải kiêng khem thực phẩm nào không, thưa DS?

Dược sĩ Lư Cẩm Sinh trả lời: Điều trị đái tháo đường nên gắn trực tiếp vào một lịch trình ăn uống cố định, cũng như một thực đơn ăn uống có liều lượng, có điều chỉnh đối với bệnh nhân. Chúng ta có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế về những thức ăn chúng ta nên ăn hoặc không nên ăn.

Ngoài ra, lượng thức ăn bổ sung hằng ngày cũng cực kỳ quan trọng. Ví dụ, việc dùng chung Metformin với thức uống có cồn có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như nhiễm toan lactic. Đây là một tác dụng phụ tuy không phổ biến nhưng cực kỳ nghiêm trọng của Metformin. Do đó, cần tham khảo kỹ ý kiến của chuyên gia y tế khi sử dụng thuốc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X