Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tay chân miệng và những điều cần biết

Bệnh tay chân miệng là một bệnh lý dễ lây lan nhất là trong giai đoạn chuyển mùa. Đối tượng thường dễ mắc bệnh là trẻ em vì sức đề kháng của trẻ khá yếu. Cha mẹ cần hiểu biết đúng về bệnh để có thể ứng phó kịp thời, kiểm soát dịch bệnh một cách tốt nhất.

Khi nào bệnh tay chân miệng sẽ nặng?

Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, BV Nhi đồng 1, trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng khi có viêm não, màng não, tuỷ sống hay viêm cơ tim, màng ngoài tim, rối loạn nhịp tim.

Làm thế nào để sớm biết trẻ bị các tổn thương nặng?

1. Viêm não, màng não sớm biểu hiện gồm: Đừ, hay kích thích, quấy khóc, bú kém, nôn ói, giật mình, chới với, run chi là 1 trong các dấu hiệu biểu hiện thần kinh sớm.

- Tổn thương nặng hơn khi: Các triệu chứng trên nhiều, thường xuyên hơn hay kéo dài hơn. Kế đến là yếu chi, rung giật, đi loạng choạng, ngủ gà.

- Tình trạng nặng hơn: Co giật, chi vã mồ hôi, ẩm lạnh, mạch nhanh, huyết áp tăng lên, thở nhanh hơn hay có nhịp thở không đều; tri giác rối loạn trẻ lơ mơ, không còn tỉnh táo.

Các diễn tiến trên là tay chân miệng nặng độ 2, 3. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển đến độ 4 (suy hô hấp, sốc, mê) tỷ lệ tử vong cao.

2. Những trẻ có nguy cơ nặng:

- Trẻ < 5 tuổi (trước đây 3 tuổi, sau dịch covid-19 các cháu ít tiếp xúc, không có kháng thể bảo vệ gọi là nợ miễn dịch).

- Trẻ sốt cao > 38.5˚C trên 2 ngày.

- Nhịp tim > 140 lần/phút.

- Kết quả xét nghiệm: Bạch cầu máu > 15000/mm3, đường huyết > 150 mg%, lactate máu > 2 mmol/l.

Làm gì khi con bị tay chân miệng?

1. Các nguyên tắc cần lưu ý:

- Ăn đủ chất, uống nhiều nước, sữa (sữa lạnh có thể giúp giảm đau khi có sang thương ở miệng).

- Uống paracetamol để giảm sốt khi trẻ sốt, giảm đau khi có sang thương ở miệng.

- Theo dõi các dấu hiệu nặng hơn: nếu bắt đầu có các biểu hiện thần kinh sớm nên đưa trẻ đến cơ sở y tế.

- Thông thường sau 1 tuần theo dõi trẻ sẽ ổn và hồi phục.

- Sang thương da sẽ không để lại sẹo (có thể bông tróc đầu da, loạn dưỡng móng).

2. Theo dõi và lưu ý để đưa trẻ đến bệnh viện sớm (có thể yêu cầu được nhập viện theo dõi)

- Sốt cao trên 2 ngày

- Kích thích, đừ, nôn ói nhiều

- Giật mình

- Da nổi bông, lạnh, hay ẩm.

Khi đến bệnh viện trẻ sẽ được điều trị như thế nào?

Tuỳ theo mức độ nặng mà sẽ có hướng dẫn điều trị tương ứng. Trẻ sẽ nằm khoa hồi sức nhiễm, khi có biến chứng thần kinh hay tim mạch nặng. Hoặc nằm khoa nhiễm, khi có biểu hiện độ 1 hay 2.

Các cách điều trị

- Điều trị hạ sốt, giảm đau nếu có sốt và đau

- Điều trị co giật, run chi

- Sử dụng gamma globulin tĩnh mạch khi trẻ có biến chứng thần kinh, tim mạch

- Sử dụng thuốc hổ trợ tim mạch, ECMO khi trẻ viêm cơ tim, suy tim

- Hổ trợ hô hấp khi trẻ suy hô hấp.

- Theo dõi diễn tiến và điều chỉnh thích hợp

- Xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan và tìm tác nhân gây bệnh.

Tất cả điều trị này sẽ được giải thích, hướng dẫn cho gia đình trẻ.

Phòng tránh bệnh tay chân miệng như thế nào?

- Trẻ bệnh cần cách ly cho đến khi hết bóng nước, hết đau miệng (khoảng 7 ngày)

- Rửa tay là biện pháp quan trọng

- Mang khẩu trang

- Vệ sinh bề mặt, cách đồ chơi của trẻ

Hiện ở nước ta chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng.

Trung Quốc có vaccine virus bất hoạt từ 2015 và Đài Loan năm 2022 có vaccine bất hoạt tiêm cho trẻ từ 2 đến 71 tháng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X