Bị chồng chán vì... hôi miệng
“Giá như vợ chồng lục đục vì mình luộm thuộm hay ăn không ngồi rồi thì đã đành, đằng này, anh ấy chê vợ chỉ vì... hôi miệng”
Kiêng đánh răng khi ở cữ, thành ra hôi miệng?
Là một phụ nữ, xinh đẹp, đoan trang, được tiếng là dâu thảo nhưng chị Nguyễn Thị Thu Linh (TP. Thái Nguyên) luôn sống trong đau khổ vì chứng hôi miệng của mình.
Cách đây vài năm, chị Linh sinh em bé. Vì phải kiêng khem trong kỳ cữ nên mẹ chị Linh không cho con gái đánh răng, chỉ được súc miệng. Từ đó đến nay đã hơn 4 năm nhưng chứng hôi miệng cứ đeo đẳng chị Linh không hề khỏi.
Điều khiến chị Linh đau khổ nhất là chồng chị không dám âu yếm vợ nhiều vì hơi thở nặng mùi của chị. Chị buồn bã: “Thời gian đầu, mỗi lần vợ chồng gần nhau, anh ý chỉ làm cho xong nhiệm vụ, không hôn, không nói chuyện. Lâu dần, anh ấy chẳng gần vợ nữa. Gần đây nghe mọi người nói anh ý cặp bồ với một phụ nữ đã li dị chồng”.
Chị Linh cố gắng chăm sóc con, đối xử với thật tốt với bố mẹ chồng để chồng có thể hiểu và không phản bội chị thêm nữa. “Giá như lục đục vì mình không tốt, không hiểu chồng, không có công ăn việc làm đã đành, đằng này, anh ấy chê vợ chỉ vì... hôi miệng. Biết thế này, ngày trước mình chẳng kiêng cữ kiểu các cụ là xong”.
Muốn độc thân chỉ vì... hôi miệng
Với chiều cao 176cm, thân hình khá lý tưởng nhưng anh Văn (30 tuổi, Lạc Trung, Hà Nội) vẫn chưa có mối tình vắt vai vì luôn mặc cảm. Anh đã nhiều lần đi khám nhưng vẫn không tìm ra bệnh và cách điều trị chứng hôi miệng.
Anh Văn nhớ mãi, sau khi học năm cuối đại học thì anh thấy miệng mình có mùi khác khác. Mẹ anh nghĩ con bị bệnh cam nên lại thường xuyên gửi những bọc thuốc cam từ quê lên cho con. Anh uống hết gói này đến gói khác nhưng chỉ thấy miệng càng ngày càng hôi hơn.
Từ khi bị chứng hôi miệng, người yêu của anh cũng nói lời chia tay. Sau chuyện tình cảm tan vỡ, anh Văn càng trở nên lầm lì, ít nói và ngại giao tiếp hơn. “May mà công việc của mình là thiết kế, suốt ngày làm bạn với máy tính nên cũng đỡ ngại hơn” – anh Văn bày tỏ.
Không phải ai cũng bị hôi miệng thực sự
Phần lớn bệnh nhân đến khám vì triệu chứng này chủ yếu do mặc cảm, cảm giác hôi miệng. Những người bị hôi miệng thường do 3 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân đầu tiên là do vấn đề về răng miệng, viêm lợi. Khi nhai thức ăn trong khoang miệng, thức ăn còn sót lại trong miệng và lên men, chuyển hóa nên tạo ra mùi hôi. Với nguyên nhân này, người đó chỉ cần giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ là sẽ hết mùi.
Nhiều người còn bị hôi miệng do các bệnh trong dạ dày. Thức ăn đọng lâu trong dạ dày, khi lên men tạo ra mùi. Trong dân gian thường nói là bệnh hở tâm vị. Những người bị bệnh này sẽ phải uống thuốc để thức ăn tiêu hóa nhanh hơn, chống thức ăn trào ngược… sẽ giảm bớt mùi hôi.
Ngoài ra, nguyên nhân của hôi miệng còn do ở phía dưới sâu dạ dày. Để điều trị hôi miệng cần tìm ra các nguyên nhân. Giáo sư Trạch nhấn mạnh, hôi miệng không nguy hiểm nhưng khiến cho người bệnh cảm thấy mặc cảm, thiếu tự tin trong giao tiếp.
Giáo sư Trạch còn nhớ, nhiều người bệnh đến đây khám đều than thở: “Nếu không chữa khỏi bệnh thì coi như tình yêu, sự nghiệp dang dở”. Nhiều người chỉ bị hôi miệng nhẹ nhưng vì một lời chê của chồng, vợ hoặc người yêu thì vẫn cố đi tìm ra bằng được bệnh để chữa.
Giáo sư Trạch nhấn mạnh, nên kiểm tra răng miệng thường xuyên hơn và luôn giữ vệ sinh sạch sẽ thì người bệnh sẽ tự tin và thoải mái trong mọi tình huống.
Theo Phương Thúy -bee.net.vn
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình