Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh viện đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu hệ thống robot can thiệp mạch máu Corindus

Ngày 15/9, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống Robot Corindus hỗ trợ can thiệp mạch máu đầu tiên tại Đông Nam Á. Hình ảnh chi tiết kết hợp với sự can thiệp có hỗ trợ của robot giúp tăng độ chính xác cho liệu pháp xâm lấn tối thiểu, giảm nguy cơ tiếp xúc với tia xạ cho cả bệnh nhân - bác sĩ và có thể can thiệp từ xa.

1. Ứng dụng robot can thiệp mạch: Giảm mức độ phơi nhiễm bức xạ ngoạn mục

Corindus CorPath GRX hiện là hệ thống robot được chứng nhận FDA và CE dành cho các can thiệp mạch vành, can thiệp ngoại biên và thần kinh phức tạp. Hiện, Corindus đã được ứng dụng tại các bệnh viện hàng đầu của Mỹ, Ấn Độ, Pháp, UAE, Đức, Nhật Bản, Brazil, HongKong… đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và bác sĩ.

Lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Sở ban ngành và lãnh đạo Bệnh viện cắt băng khánh thành, chính thức ra mắt hệ thống robot Corindus

Với hệ thống robot hiện đại giúp các bác sĩ không cần phải can thiệp trực tiếp tại phòng DSA

Đối với bác sĩ, robot Corindus là “trợ thủ” đắc lực để kiểm soát chính xác ống thông, dây dẫn, bóng và stent với sự trợ giúp của hình ảnh tích hợp cho các thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Khi đó, với cánh tay robot, bác sĩ có thể điều khiển can thiệp từ xa mà không cần phải trực tiếp thực hiện tại phòng DSA. Điều này không chỉ giúp giảm đến 95% mức độ phơi nhiễm bức xạ mà còn giúp giám các chấn thương liên quan đến cột sống do phải mặc áo chì trong thời gian dài.

Ngoài ra, can thiệp bằng robot sẽ giúp tăng khả năng đo đạc, tính toán chính xác tổn thương hẹp mạch máu để xác định đúng số lượng stent cần đặt. Đáng chú ý, độ chính xác của robot Corindus có thể đạt đến từng milimet. Đồng thời hỗ trợ bác sĩ chọn đúng kích thước stent vì đo được độ dài tổn thương trực tiếp trong lòng mạch.

Đối với bệnh nhân, việc ứng dụng robot sẽ giúp thời gian thực hiện các trường hợp phức tạp nhanh hơn, đặc biệt đối với những ca can thiệp mạch vành cần đặt 2 stent. Nhờ thời gian được rút ngắn, nguy cơ phơi nhiễm bức xạ cũng giảm đến 21%. Trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ và internet, bác sĩ có thể điều khiển từ xa giữa các bệnh viện với nhau, nhờ đó bệnh nhân không cần di chuyển quá nhiều lần mà vẫn tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, mở ra cơ hội điều trị và phục hồi.

Robot giúp kiểm soát chính xác ống thông, dây dẫn, bóng và stent với sự trợ giúp của hình ảnh tích hợp cho các thủ thuật xâm lấn tối thiểu

2. Niềm mơ ước của các bác sĩ can thiệp trong phòng DSA

PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đến tham dự buổi lễ khánh thành và nhấn mạnh, Việt Nam đang đối diện với mô hình bệnh tật kép, đó là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (như sốt xuất huyết, chân tay miệng, cúm A) và “đại dịch” của các bệnh không lây nhiễm.

“Báo cáo của 1.400 bệnh viện gửi về cho Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho thấy, 70% người bệnh hiện nay ở các bệnh viện là bệnh không lây nhiễm, bao gồm tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, chấn thương-tai nạn, béo phì…” - Lãnh đạo Bộ Y tế nói.

Trong đó, bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Các kỹ thuật can thiệp tim mạch kinh điển được thầy thuốc Việt Nam triển khai từ rất sớm và rất thành công với những đôi bàn tay khéo léo đã cứu sống được rất nhiều người.

Và với việc ứng dụng kỹ thuật mới - robot can thiệp mạch Corindus tại S.I.S Cần Thơ được PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê đánh giá là bước tiến vượt bậc mang lại độ chính xác, an toàn và hiệu quả cao, phù hợp với xu hướng hội nhập với thế giới. Hơn nữa, trong tương lai, khi đường truyền tốt, có thể ứng dụng đến vùng sâu, vùng xa, giảm thiểu gánh nặng cho người nhà và bệnh nhân.

PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê và các chuyên gia dành thời gian “mục sở thị” hệ thống robot Corindus

Với việc đầu tư hệ thống robot Corindus, S.I.S Cần Thơ nhận được sự khích lệ của các chuyên gia đầu ngành. GS Blaise Baxter - Chủ tịch Hiệp hội Can thiệp Thần kinh Mỹ gọi sự kiện này là hành trình “tuyệt vời”, đánh giá cao những nỗ lực của S.I.S Cần Thơ trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Trong khi đó, GS.TS.BS Nguyễn Văn thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nhận định, ngày hôm nay Việt Nam đã gia nhập vào bản đồ ứng dụng robot trên thế giới trong lĩnh vực can thiệp mạch, điều này mang lại lợi ích không chỉ cho bệnh nhân mà cả các bác sĩ.

GS.TS.BS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cũng cho rằng, có lẽ trong nước chưa có bệnh viện nào trang bị nhiều thiết bị hiện đại như S.I.S Cần Thơ, nhất là với sự “gia nhập” của robot Corinducs. Đây là tín hiệu đáng mừng, vì qua đó người dân sẽ được thụ hưởng các kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị bệnh tim mạch, đột quỵ.

PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - chuyên gia thực hiện những ca can thiệp mạch vành đầu tiên tại S.I.S Cần Thơ với sự hỗ trợ của BS BS Ravikant Patil (Ấn Độ) chia sẻ, ban đầu ông không có nhiều niềm tin với robot, song khi trực tiếp can thiệp mạch vành bằng Corindus đã cảm nhận rõ ràng tính hiệu quả và thành công của công nghệ chế tạo này.

Trong đó, chuyên gia ấn tượng mạnh với hai lợi ích can thiệp từ xa của robot. Thứ nhất là giảm tia bức xạ, “vì người ta thấy rằng, những bác sĩ can thiệp thường hay phát hiện ung thư não bên trái, đục thủy tinh thể, biến chứng cột sống do mang áo chì nặng trong thời gian dài”. Thứ hai là giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay - đó là thiếu nhân lực trong can thiệp tim mạch, thần kinh. Nếu can thiệp bằng robot khi thực hiện thuần thục sẽ chỉ cần đội ngũ 2-3 người, trong khi với can thiệp thông thường sẽ cần ê-kíp 6-7 người.

PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng đúc kết, mặc dù chưa nhận ra được lợi ích rõ ràng ngay tại thời điểm này, nhưng đây là tiến bộ vượt bậc, nếu không phát triển, đầu tư ngay từ bây giờ thì khoảng 5-10 năm nữa chúng ta sẽ đi chậm, tụt lại phía sau.

Chuyên gia tin rằng, đây là sự kiện rất đáng kỳ vọng. Bởi vì trên thế giới, điển hình như Ấn Độ - nơi đầu tiên thực hiện can thiệp mạch vành bằng robot từ xa với khoảng cách 30km, hay năm 2020 Mỹ cũng đã triển khai robot cách 3.000 dặm (tương đương 4.500km). Do đó, “can thiệp bằng robot từ xa không quá khó khăn, điều quan trọng là đảm bảo đường truyền” - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất bày tỏ quan điểm.

Các chuyên gia đánh giá cao lợi ích robot Corindus đối với bác sĩ và bệnh nhân

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, hệ thống Corindus là niềm mơ ước của các bác sĩ can thiệp trong phòng DSA. Chi phí đầu tư cho hệ thống robot nay khoảng 1 triệu USD (tương đương khoảng 20 tỷ). Song vấn đề quan trọng hơn là can thiệp bằng robot sẽ cần chi trả thêm vật tư tiêu hao là cassette (khoảng 1.000 USA), vì vậy ông mong rằng trong tương lai danh mục này sẽ được BHYT chi trả để giảm gánh nặng kinh tế tối thiểu nhất cho bệnh nhân trong khi thụ hưởng các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Cuối cùng, kết thúc lễ khánh thành, PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh và kỳ vọng, bên cạnh việc ứng dụng các kỹ thuật mới, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ sẽ tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm khi triển khai thực hành với các địa phương, đồng thời kết nối trong khu vực và trên thế giới để hoàn thiện kỹ thuật này, đem đến độ chính xác với độ an toàn cao cho người bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X