Bệnh thủy đậu gây biến chứng gì cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn?
Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai nếu chưa được tiêm ngừa đều có nguy cơ nhiễm thủy đậu và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Với trẻ nhỏ, thủy đậu thường xảy ra ở độ tuổi nào? Phụ nữ mang thai đối diện với những nguy cơ nào nếu mắc thủy đậu? Tất cả những thắc mắc này đã được TS.BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Trong thời gian ủ bệnh, thủy đậu có lây?
Thưa BS, tại Phú Thọ đã ghi nhận trường hợp 1 gia đình có 3 mẹ con lây bệnh thủy đậu cho nhau. Trước tiên, xin hỏi BS tốc độ phát tán của virus gây bệnh thủy đậu như thế nào? Nếu một người trong gia đình mắc thủy đậu, mất bao lâu để lây bệnh cho người khác? Trong thời gian ủ bệnh, thủy đậu có lây?
TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Thời gian ủ bệnh của thủy đậu có thể từ 10-21 ngày. Thông thường, bệnh có biểu hiện từ ngày thứ 14. Vì vậy, trong quá trình ủ bệnh vẫn có thể lây cho người khác. Khi đã phát hiện một trường hợp có biểu hiện của bệnh thủy đậu thì về cơ bản quá trình lây nhiễm đã xảy ra.
Đây là lý do khi đã có một trường hợp xác định mắc thủy đậu thì thông thường những người trong cùng một không gian, có mối quan hệ tiếp xúc, những người chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa từng tiêm vắc xin đều sẽ nhiễm hết.
Khi chúng tôi tính toán tỷ lệ lây nhiễm của thủy đậu thì thấy rằng, tỷ lệ lây nhiễm của thủy đậu có thể so sánh với những bệnh rất nguy hiểm như sởi, COVID-19.
2. Trẻ ở độ tuổi nào dễ mắc thủy đậu, vì sao?
Thủy đậu là một trong những bệnh là một 5 bệnh có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở Việt Nam, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thưa BS, “trẻ nhỏ” ở đây là trong độ tuổi nào? Vì sao vào độ tuổi này trẻ dễ mắc thủy đậu nhất ạ?
TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Với một bệnh lý dễ dàng lây nhiễm như thủy đậu thì tựu chung mọi người đều có khả năng mắc bệnh. Nghĩa là về cơ bản, ở độ tuổi lớn hơn đã nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện triệu chứng, vì vậy họ cho rằng chưa bị bệnh, nhưng thực tế đã bị nhiễm rồi. Khi đó, chỉ còn nhóm trẻ ở độ tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ chưa có cơ hội tiếp xúc sẽ không bị nhiễm thủy đậu.
Chúng tôi thấy rằng, bệnh thủy đậu thường xảy ra ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và thậm chí là nhóm từ 1-5 tuổi. Nhóm tuổi này dễ mắc hơn, không phải vì nhỏ hơn hoặc yếu hơn mà cơ bản nhóm tuổi lớn hơn đã nhiễm xong rồi.
3. Thủy đậu nguy hiểm như thế nào?
Câu hỏi thường gặp nhất của các bậc phụ huynh khi trẻ mắc thủy đậu đó là: Căn bệnh này có nguy hiểm không? Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nào? Trong đó, biến chứng nào là thường gặp và nguy hiểm nhất? Nhờ BS giải đáp ạ.
TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Nhiều người nghĩ rằng thủy đậu là lành tính. Thực tế cho thấy, mặc dù tỷ lệ nhiễm thủy đậu có thể lên tới 1 độ tuổi cho mỗi năm, nghĩa là mỗi một năm có khoảng 1,5-1,6 triệu trẻ ra đời, thì cũng có khoảng từng đó người bị nhiễm thủy đậu, nhưng con số nhập viện chỉ khoảng 40.000 trường hợp/ năm. Hằng năm vẫn có trường hợp tử vong khi nhiễm thủy đậu.
Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ thì thấy rằng tỷ lệ chuyển nặng của thủy đậu không đáng lo ngại. Song, chúng ta cần biết rằng, việc kết luận tử vong do thủy đậu hay viêm não do thủy đậu không phải lúc nào cũng chính xác.
Bởi vì khi chẩn đoán bệnh cảnh cụ thể (ví dụ như viêm não hoặc tử vong) sẽ dựa vào triệu chứng hoặc nhóm triệu chứng gần nhất đối với trường hợp tử vong đó. Ví dụ, kết luận là tử vong do nhiễm khuẩn huyết nhưng chúng ta không thể biết được nhiễm khuẩn huyết đó liệu có xuất phát điểm từ thủy đậu hay không. Chính vì vậy, đôi khi việc nhìn nhận gánh nặng bệnh tật liên quan đến thủy đậu giảm hơn rất nhiều so với thực tế nguy cơ bệnh thủy đậu mang lại.
4. Virus thủy đậu “ngủ đông” gây bệnh zona thần kinh, thực hư thế nào?
Đặc biệt, sau khi khỏi thủy đậu, các virus này “ngủ đông” và chờ đợi thời cơ hoạt động trở lại gây ra bệnh giời leo hay còn gọi là zona thần kinh. Thông tin này khiến các bậc phụ huynh lo lắng.
TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Virus gây bệnh thủy đậu rất thông minh, sau khi tấn công vào các cơ quan gây viêm nhiễm, nhiễm khuẩn huyết… sẽ “trốn” vào các tế bào thần kinh. Các hoạt động của tế bào hệ miễn dịch, kể cả kháng thể là không xâm nhập vào tế bào thần kinh, vì vậy virus này ngủ yên trong đó và hằng năm vẫn gây bùng phát. Tuy nhiên, khi nền miễn dịch hoạt động tốt, dù có tái bùng phát thì sẽ bị dập ngay lập tức.
Song ở những người có cơ địa hoặc đến độ tuổi nhất định, thường vào khoảng 40 tuổi hệ miễn dịch suy yếu, triệu chứng zona thần kinh (hay còn gọi là giời leo) xuất hiện trở lại. Những tổn thương đó dù điều trị khỏi, nghĩa là đã hết các biểu hiện ngoài da thì cơn đau vẫn có thể dai dẳng đến suốt đời. Tình trạng này có liên quan mật thiết đến các hoạt động của virus varicella Zoster gây bệnh thủy đậu.
Thủy đậu là một loại bệnh truyền nhiễm ở da do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra (Ảnh minh họa)
5. Điều gì xảy ra nếu virus thủy đậu “ngủ đông” gây bệnh zona thần kinh?
Xin hỏi BS, di chứng này liệu có phổ biến? Nếu mắc zona, người bệnh sẽ phải đối diện với điều gì? Sau khi trẻ đã khỏi bệnh, liệu có cách nào để biết virus gây bệnh thủy đậu còn tồn tại trong cơ thể hay không, thưa BS?
TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Chúng ta nên phòng từ giai đoạn trẻ nhỏ để không mắc bệnh là tốt nhất. Hiện nay, nếu virus đã vào đến tế bào thần kinh thì không có cơ chế để xử lý. Vì vậy, những báo cáo từ Viện Da liễu quốc gia và các đơn vị điều trị về zona thần kinh ghi nhận, mặc dù đã có những liệu pháp tốt như laser thì vẫn có những người bị căn bệnh này đeo bám đến suốt đời.
Một điểm đặc biệt của loại bệnh zona thần kinh là cho đến nay không có vắc xin thực sự hiệu quả đối với nó. Mặc dù thực tế đã có vắc xin (được gọi là vắc xin phòng zona, bản chất giống với vắc xin thủy đậu nhưng khác thành phần) thì khả năng bảo vệ cũng không tuyệt đối, cũng chỉ đạt khoảng 50%.
Do đó, việc phòng bị sớm mới mang lại giá trị, nếu để nhiễm tự nhiên và đến giai đoạn vào trong tế bào sẽ rất khó khăn trong việc theo dõi và điều trị sau này. Tuy nhiên, về cơ bản, những người ở độ tuổi từ 40 trở lên đều có nguy cơ liên quan đến biến chứng zona thần kinh. Vì vậy, ngoài việc phòng ngừa bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch thì rất khó để phòng bị chủ động.
6. Thủy đậu ở người lớn, ai dễ mắc bệnh?
Nhiều người thường chủ quan thủy đậu chỉ xảy ra ở trẻ em, còn người lớn thì “miễn nhiễm” với căn bệnh này. Song thực tế, trường hợp ở Phú Thọ đã cho thấy điều này chưa chính xác. Vậy tỷ lệ mắc bệnh thủy đâu ở người lớn như thế nào thưa BS? Trong nhóm người trưởng thành, nhóm nào dễ bị lây nhiễm căn bệnh này nhất?
TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Về cơ bản, bệnh sẽ lây nhiễm hết ở độ tuổi trẻ nhỏ. Nhưng thủy đậu chỉ lây nhiễm khi môi trường đó có virus. Nếu ở những vùng virus không lưu hành, không xảy ra các vụ dịch thì rất nhiều người không bị mắc thủy đậu cho đến khi trưởng thành. Khi lớn tuổi, có cơ hội tiếp xúc với nguồn lây thủy đậu vẫn bị lây nhiễm như bình thường.
Thủy đậu ở người lớn biểu hiện cũng rất nặng và có rất nhiều trường hợp nguy cơ gặp biến chứng như viêm não, tổn thương về nhiễm trùng, thậm chí là tử vong. Nhóm nguy cơ thường gặp bao gồm:
- Sinh viên (thay đổi môi trường khi trưởng thành) sẽ gây ra các vụ dịch ở trường học, nơi sinh sống. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy việc bùng phát các ổ dịch thủy đậu rất hay liên quan đến môi trường tập thể.
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai và mang thai. Đặc biệt gia đình có con nhỏ, trẻ đi học có thể mang nguồn lây về cho người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai nhiễm thủy đậu nguy cơ sẽ rất cao.
