Bệnh suy tuyến thượng thận là gì, nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết ra sao?
Tuyến thượng thận gồm 2 tuyến nhỏ hình tam giác nằm trên đầu cả 2 thận. Các tuyến thượng thận sản xuất ra các hormone giúp điều chỉnh sự trao đổi chất, hệ thống miễn dịch, huyết áp, phản ứng với căng thẳng và các chức năng thiết yếu khác. Các tuyến thượng thận bao gồm hai phần: vỏ và tủy, mỗi phần chịu trách nhiệm sản xuất các hormone khác nhau. Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone.
1. Tuyến thượng thận là gì?
Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nhỏ, có dạng hình tam giác, nằm trên đỉnh đầu của cả 2 quả thận. Kích thước tuyến thượng thận tương đương quả óc chó. Mỗi tuyến thượng thận có cấu tạo 2 phần gồm:
- Vỏ thượng thận (phần bên ngoài)
- Tủy thượng thận (phần bên trong).
Những tế bào trong vùng khác nhau của tuyến thượng thận sẽ tạo ra những hormone khác nhau. Ví dụ, phần vỏ thượng thận có chức năng tạo ra các hormone cortisol và aldosterone. Phần tủy thượng thận tạo ra các hormone adrenaline và noradrenaline.
Các hormone của tuyến thượng thận có chức năng hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết, duy trì huyết áp ổn định, cân bằng natri và điện giải, phản ứng với căng thẳng.
2. Suy tuyến thượng thận là gì?
Suy tuyến thượng thận là một rối loạn hiếm gặp, nguyên nhân có thể do bệnh của tuyến thượng thận (suy tuyến thượng thận nguyên phát - bệnh Addison) hoặc do các bệnh ở vùng dưới đồi hoặc tuyến yên, sử dụng thuốc corticoides kéo dài (suy tuyến thượng thận thứ phát).
Khi không được điều trị kịp thời, người bệnh dễ bị suy tuyến thượng thận cấp hoặc khủng hoảng Addisonian dẫn đến biến chứng nguy hiểm đến tính mạng do mất nước nghiêm trọng, hạ natri và không đáp ứng tốt với các biện pháp bù nước thông thường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do căng thẳng, ngưng uống steroid hoặc giảm lượng steroid đột ngột. Nếu không được điều trị, cuộc khủng hoảng Addisonian có thể dẫn đến sốc, co giật, hôn mê, tử vong.
Với cơn suy tuyến thượng thận cấp, người bệnh cần được truyền dung dịch nước muối sinh lý ngay. Sau đó, bác sĩ tiêm hydrocortison hemisuccinat, điều trị chuyên khoa nhằm điều chỉnh nước và điện giải, bổ sung hormone thay thế, theo dõi tình trạng bệnh lý liên tục.
Khi qua cơn nguy kịch, người bệnh cần tiếp tục theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, nếu có dấu hiệu tái phát phải xử trí ngay lập tức. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được chăm sóc, điều trị nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin thiết yếu,…
Các dấu hiệu của suy tuyến thượng thận cấp gồm:
- Da nhợt nhạt, lạnh, cảm giác nhớp nháp.
- Người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy nặng.
- Thở nhanh, khó thở, chóng mặt đi kèm với đau đầu dữ dội.
- Suy yếu cơ bắp nghiêm trọng, mất ý thức.
Lưu ý, 24 giờ đầu tiên sau khi có dấu hiệu suy tuyến thượng thận cấp là giai đoạn nguy hiểm. Tình trạng mất nước, sốt cao, mất tri giác, loạn mạch… có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người bệnh cần được nhập viện theo dõi, làm xét nghiệm kiểm tra mỗi 4 - 6 giờ để đánh giá tình trạng bệnh.
Xem thêm: Để xác định bệnh suy tuyến thượng thận cần làm các xét nghiệm gì và chi phí bao nhiêu?
3. Nguyên nhân gây bệnh suy tuyến thượng thận
a. Suy tuyến thượng thận nguyên phát
Nguyên nhân phổ biến nhất của suy tuyến thượng thận nguyên phát là bệnh tự miễn dịch, nghĩa là hệ thống phòng thủ của cơ thể tấn công và phá hủy các mô của chính cơ thể. Khi tuyến thượng thận bị tổn thương, chúng không thể sản xuất hormone ortisol và aldosterone.
Các nguyên nhân khác của suy tuyến thượng thận nguyên phát gồm: chảy máu trong các tuyến, nhiễm trùng, bệnh di truyền và phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận.
b. Suy tuyến thượng thận thứ phát
Suy thượng thận thứ phát là tình trạng tuyến yên không sản xuất đủ hormone ACTH (adrenocorticotropin) khiến tuyến thượng thận không tạo đủ cortisol.
Các nguyên nhân dẫn đến suy tuyến thượng thận thứ phát gồm: u tuyến yên, tuyến yên bị cắt bỏ hoặc điều bị bằng bức xạ, các bộ phận của vùng dưới đồi bị loại bỏ, ung thư di căn tuyến thượng thận,…
Nguyên nhân thường gặp ở Việt Nam còn do sử dụng corticoid kéo dài, thường gặp ở bệnh nhân hen suyễn, viêm khớp dạng thấp.
c. Nguyên nhân suy thượng thận cấp
- Do stress
- Do chảy máu, hoại tử tuyến thượng thận cấp.
- Do hoại tử tuyến yến cấp.
- Do suy thượng thận mạn bỏ điều trị hoặc có stress.
4. Dấu hiệu suy tuyến thượng thận mạn
Triệu chứng suy tuyến thượng thận ở mỗi người sẽ khác nhau. Những dấu hiệu này có thể giống với các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, suy tuyến thượng thận có thể dẫn đến cơn suy thượng thận cấp đe dọa tính mạn.
Các dấu hiệu của suy tuyến thượng thận mạn:
- Mệt mỏi, chóng mặt.
- Da sẫm màu; vùng núm vú, miệng, trực tràng, bìu, âm đạo bị xanh đen.
- Sụt cân, chán ăn không rõ nguyên nhân.
- Thường xuyên bị buồn nôn, nôn mửa, bụng cồn cào khó chịu, tiêu chảy.
- Đau cơ, có cơn đau đột ngột ở lưng hoặc ở dưới chân.
- Huyết áp thấp, hạ đường huyết, nhịp tim cao.
- Vô kinh, kinh nguyệt không đều.
- Những cơn sốt xuất hiện thường xuyên gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe.
- Cảm giác đổ mồ hôi, cơ thể bị lạnh
Ngay khi thấy các dấu hiệu trên, người dân nên đi khám bác sĩ, thông báo rõ triệu chứng và tình trạng để bác sĩ có những chỉ định điều trị phù hợp.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình