Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh thấp tim có khỏi hẳn được không, chữa như thế nào ạ?

(AloBacsi) - Chứ cháu sợ chữa không đúng, bệnh nặng lên thì không có tiền mà chữa bệnh tim nữa.

Thưa bác sĩ,

Cháu 23 tuổi, bị sưng đau khớp 5 năm trước, đã uống thuốc và hết đau khớp nhưng thỉnh thoảng vào trời mưa, thời tiết thay đổi vẫn đau khớp trở lại. Tháng trước thì khớp đau nặng, đi lại khó khăn nên cháu đi khám tại BV đa khoa Vạn Hạnh TPHCM.

Kết quả, cháu bị viêm cơ CSTL, hở van tim 2 lá 1,5/4, ASO (+). BS cho cháu thuốc: Etorix 90, Ryzonal 50mg, Óspen 1000, Calcitriol 0,25mcg.

Cháu tìm trên mạng thì thấy triệu chứng cháu mắc phải là bệnh thấp tim, nhưng khi khám tại BV Vạn Hạnh thì thấy thuốc bác sĩ điều trị đưa ra không giống với một bài viết đó, cháu lo lắng không biết điều trị như thế nào để hết bệnh.

Xin bác sĩ tư vấn cho cháu, bệnh cháu giờ có chữa hết không, chữa như thế nào? ở đâu? Chứ cháu sợ chữa không đúng, bệnh nặng lên thì không có tiền mà chữa bệnh tim nữa.
 
(Xuan Huong - TPHCM)
 
Trả lời:
 

Xuân Hương thân mến,

 

Trước hết, AloBacsi có lời khen ngợi cháu là một người rất siêng năng và cẩn thận, bởi sau khi đã được BS khám, chẩn đoán và sử dụng thuốc điều trị, cháu vẫn nghiên cứu tài liệu để tìm hiểu về  bệnh của mình.

 

Đúng như tài liệu mà cháu tìm đọc trên mạng, các triệu chứng của cháu như: viêm khớp, đau khớp tái đi tái lại, hở van 2 lá, ASO (+), là biểu hiện của bệnh thấp tim.

 

Thấp tim hay còn gọi thấp khớp cấp hoặc sốt thấp khớp (Rheumatic Fever) được coi là một trong những bệnh của hệ miễn dịch mô liên kết hay thuộc hệ thống tạo keo. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A đường hô hấp trên (streptocuccus A).

 

Khi khám tại BV Vạn Hạnh, BS cũng đã chẩn đoán và điểu trị bệnh thấp tim cho cháu. Các thuốc như: Etorix 90, Ryzonal 50mg, Ospen 1000 mà cháu đang sử dụng là  các loại thuốc có tác dụng điều trị như sau:

 

- Ospen 1000 (Phenoxymethylpenicillin ở dạng muối kali 1.000.000 đơn vị), là một loại kháng sinh có phổ kháng khuẩn giống như đối với Benzylpenicillin, nghĩa là có tác dụng lên Streptococci nhóm A dùng để dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn do Steptococci và những biến chứng như sốt thấp khớp, múa giật, viêm đa khớp, viêm đa khớp, viêm nội tâm mạc

 

- Ryzonal 50mg (Eperisone hydrochloride) là thuốc giãn cơ và tăng trương lực cơ

 

- Etorix 90mg( Etoricoxib) thuốc giảm đau, thuộc nhóm chống viêm không Steroide.

 

Khi có chẩn đoán thấp tim các biện pháp nên được thực hiện là:

 

- Loại bỏ ngay sự nhiễm liên cầu khuẩn - nguyên nhân gây bệnh (gọi là Phòng bệnh cấp I): theo kinh điển thì dùng Benzylpenicillin tiêm liều duy nhất, nhưng cũng có thể dùng đường uống  khoảng 10 ngày cho các trường hợp ít có nguy cơ tái phát thấp tim.

 

- Chống viêm khớp: dùng Aspirine, Corticoide, hoặc kháng viêm không Steroide

 

- Điều trị múa giật (nếu có)

 

- Chế độ nghỉ ngơi hợp lý

 

- Điều trị suy tim (nếu có)

 

- Bệnh nhân thực hiện chế độ phòng thấp tim cấp hai sau khi ra viện: tùy theo tình trạng thấp tim có hay không có viêm tim, và có hay không có để lại di chứng bệnh van tim,  BS sẽ chỉ định  thời gian dùng thuốc phòng thấp tim kéo dài bao lâu

 

Trường hợp của cháu hở van tim 2 lá 1,5/4, cần phải siêu âm kiểm tra lại,  trước khi có kết luận là thấp tim có di chứng ở van tim vì việc này liên quan đến việc điều trị phòng bệnh cấp hai.

 

Về vấn đề điều trị bệnh thấp tim của cháu, AloBacsi nghĩ rằng BS BV Vạn Hạnh đã khám, theo dõi tình trạng bệnh của cháu, và khi chọn lựa thuốc điều trị thì cũng đã tiên lượng kết quả điều trị , nên cháu cứ yên tâm tái khám điều trị tiếp, cháu nhé!

 

Chúc cháu mau khỏi bệnh!
 
BS-CK1 Nguyễn Minh Thu - AloBacsi.vn
 

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

Đặc biệt, từ ngày 15/6/2011, danh sách BS tư vấn Khám bệnh Online của AloBacsi có thêm hai chuyên gia tâm huyết.

Đó là GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Nguyên giám đốc BV Từ Dũ sẽ "gỡ rối" cho chị em về bệnh phụ khoa.

Và, TS.BS Lê Tuyết Hoa - 20 năm công tác tại BV Chợ Rẫy - chuyên ngành Đái tháo đường - Nội tiết sẽ giải đáp mọi thắc mắc về Nội Tiết - Tiểu đường.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email:
kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

AloBacsi.vn

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X