7. Biến chứng thủy đậu trên phụ nữ mang thai nguy hiểm ra sao?
Như vậy, ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em. Xin hỏi BS, những biến cố nào có thể xảy ra nếu phụ nữ mang thai mắc thủy đậu? Và mắc giai đoạn nào của thai kỳ là nguy hiểm nhất?
TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Chúng tôi đã gặp những tình huống rất đau lòng. Khi người phụ nữ mang thai nhiễm thủy đậu, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ thì virus gây bệnh này có thể truyền vào bào thai và những em bé đã bị nhiễm virus thủy đậu ngay trong bào thai, gây ra những dị tật thai nhi.
Với một em bé mắc thủy đậu khi đã sinh ra đời có thể chỉ tổn thương trên da, nhưng với em bé bị nhiễm thủy đậu trong bào thai (thủy đậu bẩm sinh) có thể tổn thương các cơ quan như tim, phổi, đa phủ tạng, thậm chí tổn thương não và những tổn thương này có thể theo em bé suốt đời.
Bên cạnh đó, nhiễm thủy đậu khi mang thai còn đưa đến biến chứng nguy hiểm hơn nữa, đó là huyết khối bào thai. Tình trạng này không làm bào thai tử vong nhưng khi sinh ra, cơ thể được hoạt động, cục máu đông trong phổi tống lên não và em bé sẽ tử vong trong vài chục phút sau khi sinh. Chúng tôi đã gặp tình huống này trong thực tế khi đi giám sát.
Đây là những bài học đau thương. Đó là lý do vì sao khi bác sĩ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sau sinh đều hỏi trong quá trình mang thai có bất thường hay không, nếu bà mẹ mắc thủy đậu khi mang thai thì sẽ theo dõi các bé và sau đó mới tiêm ngừa. Bởi vì như tôi đã nói ở trên, một trường hợp bé bị thủy đậu bẩm sinh, hình thành huyết khối và nếu tiêm ngừa, sau đó chẳng may tử vong sẽ nghĩ nguyên nhân do vắc xin nhưng thực tế là do thủy đậu khi mang thai.
Thủy đậu thai kỳ là nỗi ám ảnh với các bà bầu bởi nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé (Ảnh minh họa)
8. Phụ nữ mang thai nên làm gì nếu xuất hiện triệu chứng bệnh thủy đậu?
Vậy đối với phụ nữ mang thai cần làm gì nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ thủy đậu ạ?
TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc thủy đậu, tốt nhất là xin ý kiến tư vấn của bác sĩ để có những khuyến cáo phù hợp. Cho đến nay, chúng ta không có chỉ định bỏ thai liên quan đến thủy đậu. Tuy nhiên, tất cả những việc theo dõi sức khỏe, chăm sóc sau sinh đều rất quan trọng để bảo vệ an toàn cho trẻ. Nếu có các vấn đề bất thường sẽ được xử lý sớm.
9. Giải pháp nào bảo vệ tốt nhất cho người có nguy cơ mắc thủy đậu?
Bệnh thủy đậu mang lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe, vậy chúng ta có cách nào để bảo vệ những nhóm người dễ bị ảnh hưởng nhất: trẻ em, phụ nữ mang thai, thưa BS?
TS.BS Phạm Quang Thái trả lời: Rõ ràng, công tác bảo vệ cần được đặt lên hàng đầu. Hảng rào bảo vệ tốt nhất là vắc xin. Nếu trước đây chúng ta khó tiếp cận các nguồn vắc xin thì hiện nay đã rất phổ biến, hoàn toàn có thể dễ dàng tiếp cận.
Việc tiêm vắc xin sớm cho trẻ em là điều kiện tiên quyết để bảo vệ trong suốt hành trình phát triển của trẻ và cả tương lai lớn hơn nữa. Trong quá trình chúng tôi theo dõi tác dụng kéo dài của vắc xin thì nhận thấy rằng, thời gian bảo vệ của vắc xin không chỉ là 10 năm mà còn kéo dài hơn nữa, đặc biệt là đối với vắc xin sống giảm độc lực.
Ngay cả khi tiêm ngừa rất lâu, tế bào nhớ vẫn ở trong tủy xương và sẵn sàng chờ tác nhân đi vào để tấn công, ngăn chặn. Chúng ta biết rằng, virus gây bệnh thủy đậu ít khi biến đổi theo thời gian, vì vậy khi tác nhân tấn công, tế bào nhớ phát hiện ra vẫn kịp thời sinh kháng thể bảo vệ.
Đối với phụ nữ mang thai, việc tiêm phòng không chỉ bảo vệ cho họ mà phòng cho cả em bé. Các chị em phụ nữ không nên đợi đến khi mang thai mới tiêm ngừa mà nên tiêm trước đó, khoảng thời gian tốt nhất là 3 tháng trước khi mang thai, hoặc tối thiểu 1 tháng. Sau khi tiêm vắc xin cũng nên có các biện pháp phòng ngừa để tránh mang thai.
Trân trọng cảm ơn Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam và VPĐD GSK đã đồng hành cùng chương trình!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình