Bệnh tay chân miệng vào mùa, phòng ngừa như thế nào?
Năm học 2020-2021 đã bắt đầu, bệnh tay chân miệng cũng bước vào giai đoạn cao điểm. Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch. Do đó, dự phòng bệnh vẫn là quan trọng nhất.
Bệnh tay chân miệng hiện có dấu hiệu gia tăng về số ca mắc ở trẻ nhỏ, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc. Thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay cho thấy, cơ sở này đã tiếp nhận hơn 300 ca bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.
Chỉ tính riêng trong hai tháng 6-7 vừa qua, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng từ 5-6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ khoảng 30-50 bệnh nhân.
Các bác sĩ cho biết, tay chân miệng là bệnh có diễn tiến nhanh, nếu cha mẹ không phát hiện sớm và đưa trẻ điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng và gây biến chứng.
TS Nguyễn Văn Lâm - Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các trẻ nhập viện chủ yếu ở độ 2a, một số trường hợp độ 2b, cũng có trường hợp nặng phải lọc máu, đặt nội khí quản cũng như mổ bệnh nhi nhi phải can thiệp ECMO.
Mặc dù không phải là bệnh lý mới, năm nào cũng có bệnh nhi mắc, nhưng nhiều cha mẹ vẫn có sự nhầm lẫn về các triệu chứng của bệnh dẫn đến phát hiện muộn khi trẻ diễn biến nặng khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Hiểu những phiền muộn này của các bậc phụ huynh, PGS.TS Trần Minh Điền - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã giải đáp như sau:
Làm sao để nhận biết sớm các biểu hiện, triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng?
PGS.TS Trần Minh Điền trả lời:
Bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus đường ruột Enterovirus với hai loại thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Đầu tiên trẻ sẽ có các triệu chứng của nhiễm virus, như sốt, đau họng, sau đó nổi phát ban ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, đầu gối và một vài khu vực khác.
Tùy theo mức độ phản ứng khác nhau của trẻ, có thể chia từng cấp bậc, gồm có độ 1, độ 2, độ 3, độ 4. Độ 2b, độ 3, độ 4 là những mức độ khá nặng. Khi nhập viện, bác sĩ sẽ khám và phân loại mức độ cho các cháu, theo dõi sát các dấu hiệu, triệu chứng sốt, dấu hiệu thần kinh, phát ban và các tình trạng bội nhiễm khác.
Khi nào gia đình đưa bé tới các cơ sở y tế khám và điều trị tay chân miệng?
PGS.TS Trần Minh Điền trả lời:
Khi con trẻ bị ốm với những dấu hiện như sốt nhẹ, phát ban, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Các bác sĩ không chỉ thăm khám tình trạng phát ban, sốt mà còn đánh giá tinh thần của các cháu, như: có giật mình nhiều không, mức độ giật mình như thế nào, tri giác có kém kích thích, cùng các tình trạng khác như nhịp tim, dấu hiệu toàn thân để đánh giá toàn trạng cho trẻ cũng như phân loại mức độ.
Thông thường với độ 1 và độ 2a, nếu trẻ đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt, không có các cơn giật mình, tri giác tốt, ăn uống tốt, không nôn, không tiêu chảy thì có thể cho trẻ ở nhà để phụ huynh chăm sóc.
Tay chân miệng là bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều tị đặc hiệu. Vậy làm sao để dự phòng bệnh?
PGS.TS Trần Minh Điền trả lời:
Dự phòng bệnh vẫn là điều quan trọng nhất. Bệnh lây truyền qua đường phân, miệng. Do đó, phải ngắt được con đường lây nhiễm này với các biện pháp:
- Vệ sinh sạch sẽ cho bé: thường xuyên rửa tay cho con, rửa dưới vòi nước và có xà phòng, kể cả kẽ chân tay, móng chân tay.
- Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần chủ động cho con nghỉ ở nhà, không đưa đến trường lớp để tránh lây nhiễm cho các bé khác.
- Trường học, lớp học cần thường xuyên vệ sinh, lau chùi bàn ghế, đặc biệt là khu vực vệ sinh cần hết sức lưu ý để giảm nguy cơ phát tan virus ra môi trường bên ngoài.
[DAP]Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà
Triệu chứng của tay chân miệng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày với những biểu hiện điển hình: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi, xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng cùng các bọng nước ở bàn chân, bàn tay hoặc có thể ở mông, gối.
Với những trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ, sau khi được bác sĩ thăm khám, gia đình có thể cchăm sóc và theo dõi tại nhà như sau:
- Thực hiện cách ly, hạn chế cho trẻ ra ngoài để tránh lây nhiễm cho các trẻ khác.
- Phối hợp dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Với vùng miệng của trẻ, cần vệ sinh và bôi thuốc đúng chỉ định.
- Các vết loét ở miệng làm trẻ rất đau, khó ăn uống, nên cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, sữa và chia nhỏ các bữa ăn.
- Phụ huynh vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ. Thường vệ sinh trước khi cho trẻ ăn khoảng 30 phút.
- Cho trẻ mặc quấn áo mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi; thay quần áo và tắm rửa hàng ngày cho trẻ bằng nước ấm.
- Theo dõi tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấy hiệu cảnh báo. Đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ sốt cao 39 độ trở lên, hoặc sốt cao kéo dài, mạch nhanh, run chi, đi không vững (nếu trẻ đã biết đi), giật mình trên 2 lần trong 30 phút.
Tay chân miệng không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, trẻ hoàn toàn có thể bình phục nhanh chóng và không cần phải nhập viện nếu được phát hiện sớm. Hy vọng những chia sẻ này giúp các bậc phụ huynh biết được các dấu hiệu điển hình của bệnh cũng như cách chăm sóc khi trẻ bị bệnh.[/DAP]
Lược trích từ chương trình: Giờ sức khỏe - VTC1
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình