Bệnh viện tuyến dưới “đuối” vì ít tiền hay thiếu năng động?
Nhiều BV tuyến quận/huyện tại TP.HCM rơi vào tình trạng khó khăn. Nguyên nhân do TP.HCM chưa triển khai khung giá viện phí mới đã được Bộ Y tế hướng dẫn.
Giá khám không bằng giá giữ xe
Các bác sĩ (BS) tuyến quận/huyện phân vân: Thông tư về việc tăng giá viện phí (số 04/2012/TTLT - Bộ Y tế - Bộ Tài chính) đã có hiệu lực gần một năm (ngày 15/4/2012); nhưng đến nay, ngành y tế TP.HCM vẫn chưa áp dụng. Trong khi, các tỉnh/thành khác có chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều so với TP.HCM đã triển khai gần hết. Điều này khiến cho các BV quận/huyện gặp nhiều khó khăn vì các BV này chủ yếu là BV hạng ba, ít sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao nên không có nguồn thu để bù lỗ cho giá viện phí được áp dụng từ năm 1995 (Thông tư 14).
BS Nguyễn Văn Tòng, Giám đốc BV Q.6 - cho hay, hiện nay, giá khám bệnh mà bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho BV tuyến quận/huyện chỉ 2.000đ/lượt khám. Giá này không hợp lý, vì mỗi lần khám, BS phải sử dụng một đôi găng tay riêng, khám họng thì còn dùng que..., chưa kể chi phí giấy in, mực in, điện nước mà BV chi trả hàng tháng.
Hay như một bệnh nhân (BN) nằm viện, với công BS, hộ lý, kỹ thuật viên chăm sóc kèm với quần áo, tấm trải giường, điện nước nhưng BHYT chỉ trả 5.000đ/ngày. Hoặc như một ca chụp X-quang tim phổi, cỡ 30x40cm chỉ được thanh toán 20.000đ, trong khi giá một tấm phim thô hiện nay đã hơn 19.000đ. Chính vì thu không đủ chi nên thu nhập của nhân viên rất thấp.
Ngân sách nhà nước cấp mỗi năm cho BV Q.6 là 9,9 tỷ; nhưng đợt tăng lương cơ bản vừa qua, số tiền này chỉ đủ trả lương cho nhân viên BV trong chín tháng, ba tháng còn lại buộc BV phải tự xoay xở. Thu nhập thấp đã khiến không ít BS rời BV.
Việc khám bệnh ở các BV quận/huyện còn đơn sơ
Giá viện phí cũ bất hợp lý đã được Bộ Y tế nhận thấy và thể hiện rõ trong thông tư mới khi cho phép BV quận/huyện điều chỉnh tăng lên 10.000đ/lượt khám. Ngay giá khám bệnh ở trạm y tế xã theo quy định mới cũng được phép thu 5.000đ. BV hạng ba được phép điều chỉnh giá giường bệnh cho hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở) là 70.000đ/ngày. Giá giường bệnh một ngày ở các bệnh nội khoa: hô hấp, tim mạch, nhi, tiêu hóa, nội tiết, thận 40.000đ, sản khoa không mổ xẻ là 35.000đ, phục hồi chức năng 25.000đ.
Không như BV Q.6, BV huyện Hóc Môn thuộc BV hạng hai với 600 giường điều trị nội trú, được đầu tư nhiều kỹ thuật cao để thu hút BN đến khám dịch vụ, bù lỗ cho giá viện phí hiện hành, nhưng do người dân địa phương có thu nhập thấp và vị trí địa lý rộng lớn nên chủ yếu là BN người nghèo khám theo diện BHYT (người bệnh khá giả lên các BV trung tâm TP.HCM).
BS Đỗ Kim Hoàng, Giám đốc BV Hóc Môn cho biết, trung bình mỗi ngày có 1.400 lượt người đến khám; nhưng chỉ 40-50 người bệnh khám dịch vụ cho nhanh, với giá một lần khám là 50.000đ/ca. Dù vậy, khi phát hiện ra bệnh phải điều trị, người bệnh lại chuyển sang sử dụng thẻ BHYT, chứ không bỏ tiền điều trị diện dịch vụ. Do đó, mỗi tháng, mức thu từ khám dịch vụ chỉ đủ trả nợ kinh phí thực hiện xã hội hóa.
Do mức thu thấp nên đến nay, BV huyện Hóc Môn vẫn nợ tiền trực đêm của BS. Để cải thiện thu nhập, hầu hết các BS đều mở phòng mạch riêng, nhưng có nhiều nhân viên không mở được phòng mạch nên cuộc sống rất khó khăn.
Một BS tại BV tuyến quận/huyện cho biết, để có thể hoạt động với cách thanh toán từ năm 1995 đến nay của BHYT, BV buộc phải “chia sẻ” gánh nặng này lên vai người bệnh thông qua nhiều cách khác nhau như: bán sổ khám bệnh, thu phí chụp X-quang 30.000đ/tấm thay vì 20.000đ và giải thích với người bệnh là trượt giá, nếu chụp dịch vụ thì 50.000 - 60.000đ/tấm...
Phải tự cứu mình
Trong lúc nhiều BV quận/huyện khó khăn tìm nguồn thu thì một số BV đã tự cứu mình nhờ thực hiện xã hội hóa thành công. Các BV này cũng phối hợp với BS ở các BV lớn về điều trị theo yêu cầu... nên đã thu hút nhiều BN đến khám.
BS Phạm Quốc Dũng, Phó Giám đốc BV Q.Thủ Đức - chia sẻ, hiện TP.HCM có 24 quận/huyện, nếu BV nào cũng đòi Sở Y tế đầu tư máy móc, trang thiết bị thì Sở sẽ không đủ sức. Còn việc tăng giá viện phí trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay là rất “nhạy cảm”. Điều quan trọng là mỗi BV phải biết thế mạnh của mình và tìm hướng xã hội hóa cho phù hợp. Đây mới chính là nguồn thu và sức cạnh tranh của mỗi BV.
Ngược lại, nếu đầu tư từ nguồn xã hội hóa không đúng hướng, người bệnh không “ủng hộ” hoặc chỉ đến khám dịch vụ mà không điều trị thì coi như thất bại. Do đó, trước khi đầu tư máy móc phải đào tạo BS đủ chuyên môn để sử dụng thiết bị hiện đại. BV Q.Thủ Đức đã được đầu tư và triển khai cả mổ tim, tim mạch can thiệp, ung thư, chấn thương chỉnh hình, sọ não, nhưng hướng chính vẫn là phát triển ngoại khoa. Nhờ phát triển ngoại khoa mà BV đã thu hút từ 2.800 - 2.900 BN đến khám mỗi ngày và BV đã “xé rào” trở thành BV hạng hai.
Hay tại BV Q.2, hiện mỗi ngày chỉ có 1.200 BN đến khám, nhưng BV vẫn bảo đảm cuộc sống ổn định cho nhân viên. BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2 cho biết, để tăng thêm lượng BN đến khám, nhất là khám và điều trị diện dịch vụ, BV cho BN lựa chọn chức danh và tên BS để điều trị. Nguồn thu từ dịch vụ sẽ trả một phần cho BS được “mời về” điều trị và một phần BV sử dụng để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho người dân.
Bệnh nhân đến khám đông nhưng nhiều BV quận, huyện vẫn nghèo
Trong khi đó, BS Nguyễn Văn Tòng của BV Q.6 băn khoăn: “Điều khó nhất hiện nay là BV không có mặt bằng để tách riêng biệt khu khám dịch vụ và khu khám BHYT, chưa kể BV còn thiếu cả giường bệnh dịch vụ, chưa có máy chụp CT. BV chỉ mới triển khai khám dịch vụ, thu được 100 triệu đồng mỗi tháng, chứ chưa triển khai được những kỹ thuật chuyên môn sâu như chuyên khoa sâu mạch máu, dù các BV lớn như BV Trưng Vương, BV Bình Dân, BV Nhân dân 115 có cử BS xuống hỗ trợ BV Q.6”. Riêng việc huy động vốn để thực hiện xã hội hóa, BV cũng cân nhắc vì có những nhà đầu tư chỉ nhắm vào lợi nhuận mà không đào tạo chuyên môn cho BS của BV.
Một số BV cho rằng: việc huy động vốn để thực hiện xã hội hóa rất nhạy cảm. Vì từng xảy ra những trường hợp nhà đầu tư chỉ chú trọng xét nghiệm, điều trị tràn lan để thu hồi vốn, do đó, hiện nay các BV quận/huyện rất thận trọng với nguồn xã hội hóa. Mặt khác, thủ tục vay ngân hàng với lãi suất thấp để thực hiện xã hội hóa rất khó khăn.
Rõ ràng, cùng chung cảnh khó nhưng do biết cách xoay xở nên một số BV đã bứt phá để đội ngũ “sống tốt”. Thay vì đổ thừa hoàn cảnh, họ đã biết tạo cơ chế mới để thu hút BN, từ đó mới có điều kiện đầu tư máy móc, trang thiết bị, nâng tay nghề đội ngũ thầy thuốc.
Theo Phụ nữ online
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình